Đức hạnh của kẻ cầm quyền

Tìm cách để giảm thiểu bất công, soi chiếu ánh sáng công lý vào những nơi không thể đó mới chính là đức hạnh của người cầm quyền, đức hạnh của công dân

clip_image002

Liên tục những sự kiện bùng nổ trong nhiều ngày qua đã thu hút nhanh mối quan tâm của xã hội, trong số đó phải kể đến là sự kiện Sầm Sơn, thiếu tá công an xã xách súng vào khủng bố trường học ở Gia Lai, luật số 15 gây ách tắc việc điều tra tham nhũng…

Những chuyện lớn lao đó đã đủ lấp đầy suy nghĩ, che lấp nhiều điều thú vị khác trong đời sống.

Một trong những chuyện, nên được nhắc lại, đó là việc ông Huỳnh Văn Nén tiếp tục theo đuổi vụ án của đời mình lại tiếp tục gây nên nhiều dư luận.

Người tù oan, có thời gian bị giam giữ đến hơn 17 năm ở tỉnh Bình Thuận, sau khi trở về nhà, đã kiên trì tiếp tục mục đích của ông là đưa 14 người có chức vụ ra toà, đối mặt với công lý.

Đầu tháng 3, cục Điều tra viện KSND tối cao đã hồi đáp đơn yêu cầu điều tra của ông Huỳnh Văn Nén. Câu chuyện cuộc đời của ông Huỳnh Văn Nén, được giới luật sư gọi tên là đại kỳ án của quốc gia xem ra vẫn tiếp diễn, và chắc là sẽ mở ra thêm nhiều điều đáng chiêm nghiệm từ ngành tư pháp Việt Nam hiện nay.

Có không ít dư luận quanh sự kiện này. Có người cho rằng hành động quyết liệt này của ông Huỳnh Văn Nén là cần thiết, và người dân chờ đợi vào kết quả như một thái độ đúng của công dân.

Nhưng cũng có ý kiến rằng ông Nén đã “làm quá”, vì đã được xét bồi thường từ 10 – 12 tỷ đồng, và được cả nước chia sẻ vụ án oan này.

Thật mới mẻ với người Việt, khi chứng kiến một người tù oan quyết đi đến tận cùng của sự việc, so với thói quen cam chịu, im lặng và dễ dàng chấp nhận từ nhiều năm nay.

Cuối năm 2015, trong một cuộc gặp mặt do báo Infonet tổ chức, tôi có được may mắn tiếp xúc với ông Huỳnh Văn Nén cùng gia đình, thầy Nguyễn Thận và luật sư Phạm Công Út, những người đeo đuổi chuyện minh oan cho ông Nén.

Ông Nén bị công an điều tra đánh đập, đe doạ… buộc phải nhận tội giết hai người trong vùng của ông, giấu nhẹm cả đơn tố cáo hung thủ thật.

Điều khiến tôi hay nhớ về ông Nén, đó là một gương mặt đầy nếp nhăn giấu kín mọi suy nghĩ. Rất khó phân biệt được biểu cảm của ông là đang cười hay đang khóc.

Chỉ đến khi thấy giọt nước mắt của ông im lặng chảy xuống, thì mới biết. Mà lúc đó thì chung quanh cũng rất nhiều người khóc, mắt đỏ hoe. Những người đàn ông thì khóc không thành tiếng, mặt rúm ró vì những quặn đau trong lòng.

Ông Nén là người hiếm hoi, không chịu ngồi xuống và hài lòng với phần đời còn lại qua số tiền bồi thường khổng lồ. Nơi ông Nén đang sống, chỉ cần có một tài sản 1 tỷ đồng đã là đại phúc, thế nhưng ông được hứa hẹn là sẽ có gấp mười lần như vậy.

Có lời bình luận rằng có thể ông Nén còn chất chứa hận thù hoặc trở nên cơ hội trong sự kiện đời mình, nhưng quan trọng nhất, đích đến của ông Nén vẫn vô cùng công chính, đó là công lý.

Ngày 3/12/2015, ông Huỳnh Văn Nén được phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận lạnh lùng đọc thư xin lỗi công khai. Trong 30 phút của buổi xin lỗi đó, ông Nén nhiều lần nhắm nghiền mắt, im lặng, tay buông thõng.

Có lẽ ký ức của ông dội về, với những ngày tháng ông cùng tám người thân trong gia đình bị giam cầm, nhà cửa không còn, cái chết đến cùng bữa ăn hàng ngày.

Ông Nén từng cởi áo giữa toà để chứng minh mình bị đánh đập, bức cung ra sao. Nhưng nhiêu đó thì không đủ, làm sao tả hết những ngày ông bị trói vào ghế, công an điều tra dùng chân mang giày đá liên tục vào ống chân đến thâm đen. Đến mức ông té xuống, khóc, xin tha, thì bị công an viên trẻ như con mình quát “cho mày chết luôn”.

Người thân của ông, bị giữ để điều tra ở nhà tạm giam nữ, khi đến chu kỳ tháng phải tự xé quần làm băng vệ sinh, chứ không được cấp phát theo quy định, vì bị người điều tra tuyên bố “không nhận tội thì ráng chịu”.

Ông Nén chắc không ngờ vì sao mình trở thành kẻ phạm tội, và vì sao phải nhận tội. Một buổi tối ghé xin ít rượu đế từ nhà hàng xóm với lời nói đùa “uống để gột rửa tội lỗi” đã biến ông thành nghi can số một.

Đã có lúc ông Nén muốn chết vì quá đau đớn thân xác và tinh thần, nhưng ông đã không thể làm vậy, vì nếu ông còn sống thì công lý còn một hy vọng, sự thật còn một cơ hội. Công lý không đơn giản là một lời xin lỗi công khai, không là con số 10 hay 12 tỷ đồng.

Công lý là ánh sáng giữa cuộc đời tưởng chừng như tuyệt lộ này, công lý là đòi hỏi việc xiển dương sự thật cũng như vạch mặt những kẻ không đủ khả năng để phục vụ cho sự thật.

Khi ông Nguyễn Phúc Thành gửi đơn tố cáo thủ phạm thật, xin giải oan cho ông Nén, thì bị điều tra viên chỉ mặt “mày muốn chết à? Tao cho mày chết”.

Sau vụ án của ông Nén, điều tra viên đó ra Hà Nội ung dung hành nghề luật sư. Thậm chí số tiền dự trù 10 – 12 tỷ đền bồi cho ông Huỳnh Văn Nén cũng lấy từ tiền thuế của người dân, chứ 14 cán bộ liên quan đến vụ án của ông Nén không hề thiệt hại mảy may.

Nhưng ông Huỳnh Văn Nén hay Nguyễn Thanh Chấn chỉ là những trường hợp may mắn được giải oan, còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được biết tới đang rên xiết trong phòng điều tra, mơ ước một sự công tâm?

Hãy cám ơn ông Huỳnh Văn Nén. Ông không đi tìm công lý cho riêng mình, mà đang dựng lại ngôi nhà chung cho mọi người. Ngôi nhà đó có cánh cửa lớn tràn ngập ánh sáng chứ không âm u với những chấn song lờ mờ chực chờ.

“Công lý chính là thứ đức hạnh hàng đầu của kẻ cầm quyền”, Denis Diderot (1713 – 1784), nhà triết học Pháp có để lại lời nhắn đó từ thế kỷ thứ 18. Lời xin lỗi hay một mớ tiền bồi thường không thể đánh tráo khái niệm đó là công lý và đức hạnh của một quốc gia.

Tìm cách để giảm thiểu bất công, soi chiếu ánh sáng công lý vào những nơi không thể đó mới chính là đức hạnh của người cầm quyền, đức hạnh của công dân.

Và hơn ai hết, xin hãy ngả nón chào người từng bị giam cầm 17 năm 5 tháng 11 ngày ấy, vì chính ông đang thay chúng ta, lặng lẽ hành động vì đức hạnh của ngành tư pháp, vì tương lai trên đất nước này.

T.K.

Nguồn: http://tiepthithegioi.vn/moi-nong/tuan-khanh-duc-hanh-cua-ke-cam-quyen/

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.