Ngày 5 tháng 5 vừa qua, đúng vào lúc giàn khoan HD 981 vừa đột nhập vào lãnh hải của ta làm cả nước sục sôi căm giận và đang cần có nhiều tiếng nói cất lên để thị uy trước nhà cầm quyền Trung Quốc đồng thời đánh động dư luận quốc tế thì nhà cầm quyền Việt Nam ra lệnh bắt khẩn cấp công dân Nguyễn Hữu Vinh theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
Bộ Công an cho biết, việc bắt giữ ông Vinh được thực hiện sau khi cơ quan công an đã thực hiện nhiều biện pháp vận động, thuyết phục ông này dừng hành vi chống phá Đảng, Nhà nước nhưng không được.
Một trong các tờ báo “lề phải” của Đảng kể tội ông Nguyễn Hữu Vinh như sau:
“Tính từ năm 2009 đến nay, trang mạng anhbasam đã đăng tải hàng trăm nghìn bài viết, trong đó có nhiều bài viết có nội dung vi phạm. Trang mạng Chép sử Việt cũng đăng tải những bài viết tương tự. Trong đó, một số bài viết điển hình về việc chống phá, đả kích Quốc hội, tập thể, cá nhân đã được xác định.
Đó là các bài viết “Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi”, “Tín nhiệm hay còn ai tín nhiệm nữa”, “Không còn Đảng, không còn mình – Không còn Đảng, mình vẫn còn”, “Khởi công xây dựng mộ treo thứ hai cho Hồ Chí Minh”, “Ủng hộ Thủ tướng thay đổi thể chế”…”
Một tờ khác:
“Thậm chí, Nguyễn Hữu Vinh còn bênh vực, ủng hộ hành động đáng lên án của đám học viên tự xưng “Pháp Luân Công” Nguyễn Doãn Kiên và đồng bọn trong việc phá tượng đài Lê Nin. Ngay khi Nguyễn Doãn Kiên bị bắt, ngoài việc lên án chính quyền để bảo vệ Kiên, Nguyễn Hữu Vinh còn điên cuồng kêu gọi tấn công Lăng Hồ Chủ tịch bằng “bom” như quảng trường Thiên An Môn đã từng bị khủng bố.
Lần lượt các cố lãnh đạo Đảng Cộng sản như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn… bị Nguyễn Hữu Vinh đưa lên “chép sử” để bêu riếu, xúc phạm bằng những lời lẽ châm chọc kiểu “thâm nho Bắc Hà”. Việc tấn công các vị cố lãnh đạo không chỉ muốn làm lu mờ hình ảnh của Đảng Cộng sản trong mắt nhân dân, mà cái đích sâu xa của Nguyễn Hữu Vinh và Việt Tân là thông qua đó nhắm vào các vị lãnh đạo hiện nay của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị Nguyễn Hữu Vinh gắn mác “thân tàu””.
Nghe kể tội mới thấy yêu mến, quý nể Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh biết chừng nào.
Vợ Nguyễn Hữu Vinh, trong thư gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện đã “nhận tội” của chồng như sau:
“Theo tôi, trang thông tin Anh Ba Sam của chồng tôi chỉ là trang thông tin cá nhân, ghi nhận thông tin từ các trang thông tin báo chí chính thống và thông tin công khai bên ngoài với tính chất như điểm tin với mong muốn cung cấp cho Bạn đọc có được nhiều luồng thông tin khác nhau về một vấn đề để có nhìn nhận khách quan, trên cơ sở đó đưa ra ý kiến đóng góp thiết thực hữu ích cho đất nước và cho nhân dân.
Các nội dung chính trang thông tin này tập trung đăng tải là:
Cảnh báo về tình hình biển Đông, biên giới để Nhà nước, nhân dân nêu cao cảnh giác đối phó với tình hình Trung Quốc xâm lấn, thôn tính đất nước.
Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thực tế xảy ra trên nhiều lĩnh vực để Nhà nước và nhân dân được biết góp phần làm trong sạch Bộ máy Nhà nước, trả lại niềm tin cho nhân dân.
Cung cấp những bài viết liên quan đến việc thực thi đúng Hiến pháp về nhân quyền, tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng; chống bè phái, cục bộ địa phương đơn vị; chống lợi ích nhóm; chống bè phái độc quyền; chống đàn áp nhân dân, cần lắng nghe ý kiến nhân dân; quan tâm hơn nữa đời sống nhân dân (nhất là các vùng nông thôn, miền núi, dân tộc).
Nêu và kiến nghị về đường lối đối ngoại của đất nước phải rõ ràng, rành mạch, không được lấp lửng, không dĩ hòa vi quý, không định kiến. Trang thông tin như muốn nói rõ: cần hợp tác toàn diện với nước Mỹ, các nước trong cộng đồng Châu Âu, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu (cũ, mới) và Ấn Độ;… Có như vậy mới không lệ thuộc kinh tế của Trung Quốc, bảo vệ được chủ quyền của đất nước.
Do đó, việc chồng tôi làm là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp, trong khuôn khổ pháp luật cho phép (pháp luật không cấm) về quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền tự do ngôn luận; quyền được đưa ra và thể hiện chính kiến của mình. Đồng thời quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra nói””.
Đấy là sự thật, là công lớn của “Anh Ba Sàm” và “Chép Sử Việt” mà tất cả các độc giả sáng suốt đều thừa nhận.
Tin rằng không chỉ vợ, con mà tất cả trí thức, tất cả các nhà báo Việt Nam chân chính đều cảm phục và tự hào về Nguyễn Hữu Vinh.
Vợ Nguyễn Hữu Vinh là Lê Thị Minh Hà, sinh năm 1958, trú tại: 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, nguyên là học sinh khóa D8 – Đại học An ninh Nhân dân, cán bộ Viện Nghiên cứu Khoa học Công an.
Nhà thơ-nhạc sỹ tài ba Nguyễn Trọng Tạo thì bình luận về trang “Anh Ba Sàm” như sau:
“Đấy là một trang điểm tin hàng ngày (thỉnh thoảng có bình luận vài dòng rất ấn tượng), tổng hợp các tin tức từ báo trong nước và quốc tế, báo “lề phải” và “lề trái” và các thông tin tự do trên mạng, tuy nhiên, từ khi khởi đầu đến nay đều ưu tiên cho những thông tin về Trung – Việt, cảnh báo và phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ. Mình rất thích trang BA SÀM vì chỉ cần nhấp chuột vào là biết được những thông tin nổi bật nhất hàng ngày với nhiều chiều hướng khác nhau, kể cả sự trái ngược thông tin khiến người đọc phải phân tích để tìm thấy SỰ THẬT.
Mình cám ơn BA SÀM, và đã có dịp gặp anh trong những cuộc biểu tình phản đối TQ xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Tổ quốc VN.
Vinh (Ba Sàm) thực sự là một nhà báo giỏi, có khí phách và lòng yêu nước. Anh đã làm được điều mà không nhà báo nào ở ta làm được (hoặc không giám làm). Những người bạn của tôi (trừ vài người không biết mạng là gì) đều đọc BA SÀM hàng ngày. Đến như nhà thơ TNH không biết nhấp chuột cũng nhờ con in ra những bài mà anh quan tâm để đọc. Khi chưa biết tên thật của Anh Ba Sàm, nhiều người đoán già đoán non: Anh Ba Sàm người Nam hay người Bắc? Thực ra anh gốc Quảng Trị, sinh ra tại Hà Nội, con trai của ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 khoá), đại biểu Quốc hội (3 khoá), Bộ trưởng bộ Lao Động, và là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Liên Xô. Anh cũng từng là thiếu tá an ninh, rồi bỏ lon, ra lập công ty Thám tử tư đầu tiên mang tên “Cty Điều tra và Bảo vệ-V” từ năm 1999. Nguyễn Hữu Vinh được báo Tuổi Trẻ từ năm 2006 giới thiệu như một nhân vật thám tử đặc biệt. Sau đó, Nguyễn Hữu Vinh có viết một số bài báo đăng trên báo giấy.
Không rõ Anh Ba Sàm khi bị bắt có bất ngờ không? Nhưng tôi thì rất bất ngờ về những vụ bắt người viết blog ở ta gần đây. Từ Trương Duy Nhất đến Phạm Viết Đào, và giờ là Nguyễn Hữu Vinh. Tôi vẫn nghĩ đó là những người viết có nhiều trăn trở và tâm huyết với nhiều vấn đề của đất nước trong giai đoạn cần lột xác để xây dựng xã hội thời kỳ mới đang quá nhiều khó khăn và phức tạp. Cách nói của họ không êm xuôi một chiều như những con vẹt được huấn luyện nói tiếng người, bởi đầu lưỡi của những con vẹt ấy phải bị cắt. Cao Bá Quát cũng đã thương hại mỉa mai đám người đó trong bài Vịnh con sáo: “Chỉ ưa bắt chước tiếng người nói/ Cho nên đầu lưỡi bị cắt thôi”. Những người viết thực sự, họ viết bằng máu từ trái tim họ chứ không phải viết bằng mực; và họ nói bằng cái lưỡi nguyên lành của họ chứ không phải cái lưỡi đã bị cắt xén. “Sự thật mất lòng”, đó là quan niệm xưa dĩ hoà vi quý, nhưng cũng nói lên nỗi cay đắng của những lời nói thật trước bạo quyền. Cho dù biết lời nói thật có thể bị mất lòng, có thể bị bắt, nhưng họ không làm thân con vẹt. Có như thế, những trang viết mới thực sự là tâm gan của họ”.
Nghe tin người ta tống tù Nguyễn Hữu Vinh, tác giả bài viêt “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, nhưng Ba Sàm thì không” khẳng định:
“Thành lập từ ngày 9-9-2007, blog Ba Sàm đã đi cùng với mạch ngầm khai dân trí mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã và đang đi, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người. Từ những bài báo và bài dịch đầu tiên của Nguyễn Hữu Vinh trên blog Yahoo!360, cho đến sau này là các bài điểm tin trên hệ thống WordPress và sự đóng góp bài vở của rất nhiều biên tập viên, cộng tác viên, Ba Sàm đã mở ra một không gian báo chí tự do hơn, cởi mở hơn, nơi tri thức và sự tử tế được trân trọng và thúc đẩy hàng ngày.
Anh đã thực hiện tinh thần “phá vòng nô lệ” ấy, một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Không cực đoan, không hô khẩu hiệu sáo rỗng, chỉ có những bản tin được “điểm” đúng giờ với phong cách chuyên nghiệp – chính xác, trung thực, dẫn nguồn đầy đủ – và đặc biệt là những bình luận hài hước, dí dỏm của anh. Chúng tôi tin rằng đó là những gì làm nên sự hấp dẫn của “Thông Tấn Xã Vỉa Hè – Ba Sàm”.
Và, tuy ủng hộ một nền dân chủ đa đảng, nhưng trang Ba Sàm đã và đang luôn luôn là một diễn đàn độc lập, phi đảng phái, phi lợi nhuận”.
Và nhắc lại lời Nguyễn Hữu Vinh cách đây bốn năm: “Trung Quốc rồi sẽ đánh Việt Nam. Nhưng dù chiến tranh hay hòa bình, vẫn có một mạch ngầm luôn luôn chảy, đó là mạch ngầm khai dân trí”.
Riêng người viết bài này thì nhớ nhất những dòng sau đây trong bài “Gọi tên gì cho cuộc chiến?” của Ba Sàm:
“Ngày 31-3-1973 là ngày mà những người lính Mỹ, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự Mỹ cuối cùng rút khỏi VN. Nhưng từ ngày 31-3-1973 đến 30-4-1975, chiến tranh vẫn còn hiện diện trên mảnh đất Việt Nam.
Gọi như các báo trong nước “38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”, vậy miền Nam “hoàn toàn giải phóng” khỏi tay ai? Không thể “giải phóng” khỏi Mỹ vì lúc đó Mỹ đâu có mặt ở miền Nam mà “giải phóng”?
Không thể gọi đây là cuộc chiến “Chống ngoại xâm”, “Giải phóng miền Nam” hay chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước”… bởi vì trước khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, đã xảy ra chiến tranh ở 2 miền Nam – Bắc và sau khi Mỹ rút quân thì Nam – Bắc vẫn tiếp tục đánh nhau (vả lại, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam thì ở miền Bắc cũng đã có sự hiện diện của của quân Liên Xô và Trung Quốc).
Vậy thì, chúng ta nên gọi tên gì cho cuộc chiến này cho đúng nghĩa của nó? Nội chiến? Chiến tranh ý thức hệ? Huynh đệ tương tàn?”.
Ước gì đại đa số sỹ quan an ninh của ĐCSVN đều có tấm lòng, có trí tuệ để giác ngộ như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, quay về phục vụ nhân dân, quay về với chính nghĩa, với lương tri, với Tổ quốc.
N.T.G.
Nguồn: basam.info
Ghi chú: Xin được đính chính bài viết “Gọi tên gì cho cuộc chiến“, bài này do Ngọc Thu viết đăng trên Facebook Tin Không Lề, ngày 29-04-2013. Tác giả có chút nhầm lẫn chi tiết này.