Khoa học trong quy hoạch Thủ đô

Hội thảo “GÓP Ý KIẾN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” của đại diện giới Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra sáng ngày 22/4/2010, tại phòng họp tầng 3 trụ sở VUSTA ở 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Đây là một Hội thảo quan trọng nhằm góp ý cho đề án xây dựng Thủ đô Hà Nội trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2050. Như BVN đã dự đoán trong Lời mở đầu bài báo Xây dựng trục Thăng Long giải quyết giao thông và kết nối văn hóa trên BVN ngày 21-4-2010, tại cuộc họp, nhiều KTS, GS, TS đã lên tiếng phản biện ý nghĩa và giá trị khoa học của bản đề án này. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây bản tham luận của KTS Trần Thanh Vân và bản tham luận trích yếu của GS TS Nguyễn Trường Tiến. Để mở đầu, KTS Trần Thanh Vân sẽ có mấy lời đề dẫn về tình hình hội thảo.

Bauxite Việt Nam

Điều khiển Hội thảo “Góp ý kiến quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” trong buổi sáng ngày 22/4/2010 là Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, quyền Chủ tịch VUSTA VN và Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN. Dự Hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Kiểm, hai vị nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tiến sĩ KH Nguyễn Mại và GS Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo ND Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN, ngoài ra còn có nhiều gương mặt rắn rỏi nhưng đầy suy tư khác.

Tất cả phải chuẩn bị bài và lần lượt bị gọi đọc bài tham luận.

Mọi người gần như có nhận xét giống nhau là Đồ án Quy hoạch làm khá công phu, nhắc đến nhiều khái niệm, nhưng khái niệm nào cũng mới chỉ hời hợt mà chưa thể hiện tính nhất quán của một ý tưởng chủ đạo. Mọi người hỏi nhau rằng từ năm 1961 đến nay đã 7 lần làm quy hoạch chung, 7 lần đều được cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Nhà nước phê duyệt, liệu lần này có sẽ được phê duyệt chóng vánh rồi lại bỏ xó hay không? Tại sao Đồ án lần này không đếm xỉa một chút gì đến ưu điểm hoặc khuyết điểm của những Đồ án đã qua? Đồ án lần này có một Đô thị lõi và 5 Đô thị vệ tinh, nhưng ở Trung tâm đô thị lõi là Hồ Hoàn Kiếm cũng xây Trung tâm thương mại cao 8 tầng, Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là vùng đồi núi có Học viện Phật giáo và nhiều công trình tâm linh trên núi cao cũng có những tòa nhà cao 8, 10 tầng. Lại nữa, tỷ lệ “Đất xanh” của Hà Nội mới sẽ là 70% diện tích cả thành phố, nhưng người ta sẽ làm gì trên những nơi có tên là “Vành đai xanh”, “Hành lang xanh” và “Đô thị xanh” đó ? Đặc biệt ý kiến đa số tập trung phê phán vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia và Trục đường Thăng Long dài 30 Km từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì  như tôi đã thông báo trên BVN ngày 21-4-2010.

Giữa chừng hội thảo, Tiến Sĩ Hồ Uy Liêm giơ bản thuyết minh có 5 chữ ký đứng lên nói: “Chúng ta được Nhà nước cấp cho 300 triệu đồng để tổ chức nghiên cứu đóng góp ý kiến về Quy hoạch Thủ đô trước khi trình lên Quốc hội, nhưng tôi băn khoăn chúng ta sẽ góp ý kiến với ai đây? Liên danh tư vấn Quốc tế PPJ là đơn vị trúng thầu ký hợp đồng giá trị gần 7 triệu USD, nhưng người trực tiếp làm Quy hoạch lại là Viện Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Hôm nay hồ sơ gửi đến đây cho chúng ta có cả các chữ ký của ba đơn vị nước ngoài và hai cơ quan Việt Nam. Họ cùng ký trên một hàng ngang như nhau tức là họ cùng đồng trách nhiệm, cũng tức là sẽ KHÔNG CÓ AI CHỊU TRẤCH NHIỆM CẢ”.

Lúc ấy có tiếng nói của ai đó chen vào: “Như thế là sai pháp luật, PPJ ký hợp đồng làm thuê cho Chính phủ ta, PPJ nhận tiền, PPJ thuê ai vẽ ta không quan tâm. Nếu bây giờ ta không đồng ý ta bắt PPJ phải sửa, thế thôi”.

Lại có tiếng nói khác chen vào: “Nhưng Bộ Xây dựng là chủ đầu tư, hai đơn vị VN nói trên làm việc theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng và cũng để giám sát PPJ”.

Tiếng nói đầu tiên lại cất lên: “Thế hóa ra Quy hoạch này là của Bộ Xây dựng, của một nhóm người VN làm việc theo chỉ đạo của anh em nhà ông Nguyễn Hồng Quân và Nguyễn Đình Toàn, không phải của Liên danh tư vấn Quốc tế sao? Vậy họ ký hợp đồng, nhận tiền để đi chơi à?”.

GS Nguyễn Thế Bá cười nói “Họ chơi và họ mặc kệ ta làm gì tùy thích”.

Quyền Chủ tịch VUSTA Hồ Uy Liêm vội trấn an: “Dù sản phẩm Quy hoạch này do ai làm thì đây cũng là công việc hệ trọng của đất nước ta, chúng ta vẫn phải đóng góp ý kiến. Tôi sẽ sớm kiến nghị mời một vị có trọng trách nghe trực tiếp ý kiến của chúng ta, không thông qua trung gian nào hết, có thể sẽ mời ông Trương Tấn Sang. Xin các anh chị chuẩn bị tinh thần, tôi sẽ triệu tập sớm”.

GS Trần Ngọc Hùng đứng dậy, giơ bộ thuyết minh của PPJ ra: “Tôi chỉ nhận được bộ thuyết minh tóm tắt này, chắc mọi người cũng chỉ đọc bộ này thôi, đúng không? Nghe nói thuyết minh chính của họ dài những 400 trang, họ viết gì trong đó? Chúng ta không được đọc thì ai sẽ được đọc? Tại sao chúng ta phải xin được phản biện? Tại sao chúng ta phải xin được đọc tài liệu này, tài liệu kia?”

GS Nguyễn Thế Bá cười rất hồn hậu: “Tôi là Kiến trúc sư, được đào tạo bài bản hẳn hoi. Hơn 40 năm qua tôi cũng đào tạo ra rất nhiều Kiến trúc sư, trình độ của họ không xoàng đâu. Nếu bây giờ Nhà nước trả cho chúng ta 10% số tiền trả cho PPJ , các anh chị và tôi sẽ chỉ dẫn cho các em đó làm ra sản phẩm tốt hơn bộ hồ sơ này”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng quay sang phía tôi “Nãy giờ toàn giọng nam căng thẳng quá rồi, Chị Vân phát biểu cho vui vẻ một chút đi”.

Tôi đưa bài phản biện của tôi nhưng không đọc và nói : Bài phản biện của tôi rất ngắn, Tôi tập trung nói về khái niệm Phong thủy và Triết học Đông Tây. Sáng sớm hôm nay Vietnamnet và mạng Ashui.com đã đăng nhưng đều cắt đi phần “Đi tìm góc sống của người Hà Nội”. Tôi thì muốn mọi người quan tâm chuyện đó, vì Hà Nội có Hồn, Tôi càng muốn giữ Hồn Thăng Long thấm đậm ở Tây Hồ Tây. Chiều qua tôi đã trao đổi với TS Trần Văn Khoát rồi, anh ấy vẫn giữ ý kiến đã hứa là chúng ta hãy đòi Tây Hồ Tây về tay chúng ta, Keystone VN sẽ thanh toán sòng phẳng mọi chi phí Hàn quốc đã bỏ ra, dù 1376 tỷ đồng hay hơn

Trần Thanh Vân lược thuật

A – Phong thủy

Cách đây không lâu, vào ngày 15/12/2009, lần đầu tiên tại Hà Nội, Hội thảo “Tính khoa học của Phong thủy trong Kiến trúc và Xây dựng” do Trung tâm Lý học Đông phương thuộc Trung ương Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á tổ chức đã diễn ra sôi động và đã thu được kết quả rất đáng ghi nhận. Lần đầu tiên trước đông đảo người nghe, các chuyên gia đã phân tích mối quan hệ tương tác giữa con người với thiên nhiên và nêu rõ để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc êm ấm, thì gia chủ phải biết chọn hướng nhà, mở ngõ, trổ cửa, phải biết đón ngọn gió lành, hứng dòng nước trong… Cũng như xây dựng một đô thị, một vùng dân cư, các nhà quy hoạch phải biết xác định các địa điểm công năng hợp với thiên nhiên, khí hậu, địa hình địa chất và thủy văn, để đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững và trường tồn. Hội thảo đã được chuẩn bị công phu, tuy chưa bàn hết mọi điều cần thiết nhất, nhưng đã giúp ta hiểu về cấu trúc Phong thủy TỰA NÚI NHÌN SÔNG & RỒNG CUỘN HỔ CHẦU có một cơ sở khoa học mà Đức Lý Thái Tổ đã viết ra trong bản THIÊN ĐÔ CHIẾU 1000 năm trước.

Sau 1000 năm, Thủ đô ta đã có rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới cấu trúc Phong thủy, trong đó thay đổi lớn nhất là là dân số đã phát triển lên gấp trên 10 lần năm 1010. Đất chật người đông là một vấn nạn rất lớn khiến chúng ta phải chật vật xoay xở khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm. Thay đổi tiếp theo là hệ thống đê điều dài 1600Km đã ngăn sông Hồng đưa phù sa bồi đắp làm mầu mỡ đồng bằng Bắc Bộ sau mỗi mùa nước lên, khiến cho Vựa lúa Sông Hồng ngày nay trở nên nghèo kiệt, sụt lún, còn đáy con sông thì mỗi năm một dâng cao, nên mùa mưa thì nước lũ như sắp tràn mặt đê và luôn luôn đe dọa vỡ đê, còn mùa khô thì dòng sông bị cạn kiệt, trơ đáy, nạn hạn hán đe dọa mùa màng và đời sống dân cư hàng ngày.

PHONG LÀ GIÓ, THỦY LÀ NƯỚC, dòng nước trong và ngọn gió lành là hai yếu tố thiên nhiên quan trọng mà con người muốn sống tốt, muốn phát triển tốt thì phải biết tôn trọng và gìn giữ. Đó là chưa nói đến vấn nạn lớn nhất mà cả nhân loại đang bị uy hiếp là BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU sẽ đưa đến những tai họa đột ngột ngoài sự dự báo thông thường của con người như động đất, núi lửa, xói lở, sóng thần, lũ quét, mưa bụi mang khí độc hại dẫn tới hủy diệt…

Thủ đô hôm nay đã mở rộng tới 3344 Km2 là một thuận lợi rất lớn và cũng đặt ra nhiều thử thách mà các nhà Quy hoạch phải biết vận dụng sự hiểu biết rất tổng hợp để hoạch định bức tranh đô thị trong tương lai.

BTriết học.

Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2003) đã hoàn thành công trình nghiên cứu đồ sộ dùng khoa học hiện đại Phương Tây là Toán học và Vật lý lý thuyết, để lý giải Triết học cổ Đông phương, trong đó ông đặc biệt coi trọng Cơ sở Kinh dịch cổ và Lý thuyết Tập mờ của Nhà toán học người Mỹ L.A.Zadeh mới xuất hiện năm 1965. Giáo sư Hoàng Phương cũng là một tín đồ trung thành với lý thuyết tương đối của Albert Einstein. Theo ông 2+2=5 là do có con số 1 vô hình đang tồn tại ở đâu đó, người thường chúng ta khi chưa hiểu thì gọi đó là yếu tố tâm linh hay mê tín gì đó. Thực ra con số 1 hay 2 đó vẫn đang tồn tại, nó sẽ trở thành cấp số cộng hay cấp số nhân, hoặc nó vĩnh viễn mất đi là do cách ứng xử và trí thông minh của mỗi chúng ta.

Một trong những đóng góp lớn của Giáo sư Hoàng Phương là ông đã dùng lý thuyết Y học Đông phương để “giải phẫu” một cơ thể người, ông khẳng định con người là một Vũ trụ thu nhỏ, trên cơ sở đó, ông lý giải một quốc gia, hay một đô thị, cũng đều là một cơ thể người, cơ thể đó cần có một cái đầu chứa bộ não thông minh, một bộ khung xương vững vàng, các khớp xương linh hoạt, một hệ tuần hoàn lưu thông máu đến nuôi mọi bộ phận trên cơ thể và một hệ thần kinh trung ương nhạy bén để điều khiển mọi phản xạ của cơ thể.

C- Thăng Long Kinh đô ngàn năm

– Trong suốt 700 năm của ba Triều đại Lý, Trần, Lê, dân số rất ít nên Thăng Long gần như không thay đổi. Hoàng thành nhỏ hẹp ở phía Nam Hồ Tây, quân lính bảo vệ Kinh thành đồn trú ở phường Nhật Chiêu phía Bắc Hồ Tây, án ngữ toàn bộ sông Hồng và ngã sông Đuống. Nằm giữa hai bộ phận trên là “Não thủy” Hồ Tây. Nơi đó cách đỉnh Ba Vì 26Km theo đường chim bay. Nếu đỉnh Ba Vì là nơi “tỏa khi”, thì vùng này là nợi “Thụ khí”. Hồ Tây là nơi tạo nên niềm kiêu hãnh của Văn hóa Thăng Long, nơi có huyệt đạo quốc gia, nơi lui tới của anh hùng hào kiệt, nơi tập trung các phường hội thủ công buôn bán. Đặc biệt góc Tây Nam là Bến Hồng Tân (Chợ Bưởi ngày nay) là Ngã ba Tam hợp, nơi sông Tô Lịch gặp sông Thiên Phù nối với Hồ Tây qua phường Hồ Khẩu và có thuyền buôn trong nước ngoài nước ra vào tấp nập. Các làng quanh Hồ Tây xưa đều được gọi là “phường” và sông Thiên Phù (Trời giúp) làng Bái Ân và Đình, Chùa Bái Ân (nơi Vua tôi xưa đến làm lễ tạ ơn Trời Đất)

– Từ đầu thế kỷ XIX: Kinh đô chuyển vào Huế, thành phố Hà Nội đô thị hành chính phục vụ Chính quyền bảo hộ xuất hiện. Sông Tô Lịch bị lấp, Ngã ba Tam hợp bị xóa, Trung tâm thương mại chuyển sang phía Đông Nam thành phố, Hồ Lục Thủy, nơi thủy binh tập trận thời Lê Trịnh trở thành Hồ Hoàn Kiếm, còn Hồ Tây và các phường hội quanh Hồ trở thành làng xã của huyện ngoại thành Từ Liêm. Quy hoạch cũ của người Pháp có lúc vẽ Hồ Tây là một “Đại công viên”, nhưng có lẽ vì thiếu ngân sách, ý tưởng đó mới chỉ dừng lại trên bản vẽ.

Từ khi Hà Nội là Thủ đô của Nước VN dân chủ Cộng hòa năm 1945 cho đến nay, thành phố Hà Nội xinh đẹp nhỏ nhắn khi xưa bị  phá nát từng ngày. Hà Nội – Thành phố Trong Sông ngày càng chật chội, tù túng, người Hà Nội sống khép mình, không dám nghĩ, không dám làm và không sao thoát ra khỏi tâm lý tự ty, mặc cảm,

– Từ ngày Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các nhà quy hoạch, các nhà chiến lược bị ngợp trước cánh cửa đã mở rộng và không ý thức được bước đi của mình phải từ đâu đến đâu?

D Thấy gì qua 4 lần báo cáo của PPJ?

Qua bốn lần báo cáo, bản vẽ ngày càng nhiều, thuyết minh ngày càng dài, Video Clip hiện lên một đô thị lõi và 5 đô thị vệ tinh lộng lẫy rực rỡ ánh đèn, ở đâu cũng thấy nhà cao tầng, ở đâu cũng có đường giao thông trên cao bay lượn như những con Rồng khổng lồ. Xem xong, đọc xong những sản phẩm đó, người có ý thức không thể không đặt ra câu hỏi:

1- Hoàng thành Hà Nội ở đâu?

Hoàng thành là nơi Vua ở, là bộ mặt của đất nước, là nơi phát ra “Lệnh Trời”. Ngày nay không có Vua nhưng vẫn có những người cầm đầu đất nước. Ta gọi đó là trung tâm chính trị hay trung tâm hành chính quốc gia đều được. Nhưng phải là nơi thể hiện bộ mặt của Thủ đô, nơi linh thiêng, ổn định, trường tồn. Để đảm bảo vị thế của dân tộc với bên ngoài, lòng tin của nhân dân và biểu tượng trường tồn của đất nước, Thủ đô của quốc gia nào cũng cần phải có Hoàng thành xứng đáng.

Năm 1945 đến nay Hoàng thành ở tạm tòa nhà Phủ toàn quyền Đông Dương và các nhà phụ kế bên, chưa kể 9 năm kháng chiến chống Pháp phải trốn vào rừng sâu ở huyện Sơn Dương trên chiến khu Việt Bắc. Đã đến lúc dứt khoát ta phải có một Hoàng thành hoàn chỉnh, thể hiện rõ tư thế, bộ mặt của nước ta. Không thể tiếp tục tình trạng trước kia ở trong phố cũ là tạm, nay đưa một phần ra Mỹ Đình cũng tạm, để tương lai rất xa sau này sẽ chui vào chân núi Ba Vì ư? Đỉnh Ba Vì là nơi tỏa khí thì chân Ba Vì không thể là nơi thụ khí. Đó là “góc chết” của vòng tròn vận khí, đặt TTHC Quốc gia ở chân núi Ba Vì là ta xây một ẨN LONG, không còn một THĂNG LONG nữa

Chọn đất xây dựng Hoàng thành cần xem xét một trong 2 khả năng:

**- Chọn nơi thụ khí linh thiêng nhất là Tây Hồ Tây. Hồ Tây hiện nay chỉ còn Tây Hồ Tây thuộc phường Xuân La, nhưng Hà Nội đã duyệt chỗ đó cho khu đô thị mới 210 ha gồm trung tâm thương mại, tài chính, khách sạn, biệt thư do Hàn quốc đầu tư. Đó là nơi duy nhất còn lại của “Não thủy”, đây là nơi cho trí tuệ, tài năng, sáng tạo và thờ cúng nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần của dân cả nước. Bởi vậy dù ai là chủ đầu tư cũng không bao giờ được biến nơi đây thành nơi buôn bán lừa lọc để kiếm lợi. Hơn nữa, về quy hoạch không nên là bàn cờ ô vuông như đã duyệt. Đất nước sẽ thịnh hay suy chính là việc nhìn nhận cho đúng vùng đất này.

**- Chọn nơi ổn định địa tầng không bị sụt lún, đảm bảo trường tồn vĩnh cửu là vùng huyện Quốc Oai, bên bờ sông Đáy. Muốn vùng này có khả năng “Thụ khí” tốt thì dứt khoát phải cải tạo đập Phùng và khơi lại sông Đáy để đưa được nước sông Hồng vào sông Đáy và làm mát vùng đất này.

2 –Trục Thăng Long đi từ đâu đến đâu?

Theo sơ đồ PPJ đưa ra thì Trục Thăng Long đi qua Phủ Tây Hồ, tức là trên đường 21 độ Vĩ Bắc, 3’ cộng trừ 30’’. Nhưng báo cáo lần 4 nói nhiều tới Trục Thăng Long kéo dài đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì. Trục này sẽ có giao thông bộ, giao thông ngầm, giao thông trên cao và rất nhiều nội dung phong phú khác. Dư luận đang xôn xao muốn biết đề xuất này xuất phát từ nhu cầu nào? Lưu lượng giao thông sẽ là bao nhiêu? Trục Thăng Long nối Ba Vì với Trung tâm thành phố, vậy “Trung tâm” sẽ là DỐC CHỢ BƯỞI hay còn đi tiếp đến LÀNG YÊN THÁI? Phải chăng ý đề xuất còn quá sơ sài và khiên cưỡng nhưng lại dự định bắt đầu khởi công từ năm 2011, sẽ biến con đường rất tốn kém này thành “con đường chết” vì sẽ không ai có nhu cầu đi 30Km từ Ba Vì đến mua một bó hoa ở Chợ Bưởi và nhìn sông Tô Lịch bị chặt cụt ở đầu đường Hoàng Quốc Việt một lát rồi quay về. Nếu tác giả muốn có một đề xuất hoàn chỉnh nối sông Tô Lịch, sông Nhuệ với Hồ Tây, tái tạo một ngã ba Tam hợp đô hội sầm uất như khi xưa thì phải có một phương án nghiên cứu tổng hợp và khái toán sơ bộ để liệu cơm gắp mắm. Bỗng dưng bàn đến việc năm 2011 khởi công trục Thăng Long để nối văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài, nghe ra hơi hấp tấp và khập khiễng. Dư luận cũng cho rằng nếu tác giả đồ án muốn coi đây là một “Trục tâm linh” thì cần xem xét lại, vì “Trục tâm linh” là trục không gian được nối bằng đường đi xoáy trôn ốc và phải dịch lên hướng Bắc 1Km nữa, vì đó mới là Đại Minh Đường. Khi nói đến tâm linh, người ta kiêng một đường thẳng tắp đi đến một địa điểm giống như một mũi tên xuyên thẳng vào tim, cần phải tạo nên đường chéo, đường xoáy trôn ốc hoặc dùng biện pháp “yếm cảnh” (trốn) và “chướng cảnh” (che chắn) Không nên học theo Paris hay Bắc Kinh, họ có lý của họ, không tiện nói tại đây

3- Bảo tồn đô thị lõi

Đô thị lõi của Hà Nội nên hiểu gồm 2 khu vực: Khu vực bên trong vành đai 1 là khu Hà Nội cũ của người Pháp để lại và khu vực mở rộng ra tới đường vành đai 3 là khu mới hình thành ba chục năm qua.

Khu vực bên trong vành đại 1 sẽ “Bảo tồn” ra sao nếu Hà Nội vẫn tiếp tục cho xóa kiến trúc thấp tầng để xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn cao tầng? để thu hút ngày càng nhiều người đến chen chúc kinh doanh buôn bán? Để diện mạo Hà Nội không ngừng thay đổi, càng thêm tắc nghẽn giao thông, càng thêm ngột ngạt?.

Hơn nữa, để hiểu đúng nghĩa “bảo tồn” thì không chỉ cần bảo tồn công trình kiến trúc mà rất cần bảo tồn giá trị văn hóa, bảo tồn “thần thái” của Hà Nội thanh lịch.

Góc sống trong rừng của người Hà Nội hôm nay – Góc vẽ.

Góc sống trong rừng của người Hà Nội hôm nay – Góc vẽ.

Vừa qua, nhân dịp đầu xuân, giới Kiến trúc sư đã tổ chức các chuyến thăm viếng nhiều gia đình Hà Nội đang sống trong các làng xóm và các góc rừng ở các vùng ngoại ô, trong chuyên mục “Đi tìm góc sống của người Hà Nội”. Mọi người thích thú bỏ phiếu chọn nhà ở của gia đình nghệ sĩ Phó Đức Vạn – Trịnh Thi An (anh ruột nhạc sĩ Phó Đức Phương) ở một sườn đồi thuộc Thị trấn Xuân Mai làm thí dụ điển hình. Với số tiền không quá lớn, TS KTS Phó Đức Tùng, người con lớn của gia đình, đã tạo ra cho gia đình một góc sống rất có văn hóa và rất đáng sống, vì ở đó không chỉ có phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, phòng nghỉ ngơi, mà còn có phòng vẽ tranh, phòng triển lãm, phòng hòa nhạc…mỗi ngày nghỉ cuối tuần có khách viếng thăm, nữ nghệ sĩ Piano kiêm họa sĩ Trịnh Thi An bận rộn bếp núc để chuẩn bị bữa ăn ngon. Đến đây, khách sẽ tìm thấy không khí vui vẻ, lịch thiệp của người Hà Nội, ở đây không có tiếng ồn ào, tiếng văng tục chửi bậy như trên đường phố Hà Nội hôm nay.

Nếu quanh đây chỉ cần có một nhóm 5, 10 gia đình, thì góc sống này đỡ buồn tẻ hơn nhiều. Người Hà Nội đang dần dần đi ra khỏi Hà Nội, để người không Hà Nội nhưng có nhiều tiền đến làm ăn tính toán kiếm nhiều tiền hơn trong lõi đô thị?

Nhưng, nếu Thủ đô chúng ta chỗ nào cũng rực rỡ như trong Video Clip thì người Hà Nội mất hẳn đất sống rồi!!!

TTV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in xây dựng and tagged . Bookmark the permalink.