Tin buồn: Charles Fourniau từ trần

Được tin nhà sử học, nhà báo, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Pháp Charles Fourniau vừa từ trần ngày 21-4-2010, BVN xin bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn và xin gửi đến gia quyến và bạn hữu của ông lời chia buồn sâu sắc.

Charles Fourniau là một người gắn bó hết lòng với Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Trong những ngày Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt nhất, ông đã có mặt ở miền Bắc, lên cả nơi Viện Văn học Việt Nam sơ tán tại một địa điểm phía Bắc sông Cầu, và đến tận ngôi trường bằng tre nữa, một nửa chôn xuống lòng đất, để dự một buổi giảng về Lão Tử của GS Cao Xuân Huy, mà lúc bấy giờ một trong 3 người khởi xướng BVN – Nguyễn Huệ Chi – còn là một học trò của lớp.

BVN xin mượn lại mấy lời của học giả Nguyễn Ngọc Giao trên Diễn đàn để giới thiệu với bạn đọc về một vài nét tóm lược tiểu sử của TS sử học Charles Fourniau.

Bauxite Việt Nam

Nhà sử học Charles Fourniau - Ảnh: aafv.org

Nhà sử học Charles Fourniau - Ảnh: aafv.org

Nhà sử học, người bạn lớn của Việt Nam, Charles Fourniau, đã từ trần ngày 21.4.2010 tại Paris sau gần hai năm trời bệnh nặng, thọ 89 tuổi. Lễ tang ông sẽ cử hành vào 14g ngày 29.4.2010 tại nghĩa trang Père Lachaise, Paris.

Ch. Fourniau sinh ngày 17.9.1920, là Thạc sĩ và Tiến sĩ sử học (luận án về Cuộc chinh phục Trung Kì và Bắc Kì 1885-1896), tác giả nhiều công trình nghiên cứu về chế độ thuộc địa Pháp nửa sau thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Trong một thời gian dài, cuộc đời của ông chia sẻ giữa Paris, nơi ông hoạt động ủng hộ Việt Nam, làm chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp Việt, và Aix en Provence, nơi lưu trữ văn khố “hải ngoại” của nước Pháp (Centre d’Archives d’Outre-Mer), nguồn tài liệu tham khảo bất tận, cũng là thành phố của Trường đại học Provence, nơi ông chủ trì Hội thảo về lịch sử thực dân ở Việt Nam, trong khuôn khổ Viện cao học Khoa học Xã hội.

Gắn bó với Việt Nam trong sự nghiệp nghiên cứu sử học, Charles Fourniau còn gắn bó hơn nữa về mặt chính trị, văn hóa và con người. Là một nhà giáo, đảng viên cộng sản, C. Fourniau đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống lại cuộc chiến tranh Đông Dương. Ông là người bạn chung thủy, khiêm tốn và trung thực của Việt Nam trong suốt 60 năm trời, trải qua những bước thăng trầm phải đợi đến năm 2003, khi cuốn hồi kí Le Vietnam que j’ai vu của ông ra đời (Nhà xuất bản Les Indes Savantes), người ta mới biết những tình tiết cụ thể : đặc biệt trong những năm 1963-1965, khi Fourniau làm phóng viên thường trú của nhật báo L’Humanité (do Jean Jaurès sáng lập, từ năm 1921 trở thành cơ quan của Đảng cộng sản Pháp). Ông là một trong vài người phương Tây hiếm hoi đã chứng kiến cuộc leo thang chiến tranh của Mỹ ở miền Bắc, nhưng trước đó, đã sống thời kì Đảng cộng sản Việt Nam, tuy không đứng về phe Bắc Kinh trong cuộc xung đột Trung Xô, nhưng kịch liệt lên án “chủ nghĩa xét lại hiện đại” của Liên Xô và hầu hết các đảng cộng sản phương Tây (hàng đầu là các ĐCS Pháp và Ý), và toàn bộ sinh hoạt nội bộ bị chủ nghĩa Mao thống trị. Nhà báo, nhà sử học, nhà đấu tranh chính trị, Fourniau là một chứng nhân quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại (ví dụ, ông là người phương Tây cuối cùng đã gặp và phỏng vấn Hồ Chí Minh hai tuần trước khi Chủ tịch từ trần).

Cũng như hầu hết các “hội hữu nghị” ở Pháp, Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) là một “tổ chức quần chúng ngoại vi” của ĐCS Pháp, với mục địch chính trị là “đoàn kết quốc tế”. Cho nên phần lớn các hội này đã biến mất sau sự sụp đổ của khối Đông Âu. Hội hữu nghị Pháp-Việt, về nhiều mặt, là một biệt lệ. Sau năm 1975, ủng hộ chính trị không còn là yêu cầu cấp thiết, thậm chí còn trở thành chướng ngại với sự liên minh giữa Trung Quốc và phương Tây cũng như với cuộc chiến tranh ở Campuchia, song Hữu nghị Pháp Việt vẫn tồn tại và hoạt động chuyển sang sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Được như thế, một mặt là nhờ sự tận tuy của những nhân sĩ, trí thức Pháp, không cộng sản, không “thân cộng”, nhưng kiên trì, thiết tha gắn bó với Việt Nam, mặt khác phải nói là nhờ ứng xử đàng hoàng của những đảng viên như Charles Fourniau.

22.4.2010

NNG

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.