Bình luận bài viết trên BBC về dự án lấn sông Đồng Nai

neuhoquyetlapsong_luongvan2015

Đánh giá nhận xét về dự án lấn sông Đồng Nai là tùy thuộc vào nhận thức và góc nhìn của mỗi người, cần phải tôn trọng các ý kiến phản biện đa chiều và “đối thoại” để làm rõ các vấn đề cùng quan tâm.

Sông Đồng Nai, trong những năm gần đây đang bị “âm thầm” xâm lấn. Nhiều nhà hàng, quán xá đang dần dà gặm nhấm dọc sông theo phương thức “cứt trâu để lâu hóa bùn”. Về tổng thể, sông Đồng Nai chưa được bảo vệ, quy hoạch và quan tâm đúng mức. Việc khai thác cát, đá khá nhôn nhịp, nhiều khu đất ven sông trước kia là bãi ngập nước, nay đã thành quán xá, nhà xưởng. Dự án “Lấn sông Đồng Nai” gây bức xúc dư luận vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly” mà thôi.

Một số tờ báo trong nước như Người Lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuần VN-VNN, Một thế giới, Thời báo Kinh tế Saigon v.v… thường phản ánh ý kiến đa chiều của độc giả về các vấn đề thời sự mà người dân quan tâm. Mới đây, BBC đăng ý kiến của tôi về dự án bôxit Tây Nguyên, họ cũng lấy nguồn từ báo Tuổi Trẻ.

Đọc bài báo của tác giả Châu Tấn Phát: “Lấp, lấn hay nắn sông Đồng Nai” đăng trên BBC được mở đầu rất “ấn tượng” với người đọc: “Một khu đô thị mới khang trang, thơ mộng dọc dòng sông hiền hòa, không dây điện chằng chịt, không ngập nước. Một bờ kè thẳng thớm, xanh, sạch, đẹp, kiên cố chống xói lở lưng đường cong của dòng sông vào những mùa mưa lũ. Một cơ hội tăng việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân khu vực trong hiện tại và tương lai, thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thuế phí lâu dài cho đất nước…

Còn nhiều lợi ích hơn nữa của Dự án cải tạo và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai – The Pegasus Riverside của Công ty Cổ Phần Đầu Tư – Kiến Trúc – Xây Dựng Toàn Thịnh Phát mang lại, nhưng đang trên đà chết yểu bởi sự phản ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội kèm hỗ trợ của báo chí, với những lý do viển vông, những lập luận lấp lửng mà không có cơ sở khoa học xác đáng nào.” v.v…

Đọc kỹ toàn bộ bài báo, tôi rất ngạc nhiên về nhận thức và lập luận của tác giả.

1.Tác giả Châu Tấn Phát phê phán sự phản ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội đối với việc lấp sông Đồng Nai là dựa trên “những lý do viển vông, những lập luận lấp lửng mà không có cơ sở khoa học xác đáng nào” . Người dân có quyền hỏi tác giả có biết rằng những nghiên cứu được chủ đầu tư cho thực hiện để chứng minh rằng việc lấp sông sẽ không gây tác động đáng kể tới môi trường chưa được thực hiện một cách đủ tin cậy hay không?

Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải đưa ra các giải trình có cơ sở khoa học để thuyết phục người dân chứ không nên hỏi ngược lại cơ sở khoa học nào để người dân phản bác dự án của mình. Đơn giản: dân không tin thì họ có quyền không đồng ý. Mặt khác, nhiều bài phản biện của chuyên gia đã chỉ rõ những cái sai của dự án về mặt khoa học kỹ thuật và môi trường, không biết tác giả đọc chưa và đọc có hiểu về bài toán thủy lực và luận cứ khoa học về đánh giá tác động môi trường và đáng kể hơn là việc vi phạm các nguyên tắc về thiết lập dự án đầu tư.?

2.Tác giả cho rằng “dự án The Pegasus River đựợc xây dựng trên phần diện tích xói lở với mục đích nắn lại dòng chảy sông Đồng Nai thẳng hơn, trả lại phần đất bị xói lở lũy kế của nhiều năm trước đây” .

Ít nhất ảnh vệ tinh từ 2002 tới nay cho thấy khúc sông này hầu như không thay đổi. Nếu cứ lấy cớ trước đây sông bị lở để mà có thể lấp lại thì chắc phải lấp hết sông Đồng Nai luôn hay sao? Vì khởi thủy thì làm gì có sông trên trái đất này.

Cần nhớ rằng không như con đường trên bộ, khi ta cần tránh một cái gì đó mà nắn cong con đường và cho nó là “cong mềm mại” thì dòng người vẫn cứ đi theo con đường đã nắn. Nhưng đối với dòng sông, hoàn toàn khác với đất liền, dòng chảy tự nhiên nếu ta nắn lại thì thượng và hạ lưu đều bị ảnh hưởng.

Dòng chảy trong sông vốn là dòng không đều, không ổn định, nơi mặt cắt thu hẹp thì tốc độ dòng chảy lớn hơn nơi mặt cắt rộng, những nơi đó dưới lòng sông thường có địa chất chịu bào xói lớn hơn. Nơi có cầu, mặt cắt có thu hẹp thì mố cầu đã được gia cố bằng bê tông cốt thép.

Dòng sông có quy luật của nó, nếu ta can thiệp mà không xét được toàn diện sẽ có tác dụng ngược lại. Những đoạn sông cong bị lở thì dòng chảy thúc sang bờ bên đối diện và bồi lắng bùn cát ở đó, những đoạn mặt cắt bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng tới thượng hạ lưu đoạn đó.

3. Tác giả viết “Trên dòng sông Đồng Nai đã tồn tại hàng loạt công trình thủy điện đã và đang xây dựng, việc ngăn dòng, xả lũ gây lụt khi triều cường, hủy hoại tài nguyên rừng, thay đổi môi trường sinh thái, dòng chảy, ảnh hưởng tài nguyên nước gấp rất nhiều lần so với dự án trên”

Đây cũng là 1 kiểu ngụy biện theo kiểu anh làm bậy lớn thì cũng phải cho tôi làm bậy nhỏ. Chưa kể là căn cứ vào đâu mà tác giả dám mạnh miệng phê phán các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai.?

Hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai đã được chứng minh mục đích đa mục tiêu trong luận chứng khoa học kỹ thuật và thực tế. Ngoại trừ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không đủ luận cứ thuyết phục đã đưa ra khỏi quy hoạch.

Khái niệm xả lũ lúc triều cường cần được hiều cho đúng về góc độ chuyên môn. Hồ chứa có tác dụng điều tiết lũ, trữ lũ trong phần dung tích của hồ chứa với mục đích làm giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu, chủ động xả lũ xuống hạ lưu và tránh lúc triều cường trừ trường hợp cấp bách. Trong trường hợp cấp bách xả lũ để bảo đảm an toàn cho công trình, khi đó nếu không xả lũ sẽ vỡ đập, nhưng ngay lúc đó lưu lượng lũ qua hồ chứa cũng đã giảm nhỏ so với trạng thái tự nhiên (nếu không có hồ, lũ còn lớn hơn). Đây là bài toán dự báo, và quy trình vận hành hồ chứa cần nâng cao độ chính xác để khi bất đắc dĩ phải xả lũ cấp bách, thông báo sớm cho vùng hạ du để chủ động ứng phó.

Thượng lưu tuy có hồ chứa, một lượng bùn cát nhất định lắng đọng trong hồ, cũng vì lý do đó để giảm bớt lượng bùn cát lắng đọng trong hồ người ta thường thiết kế cống xả cát, lợi dụng xả lũ để xả cát.

Con sông, cũng như vườn hoa. Nếu có 1 người vặt 1 bông thì đó vẫn là vườn hoa. Nhưng nếu ai cũng nghĩ rằng mình vặt có 1 bông, chẳng có thể làm hỏng vườn hoa thì sẽ đâu còn là vườn hoa nữa. Nếu ai cũng nghĩ tôi chỉ san lấp có một chút, sẽ chẳng hề hấn gì và các tỉnh ven sông đều san lấp thì liệu sẽ còn sông Đồng Nai?

4. Một dự án tác động vào con sông không chỉ ảnh hưởng tại chỗ, trước mắt mà còn ảnh hương toàn cục, lâu dài. Khi dòng nước chảy trong máng thẳng cũng vẫn có lực tác dụng vào bờ (ảnh hưởng của chuyển động quay của trái đất) tất nhiên nó khác và nhỏ hơn khi chảy trong máng cong v.v…

5. Với bài toán lấn sông Đồng Nai người ta chưa hình dung hết những thay đổi dù nhỏ nhưng tích tụ theo thời gian, chẳng hạn như vấn đề xói lan truyền. Ngay cả các trường hợp đã được tính toán bằng mô hình thủy lực trong báo cáo của tư vấn cũng mới chỉ mô phỏng có 4 ngày rồi kết luận dòng chảy ít thay đổi trong 4 ngày đó mà thôi. Cù Lao Phố là một trong những khu vực chắc chắn sẽ bị xói lở mạnh như cảnh báo của các nhà khoa học.

Cần lưu ý rằng mọi quá trình, hiện tượng tự nhiên và xã hội đều tiệm cận tới một trạng thái cân bằng động. Khi trạng thái cân bằng bị phá vỡ thì một trạng thái mới sẽ dần hình thành, chỉ có điều quá trình hình thành trạng thái mới lâu hay chóng tùy thuộc vào các yếu tố chi phối quá trình.

Nhìn vào thực tế, khi triều lên, nước triều từ cửa sông truyền sâu và trong sông, gặp mặt cắt thu hẹp nó sẽ dềnh nước lên khiến mực nước phía cửa sông dâng cao, lúc đó TP. HCM sẽ chịu ảnh hưởng cả đô thị lẫn nông thôn.

Khi đang viết đến đoạn này, tôi nhận được comment của nhà khoa học trẻ rất xác đáng về bài báo nói trên, để khách quan, nên ghi lại để chia sẻ với bạn đọc :

“Dự án The Pegasus River đựợc xây dựng trên phần diện tích xói lở với mục đích nắn lại dòng chảy sông Đồng Nai thẳng hơn, trả lại phần đất bị xói lở lũy kế của nhiều năm trước đây do tác động của hướng dòng chảy đâm thẳng vào phần đất dự án và bồi đắp phía nên bờ đối diện”.

Căn cứ vào đâu tác giả nói phần diện tích xói lở lũy kế nhiều năm? Có cơ sở dữ liệu về địa hình, bản đồ, diễn biến địa chất, hình thái lòng sông không?

“Tiết diện thoát nước dòng sông tại vị trí dự án sau khi xây dựng vẫn còn lớn hơn nhiều so với tiết diện khống chế hai đầu bởi hai cây cầu vĩnh cửu (tồn tại trên 100 năm) là cầu Hóa An và cầu Đồng Nai. Chiều rộng dòng sông tại vị trí sau khi đã san lấp thực hiện dự án lớn hơn 650m so với chiều rộng bình quân hạ lưu cầu Hóa An là 500m.”

Nếu nói như tác giả tất cả các sông đều nên đưa về một tiết diện chung? Hoặc co hẹp lại? Điều này không đúng, không có cơ sở khoa học, cũng không có kiến thức về chỉnh trị sông. Tất cả các dòng sông đều tự điều chỉnh về độ cong, độ mở rộng, bồi, xói theo quy luật của nó nếu không có sự can thiệp của con người. Sự điều chỉnh đó nó tự tuân theo các quy luật về dòng chảy, địa chất, và các chướng ngại vật trên đường nó đi. Con người điều chỉnh nó chẳng qua là vì muốn theo những mục đích của mình (như gây bồi, điều chỉnh để tạo lạch sâu, …). Khu vực dự án được mở rộng từ nhiều năm nay và vì sao nó mở rộng đến nay vẫn chưa có đủ các luận cứ khoa học để đánh giá, nhưng rõ ràng ta thấy nó chịu một áp lực tác động phải điều chỉnh về dòng chảy nên mới thúc vào bờ tả nhiều đến như vậy, và nó mở rộng hơn từ nhiều năm rồi. Do vậy việc co hẹp lại nó sẽ điều chỉnh tiếp và nguy cơ bị tác động của hạ lưu (cù Lao Phố, công trình cầu, kè…) là khó tránh khỏi.

“Nếu cho rằng san lấp phần lưng đường cong dòng sông để làm dự án sẽ thu nhỏ tiết diện dòng chảy hiện tại và gây giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt thì thực tế là ngược lại.”

Nên hiểu diễn biến lòng sông là quá trình vận động tự điều chỉnh để đạt tới trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố: vận tốc hướng dòng nước, bùn cát và lòng sông. Khi thay đổi hướng chuyển động và vận tốc của dòng nước thì cũng thay đổi sự vận chuyển của bùn cát, hệ quả sẽ tạo thành lòng sông mới có tiết diện ngang mới. “

“Một thực tế rõ ràng dòng chảy lũ qua máng (thẳng) khác với vào cái chậu, bể. Với một lưu lượng lũ lớn nếu không xét ảnh hưởng của địa hình, địa vật rõ ràng áp lực nước, vận tốc lớn, chiều cao cột nước lớn qua kênh thẳng (B nhỏ) sẽ khác qua sông (B lớn). Một điều chắc chắn V lớn gây xói lòng, bờ sông, cột nước lớn khó thoát làm ngập úng. Cái này không cần phải khoa học mà chỉ là thực tế cuộc sống hằng ngày.”

Một điều nữa “hệ quả tạo lòng sông mới có tiết diện ngang mới” điều này đương nhiên, tuy nhiên hệ quả đó lại cộng hưởng các hệ quả khác như gây xói lở hạ lưu, giảm dòng chảy lũ, xâm nhập mặn. Thì hệ quả đó lại tạo thành hậu quả.

“Với lưu lượng nước lũ trên thì thể tích chiếm chỗ nắn dòng bờ sông của dự án cũng chỉ có tác dụng giảm áp tồn tại tính theo giây và có thể bỏ qua”.

Đây mới là cảm tính của tác giả, quên rằng dòng chảy lũ bị ảnh hưởng không hẳn chỉ trong phạm vi lòng sông mà còn địa vật hai bên. Một lòng sông đủ rộng, địa vật hai bên ít ảnh hưởng lũ thoát tốt hơn là một lòng sông bị co hẹp và với địa vật (đô thị phát triển) cản trở thoát lũ, cái này hoàn toàn trong các báo cáo DTM chưa có tính đến.

“Nếu cho rằng dự án thực nghiệm sẽ gây ảnh hưởng môi trường, tài nguyên nước thì ngược lại. Hàng năm Việt Nam đang phải huy động nhiều nguồn vốn vay ứng phó biến đổi khí hậu để thực hiện nhiều dự án trong đó có nắn dòng chảy, kè dọc bờ sông, phòng chống sạt lở bờ sông..”.

Căn cứ vào đâu tác giả cho rằng ngược lại: Những tác động của dự án đến môi trường và tài nguyên nước có thể tính toán được qua mô hình toán đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn, môi trường sinh thái, … Việc VN đang phải huy động vốn để kè, phòng chống sạt lở sông đây là việc đương nhiên cần phải làm, vấn đề chỉ là làm cứng hay mềm ra sao thôi. (kết hợp biện pháp công trình và phi công trình) phụ thuộc tầm quan trọng của vị trí cần bảo vệ.

Trước đây, bùn cát nhiều, dòng chảy duy trì ổn định lòng sông, bờ sông ổn định. Nay, biến đổi khí hậu như mưa, hạn hán không theo các quy luật, cộng tác động của công trình thượng nguồn làm thiếu hụt bùn cát, dòng chảy ít hơn gây đói cát, đói nước nên sạt lở. Do vậy, cần các giải pháp công trình để hạn chế xói lở, điều chỉnh dòng chảy vào những vùng cần nước như cống lấy nước,… Mục tiêu để có nước phục vụ nền nông nghiệp, sinh hoạt, các ngành dùng nước; để giữ lấy đất đai hạn chế mất đất.

“Trên dòng sông Đồng Nai đã tồn tại hàng loạt công trình thủy điện đã và đang xây dựng, việc ngăn dòng, xả lũ gây lụt khi triều cường, hủy hoại tài nguyên rừng, thay đổi môi trường sinh thái, dòng chảy, ảnh hưởng tài nguyên nước gấp rất nhiều lần so với dự án trên. Nên chăng chúng ta chỉ xét lại mỗi dự án này với mặt trái nho nhỏ để rồi nâng quan điểm, tự kết luận tác hại lớn, dựa vào những thủ tục hành chính thiếu sót để đánh đổ và bỏ qua mọi lợi ích khác”.

Ở đây không thể đánh đồng giữa các dự án. Các dự án trên thượng nguồn đều có những đánh giá các mặt được và mất, thậm chí phản ứng gay gắt của các nhà chuyên môn như Thủy điện 6, 6A… Những dự án khác chưa có xét hoặc xét rồi mà chưa tới là vì nhiều lý do trong đó có vấn đề về mức độ ảnh hưởng, lợi ích nhóm, hay báo chí chưa tiếp cận được, giới khoa học không hay biết.

Dự án nào cũng có tầm ảnh hưởng riêng, dự án lấn sông tại sao được xem xét, mổ xẻ nhiều qua giới chuyên môn và báo chí vì cách làm chưa tuân thủ các nguyên tắc, luật chung trong quản lý điều hành của Nhà nước, chưa xin phép các bên, chưa có những nghiên cứu khoa học đánh giá tác động thuyết phục.

Nói cách khác, mức ảnh hưởng của nó không phải trong phạm vi quản lý của tỉnh mà nhiều địa phương khác, trong đó quan trọng hơn là LÒNG DÂN. Dự án nào cũng phải đầu tư dù ít hay nhiều (Dự án này 3200 tỷ đâu có ít) cũng vẫn luôn cần tuân thủ luật lệ, nguyên tắc chung. Không thể coi nhỏ (nhỏ như thế nào, có quy định về nhỏ không? nhỏ mà tác động lớn thì sao?) mà không đánh giá, xem xét kỹ được.

“Với sự biến đổi khí hậu, mực nước biển đang ngày càng tăng. Tương tự giải pháp chống nhiễm mặn trên diện rộng đồng bằng sông Cửu Long, việc ngăn dòng làm đập tràn hay giảm tiết diện dòng chảy sông Đồng Nai để tăng cao độ mực nước cần thiết là điều khó tránh khỏi. Lúc đó có còn nên cân nhắc “Can thiệp thô bạo” hay không? Và phải làm gì để vì tương lai con cháu và đất nước?”

Tác giả lại lần nữa đánh đồng giữa các mục tiêu, tính lợi ích kinh tế của các dự án. Dự án chống xâm nhập mặn của ĐBSCL mà thực tế triển khai là các cống điều tiết mặn là hết sức cần thiết (cống 2 chiều, vùng nuôi tôm ven biển coi mặn cũng là tài nguyên) và khi cần vận hành cống kiểm soát mặn ngọt tùy theo nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong vùng v.v…

Lời kết: Khi con người tác động vào tự nhiên, theo quy luật bao giờ cũng có được và mất. Người ta chỉ thực hiện dự án khi cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất và có giải pháp giảm thiểu các tác hại. Dự án lấn sông Đồng Nai vừa không đáp ứng được các yêu cầu về mặt khoa học kỹ thuật và môi trường, vừa vi phạm luật tài nguyên nước và các thủ tục, trình tự theo quy định của Nhà nước. VNN có bài viết: “Lấp sông Đồng Nai phần xương xẩu để cho ai “đã vạch rõ các bất cập của dự án này.

Cái được của dự án nhỏ bé, cục bộ, nhưng cái mất thì quá lớn, ảnh hưởng đến bài toán hệ thống quản lý lưu vực sông cho nên việc dừng dự án lấn sông Đồng Nai là chính đáng, hợp lòng dân.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.