Nhiều nhưng chưa cần

Chúng ta có thể biết hoặc chưa biết về một “nghịch lý của sự sung túc” (paradox of plenty) hay còn gọi là “lời nguyền của trữ lượng” (resource curse), mà các chuyên gia về kinh tế và quốc gia học trên thế giới từng phân tích về một sự trả giá đắt của các quốc gia giàu có về tài nguyên, điển hình là Hà-lan, nên còn có “căn bệnh Hà-lan” (Dutch disease). Rất nhiều yếu tố và lý do được cho là có liên đới đến hậu quả này, nhưng được nhắc đến nhiều nhất là do độc quyền, do chính phủ quản lý, không có đối tác cạnh tranh; tham nhũng; gia tăng tỷ lệ hối đoái và lương bổng; bất cân đối giữa sản xuất và năng suất; lệ thuộc vào độ dao động của thị trường quốc tế. Vân vân. Đó là chưa kể rằng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, tài nguyên và khoáng sản được giao khoán cho công ty nhà nước như TKV quản lý. Với một “bề dày thành tích” như TKV mà báo chí đã mổ xẻ suốt trong thời gian qua, thì có lẽ trong một tương lai không xa, giới học thuật thế giới sẽ có thêm một thuật ngữ mới “Căn bệnh TKV” còn trầm kha và khủng khiếp hơn “căn bệnh Hà-lan” rất nhiều.

Xét về khía cạnh hiểu biết của một lương năng bình dân, tài nguyên môi trường nó cũng như đất nước. Với một mảnh đất không tới 350 ngàn cây số vuông, có tới trên 85 triệu dân chúng, nên dù chúng ta tuyên bố có nhiều khoáng sản với trữ lượng hàng top thế giới, chúng ta cũng không thể xa xỉ đến độ cào xới đất đai lên để mà bán. Đã là đất là tức là thứ không tái sinh, “miệng ăn núi lở”. Nếu chúng ta còn biết nghĩ đến tương lai mai sau của con cháu, thì cần phải lấy bài học “căn bệnh Hà-lan” làm tấm gương soi cho mình, và phải xem việc đào xới tài nguyên mà bán vô tội vạ cũng là tội bán nước!

Những nhận định của PGS TS Nguyễn Khắc Vịnh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam dưới đây là để làm sáng tỏ thêm về “nghịch lý của sự sung túc”.

Bauxite Việt Nam

Khai thác khoáng sản thô ở Hương Sơn, Hà Tĩnh

Khai thác khoáng sản thô ở Hương Sơn, Hà Tĩnh

TP – Một chuyên gia địa chất kỳ cựu cho rằng Việt Nam có không ít khoáng sản tầm cỡ thế giới nhưng nếu coi đó là thế mạnh và cần khai thác để thúc đẩy kinh tế thì là sai lầm lớn.

“Loại khoáng sản ta có nhiều thì thế giới không cần nhiều, không có nhu cầu lớn”, PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nhận định. “Đánh giá quá cao vai trò của chúng trong phát triển kinh tế đất nước sẽ phải trả giá”.

Nhất nhì thế giới

– Thưa ông, gần đây, có ý kiến khẳng định Việt Nam là nước giàu tài nguyên khoáng sản trong đó có ilmenite, bauxite, đất hiếm, tài nguyên trữ lượng lớn, thậm chí nhất nhì thế giới?

PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh: Ta có nhiều baryte phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, thường đi kèm với quặng Pb-Zn và đất hiếm. Tổng tài nguyên dự báo đạt 25 triệu tấn (trong tụ khoáng Đông Pao, Lai Châu có bốn triệu tấn), được xếp hàng topten thế giới.

Với bauxite, loại gibbsite có nguồn gốc phong hoá từ đá bazan, phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên, có trữ lượng gần 2,1 tỷ tấn. Sở Địa chất Mỹ đầu năm 2010 công bố sách hàng hoá khoáng sản thế giới và xếp bauxite Việt Nam thứ ba thế giới, chỉ sau Guinea 7,4 tỷ tấn và Australia 6,2 tỷ tấn.

Bauxite đang được khai thác thử nghiệm để sản xuất alumina (oxit nhôm) ở Tân Rai – Lâm Đồng và Nhân Cơ – Đăk Nông, trên quy mô lớn.

Hay đất hiếm, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ, có tổng tài nguyên gần 10 triệu tấn, cũng đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (36 triệu tấn) và Mỹ (13 triệu tấn), v.v.

Loại khoáng sản không kim loại có apatite phân bố dọc bờ phải sông Hồng, từ biên giới Việt Trung đến vùng Văn Bàn, dài trên 100 km, rộng trung bình 1 km, có tài nguyên đến độ sâu 100 m là 2,5 tỷ tấn và trữ lượng đạt 900 triệu tấn. Đây là mỏ lớn thứ sáu thế giới.

Thậm chí, graphite (có ở Lào Cai, Yên Bái và Quảng Ngãi với tổng tài nguyên và trữ lượng đạt gần 16,5 triệu tấn) đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (55 triệu tấn), v.v.

Chớ bị choáng ngợp

Tuy nhiên, chớ nên bị choáng ngợp bởi các xếp hạng hào nhoáng ấy. Trên thế giới chưa có các tiêu chuẩn đánh giá mức độ giàu nghèo khoáng sản của mỗi quốc gia. Không thể nói nước nào có nhiều khoáng sản, có các mỏ lớn, là nước giàu khoáng sản.

Thay vào đó, còn phải chú ý đến các yếu tố diện tích lãnh thổ, đặc biệt là yếu tố dân số, để tính số lượng từng khoáng sản bình quân đầu người. Như vậy từ giàu nghèo chỉ mang tính tương đối, định tính, chưa có tính định lượng thuyết phục.

– Gần đây, nhiều tỉnh ven biển miền Trung rộ lên nạn khai thác ilmenite hay còn gọi là titan. Nhiều vùng bờ biển bị xới tung, nước mặt, nước ngầm suy kiệt, nhiễm độc; cây cối, gia súc không sống nổi sau khai thác. Người đứng đầu ngành tài nguyên & môi trường vừa khẳng định tiềm năng titan nước ta thuộc loại lớn nhất thế giới và sẽ tổ chức khai thác mạnh. Có cảm giác lo ngại suy thoái môi trường sẽ ghê hơn.

Động đến khai thác khoáng sản là gây ô nhiễm. Công nghệ khai thác titan hiện nay lạc hậu, khai thác lại tràn lan, thiếu kiểm soát, càng làm ô nhiễm trầm trọng.

Nhưng có một điều còn kinh sợ hơn ô nhiễm. Như tôi đề cập ở trên, đấy là đánh giá không đúng, kỳ vọng quá nhiều vào tiềm năng titan để phát triển đất nước.

Một trong 10 sự kiện tài nguyên & môi trường đáng chú ý nhất năm 2009 mà Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố là khẳng định “Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng quặng titan thuộc loại lớn nhất thế giới”, với tài nguyên dự báo đạt khoảng 400 – 500 triệu tấn.

– Rồi còn có nhận định tiềm năng ấy sẽ mở ra triển vọng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước?

Đánh giá không đúng, định hướng không đúng, thì xôi hỏng bỏng không. Tập trung khai thác mạnh titan không những gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng sức khỏe hàng triệu người, mà còn chưa chắc giúp mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Tài nguyên và trữ lượng, một trời một vực

– Ý ông muốn nói tiềm năng là một chuyện nhưng có khai thác được hay không lại là chuyện khác?

Chính xác. Một số người nhầm lẫn giữa tài nguyêntrữ lượng. Tài nguyên có thể rất lớn nhưng trữ lượng lại không phải thế.

Nếu tài nguyên là đưa ra ước đoán khái quát, mang tính tiềm năng, thì trữ lượng lại phải gần với đời sống, với một giai đoạn phát triển nhất định. Nói như thế không có nghĩa trữ lượng chỉ phục vụ cho mục tiêu vài chục năm đâu, mà cả trăm năm, vài trăm năm.

Trữ lượng là đánh giá toàn diện bao gồm chất lượng tài nguyên, điều kiện khai thác tài nguyên, hiệu quả kinh tế của việc khai thác tài nguyên, cơ sở luật pháp cho việc khai thác, thậm chí, ảnh hưởng của văn hoá – tôn giáo nếu tiến hành khai thác tài nguyên, v.v .

Để đánh giá tác động của tài nguyên với phát triển kinh tế, phải đánh giá đúng trữ lượng.

Chẳng hạn, tiềm năng tài nguyên dầu khí có khả năng thu hồi của các bể trầm tích đệ tam của Việt Nam khoảng 4,300 tỷ tấn dầu quy đổi, nhưng trữ lượng phát hiện chỉ là 1,208 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại còn ít hơn, chỉ 814,7 triệu tấn dầu quy đổi.

Hay về than, ta có loại than chất lượng cao, bán ra thị trường thế giới với giá cao, là than biến chất cao (anthracite), phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sông Đà, Nông Sơn. Tổng tài nguyên của loại than này đạt trên 18 tỷ tấn. Tuy nhiên, trữ lượng của nó lại rất thấp. Bể than Quảng Ninh, lớn nhất trong nhóm than này, có trữ lượng chỉ trên ba tỷ tấn.

Rồi gần đây, báo chí rộ chuyện ta phát hiện và sắp khai thác than ở bể than Sông Hồng. Nhìn con số thì thấy có vẻ ghê gớm. Phần lục địa trong bể than sông Hồng tính đến chiều sâu 1700 m có tài nguyên đạt 36,960 tỷ tấn, hơn gấp đôi so với cụm bể than nói trên. Nếu tính đến độ sâu 3500 m, thì dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn.

Song các con số lấp lánh ấy mới chỉ là tiềm năng, là tài nguyên. Trữ lượng, tức là mức có thể khai thác thương mại được, chúng ta chưa biết chính xác do chưa có khảo sát, thăm dò đánh giá chính thức.

Đánh giá sơ bộ thì thấy trữ lượng của nó chừng vài chục tỷ tấn. Đấy là chưa kể than ở bể Sông Hồng chất lượng thấp hơn so với than Quảng Ninh, vì nó là loại than biến chất thấp (lignite – á bitumen), v.v.

Không đi thì chợ vẫn đông

– Rồi khai thác xong, bán có lãi không lại càng khác?

Chúng ta sẽ trả giá đắt nếu định hướng phát triển kinh tế chỉ dựa vào tài nguyên. Do nhiều nguyên nhân, nhiều số liệu khoáng sản của chúng ta lâu nay mới chỉ dừng ở mức đánh giá tài nguyên.

Đáng tiếc, không ít kế hoạch kinh tế xã hội của ta được xây dựng chủ yếu dựa trên số liệu tài nguyên chứ không phải trữ lượng.

Theo Bộ TN & MT, tài nguyên dự báo 400 – 500 triệu tấn titan-zircon là dựa trên cơ sở phát hiện mới trong tầng cát đỏ ở vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận và bắc Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là kết quả của đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan- zircon vùng Ninh Thuận – Bình Thuận và bắc Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Nhưng nghiệt ngã ở chỗ, những khoáng sản ta có nhiều, tầm cỡ thế giới, thì thế giới cũng có không ít. Không may nữa là nhu cầu nhóm khoáng sản phong phú ấy trên thế giới lại không cao từ nay cho đến một hai trăm năm nữa.

Như thế có nghĩa, không thể cứ nhè vào tiềm năng lớn mà khai thác lấy được. Khai thác để tàn phá môi trường mà không bán được thì khai thác làm gì.

Ta không khai thác, không mang ra thế giới bán thì thế giới cũng đã có đầy. Ta không mang các khoáng sản tầm cỡ thế giới ấy đi thì chợ thế giới vẫn đông các mặt hàng ấy. Chả nhẽ mang đi để bán rẻ hoặc không bán được thì lại mang về?

Theo công bố tháng 1-2009, của Hội Địa chất Hoa Kỳ (US Geologiacl Survey), trong báo cáo tóm tắt mặt hàng khoáng sản (Mineral Commodity Summaries), so với quốc gia có trữ lượng titan thứ 10 thế giới là Ucraina, trữ lượng của Việt Nam (đứng thứ 11), ít hơn gần ba lần. So với năm quốc gia hàng đầu, trữ lượng của ta ít hơn 20 – 100 lần.

Tuy Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng quặng titan thuộc loại lớn như vậy, nhu cầu tiêu thụ nó lại không nhiều, chỉ trên sáu triệu tấn/năm quy mô thế giới. Với trữ lượng toàn cầu hiện nay, khoảng 730 triệu tấn, thế giới có đủ titan để dùng 128 năm nữa.

Tương tự, bauxite ta đứng thứ thứ ba với tiềm năng tài nguyên 5,4 tỷ tấn và trữ lượng là 2,1 tỷ tấn, vẫn theo nguồn tài liệu trên. Thế nhưng trữ lượng bauxite trên thế giới là 27 tỷ tấn và, với sản lượng khai thác hàng năm chỉ trên 200 triệu tấn như hiện nay, phải 135 năm nữa mới hết bauxite.

Đất hiếm ta cũng có nhiều như đã nói, song với trữ lượng toàn thế giới 99 triệu tấn và, với nhu cầu hàng năm chỉ 125.000 tấn, phải 700 năm nữa mới cạn kiệt loại khoáng sản này, v.v.

Chưa cần thiết đầu tư thăm dò

– Cứ cho là thế giới chưa cần nhưng ta cần cho kinh tế của ta thì sao? Ta có thể tận dụng các tiềm năng nhất nhì thế giới ấy để làm nội lực, để tăng tốc, bứt phá?

Làm gì có cái lý thuyết ấy. Làm gì có chuyện khi mà bên ngoài đầy rẫy thì ta lại xới tung nhà ta lên để khai thác những thứ ê hề ấy.

Khai thác, rồi tinh chế, đòi hỏi công nghệ vô cùng phức tạp, chi phí vô cùng đắt đỏ. Liệu ta có đủ tiền để vừa đầu tư cho khai thác, tinh chế ra sản phẩm rẻ hơn thế giới, chất lượng không thua kém thế giới, để rồi còn đủ lực để đi tắt đón đầu không? Ốc chưa mang nổi mình ốc thì làm sao lại đòi bứt phá?

Một số ít khoáng sản kim loại như bauxite, đất hiếm, ilmenite, như tôi phân tích ở trên, ta có nhiều, thế giới cũng có lắm, song nhu cầu hàng năm không lớn, hàng trăm năm nữa mới cạn kiệt.

Nếu bảo các nhóm khoáng sản kim loại trên của ta là nóng, là khoáng sản cạnh tranh để phát triển, thì thật mạo hiểm. Lại càng không thể xem là cứu cánh của kinh tế Việt Nam.

Cần quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý. Nếu chỉ dựa đơn giản vào một số khoáng sản có tài nguyên trữ lượng nhiều, đứng thứ hạng cao trên thế giới, mà đánh giá quá cao vai trò của chúng trong phát triển kinh tế của đất nước sẽ là một sai lầm phải trả giá.

Tóm lại, một số loại khoáng sản thế giới và trong nước có nhiều trong khi toàn cầu không có nhu cầu tiêu thụ lớn như bauxite, đất hiếm, ilmenite thì, lúc này, chưa cần thiết đầu tư thăm dò.

Nên nhớ, khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được và có số lượng hạn chế trong lòng đất. Do đó, cần có chiến lược quản lý bảo vệ khai thác để sử dụng hợp lý tiết kiệm và có hiệu quả phục vụ cho tương lai lâu dài chứ không phải chỉ cho vài ba kế hoạch năm năm.

Cám ơn ông.

Nguồn: http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=191900&ChannelID=2

This entry was posted in Bô-xít, kinh tế. Bookmark the permalink.