Bài 5: Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ năm 1975 tới nay
Cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã kết thúc bằng chiến thắng của Hà Nội vào ngày 30/4/1075.
Nếu tạm quên đi sự đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi mà cuộc chiến này gây ra cho dân tộc, công cuộc thống nhất hai miền cũng khiến nhiều người hy vọng vào một tương lai hòa giải hòa hợp dân tộc và tái thiết đất nước. Nhưng, rất nhanh chóng, người dân miền Nam sững sờ vì sau những lời đường mật đầu môi chót lưỡi “chiến thắng này là chiến thắng của cả dân tộc” của kẻ thắng cuộc, chính quyền mới đã nhanh chóng đưa phần lớn quân cán chính phía bại trận “đi học tập”, thực chất là vào các trại tù, giam giữ năm, mười, mười lăm năm với tội danh “ngụy quân, ngụy quyền” phản quốc. Cũng trong thời gian đó, tài sản của các “phạm nhân” này bị chính quyền Cộng sản các cấp tịch thu, cha mẹ, vợ con bị đày đến những nơi ma thiêng nước độc được gọi là “Khu kinh tế mới”.
Sau hai mươi năm, chính quyền Hà Nội lại cho áp dụng kịch bản giống như Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương ở miền Bắc cuối những năm năm mươi. Hàng loạt điền chủ, tài chủ và các nhà doanh nghiệp phải ngậm đắng nuốt cay đưa tài sản của mình vào cái gọi là “Quốc doanh” hoặc “Hợp tác xã”, để rồi chỉ sau một thời gian ngắn, làm ăn thua lỗ, lại trắng tay…
Đến lúc này thì, không chỉ đồng bào miền Nam, mà ngay cả đồng bào miền Bắc vốn từ lâu bị tuyên truyền tín điều Cộng sản, cũng đã thức tỉnh. Họ hiểu ra rằng, “Sự nghiệp Chống Mỹ cứu nước và Giải phóng miền Nam” thực ra chỉ là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Chính quyền Hà Nội, qua tín hiệu đèn xanh của Trung Cộng, phát động chiến tranh xâm chiếm miền Nam để gom đất nước về một mối dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi “Giải phóng miền Nam”:
1) Chế độ độc tài đảng trị của Cộng sản Việt Nam được áp đặt trên toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất. Chế độ này phá vỡ hoàn toàn môi trường khai phóng để dân tộc phát triển. Từ đó cho tới nay, trên lãnh thổ Việt Nam không gì có thể phát triển ra ngoài cái bóng bao trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam lớn hơn quyền lực của nhân dân. Quyền lợi của đất nước phải hy sinh cho quyền lợi của Đảng.
2) Cả miền Nam bị tàn phá và thương tổn tận gốc rễ bởi các chính sách hay chiến dịch như “Học tập Cải tạo” (thực chất là bỏ tù không xét xử các viên chức chính quyền và quân đội miền Nam thua trận), “Đánh tư sản mại bản, tư sản công thương nghiệp” (thực chất là tước đoạt của cải của dân chúng miền Nam). Từ các các đợt “Đổi tiền” đến chiến dịch “Bài trừ Văn hóa phản động đồi trụy” được tiến hành dưới nhiều hình thức, chứng tỏ chính quyền dã tuyên chiến với Văn hóa, triệt để xóa bỏ tri thức mà nhân loại phải mất hàng ngàn năm mới tích lũy được. Các hệ tư tưởng triết học, các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật bị xem là kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản phải được tận diệt để thay bằng một nền văn hóa mới giàu tính Đảng và tính Giai cấp. Song hành với đó là chính sách phân biệt tuyển sinh vào các trường đại học, hủy diệt nhân tài. Sự nhếch nhác của nền giáo dục hiện nay chính là hệ quả của những chủ trương sai lầm đó.
Đất nước vừa hòa bình sau 30 năm chiến tranh thảm khốc, lẽ ra phải khoan sức dân, phải ban hành và thực thi các đạo luật khuyến khích, hỗ trợ sản xuất để dân giàu, nước mạnh, thì trái lại, Đảng lại chủ trương một nền kinh tế khép kín, triệt hạ tất cả các phương tiện sản xuất, cơ chế xã hội lẫn nguồn nhân lực. Hậu quả của chính sách này là cả nước đói nghèo.
3) Thảm nạn thuyền nhân. Bị áp bức về tự do tư tưởng, trong tình trạng đói nghèo không lối thoát, người miền Nam nghĩ đến chuyện bỏ quê hương ra đi tìm miền đất hứa. phong trào thuyền nhân làm rúng động lương tâm thế giới. Hàng triệu người vượt biển trốn chạy chế độ Cộng sản trên những con thuyền mỏng manh. Theo các nguồn tin không chính thức, trong những cuộc vượt biển tìm tự do có một không hai trong lịch sử nhân loại đó, ít nhất ba trăm ngàn người bỏ xác trên biển bởi bão tố, hải tặc, thậm chí, còn không ít nạn nhân bị chính lực lượng công an Cộng sản thủ tiêu sau khi đã thu vàng theo những hợp đồng bán chính thức.
4) Các cuộc chiến mới. Cuộc chiến biên giới Tây Nam với Campuchia; cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Trung Quốc hải chiến và chiếm thêm biển đảo của Việt Nam…
5) Hội nghị Thành Đô. Khi hệ thống các nước Cộng sản sụp đổ trên qui mô toàn cầu, tất cả các nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, chính quyền Cộng Sản Việt Nam quay sang thần phục chính quyền Cộng sản Trung Quốc, “mở đầu một thời kì Bắc thuộc mới” theo lời ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị loại khỏi Bộ Chính trị vì chủ trương độc lập với Trung Cộng. Nội dung các văn bản ký kết tại Hội nghị Thành Đô, nơi các lãnh đạo Việt Nam sang chầu hầu Thiên triều, cho tới nay vẫn chưa được bạch hóa, và do đó, vẫn còn là một bí mật chính trị của Việt Nam. Đó cũng là trở ngại rất lớn cho Việt Nam trên con đường thoát Trung, nghĩa là độc lập với Trung Quốc.
Những ai còn nghi ngờ về quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận kẻ xâm lăng làm thầy làm bạn thì xin mời xem Hồi ức và suy nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một nhân chứng quan trọng của giai đoạn đó. Đọc để biết rằng, trong khi nhiều người đã nhận thức rõ: “Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền”, và “Mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt xã hội chủ nghĩa ” thì sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa năm 1988, ông Lê Đức Anh vẫn tuyên bố năm 1990: “Ta phải tìm đồng minh, đồng minh này là Trung Quốc”; còn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì phát biểu: “Dù bành trướng thế nào đi nữa thì Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa!”. Tưởng cũng nên nhắc lại, theo một nguồn tin, chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh quân đội không bắn trả khi quân Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma và giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hai năm trước đó.
6) Sau Hội nghị Thành Đô, Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Cộng. Nước Việt Nam lệ thuộc mọi mặt về chính trị, văn hóa, kinh tế, và cả quân sự trong tình trạng Trung Quốc ngày càng lấn chiếm đất liền và các vùng biển đảo của Việt Nam.
7) Nền chính trị đất nước bị tha hóa, bất lương hóa toàn diện. Dối trá nối tiếp dối trá. Lừa đảo nối tiếp lừa đảo. Bạo ngược nối tiếp bạo ngược. Các cơ quan đầu não của Nhà nước như Quốc hội, Tòa án, Chính phủ… khó được xem là đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Một nền chính trị như vậy cực kỳ nguy hại cho dân tộc bởi vì nó phá hủy ý chí và tinh thần của cái thiện, cái công bằng, cái liêm chính, cái đạo đức trong xã hội, đồng thời nó phá hủy khả năng cộng đồng để phát triển và giữ nền tự chủ quốc gia.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn còn là một trong vài nước rất ít ỏi trên thế giới duy trì chính thể độc tài, toàn trị của một đảng không chính danh. Chính quyền xóa bỏ các quyền tự do căn bản mà người dân. Chế độ này ngày càng bạo ngược, tham nhũng công khai bằng nhiều cách. Chính quyền vẽ ra và thông qua một cách khuất tất các dự án hàng tỉ đô la để chia chác bất chấp sự phản đối của dân chúng. Về ngoại giao thì chính quyền có biểu hiện bạc nhược tìm sự che chở của Trung Quốc, về nội trị thì đàn áp nghiệt ngã những người bất đồng chính kiến, phản đối xâm lược. Tính không trung thực và thiếu lương thiện đã trở thành lối hành xử thường nhật của nhà cầm quyền. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, cho nên phong hóa dân tộc suy đồi, đạo đức dân tộc thoái hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mất đi không có gì là lạ.
8) Chính sách gọi là “Đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam thật ra chỉ là sửa lại những gì mà họ đã liên tục phạm sai lầm.
Nền kinh tế của miền Nam trước ngày 30/4/1975 đã có rất nhiều căn bản để phát triển. Chính cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước” do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động đã phá hủy cơ sở hạ tầng miền Nam, khiến miền Nam phải dồn sinh lực để chống trả thay vì phát triển. Sau năm tháng 4/1975, các chính sách đánh tư sản, xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ, tuyên truyền tư tưởng thù địch với Thế giới tự do… trên thực tế đã đày cả nước vào đói nghèo. Chính sách “Đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là sửa lại các sai lầm ghê gớm của chính họ, áp dụng lại nhiều yếu tố căn bản của cách quản lý kinh tế miền Nam trước đây. Tuy nhiên đấy chỉ là những đổi mới không triệt để.
Yếu tố chủ chốt của cách quản lý kinh tế, xã hội của miền Nam trước kia là tinh thần dân chủ và pháp trị. Đảng Cộng sản không dám áp dụng tinh thần đó, nên sự đổi mới chỉ nửa vời. Chính sách đổi mới rốt cuộc chỉ khơi dậy được một phần nhỏ tiềm năng dân tộc, và sau một khoảng thời gian là các khuyết tật của xã hội nảy sinh, lại đẩy đất nước rơi vào bế tắc. Hiện nay, nền kinh tế và chính trị Việt Nam đang nằm trong tay các nhóm lợi ích, đất nước đang kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và trong thế lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc đổi mới không triệt để.
Ông Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo lỗi lạc được thế giới kính trọng, từng nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Nếu lấy các tiêu chí về kinh tế, về xã hội, về chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người, mức độ tham nhũng… để so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines… thì Việt Nam đứng sau cùng!
Với các thành quả quản lý đất nước như vậy, một nhà cầm quyền tự trọng và thực sự vì dân có thể tự hào không? Có thể kể lể công lao của mình không? Dân chúng có hài lòng không?
Những thành quả đó mang lại lợi ích cho dân chúng hay mang lại sự suy thoái cho đất nước?
T.Q.C.
Tác giả gửi BVN.