Đây là Tuấn.
Tuấn tên đầy đủ là Nguyễn Mai Trung Tuấn, chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 16 của mình vào ngày 31/3 tới trong nhà tù tỉnh Long An.
Tuấn có một tuổi thơ đầy bất hạnh và bi hùng.
Năm lên 10 tuổi, Tuấn đã phải sống một cuộc sống bất an với một tương lai vô định đã được dự báo trước khi chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ra quyết định thu hồi nơi ở của gia đình Tuấn.
13 tuổi Tuấn đã phải mang biểu ngữ đi lang thang tố cáo cường quyền địa phương thu hồi đất đai bồi thường không thỏa đáng.
14 tuổi Tuấn cầm loa nói dõng dạc nói bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt trước ngôi chợ đông người qua lại: “Human Rights for Vietnam. Nhân quyền cho Việt Nam”.
15 tuổi Tuấn cùng gia đình lập bàn thờ trước nhà, đeo khăn tang và cầm vũ khí sẵn sàng chống trả trong tuyệt vọng để bảo vệ nơi ở của gia đình.
Rồi một ngày,
Lực lượng cưỡng chế gần 300 người hùng hậu kéo đến, Tuấn dùng nạn bắn bi, bắn từ xa uy hiếp,
Khi lực lượng cưỡng chế tiến gần hơn Tuấn dùng chai thủy tinh chứa xăng ném ra cảnh báo.
Khi lực lượng cưỡng chế vẫn quyết tâm xông vào, Tuấn sử dụng acid (của cha Tuấn hành nghề sửa xe máy, mua về trước đó một năm dùng để sạc bình ắc quy) tạt vào những người đã xông vào nhà mình.
Trưởng công an xã lãnh trọn ca acid này, bị thương tật ở lưng 35% theo cáo trạng mô tả.
Tuấn cùng những thành viên trong gia đình tham gia phản kháng bị bắt giữ ngay lúc đó, nhưng Tuấn được thả sau hai ngày bị giam giữ.
Tôi đã liên hệ với Tuấn và nói rằng:
“Nếu như em chọn sự im lặng. Tập trung học hành thì tụi nó có thể tha cho em. Còn em chọn con đường tiếp tục đấu tranh thì tụi nó sẽ bắt em lại đó”.
Tuấn cho biết: “Em đã nghỉ học trước đó rồi. Một tuần trước khi xảy ra vụ cưỡng chế em không dám đi học. Em sợ nhân lúc em đi học, tụi nó sẽ xông vào cưỡng chế”.
Tôi vẫn khuyên Tuấn hãy đi học lại vì tương lai và vì an toàn của chính em vào lúc này, thì Tuấn cho biết: “Em không sợ! Gia đình em như vậy em không còn tâm trí để đi học nữa. Em sẽ nghỉ học để đi tìm cách cứu cha mẹ em”.
Và Tuấn hành động,
Tuấn đi tìm luật sư bào chữa cho cha mẹ mình,
Tuấn tố cáo hành vi sai trái của chính quyền trên truyền thông,
Tuấn bây giờ không còn đòi nhà đòi đất, mà đòi nhân quyền, đòi những quyền căn cản của con người trong đó có quyền bất khả xâm phạm vào nơi ở và cần được bảo hộ trước sự tước đoạt tùy tiện.
Tuấn bị bắt lại khoảng hai tháng sau đó bằng một lệnh truy nã.
Buồn cười là lệnh truy nã không được công khai để quần chúng nhân dân biết, mà lại đóng dấu mật.
Bản giám định pháp y của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Long An (một cơ quan không độc lập với chính quyền) kết luận thương tích 35% cho Trưởng công an xã, để đủ để truy tố Tuấn cũng được đóng dấu mật.
Chính quyền Thạnh Hóa đem Tuấn ra tòa xử sơ thẩm vào ngày 24/11/2015.
Khi xét xử,
Tuấn bình thản,
Và bình tĩnh,
Nói năng lưu loát,
Thái độ này đã thể hiện Tuấn không còn là một đứa trẻ nữa, mà như một chiến binh được tôi luyện qua một trận đánh lớn, và như một chiến sỹ đấu tranh kiên cường thật sự.
Luật sư Mieng bào chữa, viện dẫn Công ước Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã gia nhập năm 1991 để bảo vệ Tuấn, nhưng vị Công tố đã phản bác rằng “luật sư đưa ra cái công ước quốc tế gì đó tước quyền trẻ em là không hợp lý”, cho thấy có lẽ đây là lần đầu tiên vị ấy nghe đến Công ước này trong sự nghiệp làm công tố của mình.
Tuấn bị kết án 4,6 năm tù.
Trước đó 11 thành viên gia đình và bạn bè của gia đình Tuấn bị kết án tổng cộng 33 năm tù trong vụ phản kháng này.
Tuấn nhỏ tuổi nhất, nhỏ con nhất nhưng lĩnh án nặng nhất.
Bức xúc trước một quy trình đưa Tuấn vào tù, ông Dũng Hoàng gọi điện chất vấn một trong hai người đã ký vào biên bản giám định pháp y về thương tật do Tuấn gây ra là 35% để dẫn đến việc truy tố Tuấn, thì bà bác sỹ này đã trả lời là “không biết”.
Thương cảm trước hoàn cảnh và nhận ra những sai sót trong việc kết án Tuấn, 9 luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho Tuấn ở phiên tòa phúc thẩm – một việc chưa từng có về số lượng luật sư tham gia bào chữa cho một người ở Việt Nam.
Tòa phúc thẩm Long An diễn ra vào ngày 1/2/2016 tiếp tục mắc sai sót cơ bản khi đem Tuấn ra xét xử lưu động là trái nguyên tắc luật định khi xét xử trẻ em.
Phiên tòa phúc phẩm đã hủy khi xét xử được vài tiếng vì sự phản ứng của các luật sư.
Sau đó, ngày xét xử lại được ấn định vào ngày 2/3 tới.
Cho đến lúc này Hội Bảo vệ quyền trẻ em (thuộc Bộ LĐTBXH) vẫn “im hơi lặng tiếng”, và không cử người tham gia, theo dõi phiên tòa đối với một vụ án kinh điển và được dư luận quan tâm như trường hợp của Tuấn.
Từ một đứa trẻ được thầy cô đánh giá là học khá, ngoan ngoãn, lễ phép trên ghế nhà trường đã phải bỏ học, về nhà cầm vũ khí bảo vệ nhà cửa đất đai và sau đó phải bị tù đày, lỗi tại ai?
Chính quyền được lập ra là để bảo vệ an toàn và phục vụ hạnh phúc cho người dân hay là để đưa đẩy một người dân vào thế khốn cùng, để buộc một trẻ em như Tuấn phải nổi dậy cầm vũ khí chống lại áp bức?
Thế hệ này cần trả lời cho Tuấn. Trước tiên là chính quyền huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An.
Hãy trả lời đi!
Nguồn: FB Phạm Lê Vương Các