CHỌN NGƯỜI TÀI CHO ĐẢNG HAY CHO ĐẤT NƯỚC?

Chủ đề: “chọn người tài lãnh đạo đất nước” đã bàn rất nhiều, tưởng đã xưa, nhưng lại luôn luôn mới. Nó mới vì hoàn cảnh và thời thế luôn biến đổi, chẳng thời nào giống thời nào.

Tiêu đề và nội dung bài viết này đều rất “nan y” vì đầu bài thuộc thể loại “mớ bòng bong” khi vấn đề cần giải quyết không thuộc tầng gốc rễ mà ở tầng hệ quả trong khi gốc rễ lại giữ nguyên hoặc thuộc vùng “miễn bàn”!.

Nếu vẫn cứ dựa vào các cơ chế cũ để chọn hiền tài, e rằng sẽ không bao giờ có được hiền tài theo đúng nghĩa và mong đợi của Dân. Hơn nữa, vấn đề không chỉ là hoặc không phải chủ yếu là “TÌM” người tài (đã thành tài, thành danh – kiểu như trong bóng đá, đội bóng Real Madrid giàu có cứ quẳng tiền ra mua các galaticos về để tạo ra Giải Ngân Hà) mà là tạo ra môi trường để các mầm mống của hiền tài có thể sinh sôi nảy nở, có thể phát triển, được tôn vinh thực sự.

Thân Nhân Trung viết bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, ông ghi nhận về trí thức “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp”. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi than: “Nhân tài như lá mùa thu/ Tuấn kiệt như sao buổi sớm”. Còn đại thi hào Nguyễn Du lại nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, nào kinh tế, nào quân sự, văn hoá, không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”.

Các vị tiền bối luận về chữ “tài” và “người tài” dưới góc nhìn khác nhau nhưng đều đúng và thật là sâu sắc. Những câu nói, câu văn, vần thơ ấy đã trở thành châm ngôn bất hủ, lưu truyền từ hàng trăm năm và vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bởi lẽ, chưa bao giờ đất nước ta lại cần những người tài đến như thế! Chưa bao giờ chữ tài, và chữ đức lại song hành gắn bó với nhau đến thế!. Và có lẽ cũng chưa bao giờ việc tìm người tài nước ta lại khó đến thế! Hãy thử tìm hiểu thực trạng cái khó người tài ở nước ta hiện nay đầy vơi thế nào và làm cách nào để khai thác và bổ sung kho tàng vô giá ấy cho tương lai?

Đôi điều lạm bàn

Nếu chỉ luận bàn về người hiền tài cho xã hội, đất nước theo những quy luật thì không thiếu gì tài liệu, câu chuyện đông tây kim cổ của trong nước và thế giới.  Để luận bàn, theo logic phổ biến thì đầu tiên phải bắt đầu từ đặt vấn đề, rồi giải quyết vấn đề có nhiều cách khác nhau thì cần chọn một cách hoặc tổ hợp một số cách tốt nhất dựa trên phân tích (đơn giản nhất cũng là đồng ý và phản đối, rồi so sánh…), kết luận, thử nghiệm và điều chỉnh, đúc kết lại thành bài bản, rồi  thể chế hóa. Lâu lâu xem lại, điều chỉnh cho phù hợp với biến động của ngoại cảnh.

Câu hỏi cụ thể hơn là tìm  người  hiền tài để làm việc gì, phục vụ cho ai, cho xã hội, nhân dân, đất nước hay cho giới quyền lực? Còn tìm người tài để mà Trung ương hay Thể chế hiện nay cần để tiếp tục phục vụ, củng cố cho các thể chế ấy  thì câu trả lời cứ “mắc ngang trong cổ”!

Câu nói ta hay nghe nhiều là vì điều kiện khó khăn A, B, C của đất nước nên “lực bất tòng tâm”! Nhưng cần trả lời cũng bằng một câu hỏi “TÂM” có thật hay chưa để hút được “LỰC” về tòng cho mình?. Tuy cụ Nguyễn Trãi có nói “Nhân tài như lá mùa thu” nhưng cụ cũng nói “Song hào kiệt đời nào cũng có”. Để thu hút hiền tài ra giúp nước thì việc đầu tiên là các vị  ở các cương vị lãnh đạo, điều hành quốc gia phải soi lại cái Tâm của mình. Cổ nhân có câu “thầy nào, tớ ấy”.  Vậy hiện nay, nếu gắn với sự kiện nhân sự của Đại hội Đảng khóa 12 thì ai đang tầm ai đây?

Còn nếu nhà dột từ nóc rồi thì việc cần sửa trước, chính là cái nóc nhà ấy rồi mới tính đến các việc khác. Còn tệ mua quan bán tước  – một tệ nạn mà cả xã hội đều biết ấy đang hoành hoành như thế mà không có cách gì chữa được thì nói gì đến hiền tài. Cái cần là phải sửa cái nền tảng hệ thống sinh ra cái tệ mua quan bán tước ấy.

“Chọn người tài lãnh đạo đất nước”. Nghe thì đơn giản vì Việt Nam chắc chắn không thiếu hiền tài. Vấn đề lớn nhất ở đây được đặt ra “AI” là người đứng ra “CHỌN” người tài lãnh đạo đất nước. DÂN HAY ĐẢNG ?. Ngẫm suy về câu chuyện “Con gà và quả trứng” lại nhớ câu nói của người xưa: “thức thời mới là tuấn kiệt” nếu hiểu một cách khác và bị lợi dụng thì sẽ xuất hiện không ít những kẻ cơ hội và ngụy quân tử.

Việt Nam hiện tại đang thiếu hẳn một ngọn cờ, một môi trường để lựa chon nhân tài và nuôi dưỡng nhân tài. Nếu có được cái đó chắc chắn hiền tài sẽ xuất hiện. Đã có rất nhiều người Việt khá thành công ở nước ngoài vì họ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thực sự tốt và thuận lợi cho sự phát triển của hiền tài. Cải tổ thể chế và phát huy dân chủ là việc làm đầu tiên của Việt Nam nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững của quốc gia.

Về nhận thức vai trò lãnh đạo: Trong mọi thời đại người tài được chọn làm lãnh đạo luôn là người có tri thức về một lĩnh vực mà họ am hiểu, nếu không làm lãnh đạo họ vẫn cống hiến cho xã hội bằng trí tuệ của họ và được lịch sử và xã hội ghi nhận. Trong cơ chế xã hội ở những nước coi lãnh đạo như một nghề là một nhận thức sai lầm làm cho xã hội kém phát triển, không ít người mất đi cơ hội cống hiến của họ, để đến khi nhận ra, họ oán trách chế độ (hầu hết những người không đạt được vị trí cao quyền lực).

Ở những nước không chỉ quan niệm mà còn quy định lãnh đạo là một nghề với bao nhiêu quy chế và tiêu chuẩn để vào rồi thì không thể thoát ra được vì không có nghề nào khác, nên để đạt nhu cầu vật chất ngang bằng xã hội buộc họ phải tham nhũng, phải thực thi quyền lực phi pháp.

Ở xã hội phát triển, người làm lãnh đạo chỉ coi đó như một trách nhiệm với xã hội, bộ máy lãnh đạo luôn được quy tụ từ các lĩnh vực khác nhau, họ có tư duy mới, nhận thức đầy đủ hơn (từ những nhận thức và thành tựu mới trong các lĩnh vực của sự phát triển tự nhiên, xã hội) để bổ sung, điều chỉnh kịp thời cương lĩnh phát triển xã hội nên họ không phải bận tâm và đòi hỏi về sự vinh danh nào. Khi hết nhiệm kỳ họ trở về công việc nghề nghiệp của họ rất nhẹ nhàng, họ còn có khả năng đóng góp trí tuệ vào lĩnh vực cần họ để đem lại giá trị vật chất, cuộc sống đầy đủ, không có một sự ngăn cách nào giữa cuộc sống của họ với xã hội và thế giới bên ngoài. Đó mới chính là “Tự do, Hạnh phúc” thực sự.

Ngày nay, lãnh đạo chúng ta (ở mọi cấp) nếu hoàn toàn được nghĩ và tiến tới làm được điều đó sẽ là động lực ban đầu cho sự chuyển biến để bớt đi những hạn chế về tinh thần cho chính người lãnh đạo và giảm gánh nặng xã hội.

clip_image001

Thế nào là người tài?

Khái niệm “người tài” rất đa nghĩa (tùy hoàn cảnh và mục đích mỗi người hay nhóm người sẽ có tiêu chí và cách hiểu khác nhau) và trừu tượng nên trong ngôn ngữ có tính lịch sử và văn học người ta thường dùng chữ “hiền tài” để chỉ người tài đem lại dấu ấn có nghĩa tích cực, tiến bộ cho xã hội hay giai đoạn lịch sử chỉ có tính phổ quát ghi nhận dấu ấn của quá khứ gói trong 2 tiêu chí tài và đức độ rất khó áp dụng với người chưa trải nghiệm.

Đối với lãnh đạo đất nước nói chung, trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay theo phạm trù rộng là tìm một hệ “tư duy mới” hay “nhận thức đầy đủ” để đề ra cương lĩnh hành động vì sự phát triển mới là cốt lõi vấn đề, còn nếu thiếu các yếu tố về tư duy và nhận thức đầy đủ thì người tài mấy cũng không giải quyết được (có thuê bộ máy lãnh đạo giỏi nhất thế giới sang VN cũng không làm được).

Tiêu chí chọn người tài của Đảng

Về nhận thức tài – đức: Hiện tại trong cuộc sống và lựa chọn lãnh đạo của ta đưa ra tiêu chí “tài và đức” như người này, người kia rất mơ hồ. Động cơ của người lãnh đạo (từ cấp nhỏ đến quy mô cả nước) cũng như mọi người bình thường đều muốn đạt được hay ngày càng thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cuộc sống (trong văn kiện cương lĩnh thì gọi là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh rất chung chung) đương nhiên là chính đáng, nhưng ở người lãnh đạo còn đòi hỏi trách nhiệm phải làm cho nhu cầu đó luôn phát triển kịp với các cộng đồng hay các quốc gia, lãnh thổ liền kề khác.

Vì cương lĩnh hành động hiện nay chỉ là những khái niệm tiến bộ chung chung và không có sự kiểm soát nào về việc thực hiện cương lĩnh đó, nên bộ máy và người lãnh đạo (các cấp) chủ yếu tạo ra theo cơ chế “Đảng cử dân bầu” thực chất không có sự lựa chọn lãnh đạo mà là đảng cử người lãnh đạo với mục tiêu là duy trì sự tồn tại đang có. Do đó chủ đề “chọn người tài lãnh đạo đất nước” hoàn toàn không có nghĩa trên thực tế

Công tác tuyển chọn người làm việc nước của Việt Nam xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”! Mục đích của quy hoạch cán bộ là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định cán bộ? Dưới khẩu hiệu giữ vững lập trường chủ nghĩa Mác Lê Nin chỉ là phương thức lũng đoạn cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.

Thực ra những người đuợc lựa chọn chỉ do một số người có thẩm quyền quyết định, còn hình thức đưa ra bỏ phiếu chỉ là “Đảng cử, dân bầu” để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Càng ngày, người dân càng thấy rõ sự độc tài về chuyên chính tư tưởng và quyết định cán bộ đã không tuyển chọn đuợc người tài cho đất nước. Do cái khuôn hỏng nên đúc thành người hỏng, chất liệu đúc tốt mấy cũng hỏng. Nếu mà “mổ xẻ” chính sách tuyển chọn, bố trí cán bộ, chương trình giảng dạy trong các trường Đảng và trường hành chính quốc gia, trong nội dung giáo dục công dân và đạo đức của toàn bộ ngành giáo dục và đào tạo thì sẽ thấy rõ nguyên nhân chất lượng cán bộ không đáp ứng đuợc yêu cầu của cuộc sống .

clip_image003

Biểu quyết thông qua nhân sự Đoàn Chủ tịch Đại hội tại ĐH Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: XL

Trong Quy chế mới đưa ra về bầu cử trong Đảng (quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành trung ương Đảng) có một số  quy định hạn chế quyền ứng cử, đề cử, bầu cử không đúng với Điều lệ Đảng.

Các tiêu chí đề ra để chọn người tài thực ra là chỉ để chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi) và trung thành với chủ nghĩa Mác Lê Nin và trung thành với Đảng. Cả 3 tiêu chí này không phải là tiêu chí của người tài, đấy có thể là những tiêu chí của người tốt với Đảng, song như thế không nhất thiết là tốt cho đất nước, càng khó có thể là người tài mà đất nước cần. Vậy câu chuyện chọn người tài nên bắt đầu từ câu hỏi chọn người tài cho Đảng hay cho đất nước? Và vì mục đích gì?

Nên chăng đặt vấn đề: Chọn người tài là chọn người có thể cứu nước ra khỏi tình trạng trầm luân hiện nay và chống lại những yếu tố kìm hãm đất nước, có khả năng đề ra được các đối sách để thực hiện những mục tiêu này, có khả năng tổ chức nhân dân đứng lên giác ngộ và phấn đấu thực hiện những mục tiêu này. Người tài là người muốn cứu nước và có khả năng cứu nước. Còn mấy tiêu chuẩn về đạo đức con người thiết nghĩ người bình thường nào cũng phải có.

Tiêu chí chọn người tài cho đất nước

Trước đây, khi xã hội chưa phát triển việc tìm kiếm tập hợp trí tuệ rất khó khăn, tốn nhiều công sức và thời gian, còn ngày nay nhờ tiến bộ khoa học công nghệ, người và bộ máy lãnh đạo có thể thực hiện công việc đó thuận lợi hơn nhiều kể cả phạm vi toàn cầu, để họ có thể tập hợp kịp thời cho điều chỉnh và kiểm soát sự phát triển xã hội theo hướng tiến bộ và hạn chế sự trì trệ. Người có tư duy làm việc đó chắc chắn sẽ thành công, đó chính là tài cụ thể.

Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo đàng hoàng, tài giỏi. Ở Việt Nam thì mong muốn này càng nóng bỏng, vì nhiều năm nay chúng ta thiếu vắng những vị lãnh đạo tầm cỡ, có nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh, là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.

Ngày nay, Dân ta đã độc lập, cuộc sống được tự do; Đất nước đã thống nhất và hoà bình; người dân được đảm bảo quyền cơ bản, đa phần có cơm ăn, áo mặc, được học hành, v.v. Đấy là những điểm thuận! Còn điều nghịch? Cũng có rất nhiều, cả trong đối ngoại và đối nội, như: mức sống người dân còn thấp, nền kinh tế ốm yếu lạc hậu; bộ máy quản trị yếu kém, tham nhũng, quan liêu, thiếu minh bạch; quyền con người bị xâm hại; nguồn lực thiếu đồng bộ, lãng phí và tụt hậu; khai thác tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, nhiều mảng văn hoá, tín ngưỡng có dấu hiệu suy đồi vv…

Điều đặc biệt muốn nhấn mạnh là tình trạng này diễn ra trong bối cảnh “toàn cầu hoá” cả về kinh tế văn hoá và chính trị. Đây là “thời và thế” của ta trong giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới. Đây cũng là “bài toán” cần giải cho vận mệnh của Dân tộc và Đất nước. Vì vậy, ” tiêu chí” chọn người tài để lãnh đạo đất nước ở thời kỳ này cần có các tố chất sau:

– Hiểu đúng, đánh giá đúng thực trạng kinh tế xã hội và văn hóa của Việt Nam, vị trí và hoàn cảnh của Việt Nam trong bức tranh chính trị kinh tế xã hội toàn cầu.

– Định hướng và lựa chọn đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, thể chế chính trị.

– Có khả năng tập hợp quần chúng và thu phục nhân tâm, biết dụng người tài, biết tổ chức và hành động thực hiện kiên quyết, khéo léo phù hợp với văn hoá Việt.

– Là người có trình độ chuyên nghiệp cao trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên lấy chính tri, kinh tế và văn hoá là chính;

– Là người có tư tưởng cải cách và dân chủ đặt quyền lợi của đất nước của dân tộc lên trên hết.

– Trong 5 bản năng gốc, thì bản năng “sáng tạo” của con người này phải mạnh nhất, để chi phối các bản năng còn lại.

– Trong 7 trí thông minh, thì “thông minh ngôn ngữ”, ” giao tiếp” và “tự xử” của người này phải nổi trội hơn.

Thay cho lời kết

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người.  Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. Đất nước ta, lúc nào cũng nhiều người hiền tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng lúc mà nguồn hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.

Người dân quan tâm từ “tiêu chuẩn” hay “tiêu chí”, đến cách thức chọn nhân tài cho đất nước. Hiện nay, trên thực tế Đảng chọn người cho Đảng cầm quyền, nên tiêu chi đề ra là phù hợp với mục tiêu đó. Và trên thực tế Đảng tự chọn, cụ thể là chỉ lãnh đạo Đảng chọn, còn dân và cả đảng viên thường đều là những người đứng ngoài cuộc, bởi thế họ không quan tâm vì có muốn quan tâm cũng chẳng được.

Xin mượn lời Mohammed Bin Rashid Al Maktoum đã khẳng định trong hồi ký My Vision – Tầm nhìn thay đổi quốc gia để kết luận cho bài viết này:“Người lãnh đạo tốt là người biết đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác”.

T.V.T

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.