Tỉnh thức để dân chủ hoá

Vô cảm là trở lực trong hiện tại

Trước hiện trạng tụt hậu của đất nước, Việt Nam đang cần cải cách toàn diện về đất nước và con người, mà bốn trụ cột chính làm nền tảng để xây dựng cho tương lai là dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự. Việt Nam đang cần có những con người không những thích tìm hiểu và yêu mến các giá trị mới mà còn thiết tha xây dựng thể chế mới làm tác nhân chuyển hoá. Nếu đa số người Việt có kiến thức mới, ý thức mới và động lực khích lệ đóng góp, thì sẽ có chuyển biến cho đất nước. Nhưng thái độ vô cảm hiện nay của chính quyền và đa số người dân là trở lực chính.

Do chế độ toàn trị tận dụng các chính sách tuyên truyền về một ý thức hệ giả tạo và mọi phương thức khủng bố toàn dân, nên vô cảm trước các vấn đề vẹn toàn lãnh thổ, tồn vong dân tộc, chính thống của chế độ và bất công xã hội trở thành một thái độ “khôn ngoan” cho nhiều người.

Nhạy cảm sai lầm trong quá khứ

Nhạy cảm là một sự thay đổi từ nội tâm trước một giá trị chung. Dù tiềm tàng trong cá nhân, nhưng lòng dâng hiến cho một lý tuởng cao đẹp sẽ thúc đẩy làm cho cảm xúc xã hội hình thành và duy trì. Nhạy cảm chính trị có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử.

Thí dụ như trước đây, Đảng đã nói rằng vì lòng tự hào là dân tộc anh hùng nên Việt Nam sẵn sàng chống Mỹ thay cho Liên Xô và Trung Quốc; vì yêu thương miền Nam ruột thịt bị Đế quốc Mỹ và tay sai kềm kẹp mà miền Bắc đấu tranh giải phóng. Đó là hai khẩu hiệu tuyên truyền đầy tình cảm. Thời gian lắng động và lịch sử sang trang đã chứng minh là các hãnh diện này làm hao tốn nhiều máu xương oan uổng cho bao thế hệ.

Ngày nay, tình thế đổi thay, Đảng cũng cần có cảm xúc mới để mở lối: bài Hoa hay thân Mỹ lại là những mơ ước có ảnh hưởng đến chính trị đối ngoại trong tương lai của người Việt. Thực ra, thương yêu nhau trong tình tự dân tộc một cách lành mạnh đáng lý ra phải là một cảm xúc trân quý cần có để phát huy thành một nguồn lực chuyển hoá cho đất nước.

Gần đây, phong trào dân oan đòi công lý ngày càng lan rộng. Nhưng thương tâm trong nghịch cảnh hay tự thiêu để phản đối đã không đem lại một giải pháp bồi thường thoả đáng cho nạn nhân, mà cũng không tìm ra được điều chính yếu cần phải có, đó là một hệ thống luật pháp công minh và tinh thần trọng pháp của người dân và chính quyền.

Tác nhân chuyển hoá trong tương lai

Nguyên ủy cho các chuyển động trong tương lai là Việt Nam cần có các tác nhân chuyển hoá nhưng rất khó tìm ra giới tiên phong này.

Vì muốn tiếp tục độc quyền lãnh đạo nên Đảng sẽ không dại gì mà khởi xướng thay đổi. Đảng cũng không muốn người dân có ý thức về giá trị dân chủ mà còn quy kết ai kêu gọi dân chủ là thế lực phản động và suy thoái đạo đức. Bầu cử tự do không xảy ra vì chế độ Đảng cử dân bầu nên không tác động. Khi 3 triệu 5 Đảng viên tập trung nguồn lực để lo giải quyết động loạn xã hội nhất thời và bảo vệ đặc quyền và đặc lợi cho thân tộc, nên đã và sẽ không còn sức mà lo về một trào lưu chuyển hoá lâu dài để xây dựng cho một nhà nước vĩnh cữu. Khi đa số Đảng viên tin là còn Đảng còn mình, thì thiểu số có ý thức dân chủ cũng không thể thay đổi quan điểm của lãnh đạo và đa số. Kinh nghiệm Đông Âu cho thấy là các Đảng viên không thể chủ động trong tiến trình chuyển đổi mà là toàn dân. Chúng ta tiếp tục tin tưởng giao phó sinh mệnh dân tộc cho 3 triệu 5 Đảng viên là một sai lầm.

Vì lo sợ là sẽ hỗn loạn hơn và cuộc sống sẽ khó khăn hơn mà đa số dân chúng không muốn có thay đổi triệt để chế độ. Dân oan đòi công lý là chỉ muốn bồi thường thoả đáng và công nhân biểu tình là để đòi hỏi thay đổi điều kiện làm việc tốt đẹp. Do đó, cho đến nay dân chủ hoá không phải là mục tiêu đấu tranh chính và cũng không có phong trào đấu tranh trực diện và toàn diện.

Trong giai đoạn mà các phong trào đối kháng và xã hội dân sự đang được hình thành, môt thiểu số khả kính có ý thức về dân chủ và can đảm lên tiếng, nhưng lại không có nhân sự và chương trình để thu hút đa số. Thỉnh thoảng có một vài thỉnh nguyện thư, nhưng không đủ khích động để dân chúng tham gia đông đảo và để nhà nước quan tâm giải quyết. Vì không đủ tư thế để đối thoại như tại Đông Âu, Miến Điện hay Ả Rập, nên nhà nước không xem thương thảo với họ là giải pháp.

Thuận lợi nhất hiện nay là cư dân mạng ngày càng quan tâm nhiều hơn các vấn đề nóng bỏng; phương tiện truyền thông xã hội ngày càng đa dạng giúp cho việc truyền bá thông tin đấu tranh nhanh chóng hơn. Nhưng làm sao để các lực lượng đầu tàu trong không gian ảo này mạnh và chừng nào mạnh để bước vào đấu tranh trong thế giới thực thì không ai biết.

Phương Tây và người Việt hải ngoại quan tâm đến chuyển hoá, nhưng không thể lo hết mọi chuyện nội bộ như dân chủ, nhân quyền và lãnh thổ. Tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền có tác dụng nhất định trên bình diện quốc tế, vì đã có những thương lượng trong một vài trường hợp cá biệt, nhưng kết quả đổi chác ngoại giao lại làm giảm hiệu năng cho phong trào đấu tranh chung và không cải thiện toàn hệ thống. Vi phạm nhân quyền tại Syria trầm trọng hơn Việt Nam và quốc tế không ai can thiệp, thì hy vọng Mỹ trực tiếp can thiệp mạnh bạo hơn tại Việt Nam trong tương lai là thiếu thực tế.

Nhiều nhà đấu tranh kỳ vọng là nếu nội tình của Trung Quốc suy vi hay nếu Việt Nam chịu chấp nhận các ràng buộc để tham gia TPP, thì Việt Nam có ngay dân chủ. Lạc quan này thiếu cơ sở. Dân chủ là một vấn đề tự ý thức và dân chủ hoá là một nỗ lực trong một tiến trình lâu dài và sâu rộng, cho nên dân chủ không phải là quà tặng của Trung Quốc hay do áp lực của TPP mà có. Trung Quốc không có mặt hàng dân chủ trong thị trường nội địa để tặng. Mối liên hệ nhân quả trực tiếp trong các nhượng bộ về thoả hiệp mậu dịch với sự hình thành trào lưu dân chủ của Việt Nam là điều không thể xác định, cho dù những hoảng loạn bất lợi cho chính quyền có thể xãy ra. Hai hy vọng này là sai lầm.

Ý thức về dân chủ là nguồn lực

Có lập luận cho rằng đa số người Việt đang có ý thức về dân chủ và nhiều nhạy cảm để đóng góp cho tiến trình chuyển hoá. Thực tế bi quan hơn, khi các nguy cơ về nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí chưa được giải quyết. Vì giáo dục suy tàn và thiếu nỗ lực khai sáng cá nhân nên không có thay đổi văn hoá chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho trào lưu mới. Trung bình thì một người Việt không đọc đến một cuốn sách trong một năm; về lĩnh vực tư tưởng chính trị thì số lượng sách loại này in ra là 500 bản để bán cho 90 triệu dân, thì không thể tìm ra sự đồng thuận mới của toàn dân về các giá trị dân chủ cho tương lai.

Vì đã sống 40 năm trong một chế độ toàn trị nên thế hệ hậu chiến ít có ý thức về khái niệm dân chủ và chưa có kinh nghiệm sống với chế độ dân chủ. Đa số lại không có đủ năng động để tự khai sáng và không có dịp so sánh, nên cũng chưa có thể làm quen và mến yêu các giá trị dân chủ và có động lực khích lệ để đòi hỏi dân chủ.

Do đó, giá trị mới chưa thành hình trong khi giá trị cũ không còn nữa. Khi bế tắc này còn kéo dài, thì bịnh vô cảm chính trị của dân chúng sẽ còn trầm trọng hơn. Liệu liều thuốc bài Hoa và thân Mỹ có làm cho cơn bịnh trầm kha này thuyên giảm không, chưa ai đoán được.

Tỉnh thức thương yêu là hành trang khi đầu

Nếu dân chủ hoá là một chuyến viễn du mộng tưởng của toàn dân, vì ý thức về các giá trị dân chủ chưa có, thì liệu chúng ta có nên hy vọng là tỉnh thức của lãnh đạo và dân chúng may ra sẽ tạo một hành trang khởi đầu để dân chủ hoá được không.

Bằng tỉnh thức, Đảng sẽ thấy là chuyện không muốn sẽ phải đến: do tham nhũng và bất lực nội tại của chế độ toàn trị mà tiến trình tự hủy phát sinh là kết quả tất yếu. Đảng không thể tìm phép lạ nơi Hoa Kỳ hay Trung Quốc để thoát hiểm cho Đảng mà chính là sức mạnh dân tộc sẽ làm cho Đảng hồi sinh. Nhưng Đảng không còn một phương sách khả thi để mưu sinh cho dân, trong khi Đảng cũng đã không thể lý giải được cơ chế Kinh tế Thị trường và Nhà nước Pháp quyền theo định hướng XHCH và hoàn thiện đường lối này cho đến cuối thế kỷ XXI. Đảng cũng không thể tiếp tục nhân danh đạo đức cách mạng trong quá khứ mà dùng bạo lực đàn áp dân lành để duy trì chế độ hiện nay. Đảng và nhà nước cần có nhiều can đảm hơn để nhìn thẳng vào tình trạng tụt hậu của đất nước.

Nhờ thế, từ nay, lãnh đạo có ý thức trách nhiệm hơn để tìm lại chính danh và tín nhiệm. Chuyển biến cụ thể cần có nhất trong hiện nay là lãnh đạo sẽ không còn ác với dân, hèn với giặc, nghi ngờ mọi người là thù địch, lo sợ mất độc quyền lãnh đạo bất nhân và lo mất của bất chánh.

Bằng tỉnh thức về tình tự dân tộc, tấm chân tình, lòng tương kính, tinh thần hiếu hoà và trọng pháp, người dân sẽ không còn dùng bạo lực để tự ban phát công lý để giải quyết các tranh chấp trong gia đình, học đường và xã hội. Chuyển hoá này sẽ làm mọi người gắn bó nhau để cùng xây dựng một hạnh phúc chung trong một xã hội bình ổn. Khi người dân có kiến thức mới sẽ can đảm hơn để thảo luận với chính quyền nhằm nhận ra các điều kiện đem lại hoà bình và thịnh vượng cho đất nước, mà cụ thể là các giá trị của dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự.

Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết một phần nào khi có sức mạnh dân tộc mà sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị với nhà nước và quyết tâm chuyển hướng của cả hai là chính. Đường lối thực tiễn là thay đổi hiến pháp dân chủ, nâng cao đạo đức và giáo dục, tăng trưởng kinh tế, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ thiên nhiên.

Nếu không nhận ra được cơ hội cuối cùng này để khẩn trương hành động thì lần đại bại này của dân tộc sẽ là vĩnh viễn, vì đại hoạ Bắc thuộc cũng không còn cho phép Đảng và nhà nước được phép cai trị như hiện nay và thế hệ tương lai sẽ lãnh chịu mọi hậu qủa của việc nô lệ tự nguyện và lãnh trả nợ của quốc tế.

Dân chủ hoá không phải là một tư tưởng rỗng tuếch mà là một nhiệm vụ do chính toàn dân giải quyết dần dần để tiến gần tới mục tiêu. Chúng ta hy vọng là khoảng cách sẽ thu ngắn hơn để đạt được những tiến bộ này. Nhưng hy vọng hàng đầu là trào lưu dân chủ hoá sẽ tiến nhanh và tiến mạnh hơn trước khi tiến trình Hán hoá kết thúc.

Tỉnh thức lòng yêu thương trong tình tự dân tộc và cùng giúp nhau nhận chân các giá trị nền tảng để dân chủ hoá là một hành trang khởi đầu. Tinh thần khai minh sẽ giúp chúng ta nhận ra các lý tưởng này nhưng còn tìm cách áp dụng nó là một thách thức trong thực tế. Kiên trì khai sáng để chuyển hoá thái độ vô cảm của chính quyền và người dân nhằm xây dựng một thể chế chính trị mới cho Việt Nam là nỗ lực trường kỳ của chúng ta.

____

Tác giả cám ơn Thi sĩ Lê Cao Bằng (Alberta, Canada) đã tu chỉnh bài viết.

Đ.K.T

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/15/5087-tinh-thuc-de-dan-chu-hoa/

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.