“Cách điều chỉnh dư luận tốt nhất chính là bằng sự thật. Chỉ cần người dân được biết sự thật, được cung cấp đầy đủ thông tin, sẽ không ai phát biểu bừa để đến mức cán bộ phải than rằng: ‘Không thể chỉ nghe dân nói vì… dân là gian’” – Khương Duy.
Nhưng tiếc thay, sự thật không phải bao giờ cũng là miếng bánh ngọt để trình ra với dân chúng như ý muốn của người cầm quyền, bởi vì đội ngũ thừa hành chức việc mà chúng ta từng biết lâu nay lại có quá nhiều khuyết tật – tham nhũng và làm dối, chưa nói trình độ về mọi mặt thường rất yếu kém. Bởi thế, phơi bày sự thật nhiều khi lại trở thành như xát muối vào mặt, và cái điều tưởng đơn giản là xác nhận sự thật với dân chúng, khi dân chúng đã cảm nhận được nó từ đời sống thực tế, không dễ gì đánh lừa họ được nữa, hoặc gắng tường trình cho dân chúng rõ thêm khi còn những chuyện mập mờ lẩn khuất ở phía sau, thì hóa ra đấy lại là điều khó khăn bậc nhất. Nói như người xưa thì phải “vượt qua bốn núi” mới làm được chuyện vô cùng giản dị ấy.
Bauxite Việt Nam
Lỡ lời hay tư duy cố hữu?
Tuần qua, một sự kiện khiến dư luận nhân dân vui mừng đã được các báo đồng loạt đăng tải – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kháng nghị hủy án toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Nông trường Sông Hậu để điều tra lại do có nhiều sai phạm về tố tụng.
Dù sự trong sạch hay tội lỗi của người nữ anh hùng Trần Ngọc Sương sẽ lại một lần nữa phải đem ra thử lửa pháp luật, người dân đều tỏ ra hồ hởi bởi cuối cùng cơ quan có chức năng giám sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố Nhà nước cũng đã lên tiếng đáp lại sự mong mỏi của nhân dân.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo định kỳ sáng ngày 8/4, Phó Bí thư Thành ủy Phạm Thanh Vận đã phát biểu: “Chúng tôi cũng đang đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng dư luận về vụ NTSH.”[1]. Quả thực phát biểu này khiến những người dân thường phải hiểu như thế nào? Ông Vận lỡ lời hay đây là tư duy cố hữu của nhiều cán bộ, luôn nghĩ tới việc dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh, định hướng dư luận?
Khi sự kiện Nông trường Sông Hậu được báo chí đưa tin Viện KSNDTC kháng nghị hủy bản án vụ án để điều tra lại, người dân có quyền suy xét thông tin này theo suy nghĩ, ý thức pháp luật và tình cảm của họ. Người yêu quý bà Ba Sương vui mừng vì người phụ nữ họ mến mộ có cơ hội được minh oan.
Người quan tâm tới khía cạnh tố tụng của vụ án thấy an tâm vì các sai phạm trong quá trình điều tra, khởi tố đã được Viện KSNDTC thẳng thắn vạch ra. Người giữ thái độ công tâm, không bị cảm xúc riêng chi phối thì mong khi điều tra lại công, tội của bà Ba Sương và các yếu tố biến bà từ người có công thành người có tội phải được phán xét thỏa đáng.
Đây là tính đa chiều của dư luận, và không một cơ quan nào có thể định hướng được dư luận, cho dù sử dụng biện pháp hành chính hay tuyên truyền. Ngoài ra còn phải nói tới sự cần thiết phải định hướng dư luận – định hướng để làm gì? Định hướng phục vụ mục đích gì? Trong quá trình Viện KSNDTC nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, suốt một thời gian dài báo chí không đưa tin để đảm bảo tính khách quan khi chưa có kết luận cuối cùng.
Hiện nay, kết luận đã đưa ra, dư luận có quyền lên tiếng và bình luận. Sự quan tâm ngay lập tức của nhân dân với vụ việc khi nó quay trở lại mặt báo cho thấy trong suốt thời gian qua, dư luận vẫn chờ đợi, suy nghĩ và bàn thảo về vụ việc này. Rõ ràng, xét riêng việc này, việc TP Cần Thơ có ý định yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng dư luận đã là không hiệu quả, là can thiệp quá sâu vào chuyên môn của ngành tư pháp.
Định hướng dư luận bằng sự thật
Thực tế, cách điều chỉnh dư luận tốt nhất chính là bằng sự thật. Chỉ cần người dân được biết sự thật, được cung cấp đầy đủ thông tin, sẽ không ai phát biểu bừa để đến mức cán bộ phải than rằng: “Không thể chỉ nghe dân nói vì… dân là gian“.
Câu nói này không phải là “phát ngôn ấn tượng” của riêng một vị cán bộ phường nào đó, dám chắc dù không nói ra nhưng không ít thì nhiều người ở cương vị lãnh đạo đã có lúc bực mình vì người dân không hiểu, hoặc hiểu không đúng chủ trương nên phát biểu bức xúc.
Thực chất của vấn đề là do người dân chưa có đủ thông tin chính xác. Thông tin của chúng ta không thiếu, nhưng dường như không trọng tâm. Sự thật nhân dân cần biết thì lại được coi là nhạy cảm, hoặc được trình bày vòng vo, hoặc rất sơ sài, chính vì thế người dân không thể nắm bắt được sự việc một cách toàn diện.
Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Rất khó để đưa ra một dự án rồi đề nghị nhân dân cứ tin đi vì dự án sẽ có lợi ích to lớn lắm! Trong khi đó bao nhiêu vấn đề đằng sau nó người dân không được biết. Không biết thì làm sao có thể tin? Không tin thì sao có thể đồng thuận? Tạo sự đồng thuận bằng công cụ hành chính hay tuyên truyền chỉ là bề nổi, giống như việc định hướng dư luận về một vụ án. Muốn đạt được sự đồng thuận thực sự, chỉ có thể nhờ vào thông tin minh bạch, trung thực. Khi nắm được sự thật, dư luận không cần ai định hướng cũng sẽ biết phân biệt đâu là đúng, sai, phải, trái, thiệt, hơn.
Nhiều khi, sự mơ hồ, hời hợt khi thông tin khiến dư luận phản ứng tiêu cực trong khi bản chất sự việc không đúng như vậy. Thí dụ việc người Việt tham gia lễ tế Phục Ba Mã Viện hay mới đây trang web của UBND Tỉnh Hà Giang đăng rồi lại gỡ xuống tin tức về việc tổ chức đón Đại sứ Trung Quốc tới thăm nghĩa trang liệt sỹ nhân tiết Thanh minh.
Để dư luận xôn xao về những chuyện không đâu như vậy mới là cái thiếu nghiêm trọng của công tác “định hướng dư luận”. Thay vì cố gắng lái dư luận theo một hướng nào đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên phối hợp với cơ quan báo chí cung cấp thông tin xác thực, đầy đủ, đa chiều để dư luận tự định hướng thật công minh và đúng đắn.
KD
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-16-dinh-huong-du-luan-bang-su-that–