Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 25
GORBACHEV: NGOÀI VINH QUANG, TRONG ĐẤU ĐÁ
TUNG HÔ Ở NEW YORK – “ĐẤU TRANH GIAI CẤP ĐÃ CHẾT” – TIN DỮ TỪ KREMLIN – ĐỘNG ĐẤT ARMENIA: THẢM HỌA ĐẶC SẢN – BÁO CHÍ TRUNG THỰC HƠN – GORBACHEV “GIỎI NÓI, KÉM THỰC TẾ” – CHỜ QUÁ LÂU, ÍT HIỂU THỊ TRƯỜNG – GORBACHEV ĐỤNG PHE BẢO THỦ – THUYẾT PHỤC QUÂN ĐỘI – LIGACHEV, BẢO THỦ CHẾT ĐỨNG – HƯỚNG TÂY, HƯỚNG NỘI – KHÔNG CAN THIỆP VÀO ĐÔNG ÂU NỮA
***
New York City. Thứ tư, ngày 7 tháng 12, năm 1988.
TUNG HÔ Ở NEW YORK
1.
Ở QUẢNG TRƯỜNG THỜI ĐẠI, đèn trên bảng hiệu chiếu thông điệp “Chào mừng Đồng chí Tổng Bí thư Gorbachev”. Dưới hàng chữ, biểu tượng búa liềm nhấp nháy đỏ chói.
Tại nhiều địa điểm ở Manhattan, nơi được xem như “Thánh địa Mecca” của chủ nghĩa tư bản toàn thế giới, đông đảo dân New York xếp hàng bên đường vẫy cờ Liên Xô, chờ xem đoàn xe 47 chiếc hộ tống người cộng sản quan trọng nhất thế giới đi qua.
Hàng ngàn người hô to tên ông “Gorby, Gorby”. Hàng trăm tấm bảng được đưa lên giữa đám đông có ghi dòng chữ “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình”.
Ở Thị trường Chứng khoán Phố Wall, sự lạc quan được thể hiện cách quen thuộc: các chỉ số thị trường tăng mạnh.
Bên trong chiếc chuyên xa Zil, Gorbachev đã trải qua những cảm xúc lẫn lộn, như ông thú nhận sau này. Một phần trong ông rất phấn khích, nhưng ông cũng quá thông minh để không thể không thấy cái nghịch lý của sự tiếp đón nồng nhiệt ông nhận được ngay tại nước Mỹ.
Tuy vậy, ông vẫn vui sướng với đám đông chào đón vui vẻ và cũng nghĩ rằng mình xứng đáng được quần chúng tôn vinh. Buối sáng hôm đó, ông đã đạt được một trong những chiến thắng vĩ đại nhất đời mình.
*
“ĐẤU TRANH GIAI CẤP ĐÃ CHẾT”
2.
Trong một diễn văn gây xúc động sâu sắc tại Liên hiệp Quốc, Gorbachev cho thấy mình đã từ bỏ hầu hết ý thức hệ từng góp phần tạo nên Liên Xô trong 70 năm qua. Ông nói: Ý niệm “đấu tranh giai cấp”, nền tảng định hình chủ nghĩa Mác, đã chết và giờ đây được thay thế bởi “những giá trị nhân văn phổ quát”. Điều này bao gồm các quyền dân sự và tự do cá nhân, những quyền và tự do mà ông công nhận đã có lúc bị Moscow bác bỏ.*
Chiến tranh Lạnh, làm hao tổn năng lượng của hai siêu cường trong 40 năm qua, nay đã kết thúc: “Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một hiện thực lịch sử mới, xa rời chủ trương trang bị vũ khí khắp nơi để đến gần với nguyên lý tự vệ vừa đủ và hợp lý.”
Sau khi nói về những nguyên lý chung, ông nói đến những điều cụ thể. Ông nói, để chứng tỏ Liên Xô thực lòng, Hồng Quân sẽ đơn phương cắt giảm 500.000 quân. Ông cũng loan báo rằng 50.000 quân và 5.000 xe tăng sẽ được đưa ra khỏi các đơn vị quân đội Liên Xô đang đóng ở Đông Đức, Tiệp Khắc, và Hungary. Ông nói người dân Đông Âu sẽ được phép định đoạt số phận của chính mình: “Mọi người phải được tự do chọn lựa. Không có ngoại lệ nào.”
Ông nói chỉ khoảng hơn một tiếng, ngắn so với chuẩn của ông, nhưng đó là một phần trình bày tuyệt vời.
Im lặng. Rồi từ từ, cả khán phòng đầy những tổng thống, chủ tịch, thủ tướng và đại sứ các nước đã đứng đậy vỗ tay tán thưởng ông. Nhiều nhân viên kỳ cựu làm việc tại Liên hiệp Quốc nói họ chưa bao giờ thấy ai khác được tán thưởng nhiệt tình đến thế tại Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc.[1]
*
TIN DỮ TỪ KREMLIN
3.
Tuy nhiên, Gorbachev không được hưởng vinh quang bao lâu. Trong lúc ông ngồi xe, đi từ tòa nhà Liên hiệp Quốc bên bờ East River, đến dự tiệc trưa tại Governors Island với Tổng thống Reagan và Tổng thống Đắc cử Bush, ông đã nhận được một cú điện thoại khẩn gọi từ Điện Kremlin.
Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov báo cho ông biết một cuộc động đất có sức tàn phá khủng khiếp vừa diễn ra tại Armenia buổi sáng hôm đó với mức chấn động đo được 6,9 độ Richter. Ryzhkov nói thông tin chi tiết vẫn còn rời rạc nhưng gần như chắc chắn là đã có hàng ngàn người chết.
Thoạt đầu, Gorbachev cứ giữ lịch trình công tác định sẵn. Khi ông gặp Reagan vài phút sau đó, Reagan ngỏ ý Mỹ sẽ gửi viện trợ nhân đạo cho Armenia. Gorbachev suy nghĩ về đề nghị này trong chốc lát và rồi, lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô việc này xảy ra, Gorbachev chấp nhận đề nghị của Reagan với lòng biết ơn. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hitler xua quân xâm lược Liên Xô, người Nga lên tiếng yêu cầu nước ngoài trợ giúp.
Gorbachev dự định ở lại Mỹ thêm một ngày nữa rồi đến thăm London, nơi ông sẽ hội đàm cùng bà Margaret Thatcher, bà đã thân thiện hơn với ông dù hai bên vẫn thường xuyên tranh cãi. Nhưng cùng ngày, càng lúc ông càng nhận được nhiều tin xấu về mức tàn phá của động đất Armenia. Tối hôm đó, ông quyết định kết thúc chuyến công du sớm để trở về Liên Xô.
Ông bay thẳng từ thành phố New York rực rỡ ánh đèn và lời tung hô đến cõi người tang thương tại Leninakan và Spitak, hai thị trấn Armenia gần như bị phá hủy hoàn toàn vì động đất. Không lâu sau khi đặt chân đến nơi và chứng kiến cảnh điêu tàn, ông nói: “Cả đời tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau, nhưng tất cả chỉ bằng một phần ngàn những đau thương tôi thấy ở đây.”[2]
*
ĐỘNG ĐẤT ARMENIA: THẢM HỌA ĐẶC SẢN
4.
Nỗ lực cứu nạn lại là một bi hài kịch khác. Nó cho thấy Liên Xô chỉ là một nước Thế giới Thứ ba thay vì là một siêu cường đúng nghĩa – đúng như câu ví von rất chuẩn “nghèo rớt mùng tơi nhưng chơi hạt nhân”**, của cựu Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt.
Một sự pha trộn giữa kém cỏi, tham nhũng và nghèo đói đã dẫn tới số người chết và thiệt hại nặng nề không cần thiết. Quân lính được điều đến nơi nhanh chóng, nhưng vì có quá ít thiết bị hạng nặng để có thể di dời những đống đổ nát nên họ cũng không làm được gì nhiều. Họ đi tuần tra vùng đồi lân cận, lăm le súng ống trên tay, cứ như đang chuẩn bị chống ngoại xâm hơn là để đối phó với một thảm họa thiên nhiên.
Một số lều trại được mang đến nơi cho người sống sót, nhưng quá ít cho khoảng 500.000 người lâm cảnh màn trời chiếu đất vì động đất. Cũng không đủ xe cộ để chở người cứu nạn đến các vùng nông thôn bị ảnh hưởng nặng trong mùa đông giá rét. Một ít bác sĩ và y tá được gửi đến giúp đỡ trong vài ngày, số lượng thuốc men thiếu hụt đến tội nghiệp. Các lực lượng dân phòng cũng không đủ sức can thiệp.
Không lâu sau, người ta hiểu vì sao quy mô thảm họa lại lớn quá mức đến thế. Gần như không có bất cứ tòa nhà nào ở hai thị trấn bị hủy diệt có thể chịu đựng được dù chỉ một trận động đất nhỏ. Lý do là vì các thanh thép, lõi của các công trình bê-tông cốt thép, đã bị ăn cắp để bán ra thị trường chợ đen.
Quan chức nhà nước và Đảng biết rõ nhưng lại làm ngơ, cứ để cho các chung cư, bệnh viện, trường học bị rút ruột mọc lên, họ hiểu chúng mong manh thế nào trong địa phận Caucasus vốn nổi tiếng vì những nguy cơ động đất tiềm tàng. Hầu hết 25.000 người đã chết là do bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát. Một quan chức Điện Kremlin sau này nhận xét, đây là “một thảm họa đặc sản Xô-viết”.[3]
*
BÁO CHÍ TRUNG THỰC HƠN
5.
Ngay cả quyết định rất cấp tiến là chấp nhận viện trợ từ nước ngoài cũng phản tác dụng. Có thể Gorbachev và các lãnh đạo Kremlin rất tha thiết muốn có sự trợ giúp từ Anh, Mỹ, Tây Đức và Pháp, nhưng các công chức ở Armenia xa xôi lại không biết làm sao để đối xử với những người ngoại quốc đến giúp mình, trong số có cả cậu con trai Phó Tổng thống Bush, cậu Jeff, người đã sốt sắng lên đường trong chuyến công tác thiện chí do Mỹ tổ chức. Nhân viên các cơ quan từ thiện gặp vô số phiền hà vì tệ nạn quan liêu bàn giấy trước khi có thể đến được vùng bị động đất.
Tuy vậy, có một khía cạnh nhờ cải cách của Gorbachev mà có và phát huy được tác dụng, đó là glasnost, sự cởi mở thông tin. Đài truyền hình và báo chí Liên Xô tường thuật về vụ động đất này cặn kẽ hơn bất cứ vụ thiên tai nào xảy ra trong nước trước đây. Trên truyền hình vào giờ cao điểm, Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov, phụ trách điều phối cứu nạn, đã lên tiếng chỉ trích quan chức Bộ Ngoại giao Liên Xô đã không tạo đủ điều kiện cho các thiện nguyện viên nước ngoài làm việc. Thủ tướng Ryzhkov nói: “Một số nhóm thiện nguyện nước ngoài đã rất nặng lòng khi rời Liên Xô, không vì những gì họ thấy mà vì cách họ bị đối xử tại đây.”
Nhiều mặt hàng viện trợ nhân đạo trị giá hàng triệu đô-la được gửi từ nước ngoài, cũng như từ Moscow, đã không đến nơi, ngược lại, chúng nằm ì tại phi trường ở thủ đô Yerevan, Armenia, và rồi ở đây, hầu hết đã bị đánh cắp đem bán ra chợ đen.
***
GORBACHEV “GIỎI NÓI, KÉM THỰC TẾ”
6.
Trong khi Gorbachev được dư luận khắp nơi trên thế giới xem như một ngôi sao, thì ở trong nước sự ủng hộ dành cho ông lại rớt hạng trầm trọng. Sau diễn văn lừng lẫy đọc tại Liên hiệp Quốc, một bài bình luận trên tờ New York Times đã hỏi độc giả câu này: “Hãy tưởng tượng phi thuyền của người ngoài hành tinh đáp xuống trái đất và phát đi lời nhắn ‘Hãy đưa tôi đến gặp lãnh đạo của bạn’. Trong trường hợp này, lãnh đạo của bạn là ai? Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là Mikhail Sergeyevich Gorbachev!” Ở nước ngoài là thế, nhưng tại Liên Xô, sự xuất hiện của ông bây giờ, tốt nhất, cũng chỉ được chào đón với vẻ hững hờ, hoặc tệ nhất, như khi đến thăm Armenia sau động đất, ông được chào đón với sự căm ghét ra mặt.
Sau những năm đầu của perestroika (tái cấu trúc), Yakovlev thú nhận: “Chúng tôi đã hứa mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nhưng mọi sự lại thành tệ hại hơn.” Mức sống giảm xuống nhanh chóng. Giá dầu giảm mạnh và doanh thu từ rượu giảm mạnh đã ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế. Liên Xô tự do hơn nhiều nhưng cũng hỗn loạn hơn nhiều. Gorbachev thấy ngày càng khó để tiến hành cải cách trên cả nước, và đặc biệt là trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngay một số người ủng hộ ông nhiệt tình cũng thấy một điểm yếu trong phong cách Gorbachev và trong các “dự án” của ông. Điểm yếu đó là: Ông giỏi thuyết giảng bằng những lời có cánh, nhưng lại kém chú ý đến chi tiết thực tế.
Anatoli Dobrynin, rất thích và ngưỡng mộ Gorbachev nhưng cũng thường bực bội vì ông, nhận xét rằng: “Gorbachev không bao giờ nghĩ thấu đáo về một kế hoạch nào. Bạn không thể chỉ đơn giản đứng trên cổng vòm Điện Kremlin tuyên bố khơi khơi rằng từ ngày mai trở đi chúng ta sẽ bắt đầu kinh tế thị trường là được. Gorbachev không khi nào có một chương trình cụ thể. Ông cứ nhảy từ ý tưởng này qua ý tưởng khác tùy thích. Hôm nay ông ‘cải cách’ việc này, ngày mai ông lại nhảy qua ‘cải cách’ thứ khác.”[4]
*
CHỜ QUÁ LÂU, ÍT HIỂU THỊ TRƯỜNG
7.
Một người ngưỡng mộ Gorbachev khác, làm việc nhiều năm cho ông, nói rằng toàn bộ phương pháp quản lý đất nước của Gorbachev có thể gói gọn vào chiêu “hạ gối nghiêng người” [một thế trong boxing, thấp người, nghiêng trái hoặc phải, dùng để thủ không dùng để tấn công]. Ông không thể đưa ra một lộ trình rõ ràng và đeo bám nó trong một thời gian dài. Thường thì ông sẽ công bố một chính sách cấp tiến mới nhưng rồi lại chờ đợi quá lâu trước khi thi hành. Một ví dụ rõ ràng là việc rút quân khỏi Afghanishtan.
Trong những việc khác ông cũng lưỡng lự tương tự. Theo lời trợ lý Anatoli Chernyaev, Gorbachev đã không tiến hành các cải cách kinh tế có ý nghĩa khi ông có cơ hội. Rồi sau đó, khi bị bủa vây bởi khủng hoảng kinh tế, những cải cách kia lại không còn thực tế để tiến hành nữa.
Một lý do là ông hiểu rất ít về cách vận hành của một nền kinh tế thị trường. Có lần Gorbachev nói với Ngoại trưởng Mỹ James Baker rằng quá nguy hiểm để thả lỏng giá cả vì như vậy “tiền sẽ chạy khỏi túi người dân”. Baker, từng là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đáp lời bằng một nguyên tắc sơ đẳng của thị trường tự do, rằng điều hoàn toàn ngược lại sẽ xảy ra về lâu về dài, vì thả nổi đồng tiền theo mức thị trường sẽ kích thích sản xuất, kịch thích tăng trưởng và làm tiền chạy vào túi người dân. Gorbachev dường như đã không hiểu được điều này.[5]
*
GORBACHEV ĐỤNG PHE BẢO THỦ
8.
Một số các đầu lĩnh cộng sản có ảnh hưởng lớn, những người đã chọn Gorbachev lên ngôi, cũng bắt đầu ân hận. Gromyko, người làm nhiều hơn bất cứ ai để chuẩn bị đường tiến thân cho Gorbachev lên ngôi cao nhất, trong năm qua từng nói với các quan chức Đảng rằng ông đã phạm “sai lầm”, và ông gọi nhóm người trợ lý cho Gorbachev là những “Người Hỏa tinh”, vì họ không hiểu cuộc sống của đại đa số quần chúng và họ dốt nát về chính trị thực dụng.
Gromyko than thở: “Tôi tự hỏi không biết người Mỹ và các nước NATO đã phải hoang mang đến đâu … Họ không thể hiểu vì sao Gorbachev và các cộng sự lại không biết dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi quốc gia … Với họ, đó quả là một bí mật.”[6]
9.
Gorbachev đã vượt qua một loạt các đụng độ sứt đầu mẻ trán với các Đảng viên bảo thủ.
Một tháng trước chuyến Gorbachev đi Mỹ, các lãnh tụ Đảng đã thảo luận về việc phục hồi quyền công dân Nga cho nhà văn Alexander Solzhenitsyn, lúc đó đang sống lưu vong tại Massachusetts, Mỹ.
Trùm KGB, Viktor Chebrikov, kiên quyết chống lại ý tưởng này. Ông khuyến cáo Gorbachev: “Chúng ta phải tiếp tục duy trì sắc lệnh tước quyền công dân của một tên phản bội tổ quốc.”
Gorbachev đáp: “Đúng, Solzhenitsyn là kẻ thù có lập trường kiên định và không thể hòa giải của chế độ. Nhưng ông ta là một người rất nguyên tắc. Và trong một nhà nước pháp trị, chúng ta không truy tố người khác vì niềm tin của họ. Về việc ‘phản bội’, thực ra đó là một sự kết tội không có thực chất. Nhìn chung, mọi thủ tục hiện hành đều đã bị vi phạm trong trường hợp này, cũng chưa hề có một phiên tòa xét xử nào … vì vậy đề nghị của ông là không được đâu.”
Chebrikov làu bàu: “Nhưng Solzhentisyn đã phản bội cơ mà …” rồi bỏ lửng câu nói. Gorbachev hắng giọng, tỏ vẻ bực mình.
Nhưng lại cũng mất hai năm sau ông mới đặt bút ký lệnh phục hồi quốc tịch cho nhà văn.[7]
*
THUYẾT PHỤC QUÂN ĐỘI
10.
Hai tuần trước diễn văn của Gorbachev tại Liên hiệp Quốc, ông xung đột lớn với quân đội về vấn đề cắt giảm quân số mà ông dự tính loan báo tại New York. Bộ trưởng Quốc phòng Yazov và phần lớn các tướng lĩnh đều chống cắt giảm quân số. Họ lập luận rằng điều đó sẽ cho thấy sự yếu kém, và quân số hiện tại là cần thiết để bảo vệ đế quốc.
Gorbachev thuyết phục họ:
“Tại sao chúng ta cần một quân đội lớn đến thế? Thực ra, chúng ta cần chất lượng, không cần số lượng. Tại sao chúng ta phải chi cho quốc phòng 2,5 lần hơn chi phí quốc phòng của Mỹ? Không có nước nào trên thế giới chi cho quân đội với mức bình quân đầu người cao hơn ta, ngoại trừ các nước kém phát triển, là các nước nhận viện trợ vũ khí thừa mứa của chúng ta mà không trả đồng nào … Chúng ta có muốn tiếp tục giống như Angola không? …
“Quân đội vẫn tiếp tục thu hút những tài năng khoa học kỹ thuật, tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính tốt nhất, nhận mà không cần chất vấn … Vây thì tại sao ta lại cần một quân đội có đến 6.000.000 quân? Chúng ta đang làm gì thế? Nếu quân đội thu hút hết tài năng trẻ của ta ra khỏi lực lượng trí thức của xã hội thì lấy đâu ra người để tiến hành cải cách?”
Ông đã quyết chí nên sấn tới, ép các tướng lĩnh thuận theo, và các khoản cắt giảm chi phí quốc phòng đã được chấp thuận, dù chậm chạp. Tuy nhiên, ông bị chống đối ngày càng tăng, vì ngày càng nhiều người thấy rõ là các chính sách đối nội của ông không mang lại kết quả như mong muốn.[8]
*
LIGACHEV, BẢO THỦ CHẾT ĐỨNG
11.
Liên tục và bền bỉ, Gorbachev cùng Shevardnadze chiến đấu chống lại người phát ngôn chính của cánh bảo thủ tại Kremlin, Yegor Ligachev, một quan chức đáng chán, tóc hoa râm, lớn hơn Gorbachev 10 tuổi, là nhân vật số hai trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô.
Ban đầu, Ligachev ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng và giúp loại ra ngoài một số nhân vật cộng sản sừng sỏ tại các tỉnh. Nhưng chỉ sau một vài năm, ông bắt đầu than phiền rằng Gorbachev muốn ”phá hoại” trật tự xã hội chủ nghĩa và bắt đầu tìm cách chống Gorbachev.
Ligachev bị giáng chức vào đầu năm 1988, nhưng vẫn tiếp tục là một nhân vật quyền lực trong ban lãnh đạo. Ông cảnh báo Gorbachev rằng những gì ông làm có thể “đánh đổ” khối Xô-viết. Ligachev nói: “Chúng ta vẫn có thể tồn tại, tuy vất vả. Nhưng còn các nước xã hội chủ nghĩa khác, còn phong trào cộng sản quốc tế thì sao, chúng ta sẽ làm gì với họ? Chẳng lẽ ta chấp nhận rủi ro đánh mất sự ủng hộ mạnh mẽ của họ dành cho ta bấy lâu nay … Chúng ta không được chỉ nghĩ về quá khứ, ta còn phải nghĩ đến tương lai!”
Gorbachev chế nhạo ông và những người khác mà ông cho là “Những kẻ ‘buôn dưa lê’ lan truyền sợ hãi, sợ những gì Stalin dựng lên sẽ bị phá hủy.”
Shevardnadze cũng không vừa, ông bùng phát và làm Ligachev cùng những nhân vật bảo thủ khác trong Đảng gần như chết đứng khi tuyên bố: “Nói về tình trạng của phe cộng sản và của phong trào công nhân hiện tay, thực ra chẳng còn gì nhiều để cứu vãn. Lấy ví dụ nước Bulgaria, hoặc như ban lãnh đạo già nua của Ba Lan, hoặc xem thử tình hình hiện nay của Cộng hòa Dân chủ Đức, rồi ở Rumani. Chủ nghĩa xã hội là như thế sao?”[9]
*
HƯỚNG TÂY, HƯỚNG NỘI
12.
Gorbachev không suy nghĩ thấu đáo về một chính sách dài lâu cho các nước chư hầu ở Đông Âu. Ông không muốn mang gánh nặng của một đế quốc, nhưng rõ là ông cũng không tính đến hậu quả của việc rút lui.
Ông xem quan hệ của Liên Xô với các cường quốc phương Tây quan trọng hơn nhiều quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Khi ông gặp Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl lần đầu tiên, vào tháng 10/1988, Gorbachev đã xem cuộc họp thượng đỉnh này quan trọng hơn và thân mật hơn nhiều những cuộc gặp mặt lạnh lẽo giữa ông với lãnh tụ Đông Đức Erich Honecker. Trong việc hoạch chính sách của Liên Xô, Tây Đức cũng có giá trị lớn hơn Đông Đức nhiều lần. Khi các vấn đề nội bộ Liên Xô trở nên cấp bách cần ông giải quyết, ông đã giao cho người khác giải quyết các vấn đề lặt vặt liên quan đến Đông Âu.
Từ lâu, ông đã gạt ra khỏi đầu óc mình việc dùng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát của Liên Xô với các nước chư hầu. Ông đã nói điều này nhiều lần, ít nhất là với các nhà độc tài dựa dẫm vào quân đội Liên Xô để bám víu quyền lực. Hầu hết các cố vấn của Gorbachev đồng ý với ông. Georgi Shakhnazarov, một trong những chuyên gia giỏi nhất về Đông Âu, nói với ông: Cách tốt nhất để duy trì ảnh hưởng trong khu vực là “hãy làm gương cho họ theo, đừng dùng gươm bắt họ theo”.[10]
*
KHÔNG CAN THIỆP VÀO ĐÔNG ÂU NỮA
13.
Yakovlev và Shevardnadze lúc này đã thuyết phục được giới quan chức chính quyền, vốn rất do dự, chấp thuận nguyên tắc không can thiệp như nguyên tắc tối hậu trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Hơn 40 năm qua, việc duy trì đế quốc tại Châu Âu là ưu tiên hàng đầu, nhưng lúc này, một tuyên bố tuyệt mật về chính sách của Bộ Ngoại giao Liên Xô đối với tương lai Đông Âu lại nói rằng các nước chư hầu không còn đáng để giữ lại:
“Các nước đồng minh Đông Âu cho thấy họ đang tìm cách ‘lấy’ của Khối Warsaw, chủ yếu của Liên Xô, nhiều hơn là ‘đóng góp’ cho nó, và cho thấy họ độc lập, dù điều này phương hại đến quyền lợi toàn khối. Cùng lúc, dường như không nước nào sắp tới muốn đặt vấn đề rời Khối Warsaw.
“Các cường quốc phương Tây không muốn đối đầu với chúng ta vì Đông Âu. Nếu có biến động trầm trọng tại các nước ở Đông Âu, phương Tây dường như chắc chắn sẽ tự chế và không can thiệp vào nội bộ các nước, ít nhất sẽ không gửi quân đến, và mong rằng sự kiên nhẫn của mình sẽ được đền bù.
“Chúng ta phải nhớ là gần đây, khi hội đàm Xô-Mỹ diễn ra dày đặc, các nước bạn bè ta đều có ấn tượng rằng trong mắt Liên Xô, quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa không còn là ưu tiên hàng đầu nữa …
“Chúng ta cần xuất phát từ thực tế là việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa … đã hoàn toàn bị loại trừ, ngay cả trong trường hợp cấp bách nhất (trừ khi thế lực bên ngoài xâm lấn đồng minh ta).
“Can thiệp quân sự sẽ không ngăn chặn được, mà còn làm tệ hại hơn các khủng hoảng xã hội và chính trị, gây ra những cuộc biểu tình đại quy mô, có thể gây ra cả đấu tranh vũ trang, và cuối cùng tác dụng ngược, khiến Liên Xô càng bị chống đối.
“Điều đó sẽ hủy hoại quyền lực Liên Xô, làm xấu quan hệ giữa chúng ta với các cường quốc phương Tây … và dẫn tới việc cô lập Liên Xô. Nếu tình hình xấu đi, ở nước này hoặc nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta vẫn phải kiềm chế … không được công khai ủng hộ các hành động đàn áp của nhà cầm quyền nước đó.” [11]
14.
Gorbachev không tin rằng các nước chư hầu sẽ vội vã đòi độc lập. Đó là tính toán sai lầm lớn nhất của ông. Khi ông đến thăm Berlin hoặc Praha, được những đám đông khổng lồ tiếp đón hô to “Gorby, Gorby”, được đọc những biểu ngữ có chữ “Perestroika”, ông đã nghĩ dân chúng rất ủng hộ những gì ông đang làm để cải tổ chủ nghĩa cộng sản. Ông tin rằng người dân Đông Âu sẽ chọn ở lại làm đồng minh với Liên Xô.
Ông không nhận ra mình đã lầm, mãi cho đến sau khi Liên Xô không còn nữa. Gorbachev không hiểu rằng người dân Đông Âu xuống đường ủng hộ ông và đứng sau lưng ông chỉ vì họ muốn chống lại lãnh tụ của chính họ mà thôi.
Dĩ nhiên, thỉnh thoảng cũng lóe lên trong đầu ông rằng người dân Đông Âu có lẽ cũng muốn được tự do thật, như lời ông nói với các trợ lý cuối năm 1988 sau đây cho thấy. Ông nói: “Nhân dân các nước này sẽ hỏi ‘Còn Liên Xô thì sao … họ sẽ dùng xiềng xích gì giữ ta lại?’ Họ không biết nếu họ kéo xiềng xích đang trói họ mạnh hơn nữa thì nó sẽ đứt.”[12]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Dịch giả gửi BVN
* Có thể tìm trên internet trích đoạn diễn văn Gorbachev đọc tại Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc, Khóa 43, ngày 7/12/1988, dưới tiêu đề “Gorbachev’s Speech to the UN, December 7, 1988”. (ND)
[1] Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997) tr. 216
[2] Gorbachev, Memoirs (Doubleday, New York, 1996), tr. 387
**“Upper Volta with Nukes” – nghĩa đen là “Vừng Thượng Volta với Vũ khí hạt nhân”. Upper Volta là một vùng nghèo khó ở Châu Phi. (ND)
[3] Phỏng vấn không chính thức Nikolai Ryzhkov, do một số phóng viên phương Tây thực hiện tại Yerevan, Armenia, 9/12/1988
[4] Anatoly Dobrynin, In Confidence (Lidove Noviny, Prague, 1999), tr. 328
[5] Nhật ký Chernayev, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC); Michael Beschloss và Strobe Talbott, At the Highest Level (Little, Brown, New York, 1993), tr. 257
[6] Andrei Gromyko, Memoirs (Doubleday, New York, 1989), tr. 380
[7] Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of The Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998), tr. 478-80
[8] Nhật ký Chernayev, tháng 12/1988, CWIHP
[9] APRF (Russian Presidential Archives), biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24-25/3/1988
[10] Văn thư Shakhnazarov gửi Gorbachev, 6/10/1988, CWIHP
[11] Hồ sơ Lưu trữ Bộ Ngoại giao, APRF, Moscow, báo cáo trình Bộ trưởng, 24/2/1989
[12] Nhật ký Chernayev, tháng 12/1988, CWIHP