Ý kiến về hai phát biểu của quan chức cao cấp nhân 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đọc những bài phát biểu trên báo Tuổi Trẻ của một số quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi chú ý hai luận điểm sau. Xin có đôi lời trò chuyện. (Sở dĩ tôi gọi họ là quan chức là vì ông F. Ăngghen đã dùng từ quan chức của đảng để chỉ những người mà sau này được gọi là lãnh đạo. Tôi nhớ nguyên văn câu ấy, và đã chép vào sổ tay từ 30 năm trước. Ăngghen viết: “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị, cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi những quan chức của mình là đầy tớ để bảo ban, phê bình, thì lại quay ra coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Thật thú vị là cái định nghĩa ấy của Ăngghen đã hơn 150 năm nay lạithật chính xác!).

1. Luận điểm thứ nhất là của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư: “Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.

Nhìn bề ngoài thì có vẽ đúng là như vậy. Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đang một mình một chợ, tha hồ “buôn bán”, người ta còn cho là đã có lúc bán rẻ non sông, một mình ra giá. Đúng như Lênin từng chủ trương, phải xây dựng chế độ độc quyền – độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế, độc quyền văn hóa, tư tưởng… Vào năm 1960, Hồ Chí Minh tuyên bố “Tôi từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Lênin” nhằm khẳng định về mặt tư tưởng cáí chủ trương xóa bỏ Hiến Pháp 1946, một hiến pháp dân tộc, dân chủ, đa nguyên chính trị, để xây dựng Hiến pháp 1959 “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Bây giờ thì tôi hiểu là ông Hồ nói rất thâm là đã bỏ tư tưởng dân tộc để sang chủ nghĩa quốc tế, đấu tranh giai cấp. Từ đó cho đến nay Đảng Cộng sản đã một mình cầm quyền đất nước. Rồi đến nay thì lai đưa vào Hiến pháp 2013 điều 4, để khẳng định sự độc quyền này. Tuy đã có một điều hiến định, nhưng tổ chức và hoạt động của Đảng vẫn là bất hợp pháp. Vì kể cả với Hiến pháp 2013 thì mọi thiết chế xã hội, từ cá nhân cho đến cộng đồng, đều phải tồn tại và hoạt động với hai điều: Hiến định và Luật định. Ngay đứa trẻ con trong bụng mẹ, ra đời, đi học, đi lính, đi buôn, đi làm công chức, thậm chí đi tu đều có hiến định và luật định. Riêng Đảng Cộng sản Việt Nam là chỉ có một điều hiến định mà thôi. Như thế, Đảng Cộng sản đang hoạt động cũng ngoài luật pháp, chẳng khác gì các tổ chức bị gán cho là đối lập. Quan niệm tư pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rằng bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào hoạt động không theo luật định đều bị coi là phi pháp. Thành ra Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một vấn đề tư pháp lớn, thách đố tính hợp pháp của mình.

Vì sao không có lực lượng chính trị nào ở Việt Nam có thể tham gia chính trường? Đó không phải vì một lẽ đương nhiên là họ không tồn tại, mà chính là vì hoặc bị thủ tiêu như hai đảng Dân Chủ và Xã hội (có người biện hộ là do họ tự nguyện giải tán; thực tế là do có một chỉ thị không cho kết nạp mới, các cụ Nghiêm Xuân Yêm và Nguyễn Xiển mới dỗi, đòi giải thể), hoặc bị cấm hoạt động, bị truy lùng với tội danh phản động. Nếu Việt Nam có tự do và công bằng để cho các đảng dân tộc, dân chủ đăng ký hoạt động, qua thử thách trong thực tiễn chính trị dân chủ, cớ chi lại không có ai đáng mặt anh tài. Điều này càng chứng tỏ ban lãnh đạo của Đảng kể cả Hồ Chí Minh đều rập khuôn mô hình xô viết toàn trị, với học thuyết Lênin, nay đã phá sản ở Nga. Bởi chính Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848), đã khẳng định: “Các đảng cộng sản phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ ở tất cả các nước. Ít ra về lĩnh vực xây nền dân chủ, với cách nói “lập quyền dân, tiến lên Việt Nam”, như trong bài hát năm xưa, Đảng Cộng sản đã không thành tâm và tròn trách nhiệm với Dân Nước.

Dẫu quá muộn, nhưng còn hơn không. Tại Đại hội XII này, Đảng Cộng sản nên bỏ tên “cộng sản” và đưa ra tuyên bố nói như Mác là phấn đấu xây dựng nền dân chủ đa nguyên cho dân tộc. Nói như Mác, phấn đấu, đoàn kết, hợp tác để cùng nhau chấn hưng đất nước có phải là đạo lý, văn minh hơn không? Ở đời này mà cứ duy trì phương thức “quân chủ chuyên chế” thì có gì trớ trêu và phản động bằng.

2. Ông Vũ Ngọc Hoàng, theo tôi nghĩ, cũng có những tư tưởng cấp tiến, cũng muốn đổi mới hơn nữa, và tôi cũng đoan chắc là anh “kẹt”, nên nói nước đôi, lấp lửng, nữa chừng.

Vấn đề tôi quan tâm là ý kiến “kiểm soát quyền lực”. Anh nói: “Tôi rất mong Đảng ta có một nghị quyết chuyên đề kiểm soát quyền lực”. Về nghị quyết, thật sự tôi chẳng mấy tin sẽ có một nghị quyết kiểm soát quyền lực đúng nghĩa, nếu không từ bỏ mô hình toàn trị và cái “chủ nghĩa Mác Lênin”.

Thứ nhất là phải tuân thủ thành tâm nguyên lý cơ bản của nền Dân quyền hiện đại là “quyền tối thượng của Dân” (La suprématie du peuple). Thử hỏi đã bao giờ các ban lãnh đạo của Đảng đã chịu trưng cầu ý dân về những vấn đề then chốt, như thể chế chính trị, tên nước, kể cả quyền phúc quyết Hiến pháp 2013? Cùng với nguyên lý này, phải thật sự tôn trọng xã hội dân sự. Không có nó làm sao nhân dân có thể giám sát được Nhà nước? Như Mác nói “dân chủ nghĩa là Chính phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội dân sự”, mà trong cái hệ thống chính trị này, Đảng là thành tố lãnh đạo. Như thế để thực sự kiểm soát quyền lực, việc đầu tiên là có cho Dân kiểm soát Đảng hay không, hay Đảng vẫn cứ đứng ngoài vòng pháp luật không cho ai thậm chí được bày tỏ sự phê phán nghiêm túc. Hiện nay dù không có một đạo luật nào quy định chức năng nhà nước và của Đảng, nhưng Đảng đang mặc nhiên lãnh đạo nhà nước. Thế mà Đại hội Đảng không để cho dân bàn. Nếu không có vai trò lãnh đạo nhà nước thì chính cương, đường lối, cương lĩnh sẽ chỉ là việc riêng của Đảng, ai quan tâm thì góp ý. Đằng này một tổ chức xưng là lãnh đạo quốc gia nhưng lại không công khai mời gọi sự tham gia góp ý của nhân dân. Ban lãnh đạo của Đảng thực chất là ban lãnh đạo quốc gia, nhưng bầu bán, nhân sự thế nào chỉ là bí mật riêng của nhũng người lãnh đạo với nhau mà thôi, thậm chí cũng không cho toàn Đảng được cùng bàn bạc thảo luận.

Thứ hai, là muốn cho kiểm soát quyền lực thực chất, đúng nghĩa với với bộ máy nhà nước theo cái nghĩa là hệ thống quản trị đất nước và xã hội, thì phải nghiêm túc tuân thủ nguyên lý “tam quyền phân lập”. Đằng này, ban lãnh đạo Đảng quan niệm một cách đơn giản, vì thế mà sai, coi nó “chỉ là sự phân công, phối hợp, và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (nguyên văn phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng). Giữa “tam quyền phân lập” với cái quan niệm “chỉ là sự phân công…” thì ý nghĩa đã vênh nhau như trời với vực. Không có sự đánh tráo khái niệm nào “tinh xảo” như vậy. Không có tam quyền phân lập, chỉ có đánh tráo khái niệm, thì chỉ có trời mới biết kiểm soát thế nào.

Lâu nay các ban lãnh đạo của Đảng vẫn coi “tam quyền phân lập” là pháp quyền tư sản, nên đưa ra khái niệm “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Xin lưu ý chính Mác đã nói vấn đề này rất hay như sau: “Khi chưa có con người phát triển toàn diện, chưa có nền sản xuất hàng hóa, vật phẩm dồi dào, trên cơ sở kỹ thuật cao, thì pháp quyền tư sản dẫu hạn hẹp, cúng không thể vượt qua”. Kỹ thuật cao cũng chỉ là “high tech”, ngày nay dẫu khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất, công nghệ mới ra đời, nhưng vẫn chưa có con người toàn diện, hàng hóa cũng chưa dồi dào… lại có thể đánh tráo khái niệm để bỏ qua những nguyên lý cơ bản của pháp quyền tư sản, túc là của thời đại đương đại, thử hỏi làm sao mà không ông chẳng, bà chuộc. Cũng xin lưu ý là lâu nay, người ta vẫn giải thích tư sản là bọn nhà giàu bóc lột. Thật ra nghĩa tư sản là những con người của văn minh công nghiệp và đô thị! (Bourg trong từ bourgeois “tư sản” nghĩa là thành thị).

Phải trả lại quyền của dân, thực sự và chân thành thi hành tam quyền phân lập, nói như người xưa “cha ra cha, con ra con, vua ra vua” và nay thì Đảng ra Đảng, Chính phủ ra Chính phủ, Quốc hội ra Quốc hội, Tư pháp ra Tư pháp. Khi đó, hẵng nói đến kiểm soát quyền lực trong thế giới văn minh.

Ông Các Mác cũng có câu rất hay: “Nếu sám hối thành tâm thì có cơ cứu rỗi”. Liệu có dám hối lỗi và từ bỏ “sai lầm hệ thống “như cách nói Việt Nam, hay nói kiểu Cuba là “lỗi cấu trúc” hay không? Voilà la question!

N. K. M.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.