Vinacomin tái khẳng định bauxite Tân Rai lỗ theo kế hoạch

(Doanh nghiệp) – Sau 1 năm đầu hoạt động, dự kiến trong 3 năm tới hoạt động sản xuất tại Công ty Nhôm Lâm dồng sẽ còn tiếp tục lỗ.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị kiểm điểm một năm sản xuất và tiêu thụ alumin và hydroxit nhôm, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – Vinacomin (gọi tắt Công ty Nhôm Lâm Đồng, đơn vị điều hành tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) vào cuối tuần qua.

Thông tin trên Tuổi trẻ, đại diện Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thừa nhận kết quả tính toán mới nhất cho thấy dự án có thời gian thua lỗ trong bốn năm, nhưng sau 11 năm hoạt động thì thu hồi được vốn.

Như vậy, sau một năm bắt đầu có hoạt động kinh doanh thì dự kiến trong ba năm tới hoạt động sản xuất tại Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ còn tiếp tục lỗ.

Trước đó, dự án này đã được xác định sẽ lỗ trong 5 năm và hoàn vốn trong 12 năm còn dự án Nhân Cơ có kế hoạch lỗ là 7 năm, hoàn lỗ trong 13 năm.

Và tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra vào tháng 4/2014, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã lạc quan khẳng định 2 dự án bauxite này có tính khả thi.

Lỗ vẫn khai thác, vì…?

Trước báo cáo cho thấy dự án bauxite sau khi đi vào hoạt động có kế hoạch thua lỗ trong vòng 4-5 năm đầu tiên trong khi vẫn xin nhận nhiều ưu đãi về các loại thuế phí, nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia cho biết, nên dừng dự án bauxite Tây Nguyên thậm chí đặt ra nghi ngờ về việc tồn tại lợi ích nhóm.

Cụ thể, TS Hồ Uy Liêm – nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam từng cho biết, dù không thể túm tận tay, day tận mặt nhưng cá nhân ông nghi ngờ về tính lợi ích nhóm rất lớn trong dự án này.

clip_image001

Tiền đầu tư cho hai dự án bauxite Nhân Cơ, Tân Rai hầu hết là vốn vay

“Nhà nước đã đầu tư vốn vào dự án này rất nhiều rồi sau lại điều chỉnh tăng hơn 8.208 tỉ đồng (giá trị trước thuế) so với dự toán ban đầu. Trong đó, dự án alumin Tân Rai tăng 3.890 tỉ đồng, dự án Nhân Cơ tăng 4.318 tỉ đồng. Trong khi đó Bộ lại xin hạ tiêu chuẩn thì thực sự nguy hiểm”, TS Hồ Uy Liêm nói

Cũng theo TS Hồ Uy Liêm, nếu cứ làm kiểu thế này tốt nhất là cho doanh nghiệp vào tự đào rồi bán đi, hay với doanh nghiệp nước ngoài thì cho không đi để nhà nước đỡ phải mất thêm tiền. Làm không có lãi rồi lại hứa đến năm 2020 mới có lãi thì đã rõ tính hiệu quả của nó rồi.

Trước đó cũng có nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đánh giá, rủi ro tài chính của dự án bauxite là rất cao. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch lý giải về nhận định đó của mình bằng cách đưa ra con số 600 triệu USD của TKV vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án do Chính phủ bảo lãnh, số tiền này đã thuộc nợ công chứ không chỉ thuộc phạm vi của dự án hay của TKV.

Bộ Công Thương khẳng định TKV đã có kế hoạch trả nợ khoản vay này, nhưng như băn khoăn của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, ông Lê Nam, việc trả nợ có thể bảo đảm theo kế hoạch không khi mà doanh nghiệp hiện vẫn đang bị lỗ và dự kiến sẽ còn bị lỗ trong 5 – 7 năm nữa?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng đề nghị, cần phải xem xét, đánh giá thật cẩn trọng hệ lụy nợ đối với hai dự án này.

Trước kỳ họp Quốc hội tháng 5/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết về nội dung giám sát “hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than – khoáng sản VN làm chủ đầu tư”. Nêu những mặt được chưa được của dự án, chỉ ra nguyên nhân và đề ra yêu cầu đối với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc tiếp tục triển khai hai dự án bauxite ở Tây Nguyên.

H.A.
Nguồn: 
baodatviet.vn

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.