Muốn hòa giải, phải tin nhau

Ai cũng biết âm nhạc là những nhịp cầu kỳ diệu có khả năng góp phần nối liền hai bờ một con sông thù hận mà cuộc chiến máu lửa mấy mươi năm xói mãi thành dòng chảy lâu ngày. Âm nhạc hay rộng hơn là giao lưu văn hóa chính là cơ hội để phát lộ niềm tin giữa những người vốn đã muốn xích lại gần nhau mà cứ ngập ngừng e sợ, chưa hiểu được hết lòng dạ của nhau.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo chúng tôi là để có được một cuộc đại hòa nhạc như mong muốn, ngay trong mỗi phía, nơi chỗ thẳm sâu của hồn mình vốn tự thân đã phải có sẵn những nốt nhạc luôn thầm thì, chờ dịp ngân nga lên thành tiếng. Mà muốn khơi lên tiếng nhạc trong đông đảo những con người đóng vai trò tiếp xúc, giao lưu giữa đôi bên, thì không nói cũng biết, ông nhạc trưởng của mỗi bên giữ vị trí hết sức quan trọng. 85 triệu dân Việt dám chắc đồng lòng mong cho cuộc hòa hợp Việt Mỹ sớm đi đến một khúc ngoặt quyết định, nhưng người cầm chịch thì còn cân lên đặt xuống chán, bởi lỗ tai âm nhạc của họ chắc gì đồng điệu với lỗ tai của người dân. Có khi đó là những lỗ tai không hề thính nhạy trước những âm thanh du dương mà lại bị các thứ tạp âm, giữa thời buổi rất nhiều tạp âm từ phương xa dội tới với công suất hết cỡ, che lấp. Nhưng chính trị là thế đấy, nó không bao giờ lại là âm nhạc, nên trách cứ gì ở đây e cũng bằng thừa.

Không nói giữa người Mỹ và người Việt Nam mà giữa người Việt với nhau, biết là cùng ruột rà máu mủ, từ một bọc mà ra, quan hệ giữa từng con người hay từng nhóm với nhau thì sau 35 năm tưởng không còn gì ngăn trở, nhưng một bức tường vô hình vẫn cứ sừng sững khi hai cộng đồng muốn tìm đến với nhau. Thiết tưởng, ở đây, vẫn chưa có một lực đẩy để người ta náo nức ùa lên phá tan bức tường vô hình và vô lối kia đi. Ai tạo nên được lực đẩy này nếu không là người lèo lái con thuyền đất nước. Nói như Lão Tử “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”, xem ra vẫn rất khó tìm được một bộ sậu nguyên thủ có cái bản lĩnh tự tri và tự thắng.

Nguyễn Huệ Chi

Thành viên Chương trình WHF của Nhà Trắng cho rằng, hòa giải phải được xây dựng dựa trên lòng tin. “Thử đặt mình vào địa vị của phía bên kia, để hiểu, thông cảm và bỏ qua, cùng tiến về phía trước”.

Đặt mình ở địa vị phía bên kia

Bà Carolyn Sue Chin – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Pharmaceutics đồng thời bà cũng là thành viên HĐQT của State Farm Bank: Thực sự là ý tưởng hay khi tổ chức chương trình hòa nhạc về hòa giải và yêu thương. Thế giới còn rất nhiều vấn đề tồn tại, cần đến sự hòa giải song phương. Bằng các cách thức khác nhau, như thông qua âm nhạc, chúng ta sẽ có được cơ hội để hòa giải, hàn gắn.

Ý tưởng về một ngày hòa giải và yêu thương là một ý tưởng tuyệt vời, bởi thực sự cần thiết để ngừng lại, nghĩ về về những điều thực sự quan trọng, về nền tảng của hòa giải và yêu thương. Hoàn toàn khả dĩ khi hiện thực hóa những ý tưởng như chương trình Hòa nhạc mang tên Hòa giải và yêu thương.

Để hòa giải, cần mấy điểm quan trọng: một là, nhận thức được vấn đề ở đây là gì, lắng nghe phía bên kia, cố gắng để đặt mình ở địa vị của phía bên kia, và cố gắng để đưa ra giải pháp cùng thắng. Từ đó, hai phía đều có thể tha thứ và bỏ qua cho nhau, để tiến lên phía trước.

Việt Nam đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh và các bạn đã làm rất tốt công cuộc hòa giải, khi có được quan hệ tốt với rất nhiều quốc gia trên thế giới, có lẽ tốt hơn những gì nước Mỹ đã làm. Đây là phần mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ mà Việt Nam có được khi cộng tác với nhân dân và quốc gia khác.

Tại Nhà hát lớn hôm 22/4, hơn 500 khán giả đã được thưởng thức những nốt nhạc đầu tiên vang lên dưới cây đũa chỉ huy của vị nhạc trưởng tài ba Charles Ansbacher. Ảnh: VNN

Tại Nhà hát lớn hôm 22/4, hơn 500 khán giả đã được thưởng thức những nốt nhạc đầu tiên vang lên dưới cây đũa chỉ huy của vị nhạc trưởng tài ba Charles Ansbacher. Ảnh: VNN

Việt Nam và Mỹ đã đạt được bước tiến dài trong quá trình hòa giải giữa hai dân tộc sau chiến tranh và còn nhiều điều chúng ta có thể tiếp tục làm. Chuyến đi của chúng tôi, Chương trình WHF của Nhà Trắng cũng giúp ích cho điều đó, dù như tôi không tham chiến, nhưng những hoạt động trao đổi văn hóa, hiểu biết lẫn nhau sẽ thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Có thêm nhiều du khách tới Việt Nam là một cách tốt.

Hòa giải dựa trên lòng tin

Ông Jack Anathol LeCuyer – Phó đoàn WHF của Nhà Trắng:

Nước Mỹ cũng từng phải hòa giải và hàn gắn sau nội chiến, và phải mất rất nhiều thời gian để người Mỹ miền Bắc và miền Nam đến được với nhau.

Việt Nam cũng phải đối mặt vấn đề tương tự hiện nay, hướng tới tương lai thay vì nhìn lại quá khứ. Hòa giải sẽ tới, nhưng sẽ mất thời gian, có thể sẽ đau đớn, nhưng điều may mắn là một nửa dân số Việt Nam sinh ra sau chiến tranh, kí ức của họ khác với thế hệ cha ông. Họ lại tiếp cận tất cả các mạng truyền thông, và vì thế, hòa giải sẽ diễn ra, nhanh hơn.

Và hòa giải phải dựa trên lòng tin. Và ở đây, có hai cuộc hòa giải: giữa Việt Nam và Mỹ và giữa người Việt với nhau.

Việt Nam cũng giống như nước Mỹ, có thể học từ lịch sử. Hãy nhìn về cách thức ứng xử sau hai cuộc thế chiến. Sau Thế chiến thứ Nhất, người thất bại mang tâm lí nặng nề, bực dọc và muốn trả thù. Còn Thế chiến thứ Hai lại khác, ngay trong lòng châu Âu, người ta không nói về trả thù, mà nói về tương lai, làm việc cùng nhau vì sự thịnh vượng chung. Con người đã biết học bài học của lịch sử Thế chiến thứ Nhất.

Có một ngày hòa giải và yêu thương là ý tưởng tuyệt vời, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cả 365 ngày trong năm đều ngập tràn trong hòa giải và yêu thương. Và Việt Nam phải trông mong với người trẻ, vì họ là tương lai.

“Có thể tin nhau”

Ông Micheal Michalak – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam:

Chương trình hòa nhạc về ngày hòa giải, yêu thương là ý tưởng tuyệt vời cho lễ kỉ niệm Việt Nam 35 sau cuộc chiến.

Hòa giải vẫn còn là chủ đề nhạy cảm và nó cần sự thấu hiểu và lòng tin của cả hai phía với nhau.

Ngày hòa giải là ngày của yêu thương và tình hữu nghị cho tất cả mọi người Việt Nam.

Nếu mỗi người đểu cố gắng để thấu hiểu người khác, cố gắng để để quá khứ sang một bên để tiến về tương lai, tôi tin chắc, hòa giải sẽ đến nhanh.

15 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã xây dựng được nền tảng cho tình hữu nghị thực sự, lòng tin thực sự. Đó là thành tựu lớn nhất của quá trình hòa giải giữa hai dân tộc Việt – Mỹ: sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng về chủ quyền, về lãnh thổ, về việc mỗi bên nhìn nhận bên kia với tư cách một quốc gia – dân tộc. Điều này giúp tạo dựng nên mối quan hệ Việt – Mỹ và chúng ta sẽ tiếp tục.

15 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ hiểu rằng chúng ta có thể tin nhau, xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và lòng tin lẫn nhau. Hòa giải sẽ là một phần của tiến trình này.

Việt Nam có thể làm gì để hòa giải? Rất nhiều điều phải bắt đầu từ chính phía Việt Nam. Việt Nam biết và hiểu lịch sử của chính mình, và những gì đang thực sự diễn ra. Hòa giải vẫn là đề tài nhạy cảm và rất khó để nói về nó.

Nhưng như Nghị sĩ Jim Webb đã sang Việt Nam rất nhiều lần, và ông đã đề cập về việc này với rất nhiều người bạn Việt Nam, ở cả hai phía của chiến tuyến trước kia. Và từng bước, chúng ta mang lại sự chuyển động, hòa giải.

Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đối thoại, tiếp tục trao đổi các chuyến thăm giữa hai quốc gia, để người dân được đi lại, trao đổi thoải mái và làm những điều mà họ thực sự muốn làm, tôi tin, hòa giải sẽ đến. Nó sẽ cần thời gian.

Sẽ phải đợi thêm thời gian, đợi tiến trình hòa giải có thêm những bước tiến mới, lớn hơn trước khi Việt Nam quyết định có thể “cung cấp dịch vụ”, trở thành trung gian hòa giải cho người khác. Và điều này thực sự phụ thuộc vào người Việt Nam. Đây là đất nước của các bạn, công cuộc hòa giải của chính các bạn.

Nước Mỹ cũng đã phải tự hòa giải, hàn gắn mình trong một thời gian dài. Và theo một cách nào đó, việc này vẫn còn tiếp tục.

Với Việt Nam, Việt Nam phải nhìn vào chính quá trình hòa giải của mình, chỉ ra đâu là thắng lợi tiếp theo mà mình cần hướng tới, làm thế nào để đạt được, và liệu chúng ta có bài học gì để chia sẻ với thế giới?

Sẽ là ý tưởng hay cho Việt Nam khi tham gia vào bất kì hội nghị quốc tế về hòa giải nào, cùng với Mỹ và các nước khác, bởi chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau.

Nói cách khác, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề hay đúng hơn là mối quan tâm của chính mình trước.

Ý tưởng về ngày Hòa giải và Yêu thương có thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính tay người Việt. Nếu có thể hỗ trợ gì, chúng tôi sẵn lòng lắng nghe đề nghị của phía Việt Nam và chung tay.

Âm nhạc hòa giải và hàn gắn

Ông James Jerome Paddila – Trưởng đoàn WHF của Nhà Trắng: Buổi hòa nhạc vì một Ngày có tên gọi Hòa giải và Yêu thương là một ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt sau những giai đoạn thăng trầm lịch sử trong chiến tranh của Việt Nam. Nó cũng thể hiện tầm nhìn lớn của nhà lãnh đạo tổ chức chương trình hòa nhạc này.

Thật là vinh hạnh khi được dự một buổi hòa nhạc được trình diễn bởi những nhạc công thực sự nổi bật, xuất sắc của Dàn nhạc giao hưởng VN và chỉ huy là nhạc trưởng người Mỹ. Tôi đã được trải nghiệm một buổi hòa nhạc thực sự tuyệt vời với sự kết hợp này.

Trong suốt chuyến đi này, tôi đã trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, giao lưu song có thể khẳng định đây là sự kiện văn hóa đẳng cấp nhất, lớn nhất mà tôi được tham dự.

Âm nhạc không có ranh giới. Vì thế buổi biểu diễn là một cơ hội tuyệt vời để người Mỹ và Việt Nam có thêm một cây cầu bắc nối gắn kết, để gần nhau hơn, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.

Ông Fred Shaw Benson: Không thể có lời nào hay hơn về ý nghĩa đặc biệt của buổi hòa nhạc này, một buổi hòa nhạc xuất phát từ ý tưởng về sự hòa giải và yêu thương. Cá nhân tôi là một tín đồ âm nhạc, đặc biệt nhạc cổ điển. Người nhạc trưởng là một thành viên của Chương trình WHF của Nhà Trắng. Một sự hợp nhất trong yêu thương, cũng là chủ đề của buổi hòa nhạc.

Có lẽ không có gì ý nghĩa hơn việc gắn kết với nhau bằng những giá trị văn hóa, âm nhạc.

Tôi có thể thẳng thắn tin rằng chiến tranh sẽ không bao giờ mang đến sự thanh lọc, trong sạch, không bao giờ được kỷ niệm, nhưng người ta ám ảnh, và nhớ đến nó với câu hỏi ai đã tạo ra cuộc chiến. Những người phụ nữ, đàn ông trẻ bị lừa dối quá nhiều, gia đình bị ảnh hưởng. Âm nhạc không bao giờ tạo ra sự điên cuồng.

Trở lại chương trình này, để nhìn vào ý nghĩa của sự hòa giải, của yêu thương, tạo ra tình hữu nghị giữa hai nước, và cảm nhận sự mạnh mẽ của người dân Việt, họ thân thiện, ấm áp. Có thể nói đây là sự trải nghiệm tuyệt vời và tôi rất thích thú với chương trình hòa nhạc này. Một khoảng thời gian tuyệt diệu trong chuyến đi của chúng tôi đến VN lần này

P.L. – X. L.

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-23-muon-hoa-giai-phai-tin-nhau-

This entry was posted in văn hoá and tagged . Bookmark the permalink.