Phải bịt lỗ hổng làm loạn đất nước

Nhìn hàng ngàn hộ nông dân trồng dưa hấu khóc ròng trên đồng ruộng (cho cả bò ăn dưa) và hàng dãy xe tải dài, chất đống dưa hấu ứ đọng ở cửa khẩu Việt – Trung mới đây chỉ là hình ảnh lặp đi, lặp lại nhiều năm qua với hàng nông sản của Việt Nam thật đau lòng.

Không những thế, lâu nay các thương lái Trung Quốc còn thâm nhập sâu vào nội địa thu mua những thứ lạ đời. Lúc đầu, họ đặt giá cao ngất ngưởng, số lượng lớn rồi âm thầm biến mất để lại bao hậu họa cho người dân điển hình như thu mua đỉa, ốc bươu vàng, móng trâu, rễ tiêu, lá điều khô, mãng cầu xiêm, hạt na, trắc dây, rễ tiêu, gốc trắc non, rễ sim, v.v.

Đọc bệnh thì dễ mà “kê đơn”, “bốc thuốc”, quả là không đơn giản chút nào nhất là gần đây có thông tin đáng giật mình là thương lái Trung Quốc gom mua rêu đá với giá cao.

Ý nghĩa về mặt khoa học

Trong tự nhiên có nhiều bioaccumulators (bio gốc tiếng Hy Lạp nghĩa là ‘sự sống”, accumulator là tụ hợp lại). Có thể hiểu bioaccumulator là sinh vật có khả năng tích lũy sinh học, thường là khả năng tích lũy (mà không gây chết) các chất độc từ môi trường vào cơ thể và không có khả năng đào thải ra ngoài.

Theo tôi biết Viện Hóa học Môi trường Quân sự là đơn vị có hệ thống quan trắc (trạm quan trắc phóng xạ – hóa học) trên phạm vi toàn quốc, đã nhiều năm nay sử dụng lá thông, rong biển để đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ (radio-isotopes) trong môi trường.

Có thể, rêu (native mosses) là thực vật bản địa bậc thấp cũng được coi là một chỉ thị sinh học môi trường tương tự. Nghiên cứu về rêu có thể phát hiện các chất ô nhiễm trong không khí và lắng đọng trong đất, trong đó đáng quan ngại nhất là ô nhiễm phóng xạ.

Hành động thương lái Trung Quốc thu mua rêu đá, phải chăng liên quan đến việc họ muốn đánh giá phông nền ô nhiễm phóng xạ của khu vực trước khi khởi động nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Quảng Tây), công suất khoảng 2000MW, xây từ 2010, nằm gần biên giới Trung Quốc – Việt Nam, dự kiến đưa vào hoạt động giữa 2015 đầu 2016? Hành động này rất có thể là bước chuẩn bị để đánh giá mức độ gây nhiễm phóng xạ vùng giáp ranh với Việt Nam của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành.

Nguyên nhân rối loạn

Chuyên gia Vũ Quang Việt đặt vấn đề rất đáng suy ngẫm: Việc dân một nước khác đến một nước khác vơ vét mua hàng có hợp pháp không? Và nếu Việt Nam cho phép dân Trung Quốc tự sang làm chuyện này thì có phải là vi phạm chính luật lệ cũng như chủ quyền của nước mình không?

Thu mua lá điều khô (ảnh trên mạng)

Hoạt động thương lái tự do người nước ngoài đang bị luật Việt Nam cấm, vì muốn hoạt động họ phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều 6 của Luật Thương Mại 2005 đòi hỏi thương nhân phải có tính hợp pháp, có đăng ký kinh doanh: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”. Điều 27 của bộ luật này cũng đòi hỏi: “Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”

Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 nhằm thực hiện Luật Thương Mại của Việt Nam qui định rằng: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu, thực hiện quyền xuất khẩu” phải tuân thủ các điều sau:

  • Được xuất khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu;
  • Phải theo lộ trình qui định, đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo lộ trình.
  • Được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hoá đó để xuất khẩu.

Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu, đầu tư vào Việt Nam chỉ để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chỉ bổ sung thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu phải làm thủ tục bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư.

Nghị định 187/2013/NĐ-CP cũng chỉ có thay đổi ở điểm là hàng hóa xuất nhập không còn phụ thuộc vào ngành nghề mà thương nhân đăng ký kinh doanh, nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn phải theo giấy phép (điều 4).

Như vậy, rõ ràng là thương lái nước ngoài không được tự do mua hàng xuất khẩu hay tự do nhập hàng đem bán, mà phải qua hợp đồng. Họ phải có giấy phép đầu tư và chỉ được mua của những thương nhân có giấy phép mua bán. Luật đã có rất rõ ràng tại sao không thực hiện? Việc để cho thương lái trong nước và nhất là thương lái Trung Quốc lũng loạn thị trường xuất nhập khẩu chứng tỏ rằng một số cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ theo luật pháp bất lực hoặc tham nhũng.

Các loại cửa khẩu

Biên giới Việt-Trung có nhiều loại cửa khẩu. Đơn cử ví dụ ở Hà Giang lập ra ba cửa khẩu: i) Cửa khẩu quốc tế; ii) Cửa khẩu song phương; và iii) Cửa khẩu địa phương. Cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương phải tuân theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt – Trung và Hiệp định về quy chế quản lý cửa khẩu biên giới năm 2009. Còn cửa khẩu địa phương bao gồm toàn bộ các cửa khẩu phụ, lối mở, đường mòn, đường qua lại. Ngoài ra, không phân biệt cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong và ngoài khu kinh tế cửa khẩu.

Với loại cửa khẩu dành cho thương lái Trung và Việt, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ là lỗ hổng dễ bị “lợi ích cục bộ” lạm dụng. Xin lưu ý, có nhiều loại hàng nông sản của Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cán bộ cửa khẩu là cán bộ trung ương hay do địa phương kiểm soát. Lịch sử Việt Nam thời Lý Thường Kiệt đã có bài học chính quyền vùng biên trở thành chính quyền “hai mang” lúc theo bên này, lúc theo bên kia, tùy theo lợi ích.

Lập lại trật tự

Qua phân tích ở trên thấy được “lỗ hổng” làm lọan đất nước. Trước hết, phải sòng phẳng trong mọi mối quan hệ, bình đẳng, cho nên cần phải có các giải pháp như sau:

  1. Thương lái Trung Quốc muốn mua hàng thì phải lập công ty ở Việt Nam và do đó phải có tài khoản và người chịu trách nhiệm. Đó là công ty Việt Nam và phải dùng công nhân Việt Nam trừ một số trường hợp, người Trung Quốc có thể sang làm việc nhưng phải có đăng ký lao động.
  2. Khi muốn mua hàng, phải có hợp đồng với người bán, do đó không có chuyện lừa mua rồi không đến lấy (nếu chỉ có hợp đồng miệng giữa các thương lái, khi sự cố xảy ra, ta phải đi đàm phán, mà thực chất là cầu xin, nên lép vế là lẽ thường). Mua bán hàng phải trả thuế nên đây là cách làm để lấy được thuế. Thuế xuất nhập khẩu ở cửa khẩu là loại thuế khác.
  3. Cần có biện pháp hữu hiệu kiểm tra, ngăn chặn xử lý đối với những người hám lợi, cố tình khai thác nông, lâm sản trái phép cung cấp cho thương lái Trung Quốc. Tuyên truyền để người dân và chính quyền các cấp hiểu rõ các thủ đoạn thâm độc thu mua sản phẩm lạ của thương lái Trung Quốc là triệt đường tái sinh, phá hủy cân bằng môi trường sinh thái, làm nghèo đất nước. Ngăn chặn xử lý thích đáng các loại hàng hóa của Trung Quốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
  4. Chấn chỉnh nâng cao hoạt động hiệu quả ở các cửa khẩu. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch, các chủ trương chính sách về sản phẩm theo chuỗi hàng từ khâu đầu vào, quá trình sản xuất đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để tránh các tình trạng bát nháo xảy ra như bấy lâu nay, v.v.

Lời kết

Một nước độc lập có chủ quyền, không thể để tình trạng cho người nước ngoài vào nước mình tự do đi lại, hoạt động khắp nơi tùy thích như chốn không người.

Thương lái nước ngoài vào mua bán tự do chỉ thấy báo chí kêu than mà ít thấy động thái của chính quyền và các cơ quan chức năng để chấn chỉnh. Do đó, người dân sẽ mặc nhiên hiểu là các hoạt động mua bán này của thương lái Trung Quốc đều được Nhà nước cho phép, cho nên trách người dân hám lợi một phần nhưng chủ yếu phải trách các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, cấp phép dễ dãi, để cho người nước ngoài vào hoạt động bừa bãi thì tất nhiên nước sẽ loạn. 

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.