Số phận “ông khoán hộ” đất Hải Phòng

Gửi ông Dương Anh Điền – Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Tôi kính chuyển bài này lên ông Dương Anh Điền –Bí thư Thành ủy Hải Phòng, và các ông bà cầm quyền ở thành phố biển quê tôi.

Đây là một số phận mà các ông cần sớm quan tâm giải quyết cho thỏa đáng bởi cụ ấy gần đất xa trời rồi. Đừng phụ người có công, hỡi những nhà cai trị.

Cả nước chả mấy ai không biết ông Kim Ngọc –Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người mà dân gian trìu mến đặt biệt danh “ông khoán hộ”, chịu nhiều lận đận nhưng cuối cùng được tôn vinh xứng đáng. Đất Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi cũng có một người dám mở lối xé rào vì nông dân như thế.

Nguyễn Thông

Lần nào về quê, tôi cũng ra chùa Trà Phương. Bữa ấy mưa phùn mỏng, chùa thấp thoáng sau màn hơi nước mênh mông. Trúng ngày cúng vị hòa thượng trụ trì chùa mất từ hồi kháng chiến chống Pháp. Nườm nượp người xe từ TP Hải Phòng và các chùa khác quanh vùng đổ về. Chen mãi mới vào được gian điện tam bảo. Tiếng tụng kinh đều đều ngân nga như những đợt sóng. Đứng lâu mỏi chân, tôi lần ra phía nhà tổ, có đám đông các cụ đang ngồi đó, hóng chuyện. Tôi nhận ra ông, người hồi cuối năm 1972 từng ký giấy xác nhận cho tôi được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự bởi nhà có hai con trai thì một đã vào bộ đội, để được đi học đại học. Chủ tịch xã đi họp huyện, ông mau mắn ký thay. Tờ giấy chứng thư vào đời ấy sau bao di biến bị thất lạc đâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ nét chữ xác nhận rắn rỏi dứt khoát của ông: Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hương.

Nghe tiếng chào, ông nhận ra ngay. Kỳ lạ thứ trí lự bền bỉ của ông lão 87 tuổi bởi có nhẽ phải đến hơn bốn chục năm chứ nào ít, cả hai bác cháu không giáp mặt nhau. Ông bảo anh ạ, còn ở nhà, lúc nào rỗi rãi vào nhà bác chơi.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Xé rào để dân thoát đói

Chắp nối những đoạn những khúc nhôi hai bác cháu ngồi với nhau suốt buổi chiều, hết mấy tuần trà, thì ra ông cựu Bí thư đảng ủy tuổi đã vượt ngưỡng 80 mà cặp mắt vẫn tinh anh, giọng sôi nổi khúc chiết, và nhất làcái trí nhớ tuyệt vời kia ẩn chứa khá nhiều lấn cấn, buồn vui của một thời. Tôi thưa với ông rằng hồi ấy, những năm 1965 – 1969 cháu còn bé nhưng có biết chuyện chia ruộng, rau xanh rau đỏ, chuyện HTX mình làm ăn khật khưỡng lắm. Ai đời ruộng đất bỏ hoang bỏ hóa, xã viên bảnh mắt mới dềnh dàng ra đồng, làm suốt cả vụ (nửa năm) mà bình quân thóc đầu người chỉ chưa đầy 40 ký, rơm cũng phải đếm chia từng lượm, đói kém quanh năm. Chả mấy người tha thiết với hợp tác nhưng không dám nói ra, thế mới có chuyện đang đập nương giơ cái vồ lên chợt nghe tiếng kẻng tan tầm, đáng nhẽ đập xuống nhát nữa thì nhân tiện vác luôn trên vai bước thẳng về nhà. Nghe tôi nhắc lại, ông cười khà khà bảo chuyện vặt, cái chính là ruộng đất đấy người đấy, nào có thiếu, sao xã viên cứ nghèo đói mãi. Được Đảng và nhà nước giao quản cái xã này, mấy trăm hộ, hơn 2.000 con người, chúng tôi đau lắm. Mình không làm thì nghỉ, nhưng liệu dân có bớt đói không? Sao mấy hộ cá thể người ta vẫn no đủ mà HTX lại lụn bại đi xuống thế? Trăn trở vắt óc cả tháng giời, thế là quyết phải xé rào, tội vạ đâu mình chịu.

Ông kể: Anh biết không, tôi bàn với ông Mạo Chủ tịch, ông Hoạt Phó Chủ tịch, cả mấy ông Chủ nhiệm HTX như ông Quảng, ông Quyền, có người nhất trí ủng hộ, có người phản ứng làm thế là sai đường lối. Tháng 3.1967 tôi họp Đảng ủy và Ủy ban tuyên bố sẽ chia bớt ruộng về cho hộ xã viên, để bà con tự cày cấy trồng trọt, ngoài phần nộp nghĩa vụ theo quy định thì còn lại tự hưởng. Với tư cách Bí thư, tôi tuyên bố tôi làm tôi chịu, các đồng chí không ngại liên đới gì cả. Ghi rõ vào biên bản. Chỉ đề nghị kín đáo kẻo đến tai trên. Mọi người nhất trí mà không khỏi lo lắng, nhưng dân nghe được thì mừng lắm. Sau khi dồn điền đổi thửa, cả HTX được khoảng 600 mẫu, dư ra gần 50 mẫu, chúng tôi lấy phần dư đó chia cho xã viên, ban đầu cứ mỗi khẩu 1 thước vuông, gọi là đất rau đỏ, sau thấy còn dư nhiều lại chia thêm. Bởi đất 5% là đất tạm chia cho hộ nông dân theo chủ trương của nhà nước, bà con quen gọi rau xanh, còn đất chia chui thì đặt tên rau đỏ, chứ chả nhẽ bô bô lên là đất chui.

Lần theo lời kể của ông cựu Bí thư, tôi sực nhớ hồi ấy ở quê mình không khí làm ăn vụng trộm mà thật háo hức. Chỉ vài thước đất thôi nhưng họ được quyền làm chủ, có quyền bắt nó sinh sôi không ngừng nghỉ. Tối khuya khoắt vẫn lần mò trên mảnh đất rau đỏ chăm chỉ bận rộn như nuôi con mọn. Tôi rụt rè hỏi ông cụ, rằng thế những năm đó bác có biết, có học gì từ cách khoán hộ của cụ Kim Ngọc trên đất trung du không. Ông Bí thưTỉnh ủy Vĩnh Phúc còn làm chui trước các bác cơ, từ năm 1966 cơ. Ông Sơn cả cười, hồi ấy chỉ từ xã này sang xã khác, huyện này qua huyện nọ đã như thế giới khác rồi, thông tin thời sự chỉ dựa vào báo Nhân Dân và đài nhà nước cũng như vài cuộc họp trên huyện, lấy đâu ra bài học này nọ. Mà cũng may, kín như bưng nên mới không bị lộ, không phải chỉ xã ta, có nhẽ cả tỉnh Vĩnh Phúc của ông Kim Ngọc cũng vậy. Chúng tôi và bà con cứ âm thầm thực hiện, hạnh phúc no ấm cũng đến một cách lặng lẽ, lộ ra là chết ngay. Dân ngày càng no đủ, mà vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Kéo dài tình trạng chui lủi đến ngày giải phóng miền Nam. Hòa bình thì mới bị phát giác chứ lúc làm chui khoán lủi như thế, mấy lần các ông Đặng Nam –Bí thư Huyện ủy, Đoàn Hưng – Chủ tịch huyện về tận nơi kiểm tra vẫn chả mò ra.

Sực nhớ, ông bạn tôi, đạo diễn Văn Lượng khi làm cuốn phim tư liệu về những người mở lối cho hạt thóc hạt vàng có kể rằng lúc gặp ông Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông ấy thổ lộ “không thể hiểu nổi cái công thức HTX thời đó. Dân thì đói rài đói rạc, ruộng bỏ hoang, nhưng nếu chia ruộng cho dân là vi phạm. Để hoang thì không sao, nhưng chia ra là chết ngay. Gần như không cán bộ nào dám vi phạm, cả ở xã, huyện lẫn thành phố”. Từ khi vỡ lở chuyện hai xã Thụy Hương và Đoàn Xá chia ruộng, khoán chui, câu hỏi cứ canh cánh trong đầu khiến ông Thành mất ăn mất ngủ: “Nông thôn mình còn nghèo lắm. Chẳng nên đặt vấn đề nông dân có ruộng đất hay không mà cần đặt câu hỏi: Tại sao Đảng và nhà nước lại để nông dân nghèo?”. Có nhẽ từ những trăn trở như thế mà hình thành các nghị quyết số 24 (năm 1980), số 10 (năm 1988) của Thành ủy Hải Phòng, Nghị quyết 10 nổi tiếng (đã chết tên thành Khoán 10) của Bộ Chính trị về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, cởi trói cho nông dân đó chăng?

Khoán chui là cái tội?

Ấy, cái người ngồi trước mặt tôi đây, một thời dám nghĩ dám làm dám quyết bởi không chịu ở yên nhìn nông dân nghèo đói, đem lại nồi cơm đầy, manh áo lành lặn cho bao nhiêu người, đùng một cái bị lôi ra kiểm thảo, xử lý. Thời ấy nó thế. Năm 1975, vụ khoán hộ của ông Kim Ngọc trên Vĩnh Phúc bị dần cho tơi tả. Dám đi sai đường lối chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ, không theo quy luật phát triển của chủ nghĩa xã hội, khơi dậy làm ăn tư hữu, chê bai HTX. Ông Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc còn không thoát thì cỡ Bí thư xã như ông Sơn họ trị thẳng cánh. Để làm gương, để mấy người khác lăm le xé rào phải chừa. Xã họp, huyện họp, rồi báo cáo lên Ban Kiểm tra Thành ủy. Ông Sơn thừa nhận mình làm sai chủ trương đường lối, không hề né tránh. Ông đã thực hiện đúng lời hứa trước đông đủ cán bộ xã ngày nào, “dám làm dám chịu”. Cuối cùng thì người ta nhân danh quyền lực cách tuột mọi chức vụ, khai trừ Đảng, không giải quyết bất cứ quyền lợi gì cho ông. Tôi hỏi vậy thì bác còn giữ cái quyết định đó không, ông bảo lúc ấy chả buồn chả vui nên không thiết giữ, cất đâu đó sau tìm mãi không ra, nhưng vì nó là nhát chém ngang sự nghiệp nên đọc thuộc không sót chữ nào. Nhưng cụ ạ, khai trừ Đảng, chắc tội phải nặng lắm? Tội ư, ông đọc từng chữ đã hằn in vào bộ nhớ còn rất minh mẫn: “Khai trừ Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Sơn bởi đang làm Bí thư Đảng ủy xã mà chia đất cho dân, mỗi khẩu 1m2, trong đó gia đình đồng chí Sơn 9 khẩu được 9m2”. Trời đất ơi, lý do chỉ bấy nhiêu thôi. Một người từng vào sinh ra tử, tham gia cách mạng khi còn trẻ, năm 1949 được kết nạp Đảng, nằm bờ nằm bụi gây dựng phong trào, từng bị thực dân Pháp bắt nếm đủ mùi tàu bay tàu ngầm ở căng Đoạn Xá khét tiếng vẫn một mực không hé răng, 25 tuổi đã làm Bí thư Đảng ủy, nếu tính tuổi đảng liên tục giờ đã 67 tuổi đảng rồi. Mãi đến năm 1983 người ta mới xem xét lại, giải quyết cho ông chế độ hưu trí, chả nhiều nhặn gì, nay mỗi tháng cũng chỉ triệu rưỡi. Nghe ông đọc những con số, tôi thực sự xót xa. Ông Kim Ngọc, rồi mấy cán bộ xã đầu têu khoán chui dưới mạn Đoàn Xá, nơi được coi là cái nôi của khoán hộ ở xứ biển này thì lần lượt được phục hồi, ghi nhận công lao, xóa án tích, thành tấm gương của sự nghiệp đổi mới, thậm chí được phong anh hùng. Còn ông lão ngồi trong bóng chiều muộn với tôi đây, suốt mấy chục năm nay chưa hề nhận được một lời xin lỗi. Cùng lo cho dân, dù có khác nhau ở cái tầm, nhưng sao số phận ngọt bùi, đắng cay.

Năm 2001, đạo diễn,Nghệ sĩ ưu tú Văn Lượng thực hiện bộ phim tài liệu Đi tìm hạt vàng mười (hai tập) rất công phu về những người có công khai phá phong trào khoán hộ đất Hải Phòng. Ông Nguyễn Văn Sơn là một trong vài nhân chứng sống của phim tài liệu này. Phim được phát nhiều lần trên sóng Đài phát thanh – Truyền hình Hải Phòng và một số đài trong nước, từng đạt giải trong liên hoan phim toàn quốc Cánh Diều năm 2002. Ông Sơn cũng được nhắc đến trang trọng trong cuốn sử địa phương Kiến Thụy xưa và nay (NXB Lao Động, 2009) của huyện Kiến Thụy với tư cách là người mở đường cho khoán hộ ở vùng đất này từ những năm 1960.

Ông Sơn bảo tôi, giờ gần đất xa trời rồi, không ham hố điều gì nữa. Ông nói thế, nhưng tôi hiểu trong đôi mắt nhìn xa xăm phía mấy cành táo xuân rung rinh kia vẫn xen sự khẳng khái chấp nhận lẫn chút bùi ngùi.

Tháng giêng Ất Mùi 2015

N. T.

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.