Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại

(kỳ 1: Ngăn sông cấm chợ)

Bauxite Việt Nam trân trọng trích đăng cuốn Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại vừa được xuất bản, để nhớ lại những biến động dữ dội ở nông thôn miền Nam từ sau năm 1975. Tác giả là nhà báo Lê Phú Khải, phóng viên thường trú nhiều năm của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long và cuốn sách là ghi chép những điều tai nghe mắt thấy của ông về nông nghiệp của vùng đất trù phú này.

Bauxite Việt Nam

Cùng với việc tập thể hóa nông nghiệp, chính sách quản lý thị trường, ngăn sông cấm chợ đầu những năm 80 thế kỷ trước, những lộng hành của hệ thống các trạm trại quản lý thị trường, thâu thuế, đăng kiểm tàu bè ở cái xứ sông rạch chằng chịt này đã gây nên bao bất bình, căm phẫn cho người nông dân vốn rất hiền lành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu những năm 80, người viết cuốn sách nhỏ này có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng, có dịp rong ruổi trên sông nước Cửu Long đã chứng kiến tận mắt những cảnh rất đau lòng do bộ máy quan liêu, hống hách, tiêu cực gây ra với đồng bào.

Những năm 80 là những năm diễn ra cảnh “ngăn sông cấm chợ” khủng khiếp nhất ở nước ta. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều hàng hóa nông sản nhất nước, cảnh ngăn sông cấm chợ càng tệ hại. Trạm thuế Tân Hương, vị trí giáp ranh của tỉnh Tiền Giang với Long An là địa danh khét tiếng một thời. Xe cộ từ các tỉnh miền Tây lên đến đây bị ùn tắc vì phải đỗ lại để quản lý thị trường khám xét. Khách hàng phải xuống xe hết để nhân viên quản lý thị trường lên xe xăm soi từng cái gầm ghế. Một cân gạo, một trái dừa khô, một ký đường… cũng bị tra hỏi. Có anh bộ đội về phép đem 10 kg gạo, khi bị quản lý thị trường giữ, anh ta nói có giấy phép của ông Đỗ Mười, quản lý thị trường quát: “Dù là ai cũng tịch thu!”. Sự việc trên ra đời ở cái vùng nhiều lúa gạo nhất ở nước này là Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi đã có lần đi qua trạm Tân Hương, lấy máy ảnh chụp đoàn xe nối đuôi nhau cả cây số để chờ khám xét, đã bị quản lý thị trường trạm Tân Hương bắt, nhốt vào một cái phòng tối om cả nửa ngày, mặc dù trước đó, đã trình thẻ nhà báo, nhưng vẫn bị tịch thu cuộn phim trong máy ảnh. Khi về cơ quan thường trú ở TP.HCM, báo cáo việc này, giám đốc Nguyễn Thành đã bảo tôi viết một bài ghi nhanh ở Tân Hương, nhưng khi thu băng rồi, gửi ra Hà Nội, đài Tiếng nói Việt Nam cũng không dám phát, vì lúc đó việc quản lý thị trường là “một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước!”.

Nhưng nói đến nạn ngăn sông cấm chợ thì những năm đầu thập niên 80 (thế kỷ 20) ở Đồng bằng sông Cửu Long phải nói đến tình trạng vận chuyển đường sông mới là đáng nói. Vì đa số hàng hóa ở đồng bằng đều do đường sông đảm nhiệm. Sông Tiền và sông Hậu rộng mênh mông nối với mạng lưới kinh rạch chằng chịt ở đồng bằng, có những nơi hẻo lánh và đặc điểm của vận tải sông là ghe thuyền chạy suốt đêm ngày, vì động cơ của nó luôn có cấu tạo để luôn có nước sông làm mát, không như ô tô chạy trên bộ. Các trạm thuế vụ, trạm quản lý thị trường đều được trang bị súng… nên họ lộng hành và dân vận tải sông rên xiết dưới sự “kiểm soát” của họ. Một cái ghe chở hàng mấy chục tấn, đang chạy giữa sông Tiền, sông Hậu rộng mênh mông, chỉ cần nghe một phát súng trường nổ trên bờ là phải quay vào để thuế vụ, quản lý thị trường kiểm tra giấy tờ, khám xét hàng hóa. Nếu đủ giấy tờ và không chở “hàng lậu” thì cũng phải nộp tiền chi phí phát đạn vừa nổ để báo hiệu tàu thuyền phải quay vào bờ… Giá tiền một phát đạn như thế muốn tính bao nhiêu cũng phải chịu. Tôi đã đi theo một đoàn ghe 5 chiếc, mỗi chiếc có tổng trọng tải 25 tấn của Hợp tác xã vận tải đường sông Rạch Gầm tỉnh Tiền Giang chở thuê cho nhà nước từ các kho ở tỉnh Kiên Giang lên kho của Tổng công ty lương thực Miền Nam ở TP.HCM, cả đi lẫn về 11 ngày liền nên đã được chứng kiến tận mắt cảnh các trạm kiểm soát dọc đường sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hành hạ các chủ ghe và thủy thủ của họ như thế nào. Có chủ ghe nói thẳng với tôi, sẽ tu sửa ghe thật tốt rồi sẽ đưa cả vợ con đi vượt biên, không thể sống với các ông được! Sau chuyến đi đó, tôi đã viết bài điều tra mang tên “Đi theo những con thuyền mang tên Rạch Gầm”, báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tháng 12-1986 đã đăng bài phóng sự đó. Chính đại tá Hoàng Cuông, Trưởng ty công an Hải Hưng năm xưa, người được nhắc đến như một điển hình tốt của Bộ Công An đã đọc được bài báo đó khi ông nhận chức Cục phó một cục của Bộ có cơ quan phía Nam. Đại tá Hoàng Cuông đã đi xe com-măng-ca, nhưng đỗ ở đầu đường, đi bộ đến nơi tôi đang ở tại TP.HCM “để giữ bí mật” theo tác phong của ông, để gặp tôi và hỏi chuyện sau khi đọc bài phóng sự trên báo. Tôi đã nói thẳng với vị đại tá công an này, là người ta sẽ bỏ nước đi hết nếu Đảng không thay đổi đường lối lãnh đạo, vẫn ngăn sông cấm chợ kiểu này!

Đó là chuyện tôi viết báo công khai, tôi còn làm một “báo cáo mật” cho Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Công Bình về việc các trạm thuế trên các đường sông. Đó là một lần tôi đang đi lang thang bên rạch Bảo Định ở Mỹ Tho. Tôi nghe thấy một bà chủ ghe dưới rạch lớn tiếng than: “Kỳ này đi về tôi sẽ đốt ghe, không đi buôn nữa!”. Tôi vội lao xuống xem sự tình như thế nào. Thấy chiếc ghe khá lớn mang biển số KG, tôi biết là ghe của tỉnh Kiên Giang. Bà chủ ghe cho tôi hay, ghe của bà có trọng tải 21 tấn, bà chở đủ 21 tấn khoai mỳ (sắn) lên Thành phố Hồ Chí Minh bán, nhưng đi qua các tỉnh, các trạm thuế đều bắt đóng thuế “bổ sung” lấy lý do bà chở quá trọng tải 21 tấn quy định. Nếu không đóng thuế “bổ sung” thì phải dỡ khoai mỳ lên cân lại! Bà than: “Bốc đủ 21 tấn khoai mỳ lên cân lại thì bằng thắt cổ tôi cho xong!”. Đó là cách bắt chẹt, bóp cổ dân của các trạm thuế. Ghe của bà trọng tải 21 tấn nhưng khi lên đến trạm thuế Kinh Nước Mặn tỉnh Long An – một trạm thuế “kinh hoàng” trên đường sông như trạm Tân Hương trên đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long thời đó, thì số hóa đơn thu thuế “bổ sung” đã lên đến 20 tấn, xấp xỉ trọng tải chiếc ghe 21 tấn của bà. Đến Kinh Nước Mặn, chồng bà phải tháo chiếc đồng hồ Seiko đeo tay để trạm thuế “cầm”, như người ta “cầm đồ”, đợi khi nào lên TP.HCM, bán được khoai mỳ, lúc trở về sẽ chuộc (!). Khi lên đến TP.HCM, trạm thuế thành phố miễn thuế cho bà vì lúc đó TP.HCM có chính sách miễn thuế cho các ghe chở lương thực như khoai mỳ lên cứu đói cho thành phố. Thành phố muốn có khoai mỳ để cán bộ công nhân viên và nhân dân thành phố ăn sáng! Chính sách của TP.HCM như thế lúc đó, mà sau này người ta gọi là chính sách “xé rào” của thành phố. Tôi hỏi bà chủ ghe mang biển số KG: “Những trạm thuế nào ở Tiền Giang thu thuế bổ sung của bà?”. Bà cho biết tất cả các huyện của Tiền Giang mà ghe bà chạy qua đều bắt nộp thuế bổ sung như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Tôi xin bà các hóa đơn thu thuế bổ sung, bà cho ngay, trong đó còn có cả cái giấy biên nhận giữ đồng hồ của chồng bà ở trạm thuế Kinh Nước Mặn, khi ghe bà quay về, chuộc lại mà trạm Kênh Nước Mặn quên không đòi lại. Với chứng cứ ấy trong tay, suốt đêm hôm ấy tôi viết bản “báo cáo mật” về vụ đánh thuế chiếc ghe biển số KG…, kèm theo các hóa đơn thu thuế bổ sung. Sáng hôm sau tôi đem báo cáo chủ tịch tỉnh Nguyễn Công Bình. Xem xong “báo cáo mật” của tôi, ông chủ tịch đập tay xuống bàn rất mạnh và không nói câu nào cả. Đến kỳ họp giao ban hàng tuần, có đầy đủ các ty ban ngành trong sở, chủ tịch Sáu Bình đã phê phán gay gắt ngành tài chính và các trạm thuế. Ông đập tay xuống bàn, rồi giơ tập hóa đơn thuế bổ sung lên nói to trước hội nghị: “Thế này thì chúng ta thành kẻ cướp rồi, đâu phải chính quyền Cách mạng!”.

Một ông trưởng ty ngồi cạnh tôi, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Đây là bọn công an kinh tế tỉnh nó “chơi” bọn tài chính thuế vụ đấy!” (không ai biết là tôi đã “báo cáo mật” bằng văn bản cho chủ tịch Sáu Bình). Đến buổi chiều, ông chủ tịch gọi tôi đến, bảo tôi viết thay ông một lá thư xin lỗi bà chủ ghe ở Kiên Giang. Ông cho tôi hay: “Sẽ theo địa chỉ ghi trên bảng hiệu của ghe và tên bà chủ ghe để cử cán bộ xuống Kiên Giang xin lỗi bà, bồi hoàn số tiền mà tỉnh Tiền Giang đã đánh thuế oan với bà”.

Chủ tịch tỉnh Tiền Giang là một người như thế, ông nổi tiếng là sáng suốt, cương trực và liêm chính. Nhiệm kỳ chủ tịch của ông, tỉnh Tiền Giang đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về nhiều mặt.

L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế, Nông Thôn. Bookmark the permalink.