Lời mở đầu: Ngày 28/7/2014, 61 đảng viên đã ký Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với mở đầu “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã Áp đặt cho Dân tộc Đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết, được coi là dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin”. Phải chăng đây là nguyên nhân cốt lõi làm Việt Nam tuy có gần 40 năm Hòa bình – Thống nhất, song đến nay vẫn trì trệ, suy thoái?
Ngày 29/7/2014, khi làm việc với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “ Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn”, nhất là với các chương trình, đề án, dự án quan trọng của Đảng, Nhà nước như Tổng kết 30 năm Đổi Mới; Chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12; Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, …
Với mục tiêu thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và quan niệm các sự việc trong hai ngày 28, 29/7/2014 có nhiều ý nghĩa với tiến trình Thay đổi tận gốc, sau đây xin đăng bài có tên trên của tác giả Đại tá Đỗ Mạnh Hiến (Ảnh trên, chụp ngày 5/8/2014).
· ĐỔI MỚI TRƯỚC VÀ SAU ĐẠI HỘI VI NĂM 1986 THÀNH CÔNG
TRƯỚC HẾT DO LÃNH ĐẠO ĐẢNG THỜI ĐÓ CHỈ RÕ “BA SỰ THẬT”.
Sự thật thứ nhất:
Sự thật đầu tiên được Tổng Bí thư Trường Chinh, kiến trúc sư của Đổi mới chỉ ra là: Lãnh đạo đã “Phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về Chủ trương, Chính sách lớn” (không phải lãnh đạo là luôn đúng, còn sai là do tổ chức thực hiện). Nguyên nhân là: “Tả khuynh, Ấu trĩ, Duy ý chí, Trái quy luật khách quan… Khi đã mắc sai lầm lại Bảo thủ, Trì trệ, Không dũng cảm sửa chữa…” (Trường Chinh; Phát biểu tại Đảng bộ Hà Nội 19/10/1986; Văn kiện Đảng toàn tập; Tập 47, tr. 270.)
Vì thế, Đổi mới phải diễn ra trước hết trong Lãnh đạo: “Cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ Đảng, trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể, trong nội bộ nhân dân, trong từng cấp, từng ngành, và đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi chúng ta.” (Trường Chinh; Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại ; 1988)
Sự thật thứ hai:
Yếu kém, lạc hậu về Lý luận là Sự thật thứ hai được Tổng Bí thư Trường Chinh làm sáng tỏ. Theo ông vì Lý luận yếu kém, lạc hậu nên quyết định của Đảng không chính xác, mâu thuẫn nhau và đây không chỉ là thiếu sót của các cơ quan lý luận, tư tưởng, mà chủ yếu do nhận thức của Lãnh đạo Đảng:“Thiếu sót của Trung ương là đã không sớm đặt vấn đề đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận đúng với tầm vóc chiến lược của nó; cách mạng đã chuyển sang thời kỳ Đổi mới nhưng công tác Tư tưởng và Tư duy lý luận của chúng ta không theo kịp sự chuyển biến của tình hình.” (Trần Nhâm; Trường Chinh với sự nghiệp Đổi mới đất nước ta ; Tr. 13.)
Sự thật thứ ba:
Không thẳng thắn trong thảo luận để tìm ra Đúng, Sai là Sự thật thứ ba được Tổng Bí thư Trường Chinh nêu ra: “… Không thẳng thắn nói hết ý kiến để cùng nhau thảo luận đi đến nhất trí, đã không kiên trì cái đúng, phân tích đầy đủ cái sai… Đó là khuyết điểm của Bộ Chính trị”. (Trường Chinh. Bài phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 4/4/1986, Trích theo Đặng Phong, sđd. tr.302.)
Có thể nhận thấy, nếu không tiếp tục có thái độ kiên quyết Tôn trọng sự thật, Trân trọng tri thức như Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói và làm sẽ khó đưa tiến trình Đổi mới hôm nay đi đến thành công.
· “BA SỰ VIỆC” CẦN ĐƯỢC LÃNH ĐẠO ĐẢNG HIỆN NAY ƯU TIÊN XEM XÉT, TẠO CƠ SỞ CHO TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI THÀNH CÔNG
Từ năm 1991 đến nay (tức là từ Đại hội Đảng VII đến Đại hội Đảng XI) không thiếu các đảng viên có ý kiến phản biện đề nghị Đảng Đổi mới Chính trị – Đổi mới Thể chế, như Trần Xuân Bách với quan điểm Đa nguyên, Trần Độ, Đặng Quốc Bảo với quan điểm Phát huy Dân chủ, Nguyễn Trọng Vĩnh với quan điểm chống bành trướng, …, gần đây có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An với quan niệm sửa “Lỗi hệ thống”, hay nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm tra Hà Tuấn Trung, trước Đại hội Đảng XI gửi Bộ Chính trị bài “Nên lấy Học thuyết Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng” và “Nên đổi lại tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam”. (Ảnh trên: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và GS. Vũ Khiêu trong ngày Khoa học và Công nghệ đầu tiên 18/5/2014).
Hình thức phản biện cho Đảng là đa dạng, như nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW Nguyễn Mạnh Can, Giám đốc Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam, từ nhiều năm đã đề nghị cần bắt đầu Đổi mới từ 9 bài học văn hóa có từ Cách mạng Tháng 8, nhất là về Đoàn kết, Trân trọng Trí thức, Dân chủ và Đa đảng. Ông hay nói nên nghiêm túc nghĩ vì sao một người thông tuệ như Cụ Hồ đã dành hẳn một thời gian dài viết Di chúc để dặn lại thế hệ mai sau, song không hề nhắc đến Chủ nghĩa Xã hội mà chỉ phấn đấu cho Việt Nam và Thế giới luôn “mới mẻ, tốt tươi” với những dòng cuối cùng của Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Trong chống tham nhũng, có nhiều ý kiến phản biện tới từng sự việc, từng dự án, nhưng cũng không ít ý kiến cho là việc chống tham nhũng hiện nay chỉ là bắt cóc bỏ đĩa, oan sai nhiều, do mới chỉ chú ý đến hiện tượng mà bỏ qua thực chất là:Nguồn gốc và Môi trường nuôi dưỡng tham nhũng là tư tưởng Chính trị và mô hình Cầm quyền lạc hậu. Vì thế, để chống tham nhũng hiệu quả trước hết phải Đổi mới Chính trị – Đổi mới Cơ chế, vì khi Đảng còn đặt quyền lợi giai cấp tức quyền lợi Nhóm, trước quyền lợi Dân tộc, dù đó là “Nhóm lớn”, thì cuộc đấu tranh “chống Quyền lợi Nhóm” khó có thể thành công.
Có nhiều sự việc trong thực tiễn chứng minh các phản biện từ đảng viên và xã hội là phù hợp với xu thế phát triển và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Để minh họa nhận định này sau đây xin chọn “Ba sự việc” liên quan trực tiếp đến sai lầm trong việc kiên định đường lối Mác-Lênin. Nhằm có những thay đổi kịp thời phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc,“Ba sự việc” này cần được nghiêm túc nghiên cứu theo quan điểm “Ba Sự thật” đã được Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ ở trên. Ba sự việc này được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:
Sự việc thứ nhất:
Tổng thống Braxin, bà Dilma Rousseff
Tối 11/4/2012 đã xẩy ra một sự việc liên quan tới hình ảnh Việt Nam với Quốc tế, sự việc mà không người Việt Nam yêu nước, có tự trọng nào muốn có. Đó là ngày 1/3/2012 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Bộ Ngoại giao Braxin chính thức thông báo: “Tổng thống Dilma Rousseff rất vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Braxin với nghi lễ nguyên thủ quốc gia từ ngày 12 đến 15/4/2012…”. Tuy nhiên ngày 10/4/2012, sau khi Tổng Bí thư đọc diễn văn tại Trường Đảng cao cấp Ni-cô-lô-pết của Cu Ba: “Bản chất Thời đại không thay đổi”, “Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân”,…, thì ngay lập tức tối ngày 11/4/2014 phía Braxin chính thức thông báo Tổng thống Braxin hủy việc tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lý do “sức khỏe Tổng thống và chương trình của Tổng thống không được bố trí khoa học và phù hợp”. (Ảnh trên: Uy tín Tổng thống Dilma Rouseff lên cao và Đảng Lao động của bà có thể thắng tiếp nhiệm kỳ 2).
Sự việc thứ hai:
Tối 25/2/2013 đã xẩy ra một sự việc liên quan tới nguyện vọng và quyết tâm của Thế hệ trẻ. Đó là khi Tổng Bí thư phê phán một số ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống”, thì ngay lập tức với quan niệm “đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng”, một trí thức trẻ đã thẳng thắn phản đối tư tưởng Toàn trị mà Tổng Bí thư đang thể hiện sống động: “Ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước”. Vậy là trong mắt người thanh niên này, do đã đi ngược tư tưởng Đoàn kết của Cụ Hồ nên Đảng không còn là “Đảng Việt Nam” nữa, và như thế Tổng Bí thư của Đảng sẽ khó giữ vai trò Lãnh đạo dân tộc. Anh cũng bày tỏ dứt khoát nguyện vọng muốn một xã hội dân chủ, phát triển và thượng tôn pháp luật: “Tôi muốn tổ chức một Hội nghị Lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam”.
Sự việc thứ ba:
Ngày 28/7/2014 đã xẩy ra một sự việc liên quan tới mong muốn và chỉ dẫn của thế hệ trước. Vào ngày này, lần đầu tiên đã xuất hiện sự kiện 61 đảng viên, nhiều người là các tướng lĩnh, nhiều người đã giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, song đều đã mang những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời để cống hiến cho chế độ như Lão Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nay đã gần tuổi 100, Thiếu tướng Lê Duy Mật,…, các cán bộ lão thành của Đảng như Trần Đức Nguyên, Hà Tuấn Trung, …, các nhà trí thức cao niên như GS. Đào Xuân Sâm, GS. Tương Lai, PGS. Hồ Uy Liêm,… đều nhất trí ký vào Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó chỉ rõ và yêu cầu kịp thời sửa chữa các sai lầm cốt lõi về đường lối:
“… 1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ . …
2. … Thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng, có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước … Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là cần thiết nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta … Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi …
· ĐÃ THAY ĐỔI TÍCH CỰC SONG CHƯA ĐỦ, VÌ THẾ CẦN THAY ĐỔI
TẬN GỐC ĐỂ ĐẢNG TỪ CỦA GIAI CẤP THÀNH “ĐẢNG VIỆT NAM”
Chiều 29/7/2014, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra buổi làm việc giữa Chính phủ và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành. Trong buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Liên hiệp hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đồng thời phối hợp chặt với các Bộ, ngành Chính phủ tham gia tư vấn, đánh giá các chương trình, đề án, dự án hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước như Tổng kết 30 năm Đổi Mới; Chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ 12; Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, … Thủ tướng bày tỏ “Chính phủ hết sức chú ý lắng nghe, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến; càng phát huy dân chủ, càng nghe được nhiều ý kiến, càng tranh luận thì việc tiếp cận chân lý càng tốt, càng hiệu quả”. (Ảnh trên: Thủ tướng với Lãnh đạo Liên hiệp hội).
Nhận xét về điều này, PGS. TS. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, phát biểu với hy vọng xen lẫn nghi ngại: “Tôi nghĩ rằng, một đất nước phát triển lành mạnh là phải có sự đóng góp của người dân, đặc biệt của giới trí thức vào việc xây dựng các chính sách phát triển, … Lâu nay câu chuyện đóng góp ấy chưa thật nhiều nhất là hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội. Bây giờ Thủ tướng nói như vậy, hy vọng chuyện Thủ tướng khẳng định sẽ được thực hiện trong thực tế”.
Khó nói khác vì từ 1976 đến nay, không ít lần người dân đã hy vọng để rồi thất vọng, ví như Nghị quyết Hội nghị TW 5 Khóa VI về xây dựng Đảng khẳng định: “Đối với những vấn đề mới đặt ra, những vấn đề phức tạp còn có những ý kiến khác nhau,phải cùng nhau nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của các chuyên gia và cán bộ khoa học, phát huy tự do tư tưởng, tranh luận thẳng thắn, dân chủ.” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, tr.267.) hay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố tại Hội nghị TW 4, Khóa VI: “Những ý kiến khác nhau cũng thường xảy ra trong Bộ Chính trị, Ban bí thư, … Quan trọng là ý kiến khác nhau đó phải được nói ra, phải được thảo luận và tranh luận đến nơi đến chốn để đi đến thống nhất. … Hết sức tránh tình trạng một mình
độc quyền chân lý, còn mọi người thì chỉ có quyền chấp hành thụ động, không dám tranh luận. Chúng ta phải tạo ra thói quen biết thảo luận và tranh luận.” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 48, tr.555). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy “chân lý Mác-Lênin” vẫn độc quyền và đứng trên quyền lợi dân tộc và xu thế phát triển. (Ảnh trên: Thủ tướng làm việc với Liên hiệp hội ngày 29/7/2014).
Có thể lần này sẽ khác và phát biểu Tôn trọng Sự thực – Trân trọng Tri thức của Thủ tướng thực sự cho thấy tiến trình Đổi Mới đã tiến thêm một bước, bởi vì nội dung Thủ tướng vừa phát biểu ngày 29/7/2014 là hoàn toàn khác nội dung Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ngày 24/7/2009, nhằm quy định hành lang cho công tác phản biện theo đúng “Đường lối”. Phải chăng việc trước hết phải gương mẫu tự Đổi mới chính mình của Thủ tướng đã mang hy vọng và quyết tâm cho những ai đang phấn đấu đưa đất nước tiến theo xu thế phát triển tất yếu.
Đó là chưa kể, trong hai năm 2013/2014 ở trong nước, ngoài nước xuất hiện nhiều Thay đổi tích cực, từ “Niềm tin Chiến lược” ở Diễn đàn Quốc tế Shangri-La 13, “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, “Thượng tôn Pháp luật” để “Kiến tạo Phát triển” ở Thông điệp Năm mới 2014, … đến xây dựng mối quan hệ quốc tế với quốc tế và các nước trong khu vực để chống Trung Quốc bành trướng xâm lược, việc hầu như không nhắc đến các cụm từ “suy thoái”, “4 tốt”, “16 chữ”, … cũng như thả một số người bất đồng chính kiến trước đây đã bị bắt.
Thực tiễn cho thấy, “Trên” và “Dưới” đã và đang có Thay đổi tích cực, song xã hội vẫn tiếp tục suy thoái. Nguyên do là Thay đổi chưa đến ngưỡng. Song có thể khẳng định, với xu thế tất yếu Dân chủ hóa, Toàn cầu hóa của Nhân loại, với truyền thống Đoàn kết, bất khuất và nhân văn của Dân tộc Việt Nam, có đủ cơ sở để hy vọng và tin tưởng toàn bộ Hệ thống Chính trị, nhất là bộ máy Lãnh đạo và Xã hội, sẽ “Diễn biến Hòa bình” để cùng Thay đổi dẫn đến Thành công.
Muốn vậy, việc phải làm đầu tiên là Thay đổi Tư duy Chính trị. Điều này là không thể khác khi phải biến ngay các Thách thức Lớn hiện hữu thành Cơ hội Lớn và Cơ hội lớn thành Hiện thực, cũng như phục vụ hai nhiệm vụ quan trọng là Tổng kết 30 năm Đổi mới và soạn thảo các Văn kiện cho Đại hội Đảng XII, nhằm từ một Đảng chỉ biết đặt quyền lợi giai cấp trước quyền lợi Dân tộc, có điều kiện để “Tự Diễn biến” theo hướng Đổi mới thành “Đảng Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, góp phần đưa Đảng, Dân tộc Việt Nam và Thế giới phát triển.
Ngày 5 tháng 8 năm 2014
Đại tá Đỗ Mạnh Hiến
Nguyên Chính trị viên Đại đội 45,
Trung đoàn 291, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.
Đơn vị Anh hùng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Nguồn: danquyenvn.blogspot.com