Cổng thông tin điện tử quangngai.gov.vn ngày 13/1/2010 đăng ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc xây dựng đập dâng sông Trà Khúc. Theo đó, “thống nhất thuê tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng các công trình về đập dâng để thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật như đề xuất của UBND tỉnh đối với dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc”. Ý kiến này cũng đã được hội nghị Tỉnh ủy trong năm 2009 kết luận.
Cũng theo bản tin trên, bên cạnh việc thuê tư vấn nước ngoài, Thường vụ Tỉnh ủy còn chỉ đạo “Để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ, tạo sự đồng tình, ủng hộ cao trong quá trình thực hiện Dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Đồng thời UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Dự án đảm bảo mục tiêu, chất lượng và tiến độ”.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân giải trình chi tiết về công trình trong cuộc họp bất thường của Hội đồng đầu năm 2010 (theo kientruc.vn 14/12/2009, Tuổi trẻ cuối tuần 12/12/2009). Cần lưu ý rằng công trình này đã từng được Hội đồng nhân dân ra nghị quyết là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh vào năm 2008.
Ngay trong ngày 14/1/2010, Ủy ban nhân tỉnh đã chọn được tư vấn nước ngoài (một Công ty của Australia – KBR Pty Ltd.) và ký hợp đồng tư vấn. Ngay việc xác định công ty này về xuất xứ quốc gia cũng không đúng (đại bản doanh của KBR là Houston, Hoa Kỳ).
Bẵng đi từ đó đến nay, các yêu cầu báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức Hội thảo chuyên gia, công khai kết quả thẩm định tư vấn về thiết kế đều không được thực hiện và công khai trên các phương tiện thông tin và dư luận công chúng. Thế nhưng đến cuộc họp ngày 8/5/2010, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Huế lại kết luận phải khởi công công trình vào tháng 8/2010 như một quyết tâm rất duy ý chí. Thời gian gấp gáp của quyết tâm quản lý như vậy đã đẩy phương án chuẩn bị thi công công trình với nhiều thủ thuật khó hiểu như thay đổi gộp các gói thầu, chấp thuận thuê tư vấn nước ngoài thực hiện gói thầu thẩm tra thiết kế (mặc dù nội dung này đã được thông báo ngày 14/1/2010 như đã nói trên), giao chủ đầu tư sơ tuyển thầu trước khi duyệt thiết kế (ít có tiền lệ này trong xây dựng cơ bản vì nhà thầu dựa trên thông tin nào để lập hồ sơ mời thầu cho bước sơ tuyển), giao Sở NN&PTNT hoàn thành quy hoạch chỉnh trị sông Trà Khúc trước tháng 6/2010 (quy hoạch này là công việc đúng ra phải làm từ lâu và hết sức cẩn thận vì mục đích thủy lợi, phòng chống bão lụt, nay lại yêu cầu phải làm khẩn cấp để phục vụ khởi công đập dâng sông Trà Khúc, cũng lạ)
Tại sao với một công trình nhỏ về vốn dự toán (225,3 tỉ) lại vướng mắc nhiều trong quá trình thuyết phục sự thống nhất quan điểm chỉ đạo, đồng thuận dư luận, quá trình lập luận chứng tiền khả thi và chuẩn bị đầu tư đến như vậy? Trả lời câu hỏi này, tác giả Đăng Nam – Minh Thu đã có một bài dài trên báo Tuổi trẻ ngày 29/7/2009, trong đó tác giả phỏng vấn người dân ở hai bên bờ, cả trên đập và dưới đập (dự kiến), phỏng vấn Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư nhà nước) và một số nhà khoa học thủy lợi để làm cơ sở luận giải rằng các mục tiêu đặt ra cho công trình về tổng thể là không đạt được. Trong phần phỏng vấn nhà khoa học, ông Trần Đình Bưu, Giám đốc Ban quản lý và đầu tư xây dựng thủy lợi 6, trong ý kiến được thuật lại, cho rằng “Nếu đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ đập ngăn nước để tạo cảnh quan môi trường cho TP Quảng Ngãi thì tôi e rằng khó đem lại hiệu quả kinh tế. Việc xây đập dâng ngăn nước trên một dòng sông thông thường gắn với nhiệm vụ giao thông, làm cầu nối hai bên bờ sông tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, thế nhưng trong quyết định điều chỉnh, phê duyệt bổ sung dự án đập dâng sông Trà Khúc không đề cập vấn đề này.
Đặc biệt trong dự thảo đề cương khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật bản vẽ công trình của đơn vị thi công có đề cập đến việc sẽ giúp giảm xâm nhập mặn cho phần hạ lưu sông sau khi dự án hoàn tất. Thế nhưng, thật ra nếu có thì đập dâng này chỉ có thể giảm xâm nhập mặn cho sông từ thân đập trở lên, còn phía hạ lưu của đập khó giải quyết được. Nhất là vào mùa khô, nước được điều tiết rất ít nhằm giữ nước tạo cảnh quan như mục tiêu đặt ra, do đó vấn đề xâm nhập mặn phía hạ lưu của đập là khó cải thiện được”.
Rất tiếc, bài báo không đi sâu phân tích những hệ lụy xã hội của công trình.
Gần đây, một số bạn đọc quan tâm đã có những ý kiến sâu hơn về tính không cần thiết và bất khả thi cùng những băn khoăn về ý nghĩa kinh tế, xã hội, nhân đạo của việc xây dựng đập dâng sông Trà Khúc (danluan.org, nghiathuc.wordpress.com v.v.). Qua đó, những mục tiêu mà dự án đưa ra đều mơ hồ, khó đạt được và có phần trí trá giả dối. Xin tổng hợp từ các nguồn thông tin nói trên một số điểm xác quyết sau đây:
1. Con đập không bảo đảm khả năng thoát lũ kịp thời giai đoạn đỉnh lũ trên báo động 3 qua các cửa của nó.
2. Con đập, với cao trình xây dựng 2 cánh bên cửa thoát, sẽ tạo ra tường ngăn toàn bộ phù sa trộn lẫn rác, gỗ và các chất rắn khác từ thượng nguồn đổ về trong lũ mà sau đó chỉ có thể dọn đi chứ không thể khai thác làm vật liệu xây dựng. Chi phí xúc dọn, chuyên chở này là vô cùng lớn.
3. Do không thoát lũ kịp, con đập sẽ tạo ra mực nước lũ cao hơn phía trên đập, ảnh hưởng đến con người, đất đai, sản xuất và các công trình xây dựng khác.
4. Do ngăn lũ cục bộ, độ chịu lực của công trình sẽ là một thử thách trong thiết kế do không thể dự báo được một cách chính xác lượng nước, lưu lượng, tốc độ trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Lưu ý rằng các tính toán chịu lực thủy động và khí động luôn luôn phải thực nghiệm (chẳng hạn chế tạo tàu thủy, máy bay), chứ không thể theo kinh nghiệm cũ.
5. Mục tiêu giao thông thủy của công trình hoàn toàn không xác đáng vì khi xây dựng xong, phía trên đập chỉ là một hồ nước có mặt bằng, địa hình đáy và diện tích mặt nước không ổn định có thể kéo dài lên đến cầu Trường Xuân. Không có thủy lộ nào nối từ hồ đến nơi khác và cũng không có nhu cầu sử dụng vận tải nào giữa 2 bờ sông khi đã có 2 đến 3 chiếc cầu đường bộ và cầu hành lang đường sắt.
6. Con đập sẽ làm giảm mực nước ngầm ở phía hạ lưu trong mùa hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của dân cư trong khu vực (tuyệt đại đa số sử dụng giếng nước gia đình và ngay trong thời kỳ đầu mùa hè 2010 này, nước ngầm đã giảm đến 2m) .
7. Nước được giữ lại trên đập (hồ), qua sinh hoạt du lịch của người giàu, sẽ ô nhiễm và chảy mang theo sự ô nhiễm đó về hạ lưu. Cư dân hạ lưu vốn nghèo, không du lịch, không hưởng lợi gì từ du lịch hồ sẽ hứng chịu sự ô nhiễm này. Đây là thiệt thòi không ai có quyền bắt họ phải gánh chịu. Ngay tại khu vực giữ nước trên đập, một sự cố gây ô nhiễm như vụ Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi bức tử sông Trà Khúc xảy ra trong những ngày qua sẽ trở nên nghiêm trọng gấp bội do con đập dâng tạo ra.
8. Con đập, trong các cơn lũ, sau khi qua cửa với tốc độ và lưu lượng bị thay đổi phi tự nhiên, sẽ tạo ra những dòng chảy bất thường cục bộ, gây xói lở nghiêm trọng và khó dự báo cho hai bên bờ hạ lưu, thậm chí tạo ra những lạch nước mới vào các khu vực nội đồng.
9. Con đập sẽ làm tăng khả năng ngập mặn trong điều kiện hiện nay và càng nghiêm trọng khi nước biển dâng cao 0,5m (kịch bản 1 của Việt Nam). Hiện tượng này đã xảy ra với sông Trà Khúc trong những năm qua, đồng thời cũng xuất hiện ở sông Hàn, sông Hương.
10. Con đập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tập quán sinh thái của một số loài thủy sinh có vòng đời di chuyển suốt dòng sông như cá bống (từ vùng nước lợ đến các vũng, suối thượng nguồn). Nói một cách chắc chắn là con đập sẽ phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái của cá bống trên sông Trà Khúc.
11. Cuối cùng, phải đặt câu hỏi rằng Quảng Ngãi có cần tập trung trí tuệ và tiền của (ngân sách thu từ dân), thời gian họp hội cho một công trình không giống ai như vậy không? Xây con đập có lợi cho ai, thuộc nhóm xã hội nào ? Không xây đập có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế xã hội? Tại sao lại không chuyển trí tuệ và nguồn vốn đó cho những việc cần hơn, nhân đạo hơn (hàng năm tỉnh phải cử những đoàn đi xin kinh phí từ thiện và những địa phương có nghĩa cử cứu trợ ấy chưa dám nghĩ đến việc sử dụng ngân sách để xây những công trình phù phiếm như vậy)?
Liên quan đến những câu hỏi đó là những dư luận, những băn khoăn của nhiều người về mối lợi cho những người đầu tư, phê duyệt đầu tư, sở hữu giấu mặt… khi có sự kết nối đô thị hóa giữa Thành phố Quảng Ngãi với khu mở rộng sang bờ Bắc cùng khu dân cư cao cấp và du lịch núi Thiên Ấn, khu dân cư 170ha đất ruộng Nghĩa Chánh – Nghĩa Dõng phía Đông Nam thành phố. Những toan tính kinh doanh địa ốc đã được khởi động gắn liền với nhiệm kỳ sắp kết thúc.
Cũng có băn khoăn khác là chuyện phong thủy của địa linh Ấn Trà mà những bạn đọc nói trên đã đề cập. Chuyện này có thể bị bác bỏ dễ dàng bởi các nhà duy vật chất đang có quyền (nhưng cũng hết sức mê tín); tuy nhiên, cần lưu ý nếu đằng sau dự án có những việc giống như Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã nói ở những công trình chung quanh Hà Nội. Với núi Ấn sông Trà, câu chuyện Cao Biền là một tín hiệu đặc biệt, không thể không lưu tâm, nhất là khi đây đó trên đất Quảng Ngãi đã có bóng dáng đầu tư và tham gia thi công của các công ty của nước láng giềng phương Bắc.
Hữu xạ tự nhiên hương. Không cần thiết phải tập trung nhiều sự cố gắng của những nhà quản lý, những nhà đầu tư đến vậy, kể cả phải tuyên truyền mạnh mẽ và rộng khắp trong cán bộ, nhân dân nếu công trình có lợi rõ ràng cho số đông và nếu không có những khuất tất trong những toan tính lợi ích riêng, cho nhóm nhỏ. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi phải dừng ngay từ giai đoạn phôi thai cho việc xây dựng công trình. Mọi bước đi xa hơn, ngạo mạn với công cụ quyền lực và luật pháp trong tay sẽ là có lỗi với lịch sử và có tội với tương lai.
TG
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập