Ai là người ứng cử đại biểu quốc hội được tổ chức phản động hậu thuẫn?

Các kỳ bầu cử đại biểu quốc hội trước cũng có nhiều người tự ra ứng cử, nhưng không thấy có thông tin một số trường hợp tự ứng cử được tổ chức phản động đứng đằng sau… – Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng ĐBQH Thanh Hóa

clip_image001

Thông tin chính xác về người ứng cử, cử tri sẽ có cơ sở lựa chọn. (Ảnh: Internet)

Ngày 15.3, Đoàn giám sát công tác bầu cử do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử TP.Hà Nội. Tại buổi làm việc này, một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.

Thành viên đoàn giám sát này đã thông tin, trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động. Tuy nhiên, vị này không nêu cụ thể trường hợp nào.

Bình luận trước vấn đề này, ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa – cho biết: Các kỳ bầu cử ĐBQH trước cũng có nhiều người tự ra ứng cử, nhưng không thấy có thông tin một số trường hợp tự ứng cử được tổ chức phản động đứng đằng sau.

“Sau khi thấy thông tin như trên, tôi rất ngạc nhiên vì đây là vấn đề mới xuất hiện gần đây” – ông Cuông đặt vấn đề.

Theo ông Cuông, nếu như có người ra ứng cử mà có bàn tay từ nước ngoài can thiệp vào sẽ không đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam, và khi hiệp thương những trường hợp đó sẽ bị loại ra. “Phát hiện sớm những trường hợp có vi phạm để loại ra sớm là điều rất tốt. Còn nếu phát hiện muộn, việc xử lý rất phức tạp” – ông Cuông đánh giá.

Tuy nhiên, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng nêu quan điểm, nếu chưa có chứng cứ xác thực mà chỉ là nghi vấn hay tin đồn thì phải xác minh làm rõ ngay. Nếu chưa đủ căn cứ để khẳng định trường hợp tự ứng cử đó có vi phạm, trong khi hồ sơ ứng cử của họ hợp lệ phải đưa vào hiệp thương theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Cuông, việc thông tin như vậy cũng là để cảnh báo cho dư luận, để cử tri cảnh giác. Tuy nhiên đối với những ứng cử viên chân chính, họ cũng sẽ bất bình bởi thông tin đó cũng gây ảnh hưởng nhất định tới uy tín của họ.

“Đây cũng là vấn đề tế nhị cho nên cần có phương pháp phù hợp xử lý. Làm sao để người chân chính ra ứng cử vẫn được tạo điều kiện tối đa thực hiện quyền công dân của mình, còn người vi phạm pháp luật phải bị loại ra. Nếu thông tin chỉ dừng lại chung chung kiểu “một số người tự ứng cử có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài” mà không nêu cụ thể là ai sẽ làm cho “vàng thau lẫn lộn”, gây khó cho cử tri và chính những ứng viên khác. Dư luận và cử tri không rõ trong số người tự ra ứng cử ĐBQH ai là chân chính, ai có vấn đề. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của những người ứng cử nói chung” – ông Cuông chốt lại.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/03/ai-la-nguoi-ung-cu-bqh-uoc-to-chuc-phan.html

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.