Nhà văn Phạm Viết Đào đã điểm trúng huyệt một số người nguyên là chính khách hẳn hoi nhưng nay lại đang sống trong tâm lý muốn rúc đầu vào cát trước hành vi giễu võ dương oai của Trung Quốc, tưởng cứ mũ ni che tai, miệng nam mô A Di Đà Phật thì ông bạn láng giềng sẽ “hảo hảo” và không động đến mình nữa. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà công khai phô trương tâm lý ấy trên mặt báo như một kế sách vạn toàn cho dân cho nước, mặc cho tàu chiến của đối phương vùng vẫy trên lãnh hải nước mình, thỏa sức bắt giết và cướp bóc ngư dân mình, tưởng đã là lạ.
Nhưng bằng sự tinh ý, tác giả còn nhận thấy trong lời thú nhận tủi hổ của những vị chính khách quá mùa kia, hình như còn bao hàm nỗi sợ các trang mạng, trang blog lên tiếng quá mạnh về chủ quyền dân tộc thì sẽ làm cho nước láng giềng hiểu lầm chính sách đối ngoại của Nhà nước, khiến có thể ảnh hưởng đến an nguy nước nhà trong gang tấc. Anh lên tiếng cải chính cách nghĩ hồ đồ đó mà kỳ thực là muốn làm cái việc vực lại tinh thần cho các vị, để các vị khỏi vì sợ bóng sợ gió mà đâm quẫn, xúi bẩy người đương quyền đương chức đối phó với các phương tiện thông tin của cư dân mạng bằng những quyết sách không hay:
“Trước hết ngay cả thông tin báo chí, ngôn luận cũng chỉ là phương tiện thông tin bằng lời nói, bằng bài viết và bằng mạng internet; chức năng của nó là thông tin, sức mạnh và cái đích cao nhất của nó là tạo dư luận nhằm gây áp lực lên một bộ phận nào đó trong xã hội. Thông tin báo chí là người cầm cương dư luận chứ không phải là đội quân đề ra quyết sách, cầm cương chính trường; việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan chính trị, nhà nước, chính phủ, đảng phái chính trị…
“Do vậy chính thể nào, chính phủ nào quá lo sợ đội quân thông tin báo chí quá mạnh, tức là chính phủ đó, chính thể đó thật sự yếu kém và có quá nhiều thối nát bên trong; do vậy nên sợ bị sụp đổ bởi một vài làn gió thoảng qua…”.
Xin giới thiệu những lời phản biện cứng cỏi của nhà văn Phạm Viết Đào trước một hiện tượng mà chúng tôi nghĩ muốn gọi đích danh không gì chính xác hơn là dùng lại mấy chữ của Phan Bội Châu: “Than ôi cái vạ chết lòng”. Cầu mong sao “cái vạ chết lòng” này không lây lan cho cả một thế hệ con em chúng ta.
Nguyễn Huệ Chi
Tôi chăm chú đọc bài “Xin cho hai chữ bình yên” ( * ) của ông Dương Đức Quảng viết trên blog của ông và được nhiều bạn đọc chú ý trong đó có tôi. Tôi muốn được thưa chuyện lại với ông bởi, tôi biết ông là người đã lớn tuổi, hình như đã cập kề cái ngưỡng “cổ lai hy”…
Tôi biết ông Dương Đức Quảng nguyên là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng; có thời ông được coi là tham mưu số 1 cho nguyên thủ quốc gia về mặt thông tin, ngôn luận… (Hiện tại ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm một chân cán bộ thông tin – tuyên truyền cho một ngân hàng nào đó, nghe nói được trả lương tháng khá cao, gấp đôi, gấp ba lúc đương nhiệm. Chúc mừng ông vì ông đã xin được sự bình yên theo cách của ông, nhưng ông chớ có cổ xúy, phổ biến kinh nghiêm, tư vấn cho mọi người đạt được bình yên bằng kiểu xin – cho. Nhất là đối với Trung Quốc, chớ có xin – cho gì mà mang họa vào thân…)
Chúng tôi thấy việc bày tỏ suy nghĩ của mình về một số ý kiến của ông Dương Đức Quảng là việc cần thiết. Chúng tôi suy ngẫm rất kỹ về các ý kiến sau đây của ông Dương Đức Quảng:
“Việc xác định bạn và thù trong đường lối đối ngoại là cực kỳ quan trọng, không thể vì một sự “bức xúc” nào đó mà xác định bạn thành thù và ngược lại, không vì một sự “hảo hảo” nào đó mà biến kẻ thù thành bạn. Song, tôi nghĩ, có nhiều mối quan hệ đối ngoại mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những điều phức tạp của nó, mới có đủ thông tin để xử lý các tình huống mà người “ngoại đạo” không biết được”.
(Đoạn này chắc ông muốn nói dân chơi blog vỉa hè thì biết chi về chuyện chính trường, đối nội – đối ngoại mà tham gia?)
“…Vì thế, đọc một số bài viết trên mạng của người này người khác quá bức xúc, chỉ muốn “chiến” với Trung Quốc trước một số hành động của họ đối với ta gần đây, nhất là bắt giữ tàu thuyền và ngư dân của ta đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa…, dù cũng bức xúc không kém, tôi vẫn cầu trời khấn phật rằng đừng có vì những việc này mà “chiến” thật với Trung Quốc. Tình thế đất nước hiện nay không phải là lúc “ngàn cân treo sợi tóc” như đã từng xảy ra, nên càng cần học Bác Hồ trong các đối sách với Trung Quốc, làm sao cho quan hệ hai bên tốt đẹp, tránh để xảy ra đụng độ chứ đừng nói là chiến tranh giữa hai nước như trước đây. Nếu không khéo thì có khi lại mắc mưu của thế lực này, thế lực khác chỉ muốn Việt Nam không được yên ổn để xây dựng và phát triển. Còn tôi, tôi chỉ xin cho hai chữ bình yên…”
Trước hết ngay cả thông tin báo chí, ngôn luận cũng chỉ là phương tiện thông tin bằng lời nói, bằng bài viết và bằng mạng internet; chức năng của nó là thông tin, sức mạnh và cái đích cao nhất của nó là tạo dư luận nhằm gây áp lực lên một bộ phận nào đó trong xã hội. Thông tin báo chí là người cầm cương dư luận chứ không phải là đội quân đề ra quyết sách, cầm cương chính trường; việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan chính trị, nhà nước, chính phủ, đảng phái chính trị…
Do vậy chính thể nào, chính phủ nào quá lo sợ đội quân thông tin báo chí quá mạnh, tức là chính phủ đó, chính thể đó thật sự yếu kém và có quá nhiều thối nát bên trong; do vậy nên sợ bị sụp đổ bởi một vài làn gió thoảng qua…
Kể cả báo chí chính thống mà Bộ trưởng Lê Doãn Hợp dán nhãn cho là “lề phải” ấy cũng chỉ dừng lại mốc định giới đó; còn blog, những trang website cá nhân vẫn được xếp vào diện “lề trái”, là thứ nằm ở vỉa hè thông tin, làm gì có quyền can dự vào một quyết sách nào đó của chính quyền hay của một đảng phải chính trị nào? Tất nhiên nói vậy không có nghĩa thông tin blog hoàn toàn là những thông tin tầm phào, vỉa hè, không ai để ý tới… Có những blog cá nhân hiện nay có lượng người truy cập hàng ngày cao hơn rất nhiều các tờ báo “lề phải” sống bằng “bầu vú” ngân sách dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Vừa qua thế giới blog đã làm được một số chuyện mà báo chí lề phải không làm được: Đó là những ý kiến phản biện quyết liệt về Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Tất nhiên Chính phủ vẫn cứ triển khai nhưng dư luận không thể không đếm xỉa tới các ý kiến được xếp vào “lề trái” này và rồi lịch sử sẽ chứng minh ai đúng, ai sai! Rồi vụ ông Đào Duy Quát đăng tin của mạng Trung Quốc trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vô tình hay hữu ý xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Nếu không có đám blog “bóc mẽ” chuyện này ra thì ông Đào Duy Quát chắc còn tiếp tục tung hoành trên các diễn đàn để thuyết giảng về lập trường quan điểm nọ kia. Chí ít dân blog cũng đã buộc Bộ Thông tin Truyền thông xử phạt Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 30 triệu đồng; Ban Tuyên giáo thi hành kỷ luật hình thức khiển trách Tổng Biên tập Đào Duy Quát, một việc hy hữu vì ông vừa nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì trước khi cho đăng bài báo kể trên trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam?
Rồi việc một số người ở Quảng Ninh sang tham dự lễ dâng hương miếu Phục Ba Tướng quân Mã Viện ở Đông Hưng không chỉ lần đầu, nếu không được giới blog nhanh nhảu tố lên thì cái lễ này chắc còn được nhiều bà con Quảng Ninh tham gia đều đều.
Hay vụ cái công văn 218 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nếu không có đám blog tấu lên thì làm sao cư dân mạng biết được trình độ chính trị của các quan chức Lạng Sơn nó non kém như thế nào, trong bối cảnh chính trị phức tạp trong quan hệ Việt-Trung hiện nay.
Ông Dương Đức Quảng, nhà báo Nguyễn Vĩnh, nhà ngoại giao Dương Danh Dy biết rõ Hữu Lũng ở đâu và các liệt sĩ Trung Quốc này chết trong thời kỳ nào là do các vị này là người trong cuộc, làm việc tại những cơ quan chính phủ cao cấp. Theo như người viết bài này biết: loại thông tin nói về sự giúp đỡ của Trung Quốc về quân sự cho Việt Nam, nhất là sự giúp đỡ về người chỉ được đưa đậm và cụ thể trước năm 1975, còn sau 1975 các thông tin này đều đưa chung chung và xếp vào diện nhạy cảm và ít khi đưa.
Do vậy khi thông tin này được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa lên mạng, làm sao người dân ở những vùng như Quảng Ngãi, Quảng Nam, những thế hệ sinh năm 1975 biết được Hữu Lũng là đâu, bộ đội Trung Quốc sang đây làm gì và vì sao lại hy sinh? Người dân Việt Nam biết đến Lạng Sơn nhiều nhất đó là: địa danh đẫm máu trong những cuộc giao tranh giữa bộ đội ta và bộ đội Trung Quốc trong mùa xuân 1979.
Do vậy thông tin này đã gây hiểu lầm là điều tất yếu!
Ai dám đảm bảo trong đoàn Cựu chiến binh Trung Quốc sang tảo mộ trong tiết thanh minh tại Lạng Sơn lần này không có các tên lính đã từng sang bắn giết ở Lạng Sơn mùa xuân 1979 ké vào? Tất nhiên chúng ta cũng không thể phân biệt và cản trở việc trà trộn, ké vào này. Liệu 3 cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn: Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và UBND huyện Hữu Lũng tổ chức đón tiếp trọng thị này nếu chẳng may có kẻ đã bắn và đốt nhà đồng bào Lạng Sơn thì đó không chỉ là “kính chẳng bõ phiền…” mà còn làm đau lòng các vong linh liệt sĩ đã hy sinh ở Lạng Sơn… Bởi vì đám cựu chiến binh này tội gì không tranh thủ chuyến du lịch miễn phí lại được đón tiếp trọng thị mà ké vào ít suất…
Do vậy, việc các blog xúm vào làm rầm rĩ vụ này lên không hoàn toàn mang mục đích, động cơ tung tin xấu, thất thiệt; vì bản chất thông tin là thông tin. UBND tỉnh Lạng Sơn vốn quen gửi công văn cho các cơ quan nội bộ nên tưởng rằng đây là những thông tin mà mọi người đã quán triệt, đã biết rõ như ý kiến của ông Dương Đức Quảng. Thế nhưng khi đã lên mạng thì tình hình lại khác. Do vậy, giới blog đã một lần góp ý tốt cho không chỉ Lạng Sơn mà cả các cơ quan công quyền khác. Không phải cơ quan nào khác mà chính Văn phòng Chính phủ đã có lần sửng sốt trước công văn của một Bộ nọ đề: Kính gửi: “Chó” Thủ tướng…; điều này đã được đích danh ông Phó Thủ tướng bị coi là “Chó” này kể trong một buối hội nghị ngành…
Xin trở lại vấn đề về thái độ trong quan hệ với Trung Quốc nên như thế nào cho đúng mực, ông Dương Đức Quảng có đưa các kinh nghiệm quan hệ với Trung Quốc của ông Hồ Chí Minh. Nhân ông Dương Đức Quảng nhắc đến Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng xin viện dẫn tới Hồ Chí Minh trong các vấn đề đối ngoại.
Chúng ta chắc không ai quên Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và Lời kêu gọi 17/7/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!…”; “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Trong các quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chủ trương nhân nhượng, tranh thủ khi còn có khả năng nhân nhượng và tranh thủ được; điều này tùy thuộc vào bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử cụ thể: Dĩ bất biến ứng vạn biến. Do đó, không thể lấy kinh nghiệm của Hồ Chí Minh trong giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử này để áp dụng vào hoàn cảnh lịch sử khác. Không thể lấy các bài học kinh nghiệm trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc trong thời kỳ Hồ Chí Minh đang sống để lấy làm khuôn mẫu để ngầm ý chê thời ông Lê Duẩn hơi cứng nhắc, hơi tả, là “máu chiến” dẫn đến cuộc chiến tranh đáng tiếc 1979. Đó là một sự viện dẫn sai. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 thực chất đã được “lập trình” ở Bắc Kinh. Tôi viết như thế này không biết có đúng ý của Dương tiên sinh không? Hay Dương tiên sinh có ý khác?!
Chính trong thời kỳ năm 1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự chính trị được xếp vào hàng chín chắn và trong sáng bậc nhất đã có bài viết hùng hồn kêu gọi quân dân Việt Nam kiên quyết đánh trả và đánh thắng bọn bành trướng xâm lược.
”Tình thế đất nước hiện nay không phải là lúc “ngàn cân treo sợi tóc” như đã từng xảy ra, nên càng cần học Bác Hồ trong các đối sách với Trung Quốc, làm sao cho quan hệ hai bên tốt đẹp, tránh để xảy ra đụng độ chứ đừng nói là chiến tranh giữa hai nước như trước đây. Nếu không khéo thì có khi lại mắc mưu của thế lực này, thế lực khác chỉ muốn Việt Nam không được yên ổn để xây dựng và phát triển. Còn tôi, tôi chỉ xin cho hai chữ bình yên…”
Theo chúng tôi, đất nước nếu chưa rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng, nếu có dùng ngàn sợi tóc để treo ngàn cân thì nguy cơ không nhỏ hơn. Về ý kiến trên của ông Dương Đức Quảng khiến cho chúng tôi chợt liên hệ tới một số kẻ đang nhân danh: sự đồng thuận, nhân danh sự nhạy cảm trong các quan hệ đối nội, đối ngoại, để tìm cách đả kích, bóp mồm, bóp miệng, chụp mũ cho những ý kiến tỏ ra bức xúc, lo lắng thành tâm với các vấn đề liên quan tới số phận sống còn của dân tộc là gây rối nội bộ.
Chính ông Đào Duy Quát cũng đã có lần huấn thị các nhà báo: Đưa tin về Trung Quốc như thế thì có lợi gì, có lợi gì? Chắc đưa tin như Báo điện tử ĐCSVN của ông mới là có lợi chăng, nếu thế thì: “Lợi thì có lợi nhưng răng không còn …”. Không biết ông Đào Duy Quát có còn cảm thấy đau răng nữa không?
Theo tôi, cần phải hết sức cảnh giác về những ý kiến tương tự kiểu như ý kiến của ông Dương Đức Quảng, ông Đào Duy Quát. Biết đâu đó chính là luận điệu đang tìm cách tác động vào “bên trong” và “bên trên” gây nên những cú “tự diễn biến” như nhận định trong bài viết “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình: Phòng chống “tự diễn biến” từ bên trong và bên trên“ của Tiến sĩ Lê Văn Bảo đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 4/4/2010. Rất mong Lê Tiến sĩ tham gia thẩm định hộ vụ này…
Bởi cá nhân ông Dương Đức Quảng có thể hy sinh một cái gì đó để xin được sự bình yên, nhưng cả đất nước này, dân tộc này không thể cúi đầu để cầu xin sự bình yên; hay để được bình yên hạ thấp nhân phẩm, cho không tài nguyên biển trời, chủ quyền dân tộc và chấp nhận sự đồng hóa về văn hóa…
Sự bình yên, độc lập, tự chủ, tự do, các giá trị dân chủ, nhân quyền của cả một dân tộc cũng như của từng cá nhân không bao giờ là thứ có thể xin cho được. Người Việt Nam muôn đời nay chưa bao giờ tiếp nhận được sự bao cấp này từ bất cứ đâu các giá trị kể trên! Biết đâu ông Dương Đức Quảng và ông Đào Duy Quát được ban ân sủng ngoại lệ này từ bên trong, bên trên và bên ngoài nữa chăng?!
PVĐ
( * ) http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4715