Nhưng các Đạo diễn Trung quốc vẫn tìm bằng được mọi cách để thoát khỏi cái vòng “kim cô” của kẻ cầm quyền bất trị. Thế mới biết nước lớn lớn về mưu mô đối với nước nhỏ thì cũng lớn vì đã sản sinh ra những nhân cách dám đương đầu và chiến thắng luật lệ hà khắc. Biện chứng của lịch sử chính là ở chỗ ấy.
Bauxite Việt Nam
Đạo diễn Lâu Diệp bị cấm làm phim trong 5 năm, vì phim “Hạ cung” trước đây đề cập đến Thiên An Môn. Nhưng ông vẫn có mặt tại Cannes năm ngoái với phim” Xuân phong” có vốn tài trợ của Hongkong và Pháp. Theo ông, các nhà quản lý không muốn có những phim phản ánh thực tại cuộc sống Trung Quốc, chỉ khuyến khích các phim thương mại, cổ trang.
Trang điện ảnh của nhật báo Libération hôm nay giới thiệu hai bộ phim có đặc điểm là đều được quay lén: «Xuân phong» của Đạo diễn Lâu Diệp, Trung Quốc và «Téhéran» của Đạo diễn Iran Homayoun. Riêng Đạo diễn Lâu Diệp vốn phải đối diện với vấn đề kiểm duyệt ngay từ khi mới bước vào làng điện ảnh.
Hai bộ phim dài đầu tiên của ông đều bị cấm chiếu tại Trung Quốc. Phim «Hạ cung» được giới thiệu tại Liên hoan Cannes năm 2006 đã làm chính quyền Bắc Kinh nổi giận vì dám đề cập đến cuộc biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn, một chủ đề cấm kỵ lâu nay. Hậu quả là Lâu Diệp bị cấm làm phim trong vòng 5 năm. Thế nhưng ông vẫn có mặt tại Liên hoan Cannes năm 2009 với bộ phim «Xuân phong», sản xuất bằng vốn của Hongkong và Pháp, và đoạt được giải thưởng về kịch bản. Thêm một lần nữa, sự cấm đoán đã không cản bước được một nhà điện ảnh đã có tên tuổi với quốc tế. Trả lời phỏng vấn của Libération, Lâu Diệp đã giải thích về cách làm phim ở Trung Quốc hiện nay.
Ông cho biết tất cả các phim mới dù chỉ mới là kịch bản hay đã quay xong, đều phải được cơ quan phụ trách quản lý điện ảnh thông qua, nếu không thì không thể được chiếu tại thị trường Trung Quốc. Cách làm này đã có từ 60 năm qua, khi thì nhà nước siết chặt, có khi cũng thả lỏng. Đây là một kiểu kiểm duyệt linh hoạt. Không một nhà làm phim nào thích như thế cả, nhưng dù sao còn có những ngành khác bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều. Riêng cá nhân ông dù bị cấm quay phim, nhưng không bị bỏ tù. Có điều không một nhà sản xuất nào muốn bỏ tiền ra cho ông làm phim cả. Ông nói thêm, trong thập niên 90 đã bùng nổ một loại các phim quay bằng máy kỹ thuật số, khiến cơ quan quản lý lúng túng không thể kiểm soát nổi. Có những phim không đem đi duyệt, được chiếu lén lút trong vòng thân mật, và được phân phối qua các DVD lậu.
Sở dĩ Lâu Diệp chọn Nam Kinh làm bối cảnh của phim, vì đó là một thành phố bình thường, tiêu biểu cho đại đa số các thành phố của miền Đông Trung Quốc. Nhưng ông nhận xét, những người làm công việc quản lý ngành điện ảnh không hề muốn thấy thực tại cuộc sống hiện nay được phản ánh lên phim, mà muốn uốn các nhà làm phim phải chiều theo khuynh hướng của họ.
Chẳng hạn trong thập niên 90, cơ quan quản lý khuyến khích các phim nói về các điều kiện làm việc khó khăn của người lao động Trung Quốc. Nhưng họ chẳng bao giờ muốn có những phim đề cập đến sự kiện đàn áp Thiên An Môn năm 1989, về cuộc cách mạng văn hóa, về lịch sử cận đại nói chung; mà chỉ tạo điều kiện cho các phim mang tính thương mại. Không được phản ánh thực tại hiện nay, kể cả trong thập niên 60. Nếu muốn phim mình được phân phối qua hệ thống các rạp xi-nê, thì phải làm phim về thập niên 20 – 30, hoặc các phim cổ trang về thời kỳ phong kiến. Nhưng ngày nay khán giả Trung Quốc đã bắt đầu chán ngấy các bộ phim nói mãi về các vấn đề của triều đình Trung Hoa thời xưa.
Tuy nói lời cảm ơn với những người đã không tống ông vào tù vì bộ phim «Hạ cung», nhưng Lâu Diệp cho biết, ông không thể không nói về sự kiện năm 1989 mà ông từng chứng kiến. Qua việc thực hiện các bộ phim mới, ông hy vọng các đạo diễn khác cảm nhận được thông điệp: «Chỉ nên làm những phim mà mình tâm đắc. Chấm hết!» – dù đang còn trong thời kỳ bị cấm, nhưng Lâu Diệp đã quay được thêm hai bộ phim.
Cũng liên quan đến điện ảnh châu Á, ôngYang Ik-june, Đạo diễn và là diễn viên chính của bộ phim «Nghẹt thở» của Hàn Quốc cũng được nhiều báo nhắc đến. Nhân vật nam chính trong phim là người chuyên đòi nợ thuê và bảo kê gái điếm, một hôm đã gặp phải một nữ sinh bướng bỉnh, có người cha hung bạo vốn là cựu binh Việt Nam. Nhật báo L’Humanité nhận xét, Đạo diễn đã đặt dấu hỏi về những giá trị nền tảng của xã hội Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, đạo diễn cho biết tính cách nhân vật người cha trong phim – vừa bạo lực vừa yếu đuối, bệnh hoạn và bất lực – là hậu quả từ một xã hội Hàn Quốc lâu nay vẫn buộc người đàn ông phải chứng tỏ quyền lực của nam giới. Với hệ thống chính trị lâu nay, người cha phải mạnh mẽ, trở thành những cỗ máy yêu nước và kiếm ra tiền bằng mọi giá. Những người đàn ông mang tính cách yếu đuối rất sợ người khác biết được khuyết điểm của mình. Bị chà đạp ở môi trường bên ngoài, họ trả thù bằng bạo lực đối với những người thân trong nhà.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100414-phim-anh-trung-quoc-khong-duoc-phan-anh-thuc-tai-cuoc-song-hien-nay