Vừa qua BGD công bố những quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có việc thí sinh được (hoặc phải) sử dụng công nghệ thông tin trong một số khâu liên quan đến đăng ký , nhận và xử lý kết quả. Điều này được nhiều báo chí ca ngợi là đã giúp thí sinh giảm nhẹ được một số công việc vất vả. Có thật như thế không hay là “Muốn tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Tôi đã gặp và nghe một số cha mẹ học sinh than phiền, lo lắng về việc trên. Tôi đã từng chứng kiến cảnh sinh viên nhiều trường đại học khốn khổ vì “được và phải” đăng ký qua mạng các môn học theo hệ thống tín chỉ. Xin kể câu chuyện gần đây. Một hôm đứa cháu tôi, là SV năm thứ nhất trường ĐH XD mượn tôi cái laptop để đăng ký môn học. Nó mở máy lúc 4 giờ chiều, tôi cứ nghĩ nó chỉ dùng máy trong vài chục phút, không ngờ đến sau 12 giờ đêm mới xong. Thấy lâu quá tôi tưởng nó tranh thủ dùng máy để chơi game hoặc làm gì đó nhưng không phải. Nó ngồi dán mặt vào màn hình chờ đợi tín hiệu thông mạng. Tôi hỏi một vài cán bộ có trách nhiệm của trường xem việc đăng ký của SV có gì trở ngại không, được trả lời là không có trở ngại gì, mỗi SV chỉ cần mất từ 5 đến 10 phút. Tôi hỏi họ đã thử đăng ký chưa, được trả lời là đã thử vài lần và chưa lần nào mất quá 5 phút. Tôi nhờ đứa cháu đi hỏi xem các bạn có bị nghẽn mạng như nó không thì phần lớn trả lời là bị tắc nghẽn như vậy. Thì ra khi cán bộ của trường làm đăng ký thử thì mạng thông suốt vì chỉ có một người vào, còn khi SV đăng ký thì mạng bị nghẽn vì hàng ngàn người cùng vào một lúc. Tôi phản ảnh tình trạng cháu tôi phải mất hơn 8 giờ mới đăng ký được thì có người cho rằng đó không phải lỗi của trường mà là lỗi của nhà mạng và của máy tính không sử dụng chương trình truy cập nhanh. Những SV có hoặc mượn được máy thì phải chờ lâu năm bảy giờ để đăng ký cũng tạm chấp nhận. Những SV phải ra quán net để thuê máy thì còn phải xếp hàng, chầu chực và phải trả tiền gấp hàng chục lần cho thời gian chờ đợi thông mạng. Tôi đã đọc được một bài phú rất hay của SV trường ĐH V than thở và lên án cảnh bị nghẽn mạng khi đăng ký tín chỉ, tiếc là tôi chưa tìm lại được bài phú đó để đăng lên vài đoạn.
Khi BGD soạn ra và công bố quy định cho thí sinh dùng mạng (hoặc bắt họ dùng mạng) chắc đã dựa vào một số điều kiện, trong đó có 2 tiên đề (hoặc giả thiết) sau: 1-Mọi thí sinh (hoặc đại đa số, trên 95%) có điều kiện thuận tiện, dễ dàng dùng máy tính nối mạng. 2-Hoạt động của mạng thông suốt, liên tục (nếu bị nghẽn hoặc gián đoạn thì chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, dưới 1 giờ ). Không biết BGD đã kiểm chứng các giả thiết trên chưa, hoặc là BGD có cách gì đó mà không cần đến các điều kiện ấy.
Theo tôi hiện nay có khá đông thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng dùng máy tính cá nhân nối mạng, họ phải dùng máy thuê của các quán net và không phải thôn xã nào cũng có các quán như vậy (giả thiết 1 không được kiểm chứng ). Hiện nay các mạng tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng khả năng bị nghẽn trong thời gian cao điểm là có nhiều khả năng xảy ra ( giả thiết 2 không được khẳng định ). Như vậy chủ trương “ tránh vỏ dưa” của BGD không khéo lại đẩy thí sinh gặp phải “hai cái vỏ dừa”, đẩy họ vào tình trạng khốn đốn. Trong cuộc đời không phải bao giờ lòng tốt cũng mang lại kết quả đẹp mà nếu lòng tốt không phù hợp với điều kiện của người nhận thì lại gây ra thảm họa khó lường. Kính xin BGD xem xét kỹ, đề phòng cho hàng vạn thí sinh phải gậm hai cái vỏ dừa một cách cực nhọc.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN