(GDVN) – Giọt mồ hôi của người dân ở đâu cũng mặn, với miền Trung nắng lửa, gió lào lại càng mặn hơn nơi khác…
Bốn năm trước, vào ngày 21/8/2010, ông Hồ Xuân Mãn được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân sau hai nhiệm kỳ làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế (2000-2010).
Bốn năm sau ngày ông Mãn trở thành “anh hùng”, đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: “Chuyện anh hùng “rởm” Hồ Xuân Mãn bị “lột” danh hiệu”. Bản tin viết: “Có lẽ, nếu đi kèm danh hiệu được tôn vinh, không có các khuyến khích vật chất hay các điều kiện mang lại lợi lộc khác (ví như kéo dài tuổi công tác, thời gian tại vị…) thì chưa chắc người ta đã bất chấp liêm sỉ như vậy? Có ai đó đã nói nhân dân tinh tường lắm, những người một lòng vì nước vì dân thì dù không có huân chương đỏ ngực nhưng vẫn được dân tin yêu, quí trọng, tôn thờ. Ngược lại, thì chỉ làm bia miệng để người đời khinh bỉ” [1].
Có lẽ ngôn từ báo chí không thể tìm các từ ngữ nào nặng nề hơn so với các từ mà VOV.VN đã dùng như “bất chấp liêm sỉ” hay “người đời khinh bỉ”.
Đọc tin bài về ông Mãn, không hiểu sao người viết lại cảm thấy buồn buồn khi nghĩ đến mảnh đất cố đô với những tà áo tím mộng mơ và giọng nói nhẹ như sương sớm lan tỏa trên núi Ngự, sông Hương, dòng sông mà Tố Hữu đã phải thốt lên: “trời trong veo, nước trong veo…”.
Vì sao mảnh đất hiền hòa với những con người rất đỗi dịu dàng, thanh cao, với di tích cố đô được cả thế giới công nhận ấy lại có một người con lạc lối như ông Hồ Xuân Mãn?
Chắc chắn mười năm ông Mãn ngự trên vị trí cao nhất của mảnh đất cố đô, không ít người đã xem ông là hình mẫu lý tưởng cho con, cho cháu và cũng cho chính bản thân mình noi theo? Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến cho Thừa Thiên – Huế hôm nay lại được nhắc đến với sự cố mà hầu hết người dân thường còn hiểu, chỉ một vài lãnh đạo cao nhất tỉnh này là không hiểu?
Thông tin UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine trên đèo Hải Vân với những giải thích của ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh khiến cho người ta cảm thấy có cái gì đó thật khó chấp nhận.
Vị Chủ tịch này khẳng định, rằng Thừa Thiên – Huế đã làm đúng quy trình và “đã thông qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thẩm định dự án”, rằng “Nếu như phân tích thì có những quy hoạch quốc phòng riêng, lâu nay phía tỉnh cũng chưa rõ lắm, giờ nắm rõ rồi thì dừng thôi” [2].
Khi vụ việc bị truyền thông đặt vấn đề và dư luận xã hội chê trách thì ông Cao vội đổ trách nhiệm cho cấp dưới: “Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô khi cấp phép đã qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ai có ý kiến với việc đó rồi thì phải chịu trách nhiệm”.
Phụ họa với quan điểm của ông Cao, đại tá Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng “Quân khu V nói đất cấp cho dự án thuộc đất quân sự cấp độ 1 là không phải. Cả đèo Hải Vân là đất cấp độ 1 thì kinh tế phát triển kiểu gì? Có những cái cần phục vụ quốc phòng nhưng cũng phải phát triển đất nước nữa” [3].
Nghe ông Chủ tịch Cao trao đổi với truyền thông người ta cứ ngỡ ông nói về chuyện mua mớ rau, con cá chứ không phải chuyện 200 ha đất với hơn 5.000 tỷ đồng làm ăn với người Trung Quốc. Thật kỳ lạ, trên ông Cao còn vị Bí thư nổi tiếng (giải nhì chơi golf sân 18 lỗ), dưới ông còn cả Bộ đội, Công an, Tài nguyên Môi trường… vậy mà “lâu nay phía tỉnh cũng chưa rõ lắm”. Thế thì các ông ngồi đó làm gì, sao các ông lại phủi tay cho rằng “ai có ý kiến với việc đó rồi thì phải chịu trách nhiệm”? Làm đến Chủ tịch một tỉnh mà về an ninh quốc gia lại nói rằng “tỉnh cũng chưa rõ lắm”. Với phát ngôn như thế người dân nên hiểu thế nào về khả năng lãnh đạo của vị chủ tịch này?
Có phải mấy vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế không được cấp dưới báo cáo nên không biết tỉnh nhà có dự án trên đèo Hải Vân? Hay là có biết nhưng vì các vị chưa “bút phê gà chết” nên không thể quy trách nhiệm cho các vị? Còn với ông đại tá Phòng, liệu ông có thể chứng minh dự án cho người Trung Quốc thuê trên đèo Hải Vân thực sự góp phần “phát triển đất nước”?
Bốn năm sau khi ông Hồ Xuân Mãn về hưu, người ta thấy cái văn hóa “Xuân Mãn” vẫn chưa thực sự hưu hẳn, vẫn lảng vảng trong lời ăn, tiếng nói, việc làm của một “bộ phận không nhỏ” lãnh đạo Thừa Thiên – Huế hiện tại.
Có điều ông Mãn gian dối một cách thầm kín khi khai báo thành tích, đến nỗi nghe nói các đồng đội cũ muốn tố cáo ông phải mất hai năm mới sưu tầm được bản thành tích “anh hùng” mà ông khai báo, còn một số người kế tục sự nghiệp của ông ở Thừa Thiên – Huế hiện nay một mặt thì công khai khẳng định họ “làm đúng quy trình”, mặt khác lại ỡm ờ “ai có ý kiến với việc đó rồi thì phải chịu trách nhiệm”. Vậy thì phải cùng nhau tìm xem những ai là người phải chịu trách nhiệm?
Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, trong danh mục “các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh”, Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô là một đơn vị tương đương cấp sở. Ban Quản lý này đã công bố 73 thủ tục cho các cá nhân, đơn vị đầu từ vào KKT Chân Mây-Lăng Cô [4].
Là cấp dưới trực thuộc UBND tỉnh, ông Trưởng ban quản lý KKT Chân Mây-Lăng Cô có dám tự mình ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc mà không thông qua Tỉnh ủy và UBND không? Điều này chắc chắn là không xảy ra, vậy thì người phải chịu trách nhiệm chính cho việc phê duyệt dự án phải là Bí thư tỉnh ủy, ông Nguyễn Ngọc Thiện và Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế ông Nguyễn Văn Cao chứ không phải ai khác.
Không dũng cảm nhận thiếu sót cũng là một biểu hiện của sự gian dối giống ông Hồ Xuân Mãn, nhưng còn tệ hơn ông Mãn là có người đang định đổ hết trách nhiệm cho cấp dưới của mình.
Từ chuyện những người “kế tục sự nghiệp” của ông Mãn ở Thừa Thiên-Huế, người ta có thể liên tưởng đến khá nhiều chuyện khác, chẳng hạn chuyện người “kế tục dòng tộc” của ông Trần Văn Truyền.
Đại tá Đoàn Thế Tân, người phát ngôn Công an tỉnh Bến Tre cho biết, sắp tới Công an tỉnh sẽ kiểm tra những vấn đề liên quan tới tài sản của Đại uý Trần Hoàng Anh, cán bộ công an tỉnh, con trai ông Trần Văn Truyền. Theo Vietnamnet.vn, vị đại úy này mới 33 tuổi, nghĩa là mới làm việc được khoảng 10 năm nhưng đã có khối tài sản đáng giá hơn chục tỷ [5]. Sơ sơ trừ tất cả chi phí sinh hoạt, mỗi năm vị đại úy này “tiết kiệm” được khoảng một tỷ?
Nếu quả thật Công an Bến Tre sẽ kiểm tra tài sản của đại úy Trần Hoàng Anh thì thế nào rồi cũng có lúc người ta sẽ nghĩ đến một gia đình cán bộ khác ở tận ngoài Bắc. So về gia thế, hai ông bố đều có phẩm hàm tương đương, sự khác nhau là một vị đã hưu còn một đương chức. Hậu duệ của hai vị này tuổi cũng tương đương, đều ngoài 30, đều “dồn điền đổi thửa” tại quê nhà, dinh thự của vị ngoài Bắc tuy đang xây dựng nhưng đã được Vnexpress đánh giá là khoảng hơn 4 tỷ [6]. Ở Bắc sau khi ông bố bị UB KTTƯ nhắc nhở phải “tự phê bình nghiêm túc” thì con trai từ lãnh đạo cấp phòng trở thành lãnh đạo cấp sở, còn ở Nam không biết vị đại úy nọ sẽ thế nào?
Cổ nhân nói “trong các tội bất hiếu, không có con nối dõi (mãn truyền) là bất hiếu lớn nhất”. Câu chuyện “Mãn Truyền” nếu kết thúc ở đây thì quả thật khó ăn khó nói với bàn dân thiên hạ. Còn nếu mà “Truyền tiếp”, tỷ như bắt chước Bến Tre, tìm xem con ông Bí thư tỉnh nọ ngoài Bắc lấy đâu lắm tiền mà “dồn điền đổi thửa”, mà xây dinh cơ khủng thì mới là nhà có phúc, mới để lộc cho con, cho cháu mai sau.
Vào Nam, ra Bắc rồi thì cũng đến lúc phải quay lại khúc ruột miền Trung, vậy thì cần đặt câu hỏi: “Thừa Thiên – Huế dừng dự án ai phải bồi thường thiệt hại cho đối tác”? Làm ăn kinh tế đừng có mơ đến chuyện hữu nghị láng giềng năm chữ bảy chữ, nhất là với những kẻ tham lam muốn nuốt cả thiên hạ. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì đã rõ, vấn đề là chỉ rõ ai thiếu trách nhiệm gây hậu quả?
Chủ trương, đường lối phải do tỉnh ủy, đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo, thực hiện phải do UBND đứng đầu là ông Nguyễn Văn Cao quyết, đó là hai người chịu trách nhiệm chính, liên quan sẽ là các bộ phận như Ban quản lý KKT Chân Mây-Lăng Cô, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tỉnh đội Thừa Thiên-Huế …
Không thể lấy tiền thuế của dân để trả giá cho sự thiếu trách nhiệm của quan chức. Song song với việc kiểm điểm trách nhiệm, nếu có vi phạm cần có biện pháp phong tỏa tài sản để nếu cần thì đấu giá lấy tiền mà đền.
Còn một việc khác cũng là việc cần làm ngay, ấy là đưa ngay những vị có liên quan đến dự án trên đèo Hải Vân ra Bệnh viện hữu nghị Việt Xô kiểm tra sức khỏe, tránh để sau này họ lại bị bệnh hiểm nghèo như ông Hồ Xuân Mãn, rồi lại phải mất công phải truy tìm cái bệnh viện quốc tế miền trung nào đó đã cấp cho họ cái chứng nhận “bệnh hiểm nghèo”!
Giọt mồ hôi của người dân ở đâu cũng mặn, với miền Trung nắng lửa, gió lào lại càng mặn hơn nơi khác. Đó là một thực tế, chẳng phải văn hóa cao siêu gì mới nhận thức được.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vov.vn/blog/chuyen-anh-hung-rom-ho-xuan-man-bi-lot-danh-hieu-360301.vov
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thua-thien-hue-bat-ngo-dung-du-an-tren-deo-hai-van-3112674.html
[4] http://tthc.thuathienhue.gov.vn/default.asp?task=unit&UnitId=21
[5] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/209248/kiem-tra–tai-san-con-trai-ong-tran-van-truyen.html
[6] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hai-chu-tich-tinh-bi-ky-luat-2389690.html
X.D.
Nguồn:
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chuyen-Man-Truyen-va-giot-mo-hoi-cua-nguoi-mien-Trung-post152848.gd