Hạ tầng đô thị tại Việt Nam một cái giá rẻ cho hiện tại nhưng đắt cho tương lai

Ngày nay tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế thì hạ tầng đô thị tại đây cũng đang thay da đổi thịt từng ngày. Tuy nhiên điều cần quan tâm là nó còn được đầu tư và xây dựng ở một mức độ rẻ tiền và nếu tiếp tục như thế thì e rằng chúng ta phải trả một cái giá đắt về sau.

Nhìn vào đường xá, cầu cống mới xây độ 1 hay 2 năm gì đó, do chất lượng quá khiêm tốn của chúng thì khó có ai biết được là nó vừa mới xây, mà cứ tưởng là chắc có lẽ công trình này đã có từ lâu lắm. Chất lượng khiêm tốn tức là tuổi thọ cũng khiêm tốn. Điều đáng nói chúng là sản phẩm chủ yếu do các công ty xây dựng Việt Nam tạo ra chứ chẳng phải ai khác. Nếu phải so sánh với các công ty của Nhật hay từ các nước phát triển khác thì có vẻ khập khiễng, nên tạm bỏ qua việc so sánh ở đây để nhìn thẳng vào thực lực thực tế của Việt Nam chúng ta hiện nay. (Tham khảo bài “Bão đánh “vỡ” ra nhiều chuyện làm ăn gian dối”).

Các đoạn bờ kè bị sạt lở trên đường Nguyễn Tất Thành cho thấy hoàn toàn không có lõi sắt bên trong. Ảnh: HC, VNN

Các đoạn bờ kè bị sạt lở trên đường Nguyễn Tất Thành cho thấy hoàn toàn không có lõi sắt bên trong. Ảnh: HC, VNN

Trụ điện được chôn mà không hề có móng! Ảnh: HC, VNN

Trụ điện được chôn mà không hề có móng! Ảnh: HC, VNN

Trong khi bờ kè, trụ điện... ngã đổ thì hàng rào bằng tôn của khu đô thị Đa Phước chẳng hề suy suyển trước gió bão! Ảnh: HC, VNN

Trong khi bờ kè, trụ điện... ngã đổ thì hàng rào bằng tôn của khu đô thị Đa Phước chẳng hề suy suyển trước gió bão! Ảnh: HC, VNN

Đây chỉ là một sự kiện tiêu biểu nói lên việc làm ăn bất tín của các nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay. Một cái giá khá đắt để các thế hệ kế tiếp phải trả sau này.

Có ngàn lẻ một nguyên nhân để dẫn đến sự việc này nhưng xin được đề cập ở đây những yếu tố chính là quản lý, luật pháp và con người yếu kém tại các công ty Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, không thể không nói đến vấn đề quản lý và luật pháp ở đây vì ngoài yếu tố con người thì chúng gần như là yếu tố quan trọng nhất gây ra những hậu quả như trên. Ai là người dám đứng ra cản đường các công ty nếu họ quy hoạch sai và làm không đúng chủ trương? Xin thưa chẳng có ai làm được, chỉ có luật pháp mới làm được việc này mà thôi. Nhưng thực tế thì cũng rất đơn giản, chỉ cần các công ty có phong bì dày thì hầu hết nó sẽ vượt qua mọi cửa ải, cùng lắm cắt bớt vài lô đất để dành cho anh A, chị B để làm nhà sau này là được. Nếu làm như thế thì lẽ nào trong một khu cao tầng mà chỉ có vài lô riêng lẻ thì coi cũng kỳ nên phải làm thành một khu nhà biệt lập, lè phè thấp tầng như nhau. Làm như thế mới dễ dàng xin được giấy phép nên tham nhũng tràn lan, kèm theo là luật pháp không đủ mạnh để chế tài nó. Mặc dù VN đã có luật phòng chống tham nhũng nhưng có vẻ chỉ để đối phó với dư luận và mang tính lý thuyết.

Tiếp đến là để tồn tại trong một môi trường như thế thì hầu hết các công ty xây dựng VN phải khéo luồn lách để chạy theo lợi nhuận và hầu hết không có chữ tín về chất lượng và thẩm mỹ cho công trình. Và con người làm việc trong môi trường của công ty như thế thì dần già sẽ đánh mất đi lòng tự trọng đối với cá nhân và cộng đồng là điều dễ hiểu. Kiếm lời qua sự mua chuộc chủ đầu tư hay tư vấn, gian dối trong các công đoạn thi công vẫn là mục đích chủ yếu của các công ty hiện nay.

Tham khảo web chính thức của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, Tp.HCM

Tham khảo web chính thức của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, Tp.HCM

Thêm nữa, quy hoạch đô thị thì thay vì tập trung xây dựng thật tốt các khu mới như Phú Mỹ Hưng ở Tp Hồ Chí Minh hay Trung Hoà Nhân Chính ở Hà Nội, cần phát triển những khu đô thị vệ tinh tập trung những khu chức năng cao tầng để giải quyết vấn đề giãn dân từ các đô thị lớn ra bên ngoài thì nay mỗi công ty một thửa để đầu tư quy hoạch, quy hoạch đúng sai chưa bàn ở đây nhưng mỗi một công ty khi có đất rồi thì tha hồ tự do băm nát những ô đất của mình sao cho dễ bán để mau kiếm lời nhất, điều này thì chỉ mới dừng lại ở mức sơ đẳng là phân lô bán thửa tại các khu quy hoạch mới mà thôi. Cách làm này không cần tập trung nhiều công sức và trí tuệ nên chúng có giá đầu tư thấp hay rẻ tiền và nhanh hoàn vốn ở hiện tại. Nhưng về lâu dài hàng 30 năm hay 50 năm sau nếu muốn đô thị VN phát triển văn minh hiện đại hơn thì có lẽ đây là cái giá đắt và rất đắt mà chúng ta phải trả về sau vì phải đi đập bỏ những kiểu làm rẻ tiền này một lần nữa để quy hoạch tiếp.

Chỉ trong vòng 15 năm, hệ thống các đường phố trong đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng dạng bàn cờ, với lộ giới từ 17,5 m – 48 m kết nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (120 m) tạo nên giao thông liên hoàn. Đô thị được thiết kế hài hoà với thiên nhiên với hệ thống đường xá rộng rãi, chiều rộng cầu bằng chiều rộng đường, không bị co hẹp lại và hệ thống ngầm được xây dựng đảm bảo kỹ thuật, lề đường được xếp bằng các block bê tông được đúc với bê tông cường độ cao và có mặt nhẵn thẩm mỹ, làm tôn tạo thêm chất lượng và thẩm mỹ công trình như là lẽ tất yếu. Nhưng rất tiếc dự án này lại được một nhà thầu chính nước ngoài chứ không phải nhà thầu Việt Nam thực hiện. Dự án này cần được các nhà quản lý cũng như xây dựng của Việt Nam học hỏi về lâu dài.

Sau hết, cách làm như trên cho thấy nếu chúng ta làm việc không bài bản, chắp vá, rẻ rúng, các công ty Việt Nam tự đánh mất uy tín của mình và con người của chúng ta dần mất đi lòng tự trọng đối với cá nhân và cộng đồng, thì cái giá phải trả rất đắt sẽ đến cho chúng ta là người Việt Nam trong tương lai mà thôi.

Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/268

This entry was posted in xây dựng. Bookmark the permalink.