Phản hồi về bài viết của hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh: Đám tang Đại tướng

Cù Huy Hà Vũ ký họa

Cù Huy Hà Vũ ký họa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa mất, nhưng đã có ít nhất hai bài viết bàn về chuyện hậu sự cho ông. Tự dưng, thấy lòng mình có gì đó như… hẫng hụt!

Đó là bài “Phải đối xử với Đại tướng Tổng tư lệnh đúng với vai trò một khai quốc công thần” trên trang Bauxite Việt Nam và bài “Chuyện hậu sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp” trên blog Nguyễn Xuân Diện.

Bài viết trên Bauxite Việt Nam là của hai ông tướng lừng danh: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Hai nội dung chính, cũng là hai nỗi lo trong bài viết là: sợ Nhà nước không tổ chức quốc tang cho Đại tướng và sợ căn nhà 30 Hoàng Diệu của Đại tướng sẽ bị lấy đi dùng cho việc khác.

Tôi không tin có việc này, không tin Nhà nước không tổ chức quốc tang cho Đại tướng và không tin ngôi nhà 30 Hoàng Diệu sẽ bị… lấy đi!

Đành rằng qui định của Nhà nước chỉ quốc tang với 4 ngôi hàng nguyên thủ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Nhưng thật ra, đã có những nhân vật vượt tầm nguyên thủ. Ông Giáp là người trong số đó. Và nói như Nguyễn Xuân Diện: nếu Nhà nước không tổ chức quốc tang thì chính nhân dân sẽ tổ chức quốc tang cho họ!

Tôi tin, cũng không phải vì hai điều này khiến tướng Đồng Sĩ Nguyên và tướng Vĩnh lo đến vậy. Dường như, họ chỉ nói ra hai điều giản đơn nhất, dễ nghe và dễ đồng ý chấp nhận nhất đối với tang lễ ông Giáp. Chỉ hai điều giản đơn ấy (giản đơn đến mức tôi không thể tin rằng nó sẽ xảy ra, không thể tin rằng Nhà nước lại không nghe) tại sao lại phải lo đến vậy? Dường như trong lòng 2 ông tướng có điều chi bất ổn, hụt hẫng?

Điều đáng nói, theo tôi, ở chính dấu hiệu bất ổn và hụt hẫng này.

Võ Nguyên Giáp là một nhân vật kỳ lạ, một hiện tượng kỳ lạ. Ra nước ngoài, khi nói đến Việt Nam, cái tên Võ Nguyên Giáp được nhắc đến chỉ sau 3 chữ Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cuộc đời ông cũng là một chuỗi trăm năm với những khúc cua không hiểu nổi, có những quãng thời [gian] ông im lặng đến lạ kỳ, đến tưởng như không còn là Võ Nguyên Giáp. Những năm tháng cuối đời, ông đột nhiên “trở lại”, đánh động dư luận bằng hàng loạt ý kiến phản đối về mở rộng Thủ đô, phá Hội trường Ba Đình, bauxite Tây Nguyên… Có thể, tất cả những phản kháng gan ruột nơi ông không lay chuyển được gì, nhưng ít nhiều thêm một lần nữa, cái tên Võ Nguyên Giáp lại trở thành chỗ dựa tin cậy cho một tầng lớp đông đảo nhân sĩ trí thức.

Vì thế, sự ra đi của ông sẽ là điều hụt hẫng. Dấu hiệu hụt hẫng này mới là điều đáng nói. Sau ông (và trước đó là Võ Văn Kiệt) liệu còn có được nhân vật nào dám lên tiếng trước những câu chuyện lớn như trên, liệu còn có “cụ” nào xứng đáng để lớp nhân sĩ trí thức tin dựa?

Tất nhiên, trong những câu chuyện như mở rộng Thủ đô, Hội trường Ba Đình, bauxite Tây Nguyên…, tôi vẫn thấy Đại tướng chỉ tác động như một tiếng hô, chứ chưa dám đi đến cùng. Tôi nghĩ, Đại tướng vẫn có cách giữ được Hội trường Ba Đình, giữ được bauxite Tây Nguyên, nhưng ông đã không chọn cách ấy. Cách giữ này, dịp nào thích hợp tôi sẽ nói cụ thể. Chỉ biết rằng nếu Đại tướng “đi đến cùng” như tôi nghĩ, giả nếu vẫn không cứu được Hội trường Ba Đình, bauxite Tây Nguyên thì khi đó sẽ cứu được cái lớn lao hơn.

Nhưng dù sao với tôi, nếu để chọn cho mình một ông xứng danh Đại tướng – người đó chỉ có thể là Võ Nguyên Giáp!

Vì thế, việc tang lễ cho Đại tướng, và câu chuyện ngôi nhà 30 Hoàng Diệu không phải là mối lo. Giả sử Nhà nước vẫn không nghe, vẫn không chịu làm quốc tang cho Đại tướng, thì nói như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: lúc đó dân chúng sẽ làm quốc tang cho ông. Quốc tang trong lòng dân mới thật là tang. Và giả như có bắn hai mươi mốt phát đại bác tiễn Đại tướng về giời thì ông cũng không vĩ đại thêm. Giả như không còn ngôi nhà 30 Hoàng Diệu thì những “kỷ vật Đại tướng” cũng không vì thế mà mất đi.

Vậy thì tại sao lại cứ phải lo vào điều không đáng lo?

Tôi không lo hai điều này. Tôi chỉ thấy hụt hẫng, một cảm giác hẫng hụt như sắp bị ai đó cướp đi của mình một điều gì đó quí giá, thiêng liêng.

Không biết, sự bất ổn, hụt hẫng tầm… tướng của ông Đồng Sĩ Nguyên và ông Vĩnh có giống cảm giác hẫng hụt đang ập đến trong tôi lúc này? Khi cụ Hồ chết, tôi còn quá nhỏ nên không biết và không nhớ cảm xúc của mình. Nhưng từ khi biết, từ khi cảm nhận được, có hai cái chết hàng nguyên thủ Việt khiến tôi có cảm giác hụt hẫng, đó là cái chết của ông Võ Văn Kiệt và sắp tới là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Kiệt đột tử. Ông chết giữa lúc không ai tin rằng ông sẽ chết, chết trong khi ông đang hùng hồn, nhiệt huyết (dù đã nghỉ hưu), khi báo chí, nhân sĩ trí thức và một tầng lớp dân chúng không nhỏ vẫn luôn kỳ vọng vào ông, coi ông như… chỗ dựa tin cậy!

Ông Giáp Đại tướng chưa mất, nhưng sự ra đi của ông đã được báo trước cả năm rồi. Vậy mà vẫn đột ngột, vẫn hẫng hụt như thấy đất đang lún dưới chân mình!

Cù Huy Hà Vũ ký họa
Hai bức hình về Đại tướng mà tôi thích

Nguồn: http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/230353


*************

Ý kiến của Nguyễn Xuân Diện:

– Vậy là rồi nhất định sẽ đến ngày Đại tướng từ biệt trần gian. Đến ngày đó, không biết quân dân ta có chịu đựng nổi không? Lòng quân dân thương tiếc Ông có thể sánh với khi Hồ Chủ tịch mất năm 1969.

– Công lao và Đạo đức Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả dân tộc tôn vinh, cả nhân loại ngưỡng mộ. Đó là điều ai cũng biết. Bất luận tiêu chí tiêu chuẩn nào, thì việc tổ chức Đại tướng theo nghi lễ quốc tang là đương nhiên. Nếu Đảng, Nhà nước và Chính phủ không tổ chức quốc tang, thì chính Nhân Dân khắp nơi sẽ tổ chức quốc tang cho Người. Như thế, dư luận trong và ngoài nước sẽ buộc phải nhìn nhận và lên tiếng về cách ứng xử của chúng ta đối với Đại tướng. Có lẽ ưu tư chuyện ấy, nên hai vị tướng mới viết bài / thư này. Chứ tôi tin là các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ không chọn cách ứng xử là không – tổ – chức – Quốc – tang.

– Toàn bộ khuôn viên và ngôi nhà 30 Hoàng Diệu là một ngôi nhà lịch sử. Nếu sau khi Đại tướng mất, mà Nhà nước và Chính phủ không muốn giữ lại để làm Bảo tàng / Nhà lưu niệm Võ Đại tướng mà lại dùng vào việc khác, tôi đề nghị hai vị tướng vận động kêu gọi nhân dân cả nước và kiều bào đóng góp tiền mua lại căn nhà đó (bằng / với bất cứ giá nào) của Nhà nước để làm Bảo tàng cho Người!

Rất mong nhận được ý kiến của chư vị. Chúng tôi mong nhận được các comment thích hợp, để nó có thể hiện diện ở ngay bên dưới bài này. Xin đa tạ!

Nguồn: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/05/ai-tuong-vo-nguyen-giap-bieu-tuong-viet.html

This entry was posted in Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Bookmark the permalink.