Nhìn lại bài học về thoát lũ biển Tây

Đầu tháng 2 năm 2015 vừa qua, nhân tham dự Diễn đàn phát triển tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới và các Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức, nhiều đồng nghiệp và chuyên gia gặp tôi, đề nghị làm rõ về ý nghĩa của công trình thoát lũ ra biển Tây.

Trước đây, báo Lao Động phải mở chuyên đề “Các nhà khoa học đã đạo ý tưởng của một kỹ sư?” với sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học “trong cuộc”. Để khách quan và khoa học, Tòa soạn đã mời tôi viết bài kết thúc chuyên đề nói trên bằng các phân tích thông tin chính xác hữu ích đến việc “phán xét” về tác quyền và ý tưởng công trình thoát lũ ra biển Tây.

Thủy lợi, đề tài “hot”

Thủy lợi, ngay từ thời xưa, đã được nhận thức là biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo đồng ruộng và phát triển kinh tế xã hội. Năm 1944, Thống đốc Nam Kỳ cho tiến hành đào một số kênh rạch. Từ năm 1955-1975 nhà cầm quyền Sài Gòn cũng tiến hành nghiên cứu về thủy lợi.

Ở ngoài Bắc, từ năm 1966-1967 Bộ Thủy lợi dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Kế Tấn đã thành lập phòng B chuyên sưu tầm, nghiên cứu phân tích các tài liệu về thủy lợi ở miền Nam, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, từ năm 1975, Bộ Thủy lợi đã thành lập bốn đoàn quy hoạch, trong đó có đoàn khảo sát quy hoạch thủy lợi ĐBSCL, với sự cộng tác của Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và nhiều ngành ở trung ương và các địa phương.

Qua khảo sát, đo đạc, phân tích tính toán, sử dụng mô hình toán thủy lực và kinh tế, Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi Nam bộ (từ 2006 là Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) đã trình Chính phủ một loạt các dự án quy hoạch thủy lợi vùng. Sau đó, Dự án kiểm soát lũ ĐBSCL, dự án tiền khả thi kiểm soát lũ Tứ giác Long Xuyên (TGLX) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời Viện tham mưu để Chính phủ ra Quyết định 99/TTg ngày 9/2/1996 về “Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 để phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn ĐBSCL. Đấy là cơ sở pháp lý để Chính phủ và các ngành cho tiến hành thiết kế và thi công các công trình thủy lợi góp phần đắc lực vào việc khai hoang, tháo chua, rửa phèn, góp phần tăng trưởng vượt bực về lương thực ở Nam bộ.

Nhìn lại quá trình lũ ở ĐBSCL, năm 1978 lũ lớn nhưng thiệt hại không nhiều vì đất đai phần lớn còn hoang hóa, dân cư thưa thớt. Năm 1984 lũ ở trạm Tân Châu đến 4,94 m, Nhà nước phải tổ chức cứu trợ. Lũ năm 1991 còn thấp hơn lũ năm 1984 đến 15 cm nhưng thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp đi khảo sát và cứu trợ.

Lũ năm 1994 chỉ mới ở mức 4,67 m nhưng thiệt hại lớn về người và của, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa tổ chức cứu trợ, vừa cho tiến hành thảo luận các biện pháp chống lũ. Hồi ấy, người ta đua nhau hiến kế lập công kể cả người ngoài ngành thủy lợi. Có người đề xuất, được một số nhà khoa học ủng hộ đào con kênh rộng 1.000 m từ sông Hậu đổ thẳng lũ ra kênh Rạch Giá và biển Tây. Có ông tiến sĩ địa chất (Phó Viện trưởng) táo bạo hiến kế đào kênh cắt ngang Trường Sơn tại Quảng Trị để thoát 300 tỷ m3 nước sông Mekong giảm ngập lụt cho ĐBSCL. Khi được hỏi ý kiến, từ Bangkok (đang là chuyên gia của Ban Thư ký Mekong) tôi đã viết hai bài báo dựa trên cơ sở phân tích, tính toán thủy văn, thủy lực, địa chất, môi trường để bác bỏ các ý tưởng viển vông nói trên.

Thoát lũ ra biển Tây – thành tựu của nhiều thế hệ

Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây, công tâm mà nói đã được nhiều nhà khoa học quan tâm từ đầu thập niên 80 chứ không phải chờ đến thập niên 90 (thế kỷ XXI). Cụ thể là Đài Khí tượng Thủy văn An Giang tổ chức đo đạc lưu lượng, mực nước, tiến hành tính toán, nghiên cứu và tổng kết thành sách “Chế độ thủy văn vùng Tứ giác Long xuyên” (1987) của nhóm tác giả Bùi Đạt Trâm. Theo nhóm nghiên cứu này, lũ thoát ra biển Tây không đáng kể, chỉ khoảng 5%. Lũ tràn vào tứ giác Long Xuyên từ Campuchia chủ yếu qua 7 cầu, chiếm khoảng 60%. Lượng nước tràn từ Campuchia, nhất là vào đầu mùa lũ, chủ yếu là nước phèn, không có phù sa. Khi vào TGLX lượng nước này ngăn cản không cho dòng nước giàu phù sa từ sông Hậu tràn vào. Lượng nước tràn vào này chỉ có một phần theo các kênh trục ra biển Tây, còn phần lớn xuống phía Cái Sắn và quay lại sông Hậu. Vì thế nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát lũ cho TGLX là ngăn dòng lũ (hoặc làm chậm dòng lũ đầu mùa) qua 7 cầu bằng biện pháp công trình, tạo điều kiện cho dòng lũ giàu phù sa từ sông Hậu vào sâu TGLX để cải tạo đồng ruộng.

Các chuyên gia ngành thủy lợi cũng tiến hành khảo sát đo đạc bổ sung toàn diện, sử dụng mô hình toán lũ VRSAP của Phó Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Như Khuê (Phó Phân Viện trưởng Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) tính toán cho cả ĐBSCL lấy biên trên từ Kratie, đặc biệt tính chi tiết cho vùng TGLX rút ra kết luận: việc thoát lũ ra biển Tây dù có công trình tối đa cũng không quá 8% tổng lượng lũ của ĐBSCL. Đồng thời, nêu rõ hơn quan điểm là cần nạo vét mở rộng kênh Vĩnh Tế chuyển nước mùa khô tăng cường lượng nước ngọt để khai thác vùng Hà Tiên. Điều đó có nghĩa là mục đích không phải thoát lũ ra biển Tây mà chỉ làm thay đổi cơ chế kiểm soát lũ, lợi dụng mặt lợi của lũ. Hay nói cách khác là kiểm soát lũ TGLX về chất chứ không phải về lượng vì thực tế 90% lượng lũ sông Mekong vẫn phải chảy theo sông chính thoát ra biển Đông.

Nhóm tác giả Gs Nguyễn Sinh Huy – PGS Hồ Chín nghiên cứu đề tài khoa học độc lập hoàn thành năm 1997 dưới cái tên “Dự án thoát lũ ra biển Tây” cho nhiều kết quả tương tự như đã nói ở trên. Phải nói rằng kết quả nghiên cứu đối chứng này, giúp thêm cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt tin tưởng, quyết tâm chỉ đạo việc thực hiện các công trình kiểm soát lũ ở TGLX.

Rất nhiều các chuyên gia, cán bộ trong và ngoài ngành thủy lợi đã đóng góp tích cực vào việc hình thành hệ thống công trình kiểm soát lũ ở ĐBSCL, đặc biệt ở TGLX tiêu biểu như các anh Phan Sỹ Kỳ, Trần Đức Khâm, Vũ Văn Vĩnh, Nguyễn Như Khuê, Nguyễn Văn Thuế, Hoàng Thọ Điến, Nguyễn Ân Niên, Nguyễn Ty Niên, Trịnh Công Vấn, Phan Văn Thuật, Nguyễn Văn Thượng, Nguyễn Minh Nhị, Bùi Đạt Trâm, Trương Đình Dụ, v.v.

Ngay cả khi hệ thống công trình kiểm soát lũ đã hoàn thành ở TGLX phát huy hiệu quả to lớn về kinh tế xã hội và cải tạo môi trường, ông Võ Văn Kiệt vẫn trăn trở chỉ ra những khiếm khuyết còn tồn tại như khẩu độ cống còn nhỏ so với yêu cầu thực tế. Sau đó vấn đề nan giải này đã được GS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) nghiên cứu đề xuất cống đập trụ đỡ không cần bản đáy thì khẩu độ cống làm gần bằng lòng sông mà kinh phí rẻ hơn thì những mâu thuẫn giữa sông và cống không còn là điều đáng lo ngại. GS Dụ sau đó, còn làm cả cống xà lan di động đã áp dụng ở bán đảo Cà Mau nên những vướng mắc trong thực tế sản xuất phần lớn được giải quyết.

Có thể khẳng định nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và vai trò uy tín của ông Võ Văn Kiệt thì không thể hình thành hệ thống kiểm soát lũ ở TGLX. Từ việc kiểm soát lũ TGLX, ông Võ Văn Kiệt nhìn xa hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của hệ thống thủy điện ở thượng lưu đến ĐBSCL sau này, ông quyết định cùng nhóm chuyên gia thân cận đã đặt vé máy bay đi khảo sát thực tế kinh nghiệm của Hà Lan, nhưng đau đớn thay do ông bị mất đột ngột tháng 6 năm 2008 nên nhiều công việc còn bỏ dở. Tôi viết bài “Lỡ chuyến đi xa” đã đăng trên báo Sài Gòn giải phóng nhân 49 ngày mất của ông Võ Văn Kiệt nói rõ về vấn đề nêu trên.

Giải thưởng không bình thường

Nhiều người vẫn còn nhớ việc trao giải thưởng “Nhân tài đất Việt” về công trình thoát lũ ra biển Tây đã một thời gây ồn ào thắc mắc trên công luận. Qua phân tích ở trên, có thể thấy, việc tổ chức tôn vinh Nhân tài đất Việt (NTĐV) nếu không thực sự khoa học và công tâm, không chỉ làm giảm sút ý nghĩa nhân văn của nó, mà còn tạo ra tâm lý hoài nghi trong cộng đồng và cả những người được tôn vinh. Ngay bản thân GSTS Nguyễn Tất Đắc là Phó Chủ nhiệm đề tài phụ trách phần tính toán cho GS Nguyễn Sinh Huy (chủ nhiệm đề tài) thừa nhận đây là công trình của tập thể nhiều ngành. Vì thế, nhóm nghiên cứu “Thoát lũ ra biển Tây” không “đạo” ý tưởng là thiếu chính xác.

Tôi vẫn nhớ mùng 2 tết âm lịch năm 1997, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đi cùng kỹ sư Cao Tất Thuận đến trụ sở Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi miền Nam mang bó hoa to rất đẹp tặng chúng tôi và động viên khẩn trương tính toán các phương án kiểm soát lũ ở ĐBSCL. Có lần, trong buổi tọa đàm với các cán bộ chủ chốt của Phân Viện, GS Nguyễn Văn Hiệu khiêm tốn nhận là người ngoại đạo, đề nghị Phân viện chủ động tính toán để có đủ luận chứng khoa học và thực tế để báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, v.v.

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, việc quan trọng của các “hiền tài” quốc gia là đóng góp tài năng của mình vào giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh chứ không phải là để được trao các giải thưởng. Các nhà khoa học chân chính thường đam mê việc tạo ra giá trị (create value) là chính. Thái độ này khác hẳn với những người chỉ quan tâm chủ yếu tới việc chia phần (claim value). Tranh cãi ầm ĩ quá mức về giải thưởng là việc không nên làm đối với các nhà khoa học. Sự công bằng, phân minh trong “phân phối” giải thưởng là cần thiết và tốt, nhưng quá nhấn mạnh việc “phân phối” này khiến cho sự việc mất đi tính trong sáng của sự nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, có một điều không bình thường là trên thực tế các thành viên của công trình thoát lũ ra biển Tây đã bị bỏ bên lề giải thưởng Nhân tài đất Việt. Các thành viên của nhóm đề tài không được tham khảo ý kiến trong quá trình đăng ký giải. Thậm chí khi được giải, các thành viên cũng không được thông báo để nhận giải. Chủ nhiệm đề tài GS Nguyễn Sinh Huy đã mất nhưng còn hai Phó Chủ nhiệm (GS Nguyễn Tất Đắc và kỹ sư Cao Tất Thuận nguyên là cán bộ của Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) không được thông báo, cử người nhận giải, chỉ có Phân viện Địa lý tự đứng ra làm thủ tục nhận giải, và chia tiền thưởng của giải.

Thay cho lời kết

Đất nước ta đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn về kinh tế xã hội, vì thế người ta thường bàn luận đến việc cần dùng đến nhiều người hiền tài ra giúp nước. Với một dân tộc cần cù, thông minh hiếu học như Việt Nam thì đương nhiên hiền tài không hề thiếu. Nhưng ở thời điểm này, nhiều giá trị bị lẫn lộn, đôi lúc hiền tài không được đánh giá đúng mức hoặc tôn vinh không đúng chỗ, xảy ra “vàng thau lẫn lộn”! 

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.