Bắt tay với Singapore, sao lại đưa hiệu trưởng đi Thái Lan, Trung Quốc?

Việc các thành phần đáng có mặt bị gạt bớt ra và các thành phần vốn không có trong danh sách đề án nay cũng được cử đi ta gọi là “đánh tráo” và “ăn theo”, những thủ pháp vốn rất thành thạo trong bộ máy công quyền các cấp của nước ta từ lâu lắm rồi, ngành giáo dục làm gì thoát ra ngoài vết trượt ấy được. Còn ký kết với nước này nhưng lại đưa người đi nước khác thì cần hiểu rằng đây là một tính toán sao cho có lợi về mặt kinh tế, chẳng hạn đi các nước kia không tốn bằng đi Singapore, số tiền “dôi ra” sẽ đưa lại bao nhiêu là lợi ích cho người xây dựng đề  án này.

Mà hãy xét thực chất mà xem, nếu là một chương trình học tập nhằm nâng cao nhận thức và đổi hẳn đầu óc cho mấy vị Hiệu trưởng các trường phổ thông Việt Nam thì lấy cái gì để đo kết quả? Chắc chắn từ đầu các bậc đứng đầu ngành giáo dục đã biết trước rằng nó chỉ là một cuộc du ngoạn để tiêu cho xong số tiền nhà nước vay được bỏ ra cho ngành gọi là giúp đỡ để tạo ra một biện pháp “đổi mới”, nên họ cũng thực hiện quấy quá đấy thôi. Chứ nếu nghiêm túc ra thì đâu có cách tổ chức “treo đầu dê bán thịt chó” như thế được! Ví thử những chuyến “học tập” ngắn hạn này mà làm thay đổi được tình trạng thoái hóa của giáo dục nước ta thì hồng phúc của nước nhà còn lớn lắm.

Bauxite Việt Nam

Đề án đưa Hiệu trưởng đi Singapore du học nhằm mục đích tăng cường quản lý có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu một góc nhìn của độc giả Trần Quang Đại, hiện đang là một giáo viên THPT.

Một lớp học ở Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một lớp học ở Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngày 16/4/2010, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch triển khai chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho 15.800 Hiệu trưởng trường phổ thông và 1.200 cán bộ quản lý giáo dục.

Đây là kế hoạch thuộc đề án “Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng Hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapore 2008 – 2010” nhằm phát triển năng lực của Hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam và cán bộ quản lý giáo dục về lãnh đạo và quản lý nhà trường.

Ý tưởng của đề án là tạo bước phát triển đột phá cho giáo dục bắt nguồn từ khâu quản lý. Đề án chọn liên kết với Singapore để học tập kinh nghiệm quản lý của một quốc gia cùng khu vực và có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, tôi thấy có một số điểm như sau.

Đối tượng tham gia có sự “khập khiễng”

Những người được tham dự khóa học này là Hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS, THPT, PTCS, PTTH, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở GD-ĐT.

Như vậy, có một số đối tượng không thuộc nội dung của đề án vẫn được tham gia gồm Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở GD-ĐT, vì đề án chỉ có đối tượng “Hiệu trưởng trường phổ thông”. Trong khi đó, các đối tượng đáng ra được tham dự đề án thì không có: Hiệu trưởng trường mầm non, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị. Vậy là các đối tượng tham gia vừa “thiếu”, lại vừa “thừa”. Việc có một số đối tượng không đúng nội dung đề án được tham gia, phải chăng là một “phần thưởng” dành cho cán bộ quản lý?

Các Hiệu trưởng sẽ có thời gian 10 ngày “dùi mài kinh sử” với 7 chuyên đề, và có một tuần tham quan tập huấn trong hoặc ngoài nước.

Bộ GD-ĐT đã đề nghị lãnh đạo các Sở GD-ĐT cố gắng huy động các nguồn kinh phí khác nhau để tạo điều kiện và cơ hội cho các hiệu trưởng được tham quan tập huấn ở các nước trong khu vực.


“Ba thu dồn lại 10 ngày…”

Chương trình lớp bồi dưỡng gồm:

1- Đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông.

2- Lãnh đạo và quản lý sự thay đổi trường phổ thông

3- Văn hóa nhà trường

4- Lập kế hoạch chiến lược trường phổ thông

5- Lãnh đạo phát triển đội ngũ

6- Huy động nguồn lực phát triển trường phổ thông

7- Phát triển giáo dục toàn diện học sinh phổ thông.

8- Nghiên cứu thực tế bao gồm các chương trình tham quan, học tập thực tiễn lãnh đạo và quản lý giáo dục trong nước và nước ngoài.

Mỗi chuyên đề nói trên đều rất phức tạp, sâu sắc. Toàn bộ thời gian chỉ gói gọn trong 10 ngày bao gồm cả đi thực tế trong thời gian tập huấn, liệu có “cưỡi ngựa xem hoa”?

Tại sao ký với Singapore lại đưa đi Malaysia, Thailand, Trung Quốc?

Bộ GD-ĐT hướng dẫn: “Sau khóa học 10 ngày về QLGD, các Hiệu trưởng cần được tổ chức đi khảo sát thực tế 1 tuần. Tùy theo điều kiện của địa phương, 1 tuần khảo sát thực tế có thể là một nước trong khu vực, như Singapore, Malaysia, Thailand, Trung Quốc…”.

Tại sao đề án liên kết với Singapore nhưng khi đi thực tế lại có thể là Malaysia, Thailand, Trung Quốc…? Đúng ra, đã liên kết với nước nào thì cần đi nước đó tham quan học tập mới đúng với tính chất lớp bồi dưỡng chứ! Nếu không, nhận thức vấn đề của học viên sẽ bị phân tán. Đi học chứ có phải đi du lịch đâu mà chia ra đi nhiều nước cho khỏi nhàm chán?

Một tuần đi nước ngoài, lạ nước lạ cái, (hầu hết) lại không biết ngoại ngữ, vậy các học viên sẽ tiếp thu được những gì?

Xuất ngoại có đổi được “nội”?

về hiệu quả của đề án, trong thời điểm hiện nay có thể về nguyên tắc khoa học chưa nói trước được điều gì. Tuy nhiên, từ thực tiễn giáo dục, chúng tôi cho rằng hiệu quả sẽ không cao..

Liệu, chỉ trong vòng 10 ngày học lí thuyết và một tuần tham quan, đề án có thể thay đổi được tư duy, phong cách làm việc của con người, vốn đã được định hình rất bền vững? Tôi biết có ông Hiệu trưởng thường hay uống rượu trong giờ làm việc, sau khi đi tập huấn và tham quan ở Singapore về, ông ấy …vẫn thế.

Kiến thức lí thuyết (hay tham quan) dù có sâu sắc, tân tiến đến mấy nhưng cơ chế, môi trường làm việc không thay đổi thì không thể phát huy được tác dụng. Hiện nay, Hiệu trưởng chỉ được hưởng mức phụ cấp thấp, không đủ quyền lực để tạo ra sức bật mới cho nhà trường.

Kinh nghiệm cho thấy, để cá nhân Hiệu trưởng thay đổi tư duy, phong cách làm việc thì phải tạo ra được môi trường dân chủ, công bằng, tạo ra cơ chế cạnh tranh, thi đua mạnh mẽ.

Ví dụ, bao nhiêu bài học về dân chủ, đổi mới đối với các Hiệu trưởng cũng không hiệu quả bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào mỗi năm. Và nếu không có cơ chế kiểm soát tiêu cực hữu hiệu thì các vị vẫn tiếp tục tiêu cực, cho dù dự bao nhiêu lớp tập huấn, hay liên kết với quốc gia nào.

Đề án sẽ góp sức “nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ Hiệu trưởng được bao nhiêu”?  Trong khi giáo dục đang có nhiều vấn đề nhức nhối, mà một trong những vấn nạn đó là tình trạng các Hiệu trưởng tiêu cực, lạm quyền, tham nhũng.

Nguồn ngân sách nhà nước cũng đang có nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện tại, ngành giáo dục (ở trung ướng hay cơ sở) nên dành khoản kinh phí để thực hiện đề án nói trên cho những việc làm, mục tiêu thiết thực hơn. Ví dụ: “Chống tiêu cực trong quản lý giáo dục” hay “Hỗ trợ những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn“.

TQĐ

Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201004/Ket-voi-Singapore-sao-lai-dua-hieu-truong-di-Malaysia-Thai-Lan-905880/

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.