Qua trang blog Dân làm báo, được biết gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng đã gửi đơn tới Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để khiếu nại chính phủ Việt Nam đã có hành động vi phạm “Hiệp Ước Quốc Tế Về Việc Chống Cưỡng Chế Mất Tích” khi bắt giam bà Hằng.
Sau khi xem qua nội dung này, tôi xin có vài ý với gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng như sau:
1. Bất kỳ một cá nhân nào cũng đều có thể sử dụng đến cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ nhân quyền, bao gồm: Cơ chế dựa trên Hiến chương (là cơ cấu tổ chức và thủ tục hoạt động của các cơ quan chính của Liên hợp Quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền), và Cơ chế dựa trên Công ước (là cơ cấu tổ chức và thủ tục hoạt động của các Ủy ban giám sát Công ước thực hiện một số công ước quốc tế về bảo vệ nhân quyền). Tùy vào vụ việc vi phạm nhân quyền và sự tham gia của các quốc gia mà mỗi công dân bị phạm nhân quyền ở quốc gia đó lựa chọn cho mình cơ chế bảo vệ nhân quyền sao cho phù hợp.
Qua nội dung được cung cấp từ gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng, cho rằng bà Hằng bị “mất tích”, rồi gửi khiếu nại cho Cao ủy nhân quyền, và ủy thác cho Ủy ban chống cưỡng bức mất tích xem xét cho trường hợp của của Hằng, bằng cách nêu lên “Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích” (The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance, ICCPED), và cáo buộc chính phủ Việt Nam vi phạm Công ước này ra trước Liên Hiệp Quốc.
Trước tiên, cần xác nhận lại rằng Việt Nam chưa tham gia Công ước ICCPED, nên việc gia đình bà Hằng sử dụng đến Công ước ICCPED để khiếu tố nhà nước Việt Nam vi phạm Công ước này là không phù hợp.
Giả sử trong tương lai Việt Nam có là thành viên của Công ước ICCPED thì vẫn chưa đủ cơ sở để Ủy ban chống cưỡng bức mất tích xem xét và giải quyết khiếu tố của cá nhân. Để được Ủy ban giám sát Công ước tiếp nhận khiếu tố cá nhân thì phải có 2 điều kiện là: quốc gia đó phải là thành viên của Công ước, và quốc gia đó đã công nhận thẩm quyền Ủy ban giám sát công ước trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu tố cá nhân.
Thông thường các quốc gia công nhận thẩm quyền của Ủy ban giám sát Công ước bằng cách Tuyên bố chấp thuận, hoặc gia nhập hay phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (trong đó thừa nhận thẩm quyền giải quyết khiếu tố của Ủy ban giám sát), tùy vào mỗi Công ước khác nhau.
Cần lưu ý rằng, Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 Công ước cơ bản về nhân quyền, nhưng hiện nay Việt Nam chỉ phê chuẩn duy nhất hai Nghị định thư bổ sung cho Công ước Quyền trẻ em (trong đó công nhận thẩm quyền của Ủy ban giám sát Công ước Quyền trẻ em). Cho nên, đối với công dân Việt Nam, hiện nay chỉ có thể khiếu tố các vi phạm nhân quyền liên quan đến trẻ em lên Ủy ban giám sát Công ước Quyền trẻ em, ngoài ra không thể khiếu tố lên các Ủy ban giám sát Công ước khác mà Việt Nam đã là thành viên, theo Cơ chế bảo vệ nhân quyền dựa trên Công ước.
Qua đây cũng xin bổ sung thêm tình hình công nhận thẩm quyền của các Ủy ban giám sát Công ước. Qua hai lần Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền, rất nhiều quốc gia khuyến nghị Việt Nam cần tham gia Nghị định thư bổ sung thứ nhất của Công ước về các quyền Dân sự và chính trị (ICCPR), để qua đó Công nhận thẩm quyền cho Ủy ban giám sát ICCPR (được gọi là Ủy ban Nhân quyền), để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khiếu tố lên Ủy ban này khi bị vi phạm về các quyền dân sự và chính trị. Nhưng nhà nước Việt Nam luôn bác bỏ khuyến nghị này, với lý do được đưa ra là công dân Việt Nam có thể áp dụng đến “quyền tài phán quốc gia”, tức là công dân Việt Nam khi bị vi phạm nhân quyền có thể gửi đơn khiếu tố đến các cơ quan hành chính và tư pháp ở Việt Nam để xem xét và giải quyết vụ việc.
Về nguyên tắc, quyền tài phán có thể áp dụng hiệu quả ở các quốc gia có hệ thống tư pháp độc lập. Nhưng ở Việt Nam, với nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu vắng nền tư pháp độc lập thì công dân Việt Nam không thể sử dụng đến cơ chế pháp luật quốc gia để bảo vệ hữu hiệu nhân quyền của mình khi bị vi phạm.
2. Qua đó cho thấy, không chỉ riêng trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng, mà là công dân Việt Nam khi muốn được vụ việc bị xâm phạm nhân quyền của mình ra trước Liên Hiệp Quốc thì ít khi áp dụng được Cơ chế bảo vệ nhân quyền dựa trên Công ước. Nhưng bù lại, có thể sử dụng hiệu quả Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc để bảo vệ nhân quyền khi bị xâm hại.
Đối với Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì bất kỳ ai cũng có thể gửi các khiếu tố về vi phạm nhân quyền theo “thủ tục đặc biệt” (là các chuyên gia có nhiệm vụ theo dõi, nhận và xem xét các khiếu tố nhân quyền, đưa ra ý kiến tư vấn, báo cáo công khai về tình hình nhân quyền trong từng lãnh vực, hoặc tại một số nước cụ thể). Đây là cách thức nhanh chóng cho việc nộp các khiếu tố cá nhân bị vi phạm nhân quyền, phương thức này khá hữu hiệu để có được sự can thiệp trực tiếp của Liên Hiệp Quốc vào các vụ việc đơn lẻ.
Đơn khiếu tố theo Thủ tục đặc biệt này có thể gửi đến Nhóm công tác (working group) hoặc Báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay Chuyên gia độc lập (independent expert), tùy vào nhân quyền bị vi phạm.
Trong trường hợp cụ thể của bà Bùi Thị Minh Hằng, thì gia đình bà gửi đơn khiếu nại đến Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là chưa chính xác, mà gia đình bà Hằng cần gửi đến Nhóm Công tác hoặc Báo Cáo viên đặc biệt thuộc Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cũng cần nói thêm là đối với trường hợp của bà Hằng thì không được xem là “cưỡng bức mất tích”, nên không thể gửi đơn khiếu tố đến “Nhóm Công tác về Cưỡng bức mất tích” được. Vì theo như Điều 2 của Công ước ICCPED thì“cưỡng bức mất tích” được coi là việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc bất cứ hình thức tước đoạt quyền tự do được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước hoặc của người hoặc nhóm người được ủy quyền, hỗ trợ hoặc hẫu thuẫn của Nhà nước, được đi cùng với một sự khước từ nhận biết về việc tước đoạt tự do hoặc bởi việc che giấu số phận hoặc nơi cư trú của người mất tích, ở nơi như vậy một người nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.”
Như vậy để được xem là “cưỡng mất mất tích” thì phải có hai yếu tố: thứ nhất việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc bất cứ hình thức tước đoạt quyền tự do được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, hoặc của người hoặc nhóm người được ủy quyền, hỗ trợ hoặc hậu thuẫn của Nhà nước và thứ hai là cơ quan nhà nước chối bỏ, khước từ nhận biết vụ việc, hoặc che giấu cho việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc tước đoạt tự do này.
Vụ việc bắt giữ và tạm giam bà Hằng đã được Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Lấp Vò xác nhận bằng Thông báo bắt giữ và lệnh tạm giam, và được giám đốc Công an Đồng Tháp thừa nhận trên truyền hình. Họ đã không che giấu hay chối bỏ cho việc đã bắt giam bà Hằng, mà họ đã nhận lãnh trách nhiệm cho vụ bắt giam này. Trong trường hợp công an Đồng Tháp không Thông báo cho gia đình biết về nơi giam giữ, dù đã quá thời hạn giam giữ, nhưng bà Hằng vẫn chưa được thả, cũng như chưa có quyết định truy tố… thì họ đã vi phạm về việc giam giữ tùy tiện.
3. Nhóm Công tác về Giam giữ tùy tiện (Working Group on Arbitrary Detention, cơ quan được thiết lập theo nghị quyết 1991/42 của Hội đồng Nhân quyền), có thể nhận khiếu nại từ gia đình của bà Hằng. Tuy nhiên, vì bà Hằng chưa được tòa án xét xử và chưa bị nhận bản án tù, nên trường hợp của bà sẽ không gây chú ý nhiều cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện.
Để trường hợp bà Hằng được giải quyết kịp thời, và quan tâm đặc biệt thì gia đình bà Hằng chỉ cần gửi gửi khiếu tố đến “Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền”, vì bà Hằng là người được biết đến với nhiều hoạt động đấu tranh và phổ biến cho nhân quyền, và bà đang bị “hình sự hóa” cho các hoạt động nhân quyền của mình. “Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền” sau khi nhận đơn sẽ xem xét, kiểm tra thông tin cung cấp, khi biết bà Hằng là Phụ nữ, bị tra tấn, tình trạng giam giữ tồi tệ, đang trong tình trạng tuyệt thực… thì vị Báo cáo viên này sẽ nhanh chóng tiến hành xử lý khiếu tố bằng cách phối hợp cùng các Báo cáo viên và Nhóm Công tác khác như có liên quan về phụ nữ, về tra tấn, giam giữ tùy tiện… và sẽ tập trung vào cuộc với “sự ưu tiên” dành cho những người tuyến đầu đang bảo vệ nhân quyền, và đang trong tình trạng nguy hiểm.
Một lợi thế cho bà Hằng, khi Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền đương nhiệm hiện nay cũng là phụ nữ, bà là Margaret Sekaggya người Uganda. Để liên lạc riêng tư với Bà: số điện thoại di động: 256-772-788821. E-mail cá nhân: msekaggya@yahoo.com hoặcmsekaggya@uhrc.ug.
4. Nội dung đơn khiếu tố cần có thông tin cá nhân về bà Hằng; các hoạt động nhân quyền; thông tin vụ việc bà bị đánh đập, bắt giữ và tình trạng giam giữ hiện nay; người đã vi phạm nhân quyền đối với bà (nếu không xác định được danh tính cá nhân, thì cần nêu tên cơ quan và người đứng đầu cơ quan đó); mối liên hệ giữ việc bắt giữ này với các hoạt động nhân quyền của bà Hằng; và cuối cùng là thông tin người gửi đơn.
Đối với trường hợp bà Hằng thì trong tiêu đề của đơn cần thêm vào chữ “cần hành động khẩn cấp” (for urgent action). Sau đó gửi tới e-mail urgent-action@ohchr.org và defenders@ohchr.org.
Cần lưu ý là gia đình bà Hằng khi làm đơn không cần phải phân tích luật pháp quốc gia hay luật nhân quyền quốc tế để cáo buộc cho các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền. Trong đơn chỉ cần miêu tả lại chi tiết một cách rõ ràng về những gì đã xảy ra, chằng hạn như đánh đập ra sao, vào ngày giờ nào, ở đâu, có ai làm chứng, sau đó bị bắt giam như thế nào, ai ký lệnh bắt giữ, cấp bậc chức vụ của người ký lệnh bắt… Và cô đọng nó trong tối đa 2 trang A4. Đơn phải được viết bằng Anh ngữ.
Ngoài ra, gia đình bà Hằng nên phối hợp với gia đình của hai người bị bắt chung với bà Hằng là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, để cùng nhau gửi đơn khiếu tố cho vụ việc này. Và để có được hiệu quả cao, gia đình nên vận động và kết nối với các tổ chức Phi chính phủ quốc tế cùng tham gia đứng tên trong Đơn khiếu tố về trường hợp này.
C.C.
Nguồn: Blog Cùi Các
Phụ lục :
10 QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN VÀ 10 NGHĨA VỤ CỦA NHÀ NƯỚC
Theo Tuyên ngôn Quốc Tế Bảo Vệ Những Người Đấu Tranh Cho Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 9-12-1998
Nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, ngày 9-12-1998 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết thông qua Bản phụ đính Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, gọi là Tuyên Ngôn Quốc Tế Bảo Vệ Những Người Đấu Tranh Cho Nhân Quyền (TNQTBVNNĐTCNQ). Mục đích để đề xướng, bảo vệ và thực thi những Nhân quyền đã được thừa nhận trên toàn cầu, đồng thời loại trừ hữu hiệu các vi phạm Nhân quyền.
Vì Nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, nên phải được thi hành thực sự, đầy đủ, đồng đều và phổ cập cho tất cả mọi người, không phân biệt kỳ thị về chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay chính kiến.
Về mặt Quốc tế, nếu không có sự hợp tác bình đẳng và hữu nghị giữa các Quốc gia, thì không thể loại trừ hữu hiệu các vi phạm Nhân quyền tập thể và thô bạo do tham vọng Đế quốc bằng sự xâm chiếm đất đai, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và tước đoạt của các Dân tộc, quyền được hành xử đầy đủ chủ quyền đối với các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của Đất nước; do các chính thể độc tài toàn trị muốn hạn chế hoặc tước đoạt các Nhân quyền cơ bản chính đáng của người Dân.
Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ thừa nhận 10 quyền của người Dân và nêu lên 10 nghĩa vụ của Nhà nước hay Quốc gia.
A. 10 Quyền của người Dân :
1. Chiếu điều 1 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ “với tư cách cá nhân hay hội viên của các hội đoàn, ai cũng có Quyền đề xướng và tranh thủ sự bảo vệvà thực thi Nhân quyền trên bình diện Quốc gia và Quốc tế.”
2. Ai cũng có Quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó nhân cách của mình được phát triển Tự do và các Nhân quyền ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước Quốc tế được thực thi đầy đủ.
3. Ai cũng có Quyền bảo vệ Dân chủ, đề xướng và phát huy các xã hội Dân chủ, các định chế Dân chủ và các thủ tục sinh hoạt Dân chủ.
Ngoài Quyền bình đẳng trước pháp luật, Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ đặt nặng vấn đề thực thi những quyền Tự do Dân chủ như Tự do hội họp và lập hội, Tự do ngôn luận và phát biểu, Tự do tuyển cử và Quyền tham gia chính quyền.
Rút kinh nghiệm 50 năm sinh hoạt Nhân quyền trên thế giới, Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ đã khai triển và định chế hóa các phương thức bảo vệ những quyền Tự do Dân chủ, chống những vi phạm do bạo hành hay do sự giải thích xuyên tạc của các Nhà nước (Quốc gia).
4. Quyền Tự Do Hội Họp.
Ai cũng có Quyền Tự do hội họp trong vòng hòa bình, tổ chức thuyết trình, mít tinh, biểu tình, tuần hành, để đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, hay để phản kháng những vi phạm Nhân quyền của các viên chức và cơ quan chính quyền.
5. Quyền Tự Do Lập Hội.
Ai cũng có Quyền kết hợp trong các hội đoàn dân sự hay chính trị :
5.a. Các hội dân sự sinh hoạt trong phạm vi tôn giáo đạo lý (giáo hội), kinh tế xã hội (công đoàn, nghiệp đoàn), văn hóa giáo dục, từ thiện nhân đạo, ái hữu tương tế v.v… Các hội dân sự được quyền sinh hoạt tự trị trong xã hội đa nguyên và không chịu sự giám sát của Nhà nước.
5.b. Các hội chính trị hay chính đảng sinh hoạt trong chế độ dân chủ đa đảng. Dân chủ đa đảng cộng với xã hội đa nguyên họp thành Dân chủ đa nguyên.
6. Quyền Tự Do Ngôn Luận và Phát Biểu.
Chiếu điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền “ai cũng có Quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các tin tức, ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới Quốc gia. Ai cũng có Quyền giữ vững quan niệm và phát biểu quan điểm mà không bị (nhà cầm quyền) can thiệp“.
7. Quyền tham gia chính quyền.
Ai cũng có Quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền, trực tiếp bằng cách ứng cử, hay gián tiếp qua các đại biểu do mình Tự do lựa chọn. Quyền này bao gồm cả quyền đạo đạt đến chính quyền những thỉnh nguyện, hay những phê bình chỉ trích để yêu cầu cải thiện chính sách Quốc gia.
Trái với quan niệm cổ xưa theo chủ quyền xuất phát từ Quốc gia, điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định rằng “ý nguyện của người Dân là căn bản của mọi quyền lực quốc gia. Ý Dân phải được biểu lộ trung thực qua những cuộc tuyển cử Tự do và công bằng, theo phương thức đầu phiếu phổ thông, định kỳ và kín.”
8. Quyền được đền bù hữu hiệu.
Để chống lại những hành vi độc đoán xâm phạm Tự do, danh dự và tài sản của người Dân, ai cũng có quyền khiếu tố trước tòa án (độc lập và vô tư) để đòi đền bù hữu hiệu, như tiêu hủy một quyết định hành chánh, tuyên bố một đạo luật vi hiến, truyền phóng thích một bị cáo bị giam giữ trái phép, hay buộc Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
9. Quyền phản kháng.
Chiếu điều 12 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ, khi nhà cầm quyền vi phạm Nhân quyền, người Dân có quyền phản kháng trong vòng ôn hòa, bất bạo động, dưới hình thức kháng thư, truyền đơn, viết báo, họp báo, mít tinh, biểu tình, tuần hành, đình công, bãi thị, bãi khóa vv…
10. Quyền thành lập những hội truyền bá và bảo vệ Nhân quyền.
Kinh nghiệm cho biết Nhân quyền được tôn trọng và thực thi không phải do thiện chí của nhà cầm quyền, mà do sự đấu tranh của người Dân.Muốn đấu tranh phải nâng cao Dân trí và chấn hưng Dân khí.
Để nâng cao Dân trí, trước kia chúng ta có Phong trào truyền bá quốc ngữ. Ngày nay, để chấn hưng Dân khí và thực thi Nhân quyền, chúng ta phát động Phong trào truyền bá và bảo vệ Nhân quyền.
B. 10 Nghĩa vụ của Nhà nước :
Nếu người Dân có quyền đề xướng và tranh thủ sự bảo vệ và thực thi Nhân quyền, thì Quốc gia hay Nhà nước cũng có trách nhiệm phải tôn trọng và thực thi Nhân quyền. Đây là trách nhiệm tiên khởi của Nhà nước (điều 2 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ).
Để hoàn thành trách nhiệm này, Nhà nước có nghĩa vụ :
l. Tạo điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và pháp lý để người Dân thực sự được hành xử những Nhân quyền ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ.
2. Ban hành luật lệ và các văn kiện lập quy cần thiết để những Nhân quyền này được thực sự thi hành.
3. Tu chính Hiến pháp và luật pháp Quốc gia cho phù hợp với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. Thí dụ : điều 4 Hiến pháp 1992 CHXHCNVN đi trái với quyền Dân tộc tự quyết và quyền tham gia chính quyền ; Nghị định 37-CP năm 1997 của Chính phủ và các Pháp lệnh 25-12-2001, 02-07-2002 của Quốc hội CHXHCNVN và 31/2007/PL-UBTVQH (ban hành quy chế quản chế hành chánh, rồi sửa đổi) đi trái với quyền Tựdo cư trú và đi lại, quyền riêng tư, quyền được suy đoán là vô tội, quyền Tự do thân thể và an ninh thân thể (theo đó không ai có thể bị bắt giữ nếu không có quyết định của tòa án), quyền làm việc, quyền Tự do ngôn luận và phát biểu, quyền Tự do hội họp và lập hội, quyền Tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền v.v…
4. Khi nhận được đơn khiếu tố đòi đền bù hữu hiệu, Nhà nước (qua tòa án) phải mở cuộc thẩm vấn, tuyên phán quyết và truyền thi hành án văn không trì hoãn.
5. Khi có bằng chứng khả tín cho biết có sự vi phạm Nhân quyền trong quản hạt quốc gia, Nhà nước phải mở cuộc điều tra mau chóng và công bố phúc trình không chậm trễ.
6. Nhà nước có nghĩa vụ giảng dạy Nhân quyền tại các cấp bậc giáo dục như trung học, đại học, chuyên nghiệp v.v… Trong các chương trình tu nghiệp và huấn luyện luật sư, biện lý, thẩm phán, công an, quân đội, công chức vv… phải giảng dạy những kiến thức Nhân quyền liên quan đên việc hành nghề chuyên môn của các học viên.
7. Nhà nước phải đặc biệt lưu ý các nhân viên công lực hành sự về quyền và nghĩa vụ của họ như sau :
7.a. Họ không được quyền vi phạm nghĩa vụ (bằng cách đàn áp những người tham dự mít tinh biểu tình ôn hòa), hay bằng cách không ngăn cản những phần tử quá khích hành hung những người đối kháng bất bạo động.
7.b. Trong khi thi hành các công vụ liên quan đến vấn đề Nhân quyền, họ có nghĩa vụ phải tôn trọng những quyền Tự do cơ bản của người dân theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về phương diện tác phong và đạo đức nghề nghiệp.
7.c. Các nhân viên công lực không thể bị trừng phạt hay thi hành kỷ luật (như khiển trách, hạ tầng công tác, sa thải v.v…) chỉ vì không chịu đàn áp những người hành xử ôn hòa quyền Tự do phát biểu và quyền đối kháng (điều 10 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ).
8. Nhà nước phải tôn trọng quyền đối kháng ôn hòa và dùng mọi biện pháp cần thiết như triệu dụng nhân viên công lực để bảo vệ những người đối kháng chống lại mọi bạo hành, đe dọa hay trả đũa bất cứ từ đâu tới.
9. Cùng với các hội truyền bá Nhân quyền của người Dân, Nhà nước có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp thích nghi trên các lãnh vực truyền thông, lập pháp, tư pháp hay hành chánh, để phổ biến kiến thức về những quyền Dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của người Dân, kể cả những bản phúc trình thường niên về Nhân quyền của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
10. Nhà nước phải yểm trợ việc thành lập các Ủy ban Nhân quyền Quốc gia hay các Ủy ban điều tra vi phạm Nhân quyền, nhằm đề xướng, phát huy và bảo vệ Nhân quyền cho người Dân. Những cơ chế Nhân quyền Quốc gia này phải được sinh hoạt độc lập và được hưởng quy chế và ngân sách tự trị như các Viện đại học hay Viện bảo hiến.
Sau cùng, chiếu điều 19 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ, các điều khoản trong Tuyên ngôn này không thể bị Nhà nước giải thích xuyên tạc để tước đoạt những quyền Tự do liệt kê trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ. @@@
TM Uỷ Ban Luật gia bảo vệ Dân quyền
Ls Nguyễn Hữu Thống – 4. 2006
(Sự thật Dân cần biết 10-2)
26 NHÂN QUYỀN CƠ BẢN
đã được Công pháp Quốc tế và Liên Hiệp Quốc thừa nhận & buộc mọi Nước thành viên phải cam kết tôn trọng.
26 MỤC TIÊU CỤ THỂ của Khối 8406
& mỗi Công dân có trách nhiệm phải đấu tranh từng bước giành lại cho toàn Dân Việt Nam từ năm 2006 về sau.
I. Các Nhân quyền về thân thể :
1. Quyền sống (không bị thủ tiêu, tàn sát, khủng bố, đe dọa, quấy nhiễu vì chính kiến, chủng tộc, tôn giáo, thành phần giai cấp).
2. Quyền không bị nô lệ hay nô dịch (vì lý lịch, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến).
3. Quyền không bị tra tấn hành hạ (dưới mọi hình thức, mớm cung, bức cung).
4. Quyền không bị giam giữ độc đoán (vì các tội vu vơ chỉ có trong các chế độ độc tài : gây rối trật tự, phá hoại chính sách đoàn kết, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân chủ, xúc phạm lãnh tụ, tuyên truyền chống nhà cầm quyền,…).
5. Quyền được xét xử công bằng (tư pháp phải độc lập với hành pháp, lập pháp, công an).
6. Quyền được Tòa án bảo vệ (được bồi hoàn danh dự và thiệt hại).
7. Quyền được Luật pháp bảo vệ (không có loại tội tuyên truyền chống chế độ, chống đối chính sách).
8. Quyền được bình đẳng trước pháp luật (hiến pháp, pháp luật công bằng văn minh, có luật sư).
II. Các Nhân quyền về an cư :
9. Quyền tự do cư trú và đi lại, xuất ngoại và hồi hương (không bị quản chế hành chánh).
10. Quyền có đời sống riêng (bản thân, gia đình, nhà cửa, thư tín, điện thoại, điện thư được bảo vệ).
11. Quyền kết hôn và lập gia đình.
12. Quyền có quốc tịch.
13. Quyền tỵ nạn vì lý do chính trị, tôn giáo, chủng tộc.
14. Quyền tư hữu về vật dụng cá nhân, gia đình, tập thể, về đất đai và vốn kinh doanh.
III. Các Nhân quyền về lạc nghiệp :
15. Quyền có việc làm, lương tương xứng và được nghỉ ngơi – giải trí.
16. Quyền thành lập và tham gia Nghiệp đoàn độc lập và quyền đình công.
17. Quyền có mức sống xứng hợp cho bản thân và gia đình.
18. Quyền có an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội khi thất nghiệp, già lão.
19. Quyền bảo vệ gia đình về hôn nhân, sản phụ, hài nhi, thiếu nhi, bình đẳng giới.
20. Quyền được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh miễn phí hoặc hợp lý, được bảo hiểm y tế.
21. Quyền được giáo dục miễn phí cấp tiểu học, rồi trung học ; học đại học đầy đủ thuận lợi.
22. Quyền về văn hóa (tự do hưởng thụ, sáng tác, được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ).
IV. Các Nhân quyền về Tự do Dân chủ :
23. Tự do tín ngưỡng – tôn giáo cách bình thường phổ quát như tại đại đa số các Nước trên thế giới.
24. Tự do tư tưởng, phát biểu, quan điểm, tự do thông tin ngôn luận, tự do báo chí.
25. Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình; toàn Dân được trưng cầu ý kiến về quốc sự.
26. Quyền tham gia công quyền, tự do ứng cử – bầu cử bình đẳng không bị giới hạn bởi hiến pháp, luật pháp khi không có một bản án công bằng nào ràng buộc; Quyền tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý Tổ quốc. Tức là Quyền Dân tộc Tự quyết.
Lm TNLT Nguyễn Văn Lý sưu tập 01.10.2010
(Tham khảo “Từ Hiến Chương 1977 cho Tiệp Khắc đến Tuyên Ngôn 2006 cho Việt Nam”
của Ls Nguyễn Hữu Thống – 15.4.2006)