Trong khi chờ đợi nhà văn Phạm Viết Đào gửi lô ảnh chụp trên công trường Bauxite Tân Rai (Tây Nguyên) để làm chứng từ cho bài viết phản biện sắp tới, tôi xin phép nêu lên đây đôi dòng cảm xúc trước tai nạn sập gãy nhịp cầu Pháp Vân (Hà Nội) tuần qua.
Vấn đề làm tôi phẫn nộ khi đọc báo nói rằng tai nạn xẩy ra do lỗi của công nhân thi công và ông Phan Quốc Hiếu,Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long, là người đứng đầu đơn vị thi công cầu này, đang dự định đòi các công nhân liên hệ bồi thường 600 triệu đồng. Số tiền này đối với túi áo các vị cán bộ cấp cao hay quan lớn thì nhỏ, nhưng chắc chắn là quá lớn đối với gia tài nghèo nát mồng tơi của các bác công nhân. Họ sẽ phải bán hết tài sản, nhà cửa, xe cộ, vợ con dắt díu đi ăn mày… chưa chắc đã hội đủ số tiền 600 triệu đồng, để… bồi thường cho ai?
Mục đích tôi viết lên bài này, không phải nói về số tiền bồi thường, mà chính yếu muốn vạch ra cho mọi người thấy một khuynh hướng sai lầm hệ trọng đã và đang đưa dân tộc Việt Nam vào con đường tự hủy diệt: đó là vấn đề thiếu lương tâm và vô trách nhiệm của những người làm khoa học kỹ thuật trước công cuộc xây dựng đất nước, đi dần vào công nghiệp hóa.
Đề nghị quý bạn độc giả quan sát kỹ những hình ảnh về bốn dầm cầu Pháp Vân bị gãy đổ tự nhiên, đăng trên khắp báo Mạng VN, tuần qua.
Trước khi bị sụp đổ, bốn thanh dầm bằng bê tông cốt sắt, nặng gần 60 tấn (60,000 kg), dài khoảng 33 m, được vắt lên hai trụ cầu hai đầu, giống như hàng trăm thanh dầm khác. Điều quan trọng là thanh dầm phải nằm vững vàng theo chiều đứng, vì đó là chiều mà thanh dầm được thiết kế để chịu lực khi xe cộ chạy qua, trong thời gian dài cả chục năm (?). Chẳng những thế mà còn phải được kê trên những miếng cao su để giảm chấn động rung. Điều này chứng tỏ thanh dầm tự nó không đủ độ cứng để chịu nổi trọng lượng của nó (60 tấn) nếu đặt ngang (thay vì đặt dọc), vì vậy nó phải được nối liên kết ngay với các thanh dầm khác (bằng các mối hàn sắt thép) để giữ tất cả trong tình trạng chịu lực theo chiều dọc. Có lẽ các ông công nhân thi công trên công trường không thấu hiểu chi tiết tối quan trọng này nên họ lơ là quên làm nối kết hay chặn giữ sao cho mỗi thanh dầm vững vàng theo chiều dọc, hay vì đến ca nghỉ ngơi ăn trưa, mà họ bỏ dở công việc v.v. tôi tạm đặt giả thuyết là thế.
Sau đây là những lý giải của tôi, một Kỹ sư cơ khí thường lên giám sát trên công trường công nghiệp nặng Canada, vài kiến thức cơ bản kỹ thuật giúp tôi nhìn vấn đề, như sau:
1) – Điểm yếu chết người là thanh dầm bê tông dài và nặng nề tự nó không chịu nổi trọng lượng của nó khi bị đặt nằm ngang. Thử hỏi trong khi vận chuyển trên đường trường, nó được đặt trên vị trí nào để không bị gãy? Khi vận hành lắp đặt nó nằm theo vị trí nào (cần cẩu móc và di chuyển nó)? Vậy thì ai chịu trách nhiệm tính toán thiết kế? Ai chịu trách nhiệm chế tạo, đúc và sản xuất các khối thanh dầm này? Ai chịu trách nhiệm kiểm tra thiết kế, đóng dấu, ký tên cho phép xây dựng và thi công? Có một văn bản kỹ thuật nào nhắc nhở cảnh báo công nhân về chi tiết tối hệ trọng này không?
2) – Khi tất cả các thanh dầm được đưa vào vị trí kê trên hai trụ cầu (nằm theo chiều dọc) trước khi công nhân tạm dừng tay dùng cơm trưa, nó chưa bị đổ. Vậy thì ai đã theo dõi giám sát khâu thi công này? Ai đã ký giấy chứng nhận nó an toàn thật để cho phép các bác công nhân được tạm nghỉ đi ăn trưa?
3) – Chúng ta hãy thử đi vào chi tiết chế tạo để tự hỏi xem có thật những thanh dầm bê tông đó được đúc thẳng thớm, ngay ngắn y chang như bán vẽ, để khi dựng đứng theo chiều dọc, mặt chân đế không bị khập khễnh, méo mó, bị mất cân bằng? Chỉ cần một cái mất thăng bằng tự đổ nó sẽ lôi cuốn vài cái khác đổ theo, đến khi bị lật đổ theo chiều ngang thì tức khắc nó gãy làm đôi làm ba ngay, xem hình ảnh thì rõ liền … Và tôi hiểu ngay tại sao “người ta” đã tìm cách bao che hiện trường bằng những tấm bạt một cách vội vàng, vụng về. Không những thế đám bảo vệ lại còn hành hung phóng viên báo chí, đánh đập một ông công nhân bươu đầu vỡ trán (đọc báo). Ai đã ký giấy chứng nhận chất lượng cho các thanh dầm xuất xưởng?
4) – Lẽ đương nhiên, quý vị Kỹ sư thiết kế hiểu vấn đề, Kỹ sư xưởng hiểu vấn đề, vì họ có kiến thức căn bản đào tạo từ nhà trường, nhưng họ có thực tâm theo dõi công trình kiểm tra chất lượng từng khâu một, từng giai đoạn một không? Thử hỏi nếu bốn thanh dầm nặng hơn 200 tấn đó sụp đổ trong lúc hàng trăm công nhân đang thao tác ở xung quanh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tai nạn cầu Cần Thơ bị sụp đổ cách đây ba năm hãy còn để lại hơn 50 gia đình tang tóc, bi thương, chắc không ai quên.
5) – Bây giờ chuyện đáng tiếc xảy ra, bao nhiêu bộ óc kỹ thuật của Nhà nước xúm nhau lại điều tra và sau cùng đổ lỗi hết tất cả lên đầu các ông công nhân, quá dễ dàng. Các ông công nhân làm sao hội đủ kiến thức khoa học để tự biện hộ, họ đâu được đi học tới nơi tới chốn như quý vị Kỹ sư chuyên môn. Họ đâu được thảnh thơi ngồi bàn giấy, họp hành, vẽ vời như quý ông làm khoa học kỹ thuật ? Khi tai nạn xảy ra, ai là nạn nhân chính, ai chịu thương tích, què quặt, ai hy sinh chết đi để cả gia đình, vợ con, nghèo đói bơ vơ? Chắc chắn không phải là quý ông làm khoa học kỹ thuật rồi.
6) – Kết quả điều tra sự kiện cầu cạn Pháp Vân mới đây đã hé mở bức màn bí mật cho tôi hiểu vì sao hai bác công nhân bị tử thương trên cầu Chợ Đệm (đường cao tốc Trung Lương) năm ngoái. Có thể cũng cùng một bản chất thiếu kiểm tra chất lượng, vắng mặt giám sát công trình mà hai bác công nhân phải hy sinh và đành mang tiếng “phá hoại công trình” một cách oan ức.
7) – Những lý giải tôi trình bầy trên đây chỉ nêu lên nhận định tổng quát có tính cách khoa học căn bản. Vấn đề kỹ thuật cẩu thả không chỉ nằm trên cầu cạn Pháp Vân, mà còn tiếp tục xảy ra khắp nơi, đảo mắt nhìn qua những công trình hạ tầng khác xem, nào là: vết rạn nứt trên cầu Thăng Long (2010), đường cao tốc Trung Lương mới khánh thành bắt đầu suy sụp (2010), cầu Chợ Đệm bị sụp đổ nhịp cầu (2009), nhịp cầu Cần Thơ gãy đổ (2007), đường hầm hiện đại Kim Liên bị ngập nước và rạn nứt (2009) vv…
8) – Nhưng mới sáng nay tôi vào đọc báo SaiGon tiếp thị, vô tình đọc tin “Ý nghĩa của trụ cầu Cần Thơ”, tôi rùng mình toát mồ hôi hột. Trời đất! Một ông Kỹ sư Nhật thiết kế hai khối trụ cầu chịu lực cả triệu tấn theo hình chữ “A” mang ý nghĩa là “A Di Đà Phật” để tăng thêm niềm tin tưởng trong an toàn. Suốt 5 năm trời học trên đại học, trường cao đẳng kỹ thuật Canada, tôi chưa hề nghe nói kết cấu nào mang hình chữ A (A Di Đà Phật) sẽ bảo đảm an toàn hơn ??? Thế thì ai đó mang niềm tin Chúa hay Thượng Đế (Công giáo, Tin lành, Đạo Cao đài, Hoà hảo) lỡ không niệm Nam mô A Di Đà Phật chắc có thể sẽ bị tai nạn khi qua cầu ??? Tôi tin ông Kỹ sư Nhật này nói đúng, chả thế mà cầu chưa xây xong đã sụp đổ (2007) dẫn đến hơn 50 gia đình tan hoang nhà cửa, vợ mất chồng, con mất cha, bia tưởng niệm của họ còn đó. Có lẽ hơn 50 bác công nhân đã được Đức Phật A Di Đà đưa vãng sanh lên miền Tây Phương Cực Lạc sớm hơn ngày khai trương? Tôi đề nghị Nhà nước xuất quỹ ra xây thêm hai cái miếu thờ ở hai đầu cầu Cần Thơ, trong đó đặt pho tượng Phật A Di Đà để bà con bá tánh vào thắp nhang tụng niệm trước khi lên xe qua cầu, bảo đảm an toàn 100%.
Tôi còn nhớ một mẩu giai thoại về công tác xây dựng hạ tầng của đất nước Ba Lan (nếu tôi không nhầm) rằng mỗi khi khánh thành một cây cầu mới, toàn bộ uỷ ban trách nhiệm kỹ thuật thiết kế, thi công phải ra đứng dưới chân cầu để làm bảo chứng với công luận về tính an toàn. Không hiểu chúng ta có nên bắt chươc họ không?
Để kết luận: đất nước Việt Nam trải qua 30 năm chinh chiến, mất mát quá nhiều, đau thương chưa kịp hàn gắn, đang phục hồi nhân lực để xây dựng hạ tầng, thì đề nghị chúng ta, những người làm khoa học kỹ thuật, nên cố gắng đảm nhiệm trách nhiệm của mình thật chu toàn với một lương tâm nghề nghiệp trong sáng để bảo đảm an toàn cho mọi người trong xã hội trước tiên là đội ngũ công nhân. Đó chính là nhân tố cơ bản trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước, đuổi kịp thế giới bên ngoài.
LQT, Canada
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Phụ lục:
Ý nghĩa của trụ cầu Cần Thơ
Văn Kim Khanh
Ngày 1.8.2007, đó là ngày chủ đầu tư dự án cùng các nhà thầu Nhật tổ chức lễ khởi đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ. Nghi lễ tổ chức khá trang trọng, chủ đầu tư giới thiệu dự án và tiến độ thi công, đến phần nhà thầu Nhật thông báo về giai đoạn bắt đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ.
Trong nghi thức và nội dung buổi lễ, tôi ấn tượng nhất là việc nhà thầu Nhật phụ trách về căng dây văng cho biết: “Trụ tháp cầu Cần Thơ được thiết kế theo chữ A. Chữ A này có ý nghĩa rất đặc biệt: A-di. Ở Á Đông, đạo Phật rất phổ biến, khi người ta chấp tay niệm A-di-đà – phật là người ta mong mong ước sự an lành, bình an. Cầu Cần Thơ thiết kế theo ý nghĩa A-di cũng mong muốn an lành, bình an và mang màu sắc văn hóa phương Đông”.
Để minh họa cho biểu tượng trụ cầu Cần Thơ, nhà thầu Nhật Bản đã đứng thẳng người, chắp hai tay và đưa quá đỉnh đầu, hai chân khép lại. Tư thế của nhà thầu này làm tôi thấy rõ biểu tượng trụ cầu Cần Thơ: Chân khép lại, phần giữa bụng hơi to ra và phần tay chắp đưa cao quá đầu là phần văng dây cáp treo. Theo ước tính từ mặt nước trung bình lên đến độ tiếp giáp trụ cầu và mặt cầu khoảng 40m; từ mặt cầu đến phần chữ A tiếp giáp ở đỉnh khoảng hơn 80m, đoạn còn lại từ đỉnh chữ A lên đến đỉnh cao nhất khoảng gần 40m. Tổng số chiều cao của trụ cầu tính từ mực nước trung bình hơn 160m.
Ngày 26.9.2007, xảy ra sự cố sập nhịp dẫn làm 55 người thi công tử nạn, hơn 80 người bị thương tại công trình này. Hai năm sau, khi cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Văn Đấu đã chấp thuận đề nghị của giám đốc dự án liên doanh nhà thầu Nhật Bản TKN là xây dựng nhà tưởng niệm những người lao động xây dựng cầu Cần Thơ tử nạn. Địa điểm xây dựng nằm trong khuôn viên Bồ Đề Cổ tự, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Sư Phước Tấn, trụ trì chùa Bồ Đề cho biết: “Đại diện nhà thầu Nhật TKN có đến làm việc với nhà chùa, xin chùa cho đất xây dựng nhà tưởng niệm những người tử nạn vì sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào tháng 9.2007. Nhà chùa nhất trí cho phép nhà thầu xây dựng một nhà tưởng niệm trong khuôn viên nhà chùa, diện tích gần 80m2. Nhà tưởng niệm này do nhà thầu TKN tài trợ. Đây cũng là nơi thờ tự tập trung những người quá cố khi tham gia xây dựng cầu Cần Thơ”.
Theo sư trụ chùa Bồ Đề, khi cầu Cần Thơ hoàn thành, nhà tưởng niệm những người tử nạn cầu Cần Thơ xây dựng xong. Gia đình của những người đã hy sinh cuộc sống hẳn cũng yên lòng, vì con em của họ đã hy sinh cho biểu tượng cuộc sống an lành, bình an. Vào những ngày rằm lớn, khách viếng chùa và viếng nơi tưởng niệm của những người hy sinh để có cây cầu vĩnh cửu trên mảnh đất bên bờ sông Hậu.
Bài và Ảnh: VKK
(SGTT – 24-04-2010)