Thực sự thì khi nghe nói Chu Giang lại viết bài “Kiểm dịch Trần Đình Sử”, tôi cũng thấy trong lòng khó chịu. Trong đợt “chỉ điểm” Nhã Thuyên, tôi nghĩ ông ta và mấy kẻ bồi bút kia có bốn động cơ để hãm hại nhà giáo trẻ này.
– Học vấn hạn chế nên không tiếp nhận được những kiến thức mới.
– Đố kỵ, hằn học với những ai trí tuệ và học vấn vượt trội.
– Đốt đền để gây chú ý.
– Được thuê viết để đổi lấy một số quyền lợi lặt vặt.
Hoặc cả bốn lý do trên.
Nhưng sau khi đọc bài viết của của Chu Giang có tên “Kiểm dịch Trần Đình Sử” đăng hai kỳ trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 363, 364 thì tôi lại thấy khổ thân cho Chu Giang. Nhiều người cho rằng Chu Giang và một số nhà phê bình “chỉ điểm” đã dùng những mánh khoé đê tiện và hèn hạ để viết những bài phê bình làm nhục những nhà khoa học chân chính theo “đơn đặt hàng”. Nhưng thú thực, ở bài viết này tôi chỉ thấy sự lú lẫn, ấu trĩ của một người ít học, tự đắc vô nghĩa lý và hơn hết cả là não bộ đang tàn rữa bởi sự tấn công của tuổi già bệnh tật.
Sao mà không thương được khi Chu Giang viết những dòng này về Trần Ngọc Hiếu, người đã từng được giáo sư Trần Đình Sử hướng dẫn làm luận án tiến sĩ:
“Về mọi phương diện, Luận án của Trần Ngọc Hiếu tệ hại nguy hiểm hơn Luận văn của Đỗ Thị Thoan rất nhiều. Tác hại xã hội của nó là ở cấp độ cao hơn. Song chúng tôi sẽ không đề nghị huỷ bỏ Luận án thu hồi học vị, xem xét trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học và Hội đồng chấm luận văn” (“Kiểm dịch Trần Đình Sử”, VNTPHCM số 363).
Khổ thân Chu Giang đã lo lắng không đâu. Ai sẽ là người dám thu hồi học vị của Trần Ngọc Hiếu và xem xét trách nhiệm của Trần Đình Sử kia chứ. Sau khi Chu Giang và đám phê bình “chỉ điểm” tấn công Nhã Thuyên khiến cô bị mất việc, bị thu hồi học vị thì những gì Nhã Thuyên nhận được sau đó thực sự ngoài sức tưởng tượng. Từ một giáo viên hợp đồng tại Khoa Văn giờ đây cô đã nổi tiếng khắp năm châu bốn bể, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ đồng nghiệp ở trong nước lẫn Quốc tế. Thực sự thì những người giỏi ngoại ngữ và vững chuyên môn như Nhã Thuyên và Trần Ngọc Hiếu thì có mất việc ở trường Sư phạm họ vẫn sống khá tốt. Vì thế, ở vào thời điểm này ai dại gì mà thu hồi học vị của Trần Ngọc Hiếu, như thế chả hoá ra dẫm vào vết xe đổ Nhã Thuyên, tiếp tục “phong thánh” cho anh ta. Hại người mà thành ra giúp người thế thì khác nào “tu nhân tích đức”! Dồn quá nhiều tâm trí hãm hại người lương thiện nên đâm quẫn, không tính được hậu quả từ những hành động hồ đồ, ấu trĩ. Thật tội nghiệp! Tấn công Trần Ngọc Hiếu chưa đủ, Chu Giang gồng mình “đối thoại” với Trần Đình Sử bằng những áng văn chương ê a khá mờ mịt:
“Khi nghiên cứu khoa học phải tìm ra sự khác nhau giống nhau và quan trọng hơn là phạm trù này có thể vận dụng được gì ở phạm trù kia, mà không thể thuyền đua thì lái cũng đua con cóc cũng nhảy con cua cũng bò… ấy là về lí thuyết. Hiệu ứng ngoại biên mà Bakhtin vận dụng là của lí thuyết sinh học.
Ở vùng giáp ranh giữa hai môi sinh môi trường thì sinh vật phát triển cực mạnh, cực phong phú. Cái đó cũng đúng mà cũng chưa hoàn toàn. Vùng nước lợ quả là lắm thứ tôm cá. Nhưng nó chỉ nhiều chỉ lắm ở đấy. Cái đa dạng phong phú của vùng giáp ranh (nước lợ) cũng có cái hay – như món cá song cá vược con nhệch con nhạc chẳng hạn). Nhưng con cá ngừ đại dương con cá voi cá mập cũng có giá của nó chứ. Cấu trúc của các hệ thống xã hội, về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa nghệ thuật… nó khác lắm. Không thể đem mô hình, lý thuyết đường biên sinh học mà vận dụng vào được, mà hô hào giải trung tâm, ngoại biên hóa. Bakhtin có động cơ mục đích của ông ta. Còn trong học thuật nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không thể nhắm mắt tụng theo Bakhtin được”. (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2, VNTPHCM số 364)
Đọc những dòng trên tôi có thể cảm nhận được nỗi thống khổ của Chu Giang khi phải đứng trước những trang viết không dễ hiểu tẹo nào của Bakhtin và sau đó là Trần Đình Sử. Trình độ ngoại ngữ không có, bản thân thuật ngữ trung tâm (center) với ngoại biên (periphery) nghĩa gốc cũng như nghĩa mở rộng của nó ra sao cũng không biết, vậy mà cứ phải tranh luận sôi nổi. Tự dưng ông lại đưa tôm, cá, cua, cóc vào một không gian khoa học, cầm bút bấy nhiêu năm mà không phân biệt nổi khái niệm mang nghĩa thông dụng và khái niệm triết học. Chới với trước một biển kiến thức mênh mông, Chu Giang khó khăn lắm mới dạt vào bờ và sau đó tự trao cho mình sứ mệnh phải viết lại quá trình vật lộn thoát hiểm đó để tự lừa dối là mình vẫn còn phong độ. Ông làm tôi nghĩ tới trường hợp bé Hào Anh. Vốn chậm khôn từ nhỏ, bị gia đình chủ đầm tôm đầy đọa nên em đã bị những vết thương không thể lành sẹo trong tâm trí. Cho nên khi trưởng thành đứng trước số tiền 900 triệu đồng của các nhà hảo tâm gửi từ mấy năm trước Hào Anh bỗng trở nên rối loạn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn Hào Anh đã phá sạch số tiền này, bị mẹ ngăn cản cậu ta còn đuổi cả mẹ ra khỏi nhà nhiều lần. Sau khi hết tiền Hào Anh đã tham gia trộm cắp và vướng vòng lao lý. Từ trường hợp đáng thương của Chu Giang và Hào Anh chúng ta có thể thấy tri thức hay tiền bạc thực ra cũng là một dạng vốn (capital). Nếu căn cơ không vững vàng thì có được trao thiên kinh vạn quyển hay tiền tỷ thì những gì còn lại chỉ là sự thống khổ. Thế mà dường như bất chấp nỗi thống khổ vì bội thực tri thức, Chu Giang vẫn rất hồn nhiên thách thức “khẩu chiến” với giáo sư Trần Đình Sử:
“Thôi không dài dòng nữa. Mời Giáo sư vào chính khu rừng nhiệt đới – như Cúc Phương chẳng hạn, rồi lại lên vùng giáp ranh như Sa pa chẳng hạn, xem nó giống nhau khác nhau thế nào. Xem sức sống ở đâu mạnh hơn, phong phú hơn. Rồi về Hà Nội, nhờ cái Hội trường Viện Văn chẳng hạn, phương chi nhiên hậu, ta hẵng bàn đến cái ngoại biên và ngoại biên hóa…” (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2, VNTPHCM số 364).
Trần Đình Sử có chết cũng không dám đối thoại với một người mà cả não bộ lẫn nhân cách đều đang phân huỷ, vậy mà ông cứ mời gọi và hy vọng Trần Đình Sử đối thoại với mình. Bên Viện Văn học người ta cũng một cái hội trường rộng rãi thật nhưng ai dám quyết định cho một người như Chu Giang mượn chứ, vì đa số những người làm việc trong Viện Văn nhìn thấy Chu Giang là chạy mất dép, họ hẳn là cũng sợ mang tiếng giao lưu với bọn phê bình “chỉ điểm”, nhưng hơn hết là với những người có lời lẽ nhập nhằng, rối loạn thế này:
“Giáo sư ơi, ở tâm, ở trung tâm, nó có cái gì đâu, nó có gì đâu mà mong vào! (Ấy là theo tinh thần tư tưởng của Bakhtin). Vả lại, một lần mâu thuẫn thì thể tất được thịt da ai cũng là người, nhưng nhiều lần, và ở những chỗ rất quan trọng thì thành ra anh hàng bán mâu rao thuẫn, cái gì cũng đâm thủng, cũng giải được mà không có cái gì đâm thủng được giải hóa được…” (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2 VNTPHCM số 364).
Liệu có nên mở một cuộc thi đoán xem cái gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí Chu Giang không? Giờ đây thì không chỉ có Chu Giang đáng thương, mà tờ Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành đối tượng cần được thương cảm. Oằn lưng hứng lấy đống bài vở của Chu Giang, trở thành bia miệng đầy coi thường miệt thị của bạn đọc trên toàn quốc, tờ báo này bỗng dưng ở vào vị thế thật tội nghiệp. Hầu hết các tờ báo trong nước đều sợ đăng bài của Chu Giang và đám bồi bút như ông. Thậm chí họ còn không muốn đăng những bài phản đối Chu Giang. Vì chỉ cần tên tuổi Chu Giang và đám bồi bút kia xuất hiện trên tờ báo của họ cũng đã là một sự ô uế. Xem ra, những cây bút phê bình chỉ điểm cũng bắt đầu hết thời, họ cũng cô độc lắm, sau vụ Nhã Thuyên họ đã bị đánh dấu. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu nhận ra đám người đánh Nhã Thuyên do thực lực kém cỏi, nhân cách bé mọn nên đã tạo ra một vết nhơ đáng xấu hổ cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam. Rất có thể, sự bất mãn của trí thức đã lên đến cực điểm sau khi xuất hiện rộng rãi loạt bài phê bình chỉ điểm và chỉ thị miệng ban xuống cấm đăng bài vở bênh vực Nhã Thuyên. Và cũng rất có thể, sự ra đời của Văn đoàn độc lập hay những hành vi chống đối quá khích cũng bắt đầu từ sự phẫn nộ trước loạt bài phê bình “chỉ điểm” đó. Việc bài viết của Chu Giang và gần đây là của Hạ Ngọc Quang (“chỉ điểm” nghiên cứu sinh Đoàn Ánh Dương) chỉ xuất hiện trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, một tờ báo địa phương, cho thấy phê bình “chỉ điểm” đã hết thời. Việc không còn một chỉ thị nào ban xuống sau khi hàng trăm trí thức Việt Nam và quốc tế ký vào bản kiến nghị phản đối trường Đại học Sư phạm đã thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên là dấu hiệu đáng mừng. Tiến trình dân chủ Việt Nam đang dân trở về trạng thái như trước sự vụ Nhã Thuyên.
Lẽ ra, tôi nên kết thúc bản danh sách xót thương của mình ở đây nhưng rồi lại thấy vẫn thấy chưa thoả đáng. Tôi quyết định thêm vào bản danh sách những người đã từng thuê Chu Giang viết bài, hay nói một cách sang trọng là nhờ vả. Chưa biết chừng đây là những người cần được thương cảm hơn cả Chu Giang và những cây bút phê bình chỉ điểm kia. Họ là ai? Họ là những người không ưa cặp thầy trò Nguyễn Thị Bình – Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) và Trần Đình Sử – Trần Ngọc Hiếu. Chung quy cũng chỉ vì những hiềm tỵ cá nhân vặt vãnh chứ nào có chính trị chính em gì ở đây. Giá mọi chuyện kết thúc ở đây thì cũng chẳng có chuyện gì to tát nhưng bỗng đâu xuất hiện đám người “đục nước béo cò” muốn ăn theo vụ Nhã thuyên. Họ là ai? Họ là một vài quan chức “giám hộ văn chương”, những người đã sắp đến tuổi bị đào thải khỏi hệ thống nhưng vẫn muốn ghi điểm với cấp trên để nấn ná thêm vài năm tại chức nữa. Họ cũng muốn nếm trải lại cái thời hoàng kim xa xưa khi các quan chức làng văn nghệ nắm quyền sinh quyền sát, muốn hãm hại, trù dập ai đều dễ như trở bàn tay. Hoặc có người chỉ vì thù hận với một vài thầy trong hội đồng chấm luận văn thạc sĩ Nhã Thuyên mà đã làm to chuyện để tranh thủ hãm hại mấy thầy đó cho cho bõ tức. Tóm lại, toàn cảnh vụ tấn công Nhã Thuyên vẫn là những những cú chụp giật danh lợi vặt vãnh, những hành vi đố kỵ thấp hèn. Sao mà những scandal chính trị trong đời sống văn hoá của ta nó lại nhếch nhác đến vậy! Giờ lại tới vụ tấn công Trần Đình Sử – Trần Ngọc Hiếu. Thật là bệ rạc!
Vậy là bản danh sách xót thương của tôi cũng khá dài rồi, tôi xin phép dừng thôi. Các bạn đọc có thể giúp tôi bổ sung thêm nhưng nhớ là phải hết sức khách quan nhé, phải thật sự “đáng thương” thì hãy đưa vào vì không phải ai cũng muốn chui vào bản danh sách này đâu. Lời khuyên chí tình cho những ai không muốn tiếp tục bước chân vào bản danh sách này là đừng bao giờ viết phê bình khi não bộ đang phân huỷ và cũng đừng bao giờ sử dụng những người não bộ và nhân cách đang phân huỷ vào mục đích phê bình.
Viết xong ngày 15/8/2015
L.B.P.
Nguồn: http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=19104