Đôi điều lạm bàn về lịch sử hiện đại Việt Nam từ sau Tháng Tám năm 1945

Bài 4: Hậu quả của cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”

Dưới đây là các hậu quả dễ thấy của cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”:

1) Đẩy dân tộc vào một cuộc chém giết khủng khiếp. Một phần rất lớn sinh lực của đất nước bị thiêu cháy trong lò lửa chiến tranh chống lại cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Các ước tính cho rằng, khoảng 8-10 triệu sinh mạng bị cướp đi. Miền Bắc mất 5-6 triệu, miền Nam mất 3-4 triệu. Nếu so sánh với con số 58 ngàn lính Mỹ thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam, chúng ta thấy hơn 99% số thương vong là của người Việt! Cuộc chiến này, dù được trang điểm dưới bất kỳ ngôn từ hoa mỹ nào, cũng không che đậy được bản chất nội chiến.

2) Tàn phá toàn bộ nền kinh tế đất nước. Đẩy miền Nam Việt Nam từ phồn vinh xuống đói nghèo.

Phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam công giải phóng dân chúng miền Nam khỏi đời nô lệ nghèo đói?

Tác giả xin trình bày các số liệu sau:

GDP/đầu người (USD)

1960 1965 1970 1975
Nam Việt Nam 223 123 130 44
Thái Lan 101 192 138 351
Nam Hàn (Hàn Quốc) 155 279 106 608

Nguồn: List of countries by past and projected GDP (nominal) per capita, Wikipedia

Năm 1954, Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến với Hiệp định Genève. Miền Nam Việt Nam bắt tay kiến thiết xã hội, phát triển kinh tế, và tới năm 1956 thì kinh tế Nam Việt Nam bắt đầu tăng trưởng dương. GDP/đầu người năm 1960 cho thấy kinh tế miền Nam Việt Nam phồn vinh hơn hẳn Thái Lan và Nam Hàn (223 USD so với 101 USD của Thái lan và 155 USD của Nam Hàn). Tại châu Á, nếu tính theo GDP/đầu người, miền Nam Việt Nam chỉ thua có Nhật (479 USD), và gần với Mã Lai (299 USD), hơn hẳn Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Nam Hàn…

Khoảng năm 1957, miền Bắc phát động cuộc chiến xâm chiếm miền Nam, bắt đầu với “chiến tranh du kích”. Năm 1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, chiến tranh càng lan rộng. Từ năm 1964, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam (1965), Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng cường độ chiến tranh và toàn bộ miền Nam trở thành bãi chiến trường.

Rất tương ứng với các biến chuyển của thời cuộc chiến tranh, GDP/đầu người các năm 1965, 1970 và 1975 cho thấy kinh tế miền Nam Việt Nam biến chuyển từ phồn vinh trở thành yếu kém rồi rất yếu kém so với Thái Lan và Nam Hàn. Từ gấp đôi Thái Lan năm 1960 thành một phần tám của Thái Lan năm 1975. Từ gấp rưỡi Nam Hàn năm 1960 thành ít hơn một phần mười ba của Nam Hàn năm 1975.

Cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam rõ ràng đã đẩy dân chúng miền Nam từ đời sống giàu có vào nghèo đói.

Thực ra, cuộc chiến đã tàn phá kinh tế toàn bộ đất nước. Nếu tính GDP/đầu người chung cho toàn bộ Việt Nam, gồm cả miền Nam và miền Bắc, thì năm 1960 con số ước tính là là 148 USD, năm 1970 là 120 USD và năm 1975 là 70 USD, chỉ bằng 50% so với năm 1960. Trong thời gian đó, Thái Lan phát triển gấp 3,5 lần, Nam Hàn phát triển gấp 4 lần.

3) Sự chia rẽ đầy hận thù Quốc – Cộng được đẩy lên tột đỉnh. Hai thành phần của một dân tộc biến thành “Ta” với “Địch”, thành kẻ thù hay thậm chí kẻ tử thù của nhau.

4) Cuộc chiến nhiều lần tàn phá các thành phố lớn, gieo rắc vào dân tộc tính độc ác man rợ. Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân thực chất là một cuộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai phe tham chiến, trong đó phe Cộng sản lật lọng và tiến công miền Nam giữa lúc thỏa thuận ngừng bắn để dân chúng đón Tết cổ truyền vẫn còn hiệu lực. Trận chiến Tết Mậu Thân là cuộc thảm sát giữa người Việt theo phe miền Bắc đối với người dân miền Nam. Riêng tại Huế, cả thành phố phải chít trắng khăn sô: những kẻ cầm súng theo Cộng sản đã giết mấy ngàn thường dân không phương tiện tự vệ. Con số nạn nhân đã kinh hoàng, cách thức và tính dã man của việc giết người càng kinh hoàng hơn.

5) Việt Nam mất đi các đảo trong quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Cộng. Khi cuộc chiến lên cao độ, khi toàn bộ sinh lực miền Nam phải dồn vào chống trả cuộc xâm lăng miền Bắc, Trung Cộng, nước đồng minh viện trợ vũ khí, lương thực để miền Bắc tấn công miền Nam, đánh chiếm đảo Hoàng Sa của miền Nam. Chính phủ miền Nam kiên quyết đánh trả. Đây là bước ngoặc bi thảm cho dân tộc vì tạo đà cho Trung Cộng lần lượt chiếm các đảo khác của Việt Nam, lấy mất một phần lớn tài nguyên biển và tạo gọng kìm quân sự uy hiếp toàn bộ lãnh thổ của chúng ta sau này.

Trước việc xâm chiếm này, chính quyền miền Nam yêu cầu miền Bắc hợp tác cùng lên tiếng phản đối Trung Cộng trên các diễn đàn quốc tế thì miền Bắc im lặng. Trong khi đó họ tuyên truyền trong giới chiến binh của họ rằng “Trung Quốc là bạn của Việt Nam, Họ chiếm Hoàng Sa là chiếm cho miền Bắc, chờ khi miền Bắc thắng miền Nam thì các đồng chí Trung Quốc sẽ trả các đảo đó lại cho nước Việt Nam thống nhất”.

6) Việt Nam đã chống lại Mỹ, một siêu cường không có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ nước khác, một việc mà nhà chính trị xuất sắc của thời đại, ông Lý Quang Diệu, cho là ngu ngốc. Lịch sử thế giới thời đó và tới tận bây giờ cho thấy các nước đồng minh của siêu cường này đều phát triển kinh tế xã hội vượt bậc. Trong khi đó Việt Nam lại buộc mình vào vòng lệ thuộc Trung Cộng, một quốc gia luôn có tham vọng lấn chiếm lãnh thổ các nước láng giềng và nuôi giấc mộng trở thành siêu cường quân sự vài chục năm sau.

6) Toàn bộ Việt Nam bị đặt dưới chính thể Độc đảng và Toàn trị, mở ra một thời kì nhiều bi thảm và bế tắc cho dân tộc.

Tiếp theo cuộc “Kháng chiến 9 năm chống Pháp”, cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” mang lại những tai họa khủng khiếp và lâu dài cho dân tộc như đã trình bày ở trên, và chắc hẳn rằng đa số người Việt Nam đã cùng nhìn thấy.

Nếu như sự cần thiết của cuộc “Kháng chiến 9 năm chống Pháp” là đề tài còn được tranh cãi, thì Tính phi lý của “cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã được đa số tán thành. Tác giả tin chắc rằng, nếu tiến hành điều tra xã hội học một cách thực sự khoa học và độc lập, đại đa số ý kiến nhân dân sẽ cho rằng cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô nghĩa và tai hại”. Tất nhiên, Đảng Cộng sản đương quyền không bao giờ dám tiến hành một công việc như vậy, và cũng không bao giờ cho phép các thành phần độc lập trong xã hội làm điều đó.

Trong lúc cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đang được Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân danh Chống Mỹ cứu nước, quyết tâm tiến hành, nhà lãnh đạo miền Nam, ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn chính trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra nhận định:

Thực ra thì dù chính sách của Pháp có thiển cận, chúng ta cũng có thể đòi lại độc lập với ít tổn thất sinh lực hơn. Chính lập trường Cộng sản lệ thuộc Nga Xô và Trung Cộng đã khiến cho phe Cộng sản Việt Nam chọn chiến tranh thay vì đấu tranh chính trị. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ ý đồ của Nga và Trung Cộng, thì có thể họ đã từ chối làm đồng minh với Cộng sản như Ấn Độ.

Dù không đồng ý, chúng ta cũng thông cảm việc các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đồng minh với Nga Xô để giành độc lập. Nhưng sau đó, để lãnh đạo công cuộc phát triển đất nước, họ phải thoát khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối Tự do và Cộng sản, nếu họ nhận thức rõ:

1) Thâm ý chiến lược của Nga và Trung Cộng. Chủ nghĩa Cộng sản thực ra chỉ là một phương tiện tranh đấu của người Nga trước đây, và của Trung Cộng hiện nay.

2) Cần chấm dứt đồng minh với Cộng sản khi không còn ích lợi cho dân tộc.

3) Đối với Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp.

Tai họa thay, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã không thoát ra khỏi ảnh hưởng đó, và Việt Nam biến thành chiến trường của tranh chấp Tự do – Cộng sản. Mâu thuẫn giữa hai khối, lẽ ra là cơ hội, biến thành tai họa tàn phá khủng khiếp sinh lực của đất nước! (Ngô Đình Nhu, Chính đề Việt Nam. Phần III, Điều kiện nội bộ).

Ông Ngô Đình Nhu tiên đoán:

Việt Nam đã ra ngoài vòng chi phối của Trung Hoa gần một thế kỉ. Nay, khi tự đặt mình dưới sự chi phối của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã đặt dân tộc trước viễn cảnh khủng khiếp là lệ thuộc Trung Hoa, mà kinh nghiệm ngàn năm qua cho thấy thực là tàn khốc.

Hiện nay miền Bắc đang tiến hành xâm chiếm miền Nam. Sự tồn tại của miền Nam, dưới ảnh hưởng của khối Tự do, có vai trò cực kì quan trọng: nó chưa cho phép Trung Cộng thống trị Việt Nam. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian. Vậy chúng ta bảo vệ miền Nam không chỉ cho miền Nam, mà còn giữ một lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần. (Ngô Đình Nhu, Chính đề Việt Nam. Phần III, Điều kiện nội bộ).

Từ đó ông Ngô Đình Nhu đề nghị:

Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện Cộng sản nữa. (Ngô Đình Nhu, Chính đề Việt Nam. Kết luận)

Đến nay đã hơn 55 năm kể từ ngày mất của hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, đã 40 năm sau ngày miền Bắc chiến thắng miền Nam. Đối chiếu những gì ông Nhu viết với các thực tế đã xảy ra từ đó tới nay, chúng ta ngạc nhiên vì mức độ chính xác của những lời tiên đoán. Với quan điểm không hề tôn sùng bất kì cá nhân nào, lãnh tụ nào, mỗi khi đọc lại tác phẩm Chính đề Việt Nam của ông Ngô Đình Nhu, tác giả thấy rõ rệt, trên từng dòng chữ, kiến thức và tầm nhìn của một nhà chính trị có viễn kiến cùng tấm lòng thiết tha với vận mệnh lâu dài của đất nước.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, những người đưa dân tộc vào cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vô nghĩa và thảm khốc, có tấm lòng này không? Có kiến thức và tầm nhìn này không?

Nếu nhìn lại tiến trình lịch sử, cùng các hậu quả của nó, cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mang lại hạnh phúc hay tai họa cho đất nước?

Cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đưa Việt Nam tiến bước lên hàng ngũ các nước độc lập, giàu mạnh, văn minh hay đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc, chậm tiến, suy thoái?

T.Q.C.

Tác giả gửi BVN.

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.