Lại bàn về từ Dân Chủ

clip_image001

Làm công tác khoa học kỹ thuật nhưng tôi hay viết báo, nên được nhiều người, đặc biệt là nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên (TuanVN-VNN) chốt cho cái danh là “nhà báo công dân”! Hay nói cách khác là người chuyên viết phản biện thì dễ tiếp thu những phản biện.

Gần đây, khi luận bàn về bài viết “Bài học lịch sử và sự cần thiết của dân chủ” (tác giả Tô Văn Trường), người bạn thế hệ đàn anh bảo rằng đại ý bài viết hay nhưng xã hội ta đang ở trong thời kỳ nhiễu nhương, tham luận kiểu này, phe “chày cối” hoặc“ăn theo, nói leo” sẽ “vòng vo Tam Quốc” thế là huề cả làng, xí xóa, như ném đá ao bèo, để rồi bất phân thắng bại!

Ngẫm suy, trong binh pháp có kế vu hồi, luồn vào sau và tấn vào chỗ này để đối phương phải tự phơi lưng ra ở nhiều chỗ khác và thế là xoay chuyển cả mặt trận như người xưa thường bảo là cùng kỳ lý. Bàn về dân chủ, tưởng rằng “xưa như trái đất” mà thực ra chưa mấy người thông tỏ ngõ ngàng, đó là từ DÂN CHỦ.

Có ý kiến rất đáng suy ngẫm là tán thành quan điểm trong bài viết nói trên về qui chế bầu cử, ứng cử nếu thiếu dân chủ trầm trọng sẽ tác động tiêu cực đến việc lựa chọn nhân sự tới đây. Xem ra con đường dân chủ hoá còn nhiều khúc khuỷu gập ghềnh, buồn thay cho đất nước. Tuy nhiên, đoạn phân tích về dân chủ tập trung hay tập trung dân chủ, vấn đề không phải là hiểu sai hay không thực hiện đúng chủ nghĩa Lênin mà ở chỗ chọn chủ nghĩa Lênin là sai lầm. Đi theo chủ nghĩa Lênin là từ bỏ Đệ nhị quốc tế, để theo Đệ tam quốc tế, và thực tế là theo chủ nghĩa Lênin-Stalin với những hệ luỵ độc tài, toàn trị tai hại. Mấy thập kỷ qua cho thấy các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo xu hướng Đệ nhị quốc tế tức là trên nền tảng dân chủ như Thụy Điển thì trái lại đều thành công.

Ngẫm suy, tôi nhận thấy nói theo ngôn ngữ của giới vật lý là phân tách cái gì cũng phải có cả hai phía, ngoài vĩ mô mênh mông vô cùng tận ra còn phải xét nét đến cả vi mô, nghĩa là chuẩn định tới cỡ phân tử, nguyên tử, hạt nhân và thậm chí đến cả “hạt của chúa”! Tất nhiên, đề cập tới điều này còn ăn thua ở cách diễn đạt vấn đề. Có những vấn đề do những chuyên gia rất giỏi trình bày nhưng diễn đạt quá “hàn lâm” thì đối tượng lĩnh hội sẽ rất hạn hẹp. Đặt ra những vấn đề cao siêu để bàn bạc với cả những đối tượng ít chữ nghĩa, học hành hoàn toàn không dễ.

Đảng đang nắm quyền và độc quyền, trên lý thuyết thì vẫn nhất mực nói rằng “sứ mệnh” – tức là Tổ quốc mà Tổ quốc hữu hình chính là DÂN: dân ủy thác, giao quyền. Vậy, cái thực thể ủy thác và giao quyền đó (DÂN) phải là tối thượng, có quyền phát ngôn, thẩm định, giám sát chứ không phải là đối tượng để dạy bảo – “chăn dân” (!?)

Ở đây có hai thành tố: DÂN và CHỦ. Chắc có lẽ từ CHỦ có vẻ dễ hiểu hơn vì CHỦ là quyền, là sở hữu – ít nhiều ai cũng có đôi chút và hiểu khá tường tận. Còn DÂN thì quả thật ai cũng là dân cả, nhưng hiểu thật thấu đáo thì thật là đếm lá trên rừng!

Quả vậy, DÂN là thứ quá đỗi giản đơn và mộc mạc, thô thiển như bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong số học mà những người mua bán ở chợ vẫn ngày ngày lẩm nhẩm. Vậy mà các thuật toán cao cấp, cao siêu như đại số, vi phân, tích phân, v.v… đố có loại nào mà không phải dùng đến nó! Ở phạm trù cá nhân hay quốc gia cũng vẫn đúng, có nơi cộng lia chia, có chỗ trừ lia lịa (Việt Nam ta đang ở đám này), có chốn nhân khủng khiếp và vài nơi họ giỏi làm tính chia. Còn nếu so sánh theo kiểu như ngành vật lý và hóa học thì DÂN là những phần tử vô cùng nhỏ bé (như phân tử, nguyên tử) cấu tạo nên vạn vật ở đời. Tùy thuộc ở kết cấu mà nó trở thành thiên biến vạn hóa và quyết định hay/dở khôn lường. Nhưng, vì nó quá nhỏ nhoi, tới mức phải soi kính hiển vi mới thấy cho nên những “cặp mắt to” (như các yếu nhân hay đại phú) thường không nhìn thấy! Khi cần xét đoán điều gì có người nói: dân dã biết cái gì!

Ấy chết, xin lỗi “nó lú nhưng chú nó khôn”, trong cái đám có vẻ tù mù đó có biết bao nhiêu trí tuệ thông thái, cho nên cụ Nguyễn Trãi mới phải thốt lên “khi chìm thuyền mới biết dân là nước”, chí lý và uyên thâm biết nhường nào! Mấy bà lão nhai trầu bỏm bẻm, một chữ bẻ làm đôi không biết mà cứ vanh vách “quan nhất thời, dân vạn đại”, quả là tài tình hết chỗ nói!

Trên đây, chỉ mới tỉa tách được vài ví dụ cỏn con để minh dẫn cho chữ DÂN mênh mông, kỳ vĩ, không bút nào tả xiết, không cái đầu nào suy đoán được cho tới tận cùng. Suốt chiều dài lịch sử văn hóa của nhân loại, người ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục ghi lại hành trạng của những con dân của hành tinh này, vô cùng và vô tận.

Đã luận bàn để thấy được sự kỳ vĩ và quyền năng của từ DÂN là vậy thì muốn giải đáp cho câu hỏi “liệu từ DÂN có xứng khi cho nó làm CHỦ không?” – dễ ợt! Các đảng phái, các chính khách, kể cả nguyên thủ của bất kỳ quốc gia nào cũng nhất thiết phải thấy trong DÂN có biết nhiêu người đáng bậc cha chú theo luân thường đạo lý và biết bao người đáng bậc thầy về nhiều mặt. Có lần ngồi đàm đạo riêng với ông Võ Văn Kiệt, tôi rất thấm thía vì sao ông lấy bí danh là Sáu Dân, đơn giản chỉ vì ông luôn biết lắng nghe, suy ngẫm và tôn trọng Dân.

Tiêu chí của nước Pháp là “tự do – bình đẳng – bác ái” mà sao họ có cả dân chủ – liệu có phải dân chủ nằm trong tự do và bình đẳng chăng? Câu trả lời cũng đơn giản vì tùy theo nhận thức và góc nhìn của mỗi người.

Tôi mới xem video clip “Tôm hùm lột vỏ” cứ nghĩ miên man tại sao lại có “loài” luôn hậm hực muốn lớn lên và luôn lải nhải, xoen xoét ra vẻ rất uyên bác “lượng đổi thì chất đổi” nhưng cứ nhất quyết… giữ cái vỏ cũ mèm đã quá ư chật hẹp và chai cứng! Không chịu theo quy luật thì… chỉ còn nước “vào nồi” thôi!

Trong bất kỳ một cuộc lột xác thay đổi nào đều không tránh khỏi nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Mục tiêu tối thượng phải tránh được đổ máu làm hao tổn hiền tài và nguyên khí quốc gia. Muốn tránh được điều này, phải thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ.

Quản trị một quốc gia, thực ra có yếu kém, bê bết thì mới “sợ dân chủ” – người cha trong gia đình khi không còn có thể tương thích với con cái bằng lời thì sẽ dùng roi vọt – khác nào là đã “tự thú” về sự bất lực của mình!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.