Không thể mãi “cho không” mỏ khoáng sản

Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 1996 và sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng và tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, trăn trở lâu nay là tình trạng tài nguyên khoáng sản quý giá không tái tạo được đang ngày càng mất đi.

Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 khóa XII tới đây sẽ khắc phục một số bất cập sau 13 năm thi hành. Đặc biệt, tình trạng “cho không, cấp không” các mỏ khoáng sản sẽ được chấm dứt bằng việc tiến hành thí điểm đấu thầu mỏ là một nội dung mới đáng quan tâm của Dự thảo Luật này.

Tài nguyên khoáng sản quý giá không tái tạo được đang ngày càng mất đi. Ảnh: HOÀNG LONG

Tài nguyên khoáng sản quý giá không tái tạo được đang ngày càng mất đi. Ảnh: HOÀNG LONG

Mỗi địa phương không thể là “vương quốc riêng” về khai thác khoáng sản

Thời gian qua, có thể thấy nguồn tài nguyên khoáng sản bị lãng phí và thất thoát vì nhiều lý do, trong đó có việc cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Việc “cấp không mỏ” làm cho những địa phương giàu có tiềm năng khoáng sản chưa chắc đã giàu lên, mà ngược lại cơ sở hạ tầng như đường sá, môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu mỏ ở đây cấp cho các doanh nghiệp từ nơi khác đến khai thác. Và “cấp không mỏ” cũng dẫn tới tình trạng tiêu cực là nhiều địa phương lách luật, xé nhỏ mỏ lớn ra thành những mỏ nhỏ, để địa phương giành quyền cấp phép như một thứ “đặc lợi”…

Nhiều người đã chứng kiến không ít doanh nghiệp trục lợi và trở nên rất giàu có vì khai thác khoáng sản, trong khi tài nguyên đất nước ngày càng nghèo đi. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, tại kỳ họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, bàn về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), đã đặt vấn đề, “Mỗi địa phương hiện như một vương quốc riêng về khai thác khoáng sản. Việc quản lý phải tập trung đưa về Trung ương và làm sao quản lý được việc khai thác, nhưng Trung ương không quá ôm đồm”.

“Cần phải lập lại trật tự để giữ gìn tài sản cho con cháu chúng ta mai sau” là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên tại kỳ họp nói trên. Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Trần Thế Vượng cũng thẳng thắn, “Tại sao có quốc gia như Hàn Quốc, khi phát hiện thấy mỏ vàng thì họ đổ bê tông cốt thép để dành cho con cháu mai sau? Còn chúng ta cứ cho cấp phép tràn lan khai thác tài nguyên?”.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, tuy có một số địa phương đề nghị phân cấp mạnh hơn thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản cho UBND các tỉnh và huyện, nhưng Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao việc bỏ quy định giao cho UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch, nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua. Đồng thời bổ sung quy định thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho UBND cấp tỉnh đối với những khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, sau khi được Bộ TN&MT khoanh định và công bố.

Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) xây dựng theo hướng xác lập cơ chế quản lý các hoạt động khoáng sản đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, sớm chấm dứt cơ chế xin – cho, đảm bảo nguồn lực khoáng sản được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, nâng cao tỷ trọng đóng góp của tài nguyên khoáng sản cho ngân sách Nhà nước và tăng trưởng kinh tế.

Tình trạng “cho không, cấp không” các mỏ khoáng sản sẽ được chấm dứt bằng việc tiến hành thí điểm đấu thầu mỏ. Ảnh: Cấn Dũng

Tình trạng “cho không, cấp không” các mỏ khoáng sản sẽ được chấm dứt bằng việc tiến hành thí điểm đấu thầu mỏ. Ảnh: Cấn Dũng

Sửa Luật Khoáng sản góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước

Theo Bộ TN&MT, từ tháng 9-1996 đến nay, đã có 571 đề án thăm dò đối với 20 loại khoáng sản khác nhau được cấp phép với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng “chóng mặt”, từ 427 doanh nghiệp năm 2000 lên gần 1.400 doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, do chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy phép khoáng sản và điều kiện chuyển nhượng hoạt động khoáng sản, nên chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản. Lại thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách…

Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) mong muốn cùng với các quy định tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền thăm dò – khai thác, quy định về đấu thầu quyền khai thác khoáng sản (gọi tắt là đấu thầu mỏ) – một nội dung mới trong Luật sửa đổi lần này – sẽ thể chế hóa chủ trương kinh tế hóa ngành địa chất khoáng sản, hạn chế cơ chế xin – cho, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, tăng cường định giá khoáng sản cũng là lĩnh vực cũng hết sức cần thiết. Khắc phục được tình trạng giá khoáng sản chưa được tính đúng, tính đủ, chưa sát với giá thị trường sẽ đảm bảo lập lại công bằng và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để làm tốt điều này, cần đẩy mạnh thực hiện thí điểm đấu thầu khai thác mỏ, tiến tới áp dụng rộng rãi cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cũng đề nghị rằng, “Luật chỉ cần quy định vấn đề có tính nguyên tắc. Các nội dung cụ thể về đấu giá quyền thăm dò – khai thác khoáng sản giao Chính phủ quy định. Trước mắt Chính phủ làm thí điểm đấu giá tại một số khu vực khoáng sản và xây dựng quy chế đấu giá chặt chẽ. Nhà đầu tư trúng đấu giá vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí trong hoạt động khoáng sản”.

Nhìn rộng ra, việc rà soát đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khảo sát, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản hợp với cơ chế thị trường, tăng cường sử dụng các công cụ thuế tài nguyên, phí khai thác tài nguyên để điều tiết vĩ mô việc khai thác và sử dụng khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm, giảm xuất khẩu thô, thúc đẩy chế biến chiều sâu khoáng sản đã trở thành đòi hỏi cấp thiết.

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1368&chitiet=11665&Style=1

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.