(GDVN) – Tuy nhiên nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để gây chú ý, tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận Campuchia. Sẽ nguy hiểm…
The Cambodia Daily ngày 17/7 đưa tin, hôm qua 16/7 Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng một số cột mốc biên giới đã phân định trên tuyến biên giới chung với Việt Nam “có thể đã bị đặt sai vị trí bên trên phần đất Campuchia” và Phnom Penh có thể sẽ xem xét lại và yêu cầu điều chỉnh.
Đây là diễn biến mới nhất xung quanh căng thẳng trên biên giới Việt Nam – Campuchia do phe đối lập CNRP kích động một chiến dịch xâm phạm biên giới Việt Nam kể từ tháng 6 vừa qua, đồng thời gây áp lực lên chính quyền Campuchia đòi “đàm phán lại” – PV.The Cambodia Daily ngày 17/7 đưa tin, hôm qua 16/7 Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng một số cột mốc biên giới đã phân định trên tuyến biên giới chung với Việt Nam “có thể đã bị đặt sai vị trí bên trên phần đất Campuchia” và Phnom Penh có thể sẽ xem xét lại và yêu cầu điều chỉnh.
Đàm phán kéo dài là tại Campuchia, Hun Sen muốn “xem lại” cột mốc biên giới
Lâu nay ông Hun Sen vẫn quyết liệt bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của CNRP về vấn đề biên giới, họ muốn lợi dụng chuyện này kích động lôi kéo những người dân Campchia thiếu thông tin và kiến thức về quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc giữa hai nước để tiến hành các hoạt động phá hoại. Phát biểu của Thủ tướng Campuchia ngày hôm qua là một diễn biến mới đáng lưu ý. Ông Hun Sen đã nói rằng:
“Hiện nay chúng ta đã thực hiện được 83% công việc phân giới cắm mốc, còn 17% nữa. Trong số 83% đã phân giới cắm mốc, chúng ta có thể điều chỉnh lại những cột mốc và kiểm tra một số cột khác trong trường hợp phân giới cắm mốc có sai lệch. Chúng ta phải khắc phục nó, phải yêu cầu sửa chữa”.
Tuy nhiên Hun Sen tiếp tục bác bỏ luận điệu của CNRP rằng chính phủ của ông đã “cúi đầu quá nhanh” trước Việt Nam: “Tôi đã nói với các nhà đàm phán: Nếu các cuộc đàm phán không đi đến thỏa thuận, họ cần phải rút ra, rút khỏi đàm phán còn hơn là bị mất đất”.
“Có câu hỏi được đặt ra là đã gần 30 năm kể từ khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia (sau khi giúp người dân nước này thoát khỏi họa diệt chủng man rợ Khmer Đỏ do Trung Quốc nuôi dưỡng và giật dây – PV) tại sao hoạt động phân giới cắm mốc (với Việt Nam) vẫn không hoàn thành. Đó là bởi vì chính người Khmer đã không đồng ý, đó là một sự thật”, ông Hun Sen thừa nhận.
Về hoạt động đàm phán biên giới với Việt Nam, ông Hun Sen có ý “cảnh báo” Việt Nam không “lấn lướt” trong vấn đề đàm phán biên giới hoặc tìm kiếm sự tự tin thái quá trong căng thẳng hiện nay giữa chính phủ Campuchia với phe đối lập (!?), The Cambodia Daily bình luận.
“Tôi đã gửi thông điệp tới các đối tác của chúng tôi, với nước láng giềng rằng Campuchia sẽ không từ bỏ yêu sách của mình đối với một số điểm ngay cả khi nội bộ Campuchia vẫn chưa thống nhất về nó”, ông Hun Sen nói.
Mượn bản đồ Pháp, mời chuyên gia Pháp xác minh nhưng phớt lờ thiện chí của Việt Nam
The Phnom Penh Post hôm nay 17/7 cho biết, phát biểu trong một buổi lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh hôm qua, ông Hun Sen tiếp tục lên án CNRP đã bôi nhọ chính phủ nước này sử dụng “bản đồ giả” trong đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam sau khi gửi công hàm cho Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh để hỏi mượn bản đồ “gốc” do Sở Địa dư Đông dương Pháp ấn hành.
“Sẽ là bất công cho tôi hay Chính phủ Hoàng gia nếu làm điều này một mình. Chúng tôi đã yêu cầu mượn các bản đồ từ nước ngoài. Pháp đã in các bản đồ này, và các chuyên gia Pháp sẽ đi cùng với các bên khác để xác minh. Chúng tôi có thể tới Cung điện Hòa Bình hoặc bất cứ nơi nào khác để xác minh bản đồ. Chúng tôi sẽ đưa ra bản đồ Pháp để so sánh với những gì chúng tôi có để giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam”, Thủ tướng Campuchia nói.
Hun Sen cũng nói rằng chính phủ của ông sẽ sử dụng các mảnh bản đồ Bonne mà Sở Địa dư Đông Dương phát hành để giải quyết các tranh chấp biên giới với Lào. Còn theo tờ Khmer Times ngày 17/7, trong bài phát biểu hôm qua ông Hun Sen còn hứa sẽ cho đại diện các đảng phái chính trị khác cùng qua Pháp xác minh và kiểm tra các bản đồ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
Việt Nam đã chính thức đề nghị Campuchia cùng cam kết không xây dựng các công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường quản lý thực tế mỗi bên ở những nơi chưa phân giới, cắm mốc hoặc chưa hoàn thành hoán đổi theo bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Vương quốc Campuchia ký ngày 23/4/2011, nhưng đáng tiếc là phía Campuchia không đáp ứng thiện chí này.
Hun Sen muốn “xét lại bản đồ” không đáng ngại, nhưng phải cảnh giác bàn tay của Bắc Kinh
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định:
“Thời gian qua những căng thẳng biên giới ở Tây Nam giáp với Campuchia nổi lên khiến dư luận đặc biệt quan tâm. 3 nhóm đối tượng chính có tác động trực tiếp tới vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia lúc này cần đặc biệt lưu ý, nhận rõ và có đối sách phù hợp.
Thứ nhất, phe đối lập Campuchia CNRP từ lâu đã lấy chiêu bài chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia, bài Việt cực đoan, chống phá kịch liệt Việt Nam làm thủ đoạn kích động lôi kéo người dân Campuchia thiếu thông tin và kiến thức về vấn đề biên giới lãnh thổ.
Sau khi giành được một số ghế nhất định trong Quốc hội Campuchia sau cuộc bầu cử tháng 7 năm ngoái, hoạt động chống phá Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn. Chính lực lượng này là nguyên nhân trực tiếp gây ra các căng thẳng ngoài biên giới Tây Nam.
Lực lượng này sử dụng các mạng xã hội trực tuyến như Facebook để phát tán thông tin, tuyên truyền xuyên tạc lôi kéo người dân bằng thủ đoạn chống phá biên giới Việt Nam.
Chính ông Sam Rainsy, Chủ tịch CNRP đã thừa nhận với tờ The Cambodia Daily ngày hôm qua rằng, sự phát triển của truyền thông xã hội Campuchia đã “phá vỡ vòng vây” của đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) trên mặt trận truyền thông và buộc CPP phải “đối phó với các vấn đề biên giới với Việt Nam” dưới áp lực của CNRP.
Trước tuyên bố “có thể xét lại” của Hun Sen, Sam Rainsy hỷ hả rằng đó là một sự “công nhận” những gì ông ta theo đuổi trong nhiều năm, đó là hoạt động chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia. Bân Sam Rainsy cũng bị kết án tù 12 năm, trong đó 10 năm vì tội phá hủy tài sản công (cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia) và 2 năm vì tội tuyên truyền thông tin sai sự thật.
Thứ hai là một số chính khách trong Chính phủ Vương quốc Campuchia. Chính ông Hun Sen đã thừa nhận hoạt động đàm phán phân giới cắm mốc giữa hai nước sau 30 năm vẫn chưa thể hoàn thành là do chính người Khmer. Tôi cho rằng đó là những đánh giá khách quan.
Còn những phát biểu của Thủ tướng Hun Sen có liên quan đến 26 mảnh bản đồ Bonne và cách ứng xử khi đàm phán với Việt Nam nêu trên có lẽ chỉ để thanh minh trước dư luận rằng những nội dung mà đảng CPP cầm quyền đã đàm phán và ký kết với Việt Nam về biên giới cho đến nay là khách quan, công khai, minh bạch, không phải như những gì mà CNRP đã cố tình bôi nhọ, tố cáo.
Trong tình hình chính trị phức tạp hiện nay của Campuchia và xuất phát từ động cơ và việc làm trong sáng, hết sức khách quan, đầy trách nhiệm của chúng ta trong quá trình đàm phán về biên giới với phía Campuchia, chúng ta có thể chia sẻ và hoàn toàn yên tâm, tự tin vào những thành quả đã đạt được.
Chúng ta hy vọng các đồng nghiệp Campuchia đang đàm phán về biên giới với Việt Nam sẽ có cách để bảo vệ uy tín và thành quả của mình trước sự công kích phi lý của các phần tử chống đối, cực đoan.
Tuy nhiên nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để gây chú ý, tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận Campuchia. Sẽ nguy hiểm cho chính CPP và ông Hun Sen nếu họ mất cảnh giác trước các thủ đoạn nham hiểm từ lực lượng đối lập và bàn tay vô hình từ Bắc Kinh.
Trong quá trình phân giới cắm mốc ở những vị trí hai bên còn nhận thức khác nhau, việc đề xuất xem xét đàm phán theo các thỏa thuận hai bên đã ký và thông lệ quốc tế cũng là điều thường gặp.
Chỉ xin lưu ý một điều, quy trình đàm phán biên giới, phân giới cắm mốc giữa Việt Nam – Campuchia là hoàn toàn hợp pháp, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phía Campuchia vì lý do nội bộ nào đó thì hoàn toàn có thể sưu tầm thêm các bản gốc thuộc 26 mảnh bản đồ bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 và có thể sử dụng chúng để đơn phương đối chiếu, xác minh và nếu có được thêm những căn cứ xác đáng để bổ sung căn cứ pháp lý giải quyết các khu vực biên giới có nhận thức khác nhau đang tồn đọng thì có lẽ phía Việt Nam sẽ rất hoan nghênh;
Tuy nhiên mọi thay đổi, bổ sung nếu có cũng phải theo những nguyên tắc hai bên đã thỏa thuận và ký kết, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp ước biên giới năm 1985 và Hiệp ước biên giới bổ sung năm 2005.
Đúng như ông Hun Sen nói, nội bộ Campuchia đang có những nhận thức khác nhau về biên giới. Và tất nhiên Việt Nam sẽ không can thiệp vào nhận thức nội bộ của Campuchia, nhưng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, bảo vệ các thành quả đàm phán, phân giới cắm mốc cũng như nguyên tắc xử lý các vấn đề biên giới mà hai bên đã ký.
Người Việt cũng không có gì phải lo ngại quá nhiều, bởi tính đúng đắn, hợp pháp của hiệp ước biên giới giữa hai nước. Nó phù hợp với thông lệ quốc tế, quy tắc bang giao và các chuẩn mực pháp lý. Đồng thời nó gắn liền với sinh mệnh chính trị của chính quyền Campuchia, họ không dễ để kẻ khác lật đổ nhằm thỏa mãn mưu đồ chính trị.
Thứ ba, như tôi đã phân tích trước đó trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng chúng ta cần đặc biệt cảnh giác nhân tố Trung Quốc ở biên giới Tây Nam. Lịch sử đã từng cho chúng ta bài học về người tự nhận là “anh em đồng chí” này đã từng thọc vào sườn chúng ta ở biên giới Tây Nam thông qua lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ. Hậu quả hệ lụy của nó đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.
Vừa qua Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, quan hệ Việt – Mỹ phát triển lên một tầm cao mới. Trung Quốc chắc chắn không hài lòng với điều này, trong khi hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp của họ ở 7 bãi đá, rặng san hô ngoài quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị họ xâm lược, chiếm đóng trái phép đang bị dư luận lên án gay gắt, trong đó có Hoa Kỳ.
Chọc vào biên giới Tây Nam gây bất ổn, phá hoại quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam – Campuchia rất có thể là một lựa chọn của Trung Quốc lúc này. Ngày trước Trung Quốc dung túng nuôi dưỡng Khmer Đỏ, ngày nay Trung Quốc dùng tiền để thao túng giật dây các thế lực chính trị Campuchia cũng không phải chuyện gì lạ.
Truyền thông quốc tế đều biết những việc này, từ việc chu cấp tiền thuê nhà, tiền nước uống cho một đảng phái chính trị đến việc xây trụ sở cho cảnh sát Campuchia, cấp điện thoại di động và ô tô cho các quan chức ngoại giao cho đến việc nắm hồ sơ từng học viên sĩ quan quân sự Campuchia. Do đó chúng ta cần hết sức cảnh giác và có đối sách phù hợp.”
H.T
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/dong-thai-la-cua-ong-hun-sen-trong-van-de-bien-gioi-viet-namcampuchia-post160172.gd