Về chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 9-2015
Những ngày này, với những ai còn chút ưu thời mẫn thế không thể không có những bâng khuâng, trăn trở rằng: Sau 85 năm ĐCS hiện diện trên mảnh đất đau khổ này (1930 – 2015) với 11 kỳ đại hội, đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 sắp tới không biết sẽ có những đột phá chiến lược nào có thể làm thay đổi vận mạng chẳng ra gì của dân tộc mình không?
· Không biết chủ nghĩa Mác – Lê ở Việt Nam có còn là vô địch trong khi nó đã phá sản hoàn toàn trên phạm vi thế giới?
· Không biết tên Đảng có còn tính từ cộng sản nữa không, khi mà lý tưởng cộng sản đã bị thế giới văn minh chứng minh là ảo tưởng, thậm chí còn là nguồn gốc của tội ác và đã từ lâu bị các dân tộc văn minh ném vào sọt rác của lịch sử…?
· Không biết Đảng có còn duy trì Điều 4 Hiến pháp để nắm giữ độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tư cách của một thực thể chính trị siêu quyền lực phủ trùm lên Nhà nước – Chính phủ – Quốc hội và ôm trọn cả Tứ Quyền (Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp – Thông tin báo chí)?
· Không biết Đảng có còn lấy “Sở hữu quốc doanh” và coi “Định hướng XHCN” là chủ đạo nữa không, trong khi nó được chính thực tế Việt Nam ngày ngày chứng minh đây chính là mảnh đất mầu mỡ của tham nhũng, chia chác, xin cho, thua lỗ, nợ nần, lạm phát… và là sân chơi riêng của các đại gia tư bản đỏ trong các nhóm lợi ích?
· Không biết ĐCS Việt Nam sẽ thoát Trung thế nào khi lá bùa “16 chữ vàng và 4 tốt” của người Tầu vẫn được ngự trị ở vị trí trang trọng trong các mối bang giao quốc tế của Đảng?
Trong khi những câu hỏi trên chưa có câu trả lời, tất cả vẫn còn là ẩn số thì những gì đã diễn ra ở hàng loạt các đại hội Đảng cơ sở của các Tỉnh Thành – Huyện – Xã – Ban ngành trên cả nước đã làm người ta thất vọng khi vẫn thấy chân dung Mác – Lê ngự trị cùng với búa liềm và tượng bán thân ông Hồ, người đã đưa rước những tư tưởng của các ngoại nhân xa lạ này đến với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có bản chất hiền hòa và hướng nội này… Như vậy hóa ra tất cả vẫn là “NGUYỄN Y VÂN” hay sao? Dân tộc này có tội lỗi gì trong tiền kiếp mà ngày được thoát u, thoát mê để tìm đến dân chủ như Đông Âu và Nga Xô cộng sản lại còn xa vời đến thế. Mọi khẳng định lúc này vẫn còn quá sớm và tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán.
Vẫn là Mác – Lê…
Nhưng… đâu có phải ai ai trong chúng ta cũng mê lú và run rẩy mãi trong sợ hãi, chấp nhận sống mà như chết giữa thế giới đầy biến động này. Chương trình “GIAI ĐIỆU TỰ HÀO THÁNG 9 – 2015” của VTV1 diễn ra vào tối 25 – 9 vừa qua đã làm không ít người giật mình, ngơ ngác khi lần đầu tiên hình tượng Lenin hoàn toàn vắng bóng. I lích vĩ đại, sư phụ của ông Hồ hoàn toàn không có chỗ đứng trong đêm nhạc Nga tuyệt vời này. Trong 7 ca khúc Nga nổi tiếng được thể hiện, không có bài “Đỉnh núi Lenin” ngỡ là bất hủ, một thời sống động cùng nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có thế hệ U70 – U80 chúng tôi. Bẩy ca khúc Nga được chọn ra để luận bình, thưởng lãm hôm đó là: “Chiều hải cảng”,”Đôi bờ, “Chim họa mi đừng hót, “Cây Thùy Dương”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Giờ này anh về đâu”, và cuối cùng là “Chiều ngoại ô Moskva”, thường được thế hệ chúng tôi gọi tắt là “Chiều Moskva” lừng danh một thời.
Tôi biết bài “Đỉnh núi Lenin” từ giữa những năm 1960 của thế kỷ 20. Những người thầy dậy đại học của tôi từ Liên Xô trở về đã dậy cho chúng tôi hát bài hát này. Tôi cũng mang bài hát này đến những mái trường heo hút nằm trên miền cao Lạc Sơn – Vụ Bản – Hòa Bình suốt thập kỷ 1970. Trong một thời gian dài, mỗi khi nghe và cả mỗi khi hát ca khúc này là một lần thầy trò chúng tôi cùng như bị rơi vào trạng thái nhập đồng khi nghĩ về“Thiên Đường Xô Viết”, nơi mà dù có phải đốt cháy cả đất nước này “Đảng” và “Bác” vẫn không thôi hướng dân tộc tìm đến.
Đỉnh núi Lenin (Nhạc:I. Miliutin – Lời: E. Đônmatôpxki)
“Bạn ơi đi với tôi, lên đỉnh núi khi trời chiều.
Đỉnh non của Lenin, lòng chan chứa tình yêu.
Bạn ơi ta ngó sang, Thành Mạc Tư Khoa bên kia đồi.
Từ trên đỉnh núi cao, nhìn rộng đến chân trời,
ĐK: Kìa bao nhà máy, khói loang ngợp trời,
như áng mây chiều. Đẹp xinh rực rỡ
Ngôi sao đỉnh tháp Kremlanh.
Tỏa ánh hy vọng, ngôi sao rực chiếu bao niềm tin.
Bạn ơi Mạc Tư Khoa thành phố hòa bình…”.
Giật đổ tượng Lenin ở Ukraina
Có thể nói chính ca khúc này đã góp phần làm thế hệ U70, U80 chúng tôi thêm thấm đẫm tinh thần Nga từ đầu đến chân nên không ai có thể nghĩ lại có ngày Đông Âu cộng sản và LBCHXHCN Xô Viết (CCCP) sụp đổ tan tành nhanh đến thế. Chính nhờ sự bùng nổ thông tin của Internet mà cả nhân loại giờ đây đã biết… chỉ vì “Đấu tranh giai cấp”, “Bạo lực cách mạng” và “Chuyên chính vô sản”, những lời cửa miệng của Lenin lúc sinh thời mà nhiều chục triệu người trên thế giới, nhiều triệu người Việt Nam phải chết tức tưởi vì CCRĐ, vì chiến tranh loạn lạc… nên việc Liên Xô đột ngột tan vỡ và nước Nga sau ngót trăm năm dưới bóng Lenin nay lại có bộ dạng nhếch nhác như thế này và tượng đài Lenin bị giật đổ ở nhiều nơi trên thế giới là tất nhiên, là điều bình thường, là nhân quả, là cái giá phải trả mà thôi.
Tôi nghĩ rằng việc loại bỏ bài “Đỉnh núi Lenin” ra khỏi chương trình nhạc Nga hôm đó hoàn toàn không phải là một quyết định nông nổi và vô tình. Bằng quyết định đó,“Giai điệu tự hào” đã đưa ra thông điệp mang tính thời đại thật sâu sắc rằng: “Chúng tôi vì Đảng mà đã từng yêu mến nước Nga, đã từng si mê tâm hồn Nga… không có nghĩa là chúng tôi mãi mãi phải mù quáng, hạ mình trước những giá trị không có thật, những thần tượng ảo”, thế thì trạng thái nhập đồng của thế hệ chúng tôi ngót nửa thế kỷ trước khi hát “Đỉnh núi Lenin” chỉ là những ảo giác đáng thương, những hoang tưởng thật thảm hại.
Bên cạnh việc loại bỏ bài hát “Đỉnh núi Lê nin” ra khỏi đêm nhạc Nga của mình, chương trình “Giai điệu tự hào tháng 9 – 2015” còn diễn ra cuộc đụng độ không tiền khoáng hậu giữa một bên là “Hội đồng già” trong đó có những gương mặt lừng danh bảo thủ như Phó GS – TS Đào Duy Quát nguyên phó Ban tuyên giáo TW, nguyên TBT trang web ĐCS Việt Nam, như PGS – TS Nguyễn Thị Minh Thái, cây lý luận mỹ học khét tiếng đành hanh và bảo thủ trong tranh luận… với một bên là “Hội đồng trẻ” với những gương mặt điển hình như nhạc sĩ nổi tiếng Quốc Trung, MC nổi tiếng Tạ Bích Loan…
Điều thống nhất đến tuyệt đối ở cả 2 hội đồng là tất cả họ đều là những người đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm ở Nga và họ cùng coi Liên Xô trước kia và Nga là tổ quốc thứ 2 của họ.
Ngoài những lời bình luận du dưa, đưa đẩy có tính vô thưởng vô phạt của cả 2 hội đồng, thì đỉnh điểm đáng chú ý nhất của cuộc đụng độ tập trung vào bài “Đôi bờ” phiên âm theo tiếng Việt là “Đơvaberega”. Tên gốc của bài hát là “Pesnhia Masi” (Bài hát của Masa), nhạc của A.Espai, lời của G.Pôgienhian. “Đôi bờ” là bài hát trong phim “Khát” xuất hiện lần đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam trong những năm đầu 1960. Phần nhạc được ký âm vô cùng đơn giản chỉ có nốt đen và nốt trắng. Nội dung bài hát này mô tả một cuộc tình vô vọng giữa một cô gái với một chiến sĩ hồng quân. Người chiến sĩ hồng quân đó được cài vào hàng ngũ phát xít, còn cô gái gia nhập đội du kích. Người chiến sĩ hồng quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Dù đã biết người yêu của mình không còn nữa, cô vẫn cứ vò võ đợi chờ trong khổ đau. Lời tiếng Việt của bài hát này đã bỏ hết những câu bi lụy, rã rời… chỉ giữ lại những lời mượt mà, chung thủy, tràn đầy thương yêu của những lứa đôi phải sống trong xa cách và đợi chờ.
Đôi Bờ
“Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới.
Cây cỏ hoa như nói lên lời, em hạnh phúc nhất đời.
Lòng em tin thắm thiết yêu anh, giữ tình đôi lứa ta.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa”.
Ngay sau khi ca sĩ hát bài “Đôi bờ” dừng lời, PGS. TS Đào Duy Quát
đăng đàn, chém gió vùn vụt khi ông khoe: “Tháng trước tôi mới đi Nga về, gặp cựu Thứ trưởng văn hóa Nga, được đón tiếp và chiêu đãi ca nhạc. Tôi nghe ông ấy kể say mê về bài hát “Đôi bờ”… đại ý là:
“Sau chiến thắng phát xít 1945, chính phủ Liên Xô đã truy tặng danh hiệu anh hùng cho chàng trai là người chiến sĩ hồng quân đã hy sinh đó. Nhưng…buồn thay! Cả gia đình anh cũng đã chết hết vì chiến tranh, không còn ai có thể đứng ra nhận danh hiệu đó, nên chính quyền đem tặng cho cô người yêu của anh ta và tất cả cùng ùa đến chúc tụng người phụ nữ đau khổ này bằng lời ca “Em hạnh phúc nhất đời…”.
Nhạc sĩ Quốc Trung, thành viên của “Hội đồng trẻ”, với nét mặt đăm chiêu, đầy những căng thẳng vì phải kìm nén, nhưng lại dùng ngôn ngữ rất khiêm nhường để đáp lại lời của một bề trên về mọi phương diện:
“Tôi không đồng ý nhận xét rằng, cô gái ấy là hạnh phúc nhất trên đời. Người phụ nữ bình thường nào trên đời cũng cần phải có chồng để cùng gây dựng hạnh phúc. Người ta đã coi một cô gái mất người yêu khi nhận danh hiệu anh hùng thay cho người yêu là “Em hạnh phúc nhất đời”… ca ngợi như thế là phản nhân văn…”.
Khán phòng như lặng đi trước bình luận rất ôn tồn và đích đáng của nhạc sĩ Quốc Trung. Ông lớn Đào Duy Quát, người hùng tuyên giáo một thời tái mặt, chỉ còn biết lơ láo, nhìn trần nhà và chết lặng.
Thật bất ngờ và không may cho đức ông Đào Duy Quát, MC nổi tiếng du học báo chí ở Nga về, người mà tên tuổi gắn liền với cuộc chiến chống gian dối trong thi cử của Hà Tây cũ những tháng năm 2005 – 2006…chị thản nhiên góp lời:
“Tôi vừa mới gặp chị Lavrenev Anna, giám đốc Trung tâm khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội. Tôi hỏi chị có biết bài “Đôi bờ” không? Chị ấy nói bây giờ đến Việt Nam mới biết đấy. Chị Anna nói tiếp rằng nước Nga bây giờ, những bài hát ấy người ta quên hết rồi. Người trẻ cũng chẳng ai biết”…”…”Người ta chỉ nhớ khi người ta muốn nhớ. Khi người ta thích thì người ta xây dựng thành huyền thoại”.
Trường quay lại một lần nữa chết lặng, cả 2 MC của chương trình không dấu được vẻ lúng túng. Đức ông tuyên giáo một thời như ngồi phải tổ kiến lửa vẫn cố đấm cãi chầy cãi cối lấy được: “Thông tin đó không đúng đâu”, lại khoe: “Tháng trước tôi dẫn một đoàn công tác qua Nga, dự cuộc chiêu đãi, được xem một ca sĩ 60 tuổi hát và 3 chàng trai 18 tuổi hát nữa”.(Hic)
MC Tạ Bích Loan và tác giả bài viết này trong đêm 9 – 1 – 2007, đêm bình chọn Người Đương Thời được yêu thích nhất 2006 .
Thật đáng buồn cho PGS. TS nguyên phó Ban tuyên giáo TW Đào Duy Quát lúc nào cũng súng sính Mác – Lê đầy mình, đầy túi lại không hiểu được rằng, người ta mở tiệc, để đào kép hát hò đãi đằng ông chứ đâu có phải người dân Nga nào hôm nay trong đời sống thường nhật vẫn còn hát bài này. Cái ông ca sĩ Nga 60 tuổi và 3 cậu bé Nga 18 tuổi hôm đó hát “Đôi bờ” thì có khác gì đâu “Giai điệu tự hào” để 3 ca sĩ già Trần Hiếu, Trung Kiên, Quang Thọ hát “Chiều trên bến cảng” và cô ca sĩ còn quá trẻ, tôi không nhớ tên đã hát bài “Đôi bờ”…chứ đâu có phải thanh niên và ông già Việt Nam nào đã sống đến thời @ rồi mà vẫn còn ngẩn ngơ, lãng đãng, vấn vương và “Phiêu” cùng những bài hát này!
Những tưởng trên đất nước khổ đau và bất hạnh này, dân tộc đã hoàn toàn liệt kháng. Nhưng với việc loại bỏ bài hát “Đỉnh núi Lenin” ra khỏi chương trình “Giai điệu tự hào”, theo dõi cuộc tranh luận giữa nhạc sĩ Quốc Trung cùng MC Tạ Bích Loan với đức ông tuyên giáo Đào Duy Quát ta thấy những khát vọng đòi sòng phẳng, minh định lại nhiều giá trị cơ bản, đòi gọi tên đúng cho những sự vật, sự việc, sự kiện méo mó trong quá khứ dù đã phủ dầy vết bụi của thời gian, vẫn đang là những cơn sóng ngầm không thể phủ nhận.
Qua chương trình “Giai điệu tự hào tháng 9 – 2015” này, theo tôi lời phản biện của nhạc sĩ Quốc Trung đã làm vợi bớt đi những nỗi đau đời mà nhiều triệu người phụ nữ Việt Nam có chồng, người yêu đã chết trong các cuộc chiến tranh tàn khốc trong quá khứ, đang phải sống cô đơn trong quên lãng. Cộng đồng “Người đương thời” của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam ngày nào có thể tự hào vì có người cầm cờ dũng cảm và trung thực là MC Tạ Bích Loan, kiên quyết không nói điều ngược ngạo.
Người đời thường than vãn nước Nam giờ đây: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm / Nhân tài như lá mùa thu” (NT), và “Thạch Sanh thì ít – Lý Thông thì nhiều”. Bên cạnh biết bao những tấm gương yêu nước nhiệt thành thì đất nước cũng đã từng bao phen ê chề vì những gương mặt mốc như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung, Hoàng Văn Hoan và danh sách loại này còn nối dài ở xã hội Việt Nam đương đại… thì chương trình “Giai điệu tự hào 9 – 2015” diễn ra vào tối 25 – 9 – 2015 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đã cho chúng ta một hy vọng: Bên cạnh những nhạc sĩ, ca sĩ sẵn sàng hạ mình sống kiếp cầm ca, những trí thức, nhà văn, nhà báo sẵn sàng chấp nhận thân phận trí nô, văn nô, bồi bút… miễn là có tiền, vẫn còn có những trí thức văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Quốc Trung và MC nổi tiếng Tạ Bích Loan. Trời Nam vẫn còn có những con người dũng cảm và trung thực như thế… tôi nghĩ rằng: Chúng ta không tuyệt vọng. Vận nước rồi sẽ qua cơn “Bĩ Cực” để đến ngày “Thái Lai”, tôi vững tin vào những điều như vậy./.
Hà Đông tháng 10 – 2015
N.T.L
Tác giả gửi BVN