Tự trao cho mình nhiệm vụ “kiểm dịch Trần Đình Sử”, tác giả Chu Giang đã viết một bài phê bình khá dài, được chia thành hai kỳ liên tiếp in trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 363, 364. Bài trao đổi của Chu Giang, một cây bút phê bình tự đọc, tự học, tự vươn lên, với các nhà khoa học ngành xã hội cho thấy tinh thần đấu tranh dũng cảm “phi thường” của tác giả. Chúng tôi đã theo dõi rất kỹ và cũng muốn noi theo tinh thần đối thoại của ông để xin phép nêu lên những nhận định riêng của mình. Rõ ràng là, qua hai bài viết của Chu Giang, chúng ta thấy rằng có một khoảng cách vô cùng lớn giữa đọc và diễn giải, giữa diễn giải đúng và diễn giải sai trong khoa học nhân văn tại Việt Nam.
Trong bài thứ nhất đề cập tới Chương 1 Luận án của Trần Ngọc Hiếu, Chu Giang cho rằng “tư tưởng của Luận án không có gì mới mà chỉ nhại lại, diễn đạt lại tư tưởng của các học giả nước ngoài”. Nếu tôi hiểu đúng thì trước khi bắt tay vào công việc nghiên cứu, tác giả cần trình bày lịch sử của vấn đề. Điều này càng cần thiết nếu nhà nghiên cứu phải sử dụng một mô hình lý thuyết mới để áp dụng vào thực tiễn. Vậy ở đây việc Trần Ngọc Hiếu nhắc lại những quan điểm lý thuyết, mà theo tôi biết là cực kỳ đa dạng và bề bộn bởi lịch sử hơn 2500 năm của người nước ngoài mà được Chu Giang định giá là “nhại lại” và “diễn đạt lại” có phải là một cách nói thậm xưng (hay là nói ngược?) để không khí bài viết đỡ căng thẳng? Thực ra Trần Ngọc Hiếu chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của một nghiên cứu sinh là trình bày lịch sử vấn đề của lý thuyết trò chơi trong Luận án của mình. Có nghĩa là anh ta phải hệ thống hoá lại những tác phẩm và tác giả lớn đã bàn về lý thuyết này từ cổ chí kim. Nếu như anh ta không thực hiện thao tác “diễn đạt lại” chắc các thành viên trong Hội đồng sẽ đánh giá Trần Ngọc Hiếu là một nghiên cứu sinh thiểu năng trí tuệ. Giá mà Chu Giang trước khi đem đi in, ông đưa bài viết của mình cho một ai đó đã từng bảo vệ Luận án Tiến sĩ đọc thì chắc chắn tránh được sơ xuất này. Sau đó, Chu Giang tiếp tục diễn giải lý thuyết mà Trần Ngọc Hiếu giới thiệu bằng một câu đánh giá rất ngắn, đầy uy lực: “Và không đúng với thực tiễn!”. Tôi tin rằng Chu Giang nói chẳng sai vì chẳng lý thuyết nào bao quát được thực tiễn phong phú bề bộn cả. Chủ nghĩa Marx, như chính nhà triết học khẳng định, vẫn cần được bổ sung bằng thực tiễn thuộc địa ở châu Á kia mà. Và nếu như theo cái cách suy luận của Chu Giang thì những triết gia như Marx cũng cần phải đem ra “kiểm dịch” vì đã từng mắc cái tội “không đúng với thực tiễn”. Xem ra bài viết sau của Chu Giang sẽ phải là Kiểm dịch Karl Marx rồi.
Khi nhận định rằng “tác giả Luận án tỏ ra vọng ngoại có mục đích về lý thuyết trò chơi…” vì cho rằng “dẫn lại tư tưởng của các tác giả nước ngoài cần phải phân tích cơ sở xã hội lịch sử – văn hoá của các luận điểm đó […] Luận án hoàn toàn lẩn tránh vấn đề này”, Chu Giang có dịp phô bày sở kiến của mình bằng những câu thành ngữ tục ngữ về sự “chơi” của người Việt Nam. Điều ấy cho thấy, theo tác giả bài báo, ông cha ta từ rất sớm đã ý thức được vai trò của hoạt động này: “Truyện cười, truyện tiếu lâm, Trạng Quỳnh – Xiển Bột, Hồ Xuân Hương là những mô hình mẫu mực trong trò chơi văn chương. Không biết trên thế giới có cái truyện Thầy đồ ăn bánh rán hoặc na ná như thế không nhỉ”. Chu Giang quả là tinh tường quá, xem ra các nhà triết học phương Tây từ cổ chí kim khi xây dựng những giả thuyết của mình chưa có điều kiện ngoại ngữ cũng như do những cách trở về giao thông để tiếp cận những tri thức dân gian đó. Nếu được, hẳn là mô hình tư duy lý thuyết phương Tây sẽ phong phú, gần với cuộc sống dân dã, và được điều chỉnh cho phù hợp với tư duy dân gian của người Việt. Chính vì sơ xuất này của các học giả phương Tây, nên khi viết về lịch sử lý thuyết trò chơi, Trần Ngọc Hiếu đã không đề cập tới mấy nhân vật trào tiếu Trạng Quỳnh, Xiển Bột… để cho vừa lòng một cây bút phê bình ngày đêm đau đáu “vọng nội”.
Nhận định rằng khoa học xã hội cần “hướng hoạt động văn hoá, văn học vào xây dựng con người, xây dựng các quan hệ xã hội theo hướng nhân văn Chân – Thiện – Mĩ”, Chu Giang hẳn cho rằng cần phải có một đề tài “đẹp” trong nghiên cứu khoa học? Giá như Chu Giang định nghĩa rõ thế nào là một đề tài “đẹp” trong nghiên cứu khoa học thì tốt quá, biết đâu Trần Ngọc Hiếu sẽ thức tỉnh để rồi từ nay về sau cứ cái “đẹp” ấy mà theo đuổi. Thực ra Chu Giang né tránh cũng dễ hiểu thôi vì chỉ nguyên bàn về cái đẹp thì tác giả cũng phải đọc kỹ lịch sử Mỹ học tới mấy ngàn năm bắt đầu từ những quan niệm nền tảng của Platon. Mà trong quá trình bàn tới cái Đẹp sẽ không thể tránh khỏi những “thao tác diễn đạt” lại những kiến thức của phương Tây. Làm thế khác nào tự dẫm lên chân mình, tốt nhất là lờ đi, vừa bảo toàn được danh dự, vừa đỡ phải đọc và tra cứu mệt người. Và nếu cứ đeo đuổi cái đẹp mà Chu Giang “ép” Trần Ngọc Hiếu tuân theo thì Vũ Trọng Phụng sẽ bị lên án vì đã tạo nên bức hý họa bằng ngôn từ về sự xấu xí, và các nhà bác học sẽ không ai dám nghiên cứu vi trùng lao nữa để cho ngày nay bệnh lao vẫn hoành hành cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Chu Giang là một cây bút hướng thiện nên có vẻ hay lo xa, một luận án phân tích để đánh giá “giá trị lớn nhất” của những đối tượng được nghiên cứu, thì đó chỉ là trong phạm vi của chính đối tượng, thế nhưng ông cứ sợ rằng tác giả sẽ tranh thủ khái quát thành “giá trị lớn nhất cho cả thời đại” và sẽ làm phương hại đến đạo đức xã hội. Lo xa thì cũng tốt nhưng mắc bệnh cả lo chưa biết chừng vừa hại người vừa mệt thân. Từ những diễn giải của cá nhân mình về Luận án của Trần Ngọc Hiếu, có thể thấy Chu Giang đã lẫn lộn giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu: nếu đối tượng nghiên cứu đáng ghét thì hẳn người nghiên cứu nó cũng chẳng ra gì. Cách suy luận này khá nguy hiểm vì như vậy nhân loại sẽ khinh rẻ, miệt thị nhà bác học Koch vì đã dành cả đời nghiên cứu vi đám vi trùng lao gớm ghiếc. Và cứ mở rộng, khái quát hóa như thế, các lý thuyết khoa học sẽ cho thấy sự ngu dốt của các nhà khoa học vì toàn tìm ra những điều xấu xa của thiên nhiên và nhân loại. Xem ra cứ đà này thì khoa học coi như đi vào tuyệt lộ.
Trong một mạch say sưa về các lý thuyết mang tính khái quát hóa ấy, Chu Giang mở rộng trong bài báo thứ hai của mình để phê phán Trần Đình Sử về sự bất cập trong “đường tri thức”. Trước hết bài báo có phần “trữ tình ngoại đề” đầy tâm huyết về những tệ lậu xã hội hiện tại, ở đó giọng văn của Chu Giang thấm đẫm tinh thần ưu thời mẫn thế. Kết cấu bài báo phê phán một giáo sư văn học được mở đầu bằng một tinh thần ưu thời như vậy, đủ thấy bút lực dồi dào cũng như cảm xúc ào ạt từ một Chu Giang năng nổ. Có điều tôi không hiểu giữa những sự kiện được nhắc đến đó và một giả thiết nghiên cứu văn học về ngoại biên có mối quan hệ gì. Phải chăng vì lý thuyết ngoại biên trong văn học (nó mạnh đến thế chăng?) mà xã hội phải chịu những tệ lậu đó? Nếu thế thì lý thuyết ngoại biên tội to quá, vụt mấy roi cũng chẳng bõ bèn gì.
Trong chuyện chỉ ra những bất cập của Trần Đình Sử, Chu Giang rất tài tình bóc tách thành vấn đề thái độ, phương pháp và nội dung học thuật. Trong Lời nói đầu của một cuốn sách, Trần Đình Sử viết: “Các ý kiến của tôi chắc chắn khó tránh khỏi khuyết điểm, mâu thuẫn hoặc chưa chín. Đó cũng là chuyện thường tình”. Sau đó Chu Giang diễn giải câu “Đó cũng là chuyện thường tình” thành một đoạn văn lời gián tiếp tự do mà các nhà văn hiện đại vẫn thường hay sử dụng cho nhân vật của mình. Họ sử dụng tài tình đến mức người đọc thoạt đầu không phân biệt được đó là lời người kể hay lời nhân vật. Và Chu Giang đã dũng cảm sử dụng lời gián tiếp tự do theo lối tiểu thuyêt trong một bài viết phân tích bình luận. Chưa biết chừng Chu Giang đã trao cho Trần Đình Sử một giá trị nhất định trong những lời lẽ như sau: “Ăn được thì ăn, xài được thì xài, không thì bỏ đó nhé. Sống mới chả chín. Đây chỉ có thế. Nó là chuyện thường tình xưa nay. Rách chuyện”. Tôi chưa được đọc chuyên luận của Trần Đình Sử, bởi cách trở đò giang, nên không thể lạm bàn. Nhưng nếu ông có nói đến sự diễn giải lại lý thuyết của Bakhtin thì âu cũng là chuyện thường gặp bên xứ trời Tây vốn hay lôi chuyện lý thuyết ra để bàn lại. Việc xác định xem Trần Đình Sử có mới được hay không khi diễn giải lại ở một chuyên luận khoa học vài trăm trang thường cần ít nhất một nghiên cứu so sánh phân tích vài chục trang. Trong bài này qua một phán đoán đầy hồ hởi: “Giáo sư đã diễn giải lại, theo tôi, là rất sai, trường hợp lý thuyết ngoại biên của Bakhtin. Chỗ này, Giáo sư tỏ ra vào hàng kép nhất mà diễn giải lại cái vở của Bakhtin thôi. Hoàn toàn không có tri thức gì mới”, Chu Giang một lần nữa cho thấy tinh thần bút chiến đầy bản năng và cảm tính khi đánh giá rất nhanh sự bất cập của Trần Đình Sử. Và bỗng dưng bài phê bình này bắt đầu có không khí của tiểu thuyết.
Nhân chuyện này, nói đến tác giả đang tồn nghi Bakhtin/Voloshinov, Chu Giang thận trọng nhắc đến sự không đáng tin cậy của “tư cách học thuật Bakhtin” và “phải chờ đợi thông tin ở các chuyên gia văn học Nga”. Thế nhưng sau đấy dường như Chu Giang vẫn kịp quyết đoán rằng “Bakhtin có nhiều khả năng là một tay đại bịp”. Dĩ nhiên khoa học thì có sự tiến triển, cho nên việc cách đây hai mươi năm người ta chưa nhận ra tư cách “bịp” của Bakhtin (nếu có) thì cũng là dễ hiểu. Bản thân Ngô Tự Lập cũng rất thận trọng, dù không kém phần quyết liệt, khi nói rằng “cuốn sách của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota [những tác giả “lột mặt nạ” Bakhtin-TG] dù rất công phu nhưng không phải là tiếng nói duy nhất hoặc cuối cùng” (Lời giới thiệu công trình Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Nxb ĐHQG, tr.34). Nhưng đem một tồn nghi để khẳng định một nghi vấn là một cách chứng minh phản chứng khá lạ lùng và thú vị. Nó cho thấy người viết không chỉ có có năng lực tưởng tượng phong phú mà còn có khả năng lật ngược vấn đề hiếm có, thay đổi bút pháp linh hoạt. Bài phê bình bỗng nhiên chuyển đổi thể loại, từ nghiên cứu sang trạng thái của tản văn hay nhàn đàm gì đó. Vừa mơ hồ vừa ngộ nghĩnh, xem ra cũng ấn tượng lắm. Hơn thế, Chu Giang đã khái lược lại rất dễ hiểu, giản dị, nôm na vấn đề “ngoại biên”, dĩ nhiên là theo cách hiểu của cá nhân ông. Chúng ta cùng chia sẻ sự đánh giá của ông: “Khi nghiên cứu khoa học phải tìm ra sự khác nhau giống nhau và quan trọng hơn là phạm trù này có thể vận dụng được gì ở phạm trù kia, mà không thể thuyền đua thì lái cũng đua, con cóc cũng nhảy con cua cũng bò… ấy là về lý thuyết”. Để từ đó ông nhận định sáng tạo rằng “Hiệu ứng ngoại biên mà Bakhtin vận dụng là của lí thuyết sinh học”. Nhận định này dường như đã đẩy tiếp nhận của bạn đọc đi chệch hướng. Họ bỗng nhiên bị quyến rũ bởi hiểu biết của Chu Giang về thuỷ sản lẫn sinh học. Viêc ông nhắc thêm tới cá song, cá vược, cá nhệch của vùng nước lợ đã khiến bài viết ngả sang hướng đồng dao đậm chất thôn quê. Cũng nhân nói về tư cách học thuật của Bakhtin nhằm phê phán tri thức của Trần Đình Sử, Chu Giang dẫn ý kiến phân tích của Ngô Tự Lập rằng: “Theo Ngô Tự Lập thì Bakhtin là người chống Marx quyết liệt từ đầu đến cuối […]. Và phương Tây bốc Bakhtin lên như nhà bác học lớn của thời đại, nhà tư tưởng lớn của thời đại, phải chăng, trước hết, và xuyên suốt, cuối cùng, vì Bakhtin là kẻ không đội trời chung với chủ nghĩa Marx?”. Vì không được đọc bài của Ngô Tự Lập, tôi chưa hiểu rõ ý của Chu Giang. Phương Tây như tôi biết luôn đề cao Bakhtin/Voloshinov như là tác giả Marxist của ba công trình xuất sắc: Rabelais, Dostoievsky và Chủ nghĩa Marx. Hãy đọc lời giới thiệu của bản tiếng Pháp do Marina Youguello viết cho bản in của Nxb Seuil (1977): “Những vấn đề này [ký hiệu và hành vi phát ngôn, ý thức hệ – TG] mà nhân loại nhiều lần đặt ra trước ông, Bakhtin là người đầu tiên đề cập trong khuôn khổ chủ nghĩa Marx” (tr. 12). Chưa nói đến những lời ngợi ca về chủ nghĩa Marx được cụ thể hóa trong các nghiên cứu của Bakhtin/Volos inov, thì việc Chu Giang cho rằng phương Tây ca ngợi vì Bakhtin chống Marx có lẽ nhằm ý khác chăng? Bởi lẽ Marx thực chất đã là một phần của di sản văn hóa phương Tây và luôn là một thử thách về học thuật đối với một số nhà nghiên cứu lớn. Họ luôn đối thoại, phê phán, chỉ trích, tái diễn giải nhưng không đối lập và hạ bệ. Hệ hình khoa học không cho phép người ta đem cảm xúc cá nhân vào để nói có thích hay không thích Marx, và vì thế có muốn đọc Marx hay không, Marx có giúp ích gì cho việc giảm bớt tệ nạn xã hội ngay lập tức. Sự duy lý chặt chẽ đến cùng cực của khoa học phương Tây đối với Chu Giang hẳn là nhược điểm vì luôn đòi hỏi những chứng minh cụ thể chi ly, hệ thống và không tính đến thực tiễn, đến cảm xúc con người, đến cuộc sống nôm na dân dã. Cứ theo đã suy diễn này thì thật tội nghiệp cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Việt Nam vì chúng thiếu thốn nghiêm trọng cảm xúc và thực tiễn mang đẫm sắc thái bình dân.
Thế mà những bài viết của Chu Giang đã mang lại một làn sóng mới của cảm xúc thường ngày khi trực diện phê phán những điều mà ông cho là sai lầm trong khoa học. Khẳng định rằng “chân lý được kiểm nghiệm được khẳng định thừa nhận là trong thực tiễn, qua thực tiễn” chứ không phải qua đối thoại là một ý kiến mạnh bạo đáp trả tinh thần học thuật tháp ngà. Nhận thấy “đối thoại mà có được chân lý thì Giáo sư thua xa các chị em trên chợ Đồng Xuân”, Chu Giang đã khẳng định ý kiến cá nhân nhằm nâng cao giá trị sinh sắc và phong phú của đời sống trong báo chí cũng như trong học thuật. Không hiểu Chu Giang có duyên nợ gì với một vài chị em bán hàng chợ Đồng Xuân hay trót say mê mấy món quà vặt (bún riêu, trứng vịt lộn…) do họ nấu mà lại ám ảnh ngôn ngữ đối thoại của mấy chị em này đến vậy. Đến nước này chắc các Giáo sư phải tính đường tháo chạy, nhường tháp ngà lý thuyết cho chị em ngoài chợ, ngôn ngữ học đường cần lùi chỗ cho từ ngữ vỉa hè, suy luận lý thuyết cần dừng lại trước những cảm nghĩ nôm na. Khoa học ơi, ta xin chào mi!
Thực ra thì tôi rất khoái tinh thần bút chiến hồn nhiên, hồ hởi đầy bản năng của Chu Giang. Việc ông lẫn lộn hành ngôn trong nghiên cứu khoa học và hành ngôn trong những tác phẩm mang tính hư cấu cũng không phải là chuyện to tát. Đọc xong thấy cũng ngồ ngộ, vui vui. Đành rằng, một tác phẩm lý luận phê bình rất tối kỵ những suy diễn cảm tính, quy chụp và bộc lộ những xúc động vặt, nhưng mà Chu Giang đã bao giờ tham gia những khoá đào tạo sau đại học đâu, vì vậy chúng ta có thể thông cảm. Ông có quyền cá nhân trong việc nêu lên những cảm nghĩ cá nhân của mình về các tác phẩm, tác giả mà ông thấy bất ổn. Chỉ những ai lợi dụng bài viết của Chu Giang để làm phương hại tới danh dự của Trần Đình Sử, Trần Ngọc Hiếu thì mới thực sự đáng thương hại vì họ đã trông đợi quá nhiều vào những bài viết khá mông lung và ấu trĩ của Chu Giang.
Yên Bái những ngày lập thu 2015
B.V.T.
Nguồn: http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=19099