“Katyń và sự dối trá Katyń đã trở thành vết thương đau đớn trong lịch sử Ba Lan, qua hàng chục năm trời làm ngộ độc quan hệ giữa Nga và Ba Lan. Không thể xây dựng quan hệ bền vững trên nền tảng dối trá. Dối trá luôn chia rẽ con người, chia rẽ các dân tộc. Nó thường mang theo căm thù và tức giận. Do vậy, chúng ta cần có sự thật. Lẽ phải không thể chia đều tứ phía. Lẽ phải thuộc về những người chiến đấu giành tự do […] Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp” – Lech Kaczynski, 04.2010
Trọng tâm “Cảm tạ công lao của hàng triệu bậc cha mẹ đã kể cho con cháu mình nghe lịch sử không bóp méo…”. Nếu không tử nạn, Tổng thống Ba Lan đã nói vậy tại Katyn trong lúc tìm hòa giải với Nga. Bến Việt trân trọng giới thiệu nguyên văn bài phát biểu của Lech Kaczyński chuẩn bị để nói với công luận tại rừng Katyn ngày 10 tháng Tư năm 2010 mới được Văn phòng Tổng thống công bố.
1. Sự kiện xảy ra 70 năm trước. Nạn nhân bị trói chặt và giết chết bằng đạn bắn từ sau gáy. Bắn như thế để máu ít bị chảy ra. Sau đó xác được vùi xuống hố sâu dẫu trên mình nạn nhân vẫn còn nguyên quân phục có gắn những cúc sắt mang hình đại bàng. Chính tại nơi đây, Katyń, đã có bốn ngàn bốn trăm người bị giết như vậy. Ở Katyń, Charkov, Tver, ở Kiev, Chersoń và cả ở Minxcơ – tổng cộng 21.768 người bị giết.
Những người bị giết hại là công dân Ba Lan, là những người thuộc nhiều tôn giáo, nhiều nghề nghiệp khác nhau: có người phục vụ trong quân đội, cảnh sát, có cả thường dân. Trong số đó có các tướng lĩnh, cảnh sát, có các Giáo sư và cả những nhà giáo nông thôn. Có các vị Linh mục quân đội của nhiều giáo đạo khác nhau: các Giám mục Thiên chúa giáo, Tổng giám mục Do thái của Quân đội Ba Lan, Tổng giám mục Thiên chúa giáo dòng Hy Lạp, Tổng giám mục Tin lành.
Ta gọi một cách tượng trưng những tội ác – thực hiện tại một vài địa danh – là Tội Ác Katyń. Tội Ác Katyn có những điểm chung là các nạn nhân cùng mang một quốc tịch và bị giết bởi quyết định của cùng một thủ phạm.
2. Tội Ác Katyn được thực hiện theo nguyện vọng của Stalin, thể theo lệnh Chính quyền tối cao Liên bang Xô viết đưa ra: từ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Bôlsêvich. Quyết định được ký ngày mùng 5 tháng 3 năm 1940, theo đơn đề nghị của Lavrentij Beria: xử bắn! Lập luận của lệnh này viết: „Chúng là những kẻ thù cứng đầu của chính quyền Xô viết, không có hy vọng cải tạo”.
3. Nạn nhân bị sát hại mà chẳng cần xét xử hay tuyên án. Họ bị giết hại trong khi quyền lợi và hiệp ước của thế giới văn minh bị khinh rẻ.
Cái chết của hàng chục nghìn người – công dân Cộng hòa Ba Lan – không qua tòa xét xử – thì là gì đây? Nếu không là diệt chủng, thì là gì?
4. Chúng ta hỏi, và không ngừng đặt ra câu hỏi: tại sao? Các nhà sử học đã chỉ ra cỗ máy tội ác của chế độ độc tài cộng sản. Một phần nạn nhân của cỗ máy tội ác này cũng đang nằm cạnh đây, ngay trong cánh rừng Katyń này. Họ là hàng ngàn người Nga, người Ukraina, người Bạch Nga, cả những người thuộc các dân tộc khác nữa.
Nhưng nguồn gốc của tội ác Katyn còn là Hiệp ước Ribbentrop-Molotov, đưa Ba Lan vào vòng chia cắt lần thứ 4 trong lịch sử nước này. Đó là những ý định mang đầy toan tính đế quốc, sô-vanh của Stalin. Giáo sư Stanisław Staniewicz, người tình cờ được tách khỏi chuyến chuyển vận tới cánh rừng chết đã từng viết rằng: Tội Ác Katyń là một phần trong „chiến dịch dọn đường cho sự bành trướng chủ nghĩa đế quốc Xô viết”.
Hủy diệt Ba Lan tự do – quốc gia mới được độc lập từ năm 1920 – là một bước tiến trọng đại trong kế hoạch bành trướng của cường quốc cộng sản ham muốn thôn tính toàn Châu Âu.
Chính bởi vậy mà NKVD (Ủy ban tối cao Bộ Nội vụ Xô Viết – Bến Việt ghi chú) đã rắp tâm bắt giữ, hi vọng tù binh thúc đẩy kế hoạch bành trướng. Nhưng các sỹ quan ở Kozielsk và Starobielsk lại chọn lựa danh dự, cương quyết trung thành với Tồ quốc mình.
Do đó Stalin và Bộ Chính trị của hắn đã quyết định trả thù những người anh hùng: xử bắn hết. Mộ của nạn nhân là những hố chôn người chết ở Katyń, cạnh Charkov, ở Miednoje, những tưởng sẽ chôn vùi luôn cả Ba Lan – nền Cộng hòa độc lập.
5. Tháng 6 năm 1941, Đức quốc xã lại tấn công Liên Xô: Hai người đồng minh bắt tay nhau từ tháng 8 năm 1939 giờ đây lại trở thành kẻ thù không đội trời chung. Lúc này Liên Xô trở thành đồng minh của Liên minh chống Phát xít Hitler. Theo hiệp ước ký ngày 30 tháng 7 năm 1941, chính phủ Matxcova lập lại quan hệ với Ba Lan. Stalin ngồi chung với Roosevelt và Churchill trong bộ Đại tam cường quốc.
Hàng triệu chiến sỹ Hồng quân, trong đó có người người Nga, người Ukraina, người Bạch Nga, người Gruzin, người Ácmêni và người Azecbajzan, cả những người dân vùng Trung Á – đã cống hiến cuộc đời mình trong cuộc chiến chống Phát xít Đức. Trong cuộc chiến này, cả người Mỹ, người Anh, người Ba Lan và lính của các dân tộc khác cũng đã hy sinh.
Ta hãy ôn lại lịch sử: chính chúng tôi, người Ba Lan, là những chiến sỹ đầu tiên đứng lên cầm súng đối chọi với Phát xít Hitler. Chính người Ba Lan đã chiến đấu chống Đức quốc xã từ ngày đầu khởi điểm cho tới khi cuộc chiến kết thúc. Tới cuối cuộc Đại chiến, quân đội Ba Lan là đội quân lớn thứ tư về số lượng trong tất cả các nước đồng minh chống Phát xít.
Người Ba Lan chiến đấu và hy sinh trên mọi mặt trận: trong trận đánh ở Westerplatte và ở Kock, trong trận đánh trên vùng trời nước Anh và ở Monte Casino, trận ở Lenino và ở Béclin, trong các cuộc chiến du kích và trong Khởi nghĩa Vác-sa-va. Trong số đó, có cả những người em và con của các nạn nhân Katyń.
Chàng thanh niên 26 tuổi Aleksander Fedorońko đã hy sinh khi điều khiển chiếc máy bay ném bom của Không lực Ba Lan trên bầu trời Đức quốc xã. Anh là con trai cả của ông Szymon Fedorońko – Tổng linh mục đạo Tin lành của Quân đội Ba Lan bị giết hại ở Katyń. Con trai út của ông là Orest mới 22 tuổi đã hy sinh trong hàng ngũ của Quân đội Quốc gia, trong ngày đầu tiên của cuộc Khởi Nghĩa Vác-sa-va. Cậu con trai 24 tuổi Wiaczeslaw thì hy sinh khi chiến đấu trong hàng ngũ Đoàn nhập ngũ của Quân đội Quốc gia “Gurt”, chỉ 17 ngày sau đó.
Vào tháng 5 năm 1945, Đức quốc xã thua trận. Chủ nghĩa phát xít độc tài sụp đổ. Không lâu nữa, chúng ta sẽ kỉ niệm 65 năm chiến thắng này.
Nhưng đối với dân tộc Ba Lan chúng tôi thì đó là chiến thắng cay đắng và thiếu hụt. Ba Lan bị rơi vào vùng ảnh hưởng của Stalin, của chế độ cộng sản độc tài. Sau năm 1945, Ba Lan tồn tại, nhưng không có độc lập. Bị chế độ khống chế, muốn chúng tôi sai lạc trong tưởng nhớ về những gì thuộc lịch sử Ba Lan, thuộc đặc thù của Ba Lan.
6. Một phần quan trọng trong chiến dịch bóp méo sự thật chính là dối trá Katyn. Các nhà sử gia còn coi dối trá Katyn là nền móng chủ chốt của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, bắt đầu gây dựng từ năm 1943. Chính vì vậy mà Stalin cắt quan hệ giao ban với Chính phủ Ba Lan thời điểm đó.
Thế giới lẽ ra không bao giờ được biết tới Katyn. Gia đình nạn nhân không được quyền chôn cất, không được khóc chịu tang hay thờ cúng người thân ruột thịt.
Đằng sau sự dối trá này là sức mạnh của một cường quốc độc quyền, cả bộ máy chính quyền cộng sản Ba Lan cũng đứng cùng phía dối trá. Tất cả những ai muốn nói sự thật về Katyń đều phải trả giá đắt, kể cả học trò. Năm 1949, một nam sinh quê ở Chełm, tên là Józef Bałka đã nói lớn về sự thật Katyń trong một tiết học. Cậu bị tòa án quân sự tống vào nhà tù, bị giam 3 năm.
Tôi xin nhắc lại lời của một nhà thơ – không lẽ “những chiếc khuy sắt không bị bóp méo” mới có thể làm nhân chứng sự thật cho các ngôi mộ Katyń? Cần nhớ rằng còn có những con người không bị bóp nắn – sau cả bốn thập kỷ – gã khổng lồ độc tài cũng đã bị đánh bại. Sự thật – vũ khí cuối cùng để chống lại vũ lực – đã chiến thắng.
Cũng như sự dối trá Katyń là nền tảng để xây dựng nhà nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan thì sự thật về Katyń đã là nền tảng của Cộng hòa Ba Lan tự do. Đó là công lao vĩ đại của các Gia đình Katyń, của cuộc chiến đấu cho thân nhân của họ không bị lãng quên. Đó cũng chính là cuộc chiến cho những tưởng nhớ về Ba Lan và đặc thù Ba Lan. Đó là công lao vĩ đại của thế hệ thanh thiếu niên, của các em học sinh như cậu Józef Bałka. Công lao của các thầy cô giáo, bất chấp cấm đoán, vẫn nói về sự thật cho học trò được nghe. Đó là công lao của các vị chủ chăn, trong đó có Linh mục Zdzisław Peszkowski, của người bị giết hại tháng Giêng năm 1989 – linh mục Stefan Niedzielak – người mang sáng kiến đặt Thánh giá Katyń tại nghĩa trang Powiązki. Đó là công lao của những người thợ ghép chữ in trong các nhà xuất bản bất hợp pháp. Đó là công lao của rất nhiều sáng kiến độc lập và của Công đoàn “Đoàn kết”. Của hàng triệu bậc cha mẹ đã kể cho con cháu mình nghe về lịch sử của Ba Lan không bóp méo.
Mới vài ngày đây thôi, Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan đã nhấn mạnh một cách rất chính xác: Người Ba Lan đã trở thành Đại gia đình Katyń. Tôi nhiệt liệt cảm ơn tất cả các thành viên của Cộng đồng này, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân. Có được chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến với dối trá là do công lao to lớn của quý vị. Quý vị đã góp sức phụng sự rất nhiều cho Tổ quốc.
Người Nga cũng đóng góp công lao to lớn trong công cuộc đấu chọi với dối trá Katyń: các nhà hoạt động memorial, các nhà luật gia, các nhà sử học và cả các cán bộ nhà nước Nga, những người đã dũng cảm tiết lộ tội ác Stalin.
7. Katyń và sự dối trá Katyń đã trở thành vết thương đau đớn trong lịch sử Ba Lan, qua hàng chục năm trời làm ngộ độc quan hệ giữa Nga và Ba Lan. Không thể xây dựng quan hệ bền vững trên nền tảng dối trá. Dối trá luôn chia rẽ con người, chia rẽ các dân tộc. Nó thường mang theo căm thù và tức giận. Do vậy, chúng ta cần có sự thật. Lẽ phải không thể chia đều tứ phía. Lẽ phải thuộc về những người chiến đấu giành tự do. Chúng ta, những người Công giáo luôn biết rõ: sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp. Chúng ta hãy để cho vết thương Katyń được gắn lành. Chúng ta đang đi trên con đường hàn gắn đó. Dù còn nhiều đắn đo và nhiều xu hướng, nhưng cho tới nay, sự thật về Tội ác Katyń đã được hé mở nhiều hơn so với một phần tư thế kỷ trước. Chúng tôi đánh giá được các nỗ lực của nước Nga và của người Nga đang phụng sự sự thật mà thứ Tư vừa qua Thủ tướng Nga đã tới thăm khu rừng này, đã đứng tưởng niệm ngay bên những nấm mộ những người bị giết. Nhưng sự thật cần đến những hành động cụ thể hơn, chứ không chỉ lời nói. Giờ đây, cần phải công bố toàn bộ tài liệu liên quan đến Tội Ác Katyń. Mọi bối cảnh liên quan tới tội ác phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và lý giải tới cùng. Cần tổ chức những buổi nói chuyện và thảo luận giữa thanh thiếu niên các nước như Ba Lan và Nga, Ukraina và Bạch Nga, ngay tại đất Katyń này. Quan trọng là phải chính thức khẳng định trước pháp luật rằng các nạn nhân ở đây đều vô tội. Phải làm sao cho dối trá Katyń biến mất và vĩnh viễn rời xa không gian đại chúng. Chúng ta phải tiếp tục bước tiếp con đường hòa hợp các dân tộc của chúng ta, không nên dừng lại trên đoạn đường hiện nay và càng không nên lùi bước. Tuy vậy, con đường dẫn đến hòa hợp đòi hỏi những tín hiệu cụ thể. Trên con đường đó phải có sự tác hợp, phải có tương đồng trong đối thoại, chứ không phải lưu luyến bành trướng. Cần tư duy về những giá trị chung: về dân chủ, tự do, đa nguyên, chứ không nên nghĩ về những vùng ảnh hưởng.
8. Thảm họa Katyń và cuộc đấu chọi với dối trá Katyń là kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ người Ba Lan mai sau. Đó là một phần lịch sử của chúng ta, của tưởng nhớ, của những gì là đặc thù Ba Lan. Nhưng đây cũng là một phần lịch sử Châu Âu và thế giới. Thông điệp Katyn can hệ tới tất cả mọi con người và mọi dân tộc, can hệ đến cả quá khứ và tương lai văn minh nhân loại. Tội Ác Katyń sẽ luôn nhắc nhở chúng ta về những đe dọa tiềm ẩn trong chế độ nô tù, sẵn sàng hủy hoại con người và dân tộc. Tội Ác Katyn còn thể hiện sức mạnh của dối trá. Nhưng Katyn cũng chính là bằng chứng xác đáng cho thấy: con người và các dân tộc – kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất – vẫn luôn chọn lấy tự do và luôn biết bảo vệ sự thật.
Chúng ta hãy cùng nhau cúi đầu tưởng niệm. Chúng ta hãy cầu nguyện trên những tấm mộ của nạn nhân. Vinh quang thay những vị anh hùng! Xin cúi đầu tưởng nhớ!
Bến Việt dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan
Nguồn: http://www.benviet.org/trong-tam:dien-van-tong-thong