Hội nghị Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã diễn ra trong hai ngày 16 & 17 tháng 2 vừa qua tại Sunnylands, tiểu bang California. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN được tổ chức tại Hoa Kỳ, đặc biệt là mới sau khi cộng đồng ASEAN chính thức ra đời từ ngày 1/1/2016.
Trước đây, chính sách ngoại giao Hoa Kỳ không mấy coi trọng ASEAN vì sự phân tán và chia rẽ giữa các thành viên trong khối. Mọi quyết định cần phải đạt đồng thuận của tất cả thành viên. Cơ chế điều hợp lại yếu kém cùng với chính sách không can thiệp các vấn đề nội bộ biến ASEAN thành diễn đàn hội họp bất tận nhưng không dẫn đến quyết định cụ thể nào. Đó là chưa kể đa số các quốc gia ASEAN có nhiều vấn đề liên quan tới thể chế cai trị thiếu dân chủ và không tôn trọng nhân quyền đúng mức.
Khi Tổng thống Obama nhậm chức và thúc đẩy chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình dương, Mỹ quyết định đẩy mạnh chính sách ngoại giao và tiếp cận ASEAN mạnh mẽ hơn. Trước hết là chấp nhận ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 2009 tạo điều kiện cho Tổng thống Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hàng năm với các lãnh tụ ASEAN, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Năm 2010, Mỹ thành lập Đại sứ thường trực bên cạnh ASEAN và tiến hành phiên họp thường niên với ASEAN từ năm 2013. Khủng hoảng ngân sách cùng với mâu thuẫn giữa chính phủ và Quốc hội Mỹ làm Obama hủy chuyến đi tham dự APEC tại Bali và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei trong năm 2013. Sự kiện này làm một số người đặt dấu hỏi về mức độ quan tâm của Hoa Kỳ đến tương lai kinh tế cũng như an ninh của đồng minh trong khu vực trước chiến thuật lát cắt xúc xích của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước viễn ảnh cộng đồng ASEAN được thành lập phỏng theo mô hình của khối Liên Âu, Mỹ quyết định nâng cao quan hệ với ASEAN thành đối tác chiến lược tại Kular Lumpur vào tháng 11 năm 2015.
Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống Obama cho biết là ông quyết định tổ chức Hội nghị tại Sunnylands là vì ông hiểu được “con người, vẻ đẹp cũng như sức mạnh của Đông Nam Á” từ kinh nghiệm bản thân từng sống với mẹ ông trong thời niên thiếu ở Indonesia. Đó là lý do tại sao ông không tổ chức hội nghị tại thủ đô Washington vì thời tiết ở đó rất lạnh lẽo và tuyết trắng phủ dày, so với Sunnylands ấm áp và tươi đẹp. Nếu để ý kỹ đến các tấm hình chụp cảnh đón tiếp lãnh tụ ASEAN, Obama lúc nào cũng kính cẩn nghiêng mình và nở nụ cười thân thiện trên môi. Có thể nói, Hoa Kỳ dưới hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã tận dụng quyền lực mềm của một siêu cường quốc một cách có hiệu quả với ASEAN.
Một vài người nghi ngờ về tầm mức quan trọng của Hội nghị Sunnylands vì Tổng thống Obama và Aquino III sắp mãn nhiệm kỳ. Tổng thống Miến Điện Thein Sein không tham dự vì phải giám sát tiến trình chuyển giao quyền hành cho chính phủ mới do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo mà cử Phó Tổng thống Nyan Tun đi thay thế. Việt Nam lúc đầu không có ý định cử Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa bị loại khỏi Bộ Chính trị sau Đại hội 12 trong tháng Giêng vừa qua đến Sunnylands nhưng đổi ý sau khi có sự vận động từ phía Hoa Kỳ, chứng tỏ quan hệ giữa hai bên ngày càng sâu sắc. Thật ra cá nhân không quan trọng bằng chính sách quốc gia và cấu trúc quan hệ. Mỹ và ASEAN chọn quan hệ đối tác chiến lược vì đó là lợi ích chung của cả hai bên trước những động thái hung hãn của Trung Quốc tại Biển Đông. Cho dù nhân sự lãnh đạo có thay đổi nhưng lợi ích quốc gia thì vẫn còn đó. Ví dụ như TPP là do Tổng thống Bush khởi đầu từ năm 2008 nhưng Obama kết thúc đàm phán cuối năm ngoái và mới ký hồi đầu năm nay. Dự đoán là vị Tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp sẽ hoàn tất tiến trình phê chuẩn.
Trở lại với Sunnylands, kinh tế và an ninh là hai đề tài chính yếu. Với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 2.500 tỷ Mỹ kim, ASEAN là một thị trường có tầm cỡ đối với Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và ASEAN trong năm 2014 lên tới khoảng 216 tỷ Mỹ kim so với 591 tỷ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các nước ASEAN lên tới 226 tỷ, cao hơn tổng số vốn đầu từ vào ASEAN của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong 10 thành viên ASEAN thì có 4 là Singapore, Mã Lai, Việt Nam và Brunei đã gia nhập TPP và 3 quốc gia khác là Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng muốn gia nhập. Tuy cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức ra đời vào ngày 1/1/2016 nhưng chắc chắn còn còn vướng nhiều trở ngại và thách thức trên con đường tiến tới một thị trường chung năng động và hấp dẫn như Liên Âu. Hoa Kỳ đã đề xuất chương trình Nối Kết Mỹ – ASEAN mà theo đó, Mỹ sẽ thành lập một số trung tâm tại Singapore, Jakarta và Bangkok để điều hợp quan hệ kinh tế và kết nối giới doanh nghiệp và đầu tư Hoa Kỳ làm ăn trong khối ASEAN.
Tuyên bố chung được đưa ra cuối Hội nghị tại Sunnylands bao gồm 17 điểm nguyên tắc chính yếu hướng dẫn quan hệ hợp tác giữa Mỹ và ASEAN gồm có sự tôn trọng những nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, theo đuổi những chính sách kinh tế năng động, cởi mở và có tính cạnh tranh, cải thiện tinh thần sáng nghiệp và kết nối, củng cố dân chủ, quản trị minh bạch và tinh thần tuân thủ pháp trị, cổ súy và bảo vệ nhân quyền, giải quyết tranh chấp bằnh biện pháp hòa bình phù hợp với luật quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tuy không có mặt nhưng cái bóng Trung Quốc bao phủ Sunnylands. Cùng lúc với Tuyên bố chung là tin tức do Fox News cung cấp rằng Trung Quốc đã đưa hỏa tiễn ra đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa. Tin này ngay sau đó đã được Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận. Không biết đây có phải là một trường hợp ngẫu nhiên hay là có người đã xì tin này cho Fox News đưa ra trùng lúc với Tuyên bố Sunnylands?
Quyết định này của Trung Quốc mặc dù Tập Cận Bình đã tuyên bố là không có ý định quân sự hóa Biển Đông chắc chắn sẽ làm cho Mỹ và các nước trong vùng xem xét lại chiến dịch tự do hàng hải vì tàu chiến Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn nằm trong tầm ngắm của hỏa tiễn Trung Quốc. Chắc chắn là tình trạng căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trong những ngày tháng sắp tới.
Một diễn biến tích cực là Hoa Kỳ và Liên Âu đã đồng thanh lên tiếng và bày tỏ quan điểm rõ ràng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết về vụ kiện “Đường Lưỡi bò” của Tòa Trọng tài về Luật Biển dự đoán sẽ được ban hành trong tháng 5 tới đây. Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu bác bỏ phán quyết của Tòa. Trong chuyến công du gần đây, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng đã nói với Vương Nghị là Úc ủng hộ quyền tiến kiện của Philippines dưới UNCLOS. Dĩ nhiên là Trung Quốc bực mình với lập trường này của Úc. Cộng đồng quốc tế cần có một tiếng nói đồng nhất về vấn đề này. Như vậy thì Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị cô lập và chỉ có thế mới khiến Trung Quốc chấp nhận từ bỏ yêu sách phi lý về chủ quyền đường 9 đoạn.
Vấn đề còn lại là lập trường của Việt Nam. Một lần nữa, Việt Nam lại gửi công hàm có tính chiếu lệ phản đối việc Trung Quốc đưa hỏa tiễn ra Hoàng Sa. Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp trên biển dựa trên một số quy định gồm có kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và quan trọng nhất là quy định về việc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Rõ ràng là những công tác xây dựng đảo tôn tạo, đường băng và mang hỏa tiễn ra đảo trái ngược với những nguyên tắc cơ bản mà hai bên đã thỏa thuận. Có nghĩa là lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm và trong thời gian tới chắc chắn là Trung Quốc sẽ còn lấn lướt và từng bước quân sự hóa Trường Sa.
Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nhưng theo Gs Alexander Vuving, nhưng nó cũng là một cơ hội để Việt Nam “xốc lại chính mình. Việt Nam cần tăng cường cả nội lực và ngoại lực. Một đất nước chỉ có thể mạnh nếu từ lãnh đạo đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Trước hết Việt Nam phải hết sức coi trọng vấn đề này, không thể coi nó là “chuyện nhỏ trong bức tranh lớn”. Nếu chỉ vì sự yên ổn trước mắt mà từ chối các bước đi có thể tăng nội lực và ngoại lực thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của mình về lâu dài“.
Tuy nhiên sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam 12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và đã tuyên bố là Việt Nam kiên định con đường “xã hội chủ nghĩa”. Có nghĩa là Việt Nam chọn tiếp tục với thể chế độc tài đảng trị, chà đạp nhân quyền, ngăn cấm truyền thông tư nhân, độc lập, chối bỏ sự thật về lịch sử các cuộc hải chiến Hoàng sa và Trường Sa và chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Như vậy thì Việt Nam sẽ không bao giờ xây dựng được nội lực và ngoại lực và nguy cơ mất chủ quyền tại Trường Sa chỉ là vấn đề thời gian.
N. V. T.
Tác giả gửi BVN.