(Trao đổi nhân đề án cải cách sách giáo khoa của BGD)
HH: Vừa qua, Bộ GD đưa ra trước Quốc hội dự toán cho việc soạn lại SGK, nhưng chưa thấy đề cập hoặc đề cập không rõ về tinh thần chủ đạo của SGK mới sẽ ra mắt xã hội vào năm 2016. Anh có suy nghĩ gì về việc ấy?
PT: Muốn ra sách vào năm 2016 thì ít nhất hằng chục năm trước đã phải có ý tưởng chủ đạo về bộ sách và ý tưởng phải được triển khai, thử nghiệm từ đó đến nay rồi chứ. Một kinh nghiệm từ bản thân: nhóm Cánh Buồm soạn bộ SGK Tiểu học của mình từ năm 2009, nhưng ý tưởng chủ đạo của nó thì tôi đã đề xướng từ lâu. Thí dụ về môn Văn. Tôi chủ trương Dạy Văn không phải để học sinh “tán” về bài văn theo lời dạy của thầy, viết bài theo “văn mẫu”. Học văn là tạo năng lực nghệ thuật, lấy Văn làm vật liệu nghiên cứu, vì Văn là vật liệu nghệ thuật nhẹ nhàng nhất, dễ tiếp cận nhất. Ngay từ 1986, tức hơn 20 năm trước, nhờ báo Văn Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc làm TBT, tôi đã công bố tuyên ngôn ấy ở bài “Sao lại học văn”, bài này đến năm 2000 được in vào quyển sách “Công nghệ dạy Văn” (Đại học xuất bản). Tư tưởng này được tôi áp dụng vào thực tế dạy học, rồi đưa vào việc biên soạn cuốn sách dạy Văn đầu tiên của chương trình Thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại. Từ đó về sau, nó được liên tục “nâng cấp”. Mới đây, Trung tâm viết sách của Hồ Ngọc Đại đã lấy lại bộ sách Văn ấy, thay đổi chút ít, biến thành sách mới, có đề nghị tôi ký tên nhưng tôi từ chối, vì tôi đã có những ý tưởng tiến xa hơn và đưa vào sách Cánh Buồm.
Tóm lại, muốn có SGK kiểu mới, tác giả phải chuẩn bị từ khâu đề xướng chủ thuyết, giải thích chủ thuyết, và làm thử. Cả 3 yếu tố ấy đều không thấy có ở bộ phận soạn SGK của Bộ Giáo dục.
Chỉ thấy năm 2011 ông ĐNT nói lên tinh thần SGK mới sẽ là “tiếp cận năng lực”, nhưng chẳng ai hiểu nó là như thế nào. Rồi bây giờ, trả lời chất vấn báo chí, ông ấy lại nói: “tiếp cận theo năng lực”, tức là suốt mấy năm được thêm 1 chữ “theo”.
Bởi thế, tôi dám nói không liều là: năm 2016 BGD sẽ chẳng có gì trình ra xã hội, hoặc vẫn chỉ trình ra những cái cũ. Xem cách chuẩn bị trận đánh là biết trận đánh sẽ diễn ra thế nào.
HH: Từ ví dụ môn Văn, anh có thể nói về tư tưởng chủ đạo phương pháp học nói chung theo chủ thuyết Cánh Buồm?
PT: Tư tưởng chủ đạo là làm cho trẻ biết tự học, trẻ biết tự học thì biết tự giáo dục. Nhưng không phải cứ kêu gọi “em phải tự học nhé!” là xong. Ai chả muốn con mình học giỏi, biết tự học, nhưng vấn đề là phải làm cho trẻ tự học được. Tức là phải tìm được những thao tác học cho trẻ thực hiện. Đó là những thao tác làm việc chắt lọc nhất của các nhà bác học tiêu biểu, của các nghệ sĩ lớn, của các nhà hoạt động xã hội trong sáng nhất. Tức là vẫn “học tập noi theo tấm gương” đấy, nhưng không phải theo kiểu hô khẩu hiệu xuông, mà làm lại cách làm việc như tấm gương đã làm. Nhà ngôn ngữ tìm ra cách ghi âm tiếng nói thế nào, nhà văn làm ra tác phẩm từ cảm xúc, từ chất liệu sống ra sao, người hoạt động xã hội sống với cộng đồng, yêu thương, giải quyết tranh chấp trong cộng đồng thế nào. Tất cả sẽ thể hiện ở thao tác. Các “tấm gương” thì đầy cả, nhưng đó sẽ thành những vị thánh nhân vô tích sự nếu người đi sau không học họ bằng cách làm lại những thao tác khi họ làm việc
HH:Vậy theo anh, cái gì là cái phải thay đổi căn bản trong việc soạn SGK? Có những ý kiến từ Sài Gòn, cho rằng chỉ cần trở lại như SGK của Sài Gòn trước năm 1975 là ổn. Liệu có ổn không? Hay là phải thay đổi triệt để tư duy, quan niệm về SGK. SGK không phải nội dung những kiến thức được truyền thụ, mà là một lược đồ thao tác của thầy-trò trên lớp và sau lớp học?
PT: SKG phải thể hiện hoạt động học, hành động học, thao tác học. Đầu tiên là làm cho học trò thích học, muốn học, yêu việc học. Vào lớp đã phải đặt vấn đề cho trẻ phải giải quyết. Ngay từ giờ học đầu tiên môn tiếng Việt lớp Một đã phải như thế. Cô giáo và học sinh trao đổi, nói tiếng Việt, nhưng khi cô giáo nêu vấn đề: Tên em là gì? Em có viết được tên em không? đó chính là nêu đúng vấn đề cho trẻ em nghĩ cách giải quyết. Trẻ em vào lớp Một thì trình độ nói năng tiếng Việt của các em đều thành thạo, nên vấn đề chính là các em phải học cách ghi tiếng Việt để đọc được tiếng Việt. Nhưng không phải lối dạy: A Bê Xê dắt dê đi học… hay cải tiến những năm 1980 kiểu “con gà gáy ra chữ O” (thế những chữ khác thì nhờ những con gì “gáy” ra đây?). Những cách áp đặt để học sinh “nhớ mặt chữ” như vậy thật vớ vẩn! Phải cho trẻ học nhũng nguyên tắc ghi tiếng Việt. Nguyên tắc đó nằm trong ba thao tác. Thí dụ: cô giáo cho trò nói câu “Bà ơi cháu yêu bà lắm”, đó là thao tác một: phát âm. Học sinh tập phát âm cả một câu nói như thế..Tiếp đó là thao tác phân tích ngữ âm. Cô dạy các em phát âm và vỗ tay tạo từng tiếng rời, hệt như sự tồn tại của tiếng Việt là những tiếng đơn lập. Sau đó là thao tác ghi lại (rồi đọc lại để kiểm tra việc ghi của mình). Ngay từ ban đầu, chưa học chữ vội, các em lấy hạt nhãn, hạt ngô sắp xếp thành câu, mỗi tiếng là một hạt. Đó là viết chính tả sau khi đã phân tích câu thành đơn vị tiếng. Dù “viết” bằng hạt ngô hạt nhãn, song vẫn phải “viết” từ trái sang phải, không “viết” xít nhau, cũng không “viết” xa nhau quá. Đó chính là bài học viết chính tả đầu tiên ngay từ tiết thứ nhất của chương trình học Tiếng Việt lớp Một.
HH:Hiện có những ý kiến khác nhau về quan hệ giữa việc soạn chương trình và soạn SGK: Phải có chương trình khung trước? Hay là soạn song song sách giáo khoa và chương trình khung?
PT: Ý kiến xây dựng chương trình khung thì giáo sư Nguyễn Văn Hãn đã nói đi nói lại đến chục năm nay rồi. Từ đó tới nay, tôi vẫn chờ các ý kiến bàn về cái khung đó và cụ thể hóa dần cái khung đó trong từng địa hạt riêng trước khi có cái khung chung. Mong muốn thì thế, nhưng thực thi quả là khó đấy, có khi còn khó không thua chuyện chuột tìm cách đeo chuông vào cổ mèo! Khó có tổ chức nào (Cục, Vụ, Viện, Khoa, Trường), cá nhân nào, hoặc nhóm nào đủ sức ngay một lần đề ra nổi một cái KHUNG vừa đủ cao và xa về viễn kiến, vừa đủ gần gũi, giản dị, sát cách thực thi trong cuộc đời thực. Tôi cho rằng, cách làm có tính thiết thực hơn cả vào lúc này là hãy cứđể các nhóm biên soạn tự đề xuất (a) mục tiêu đào tạo, (b) nội dung chương trình, và (c) sách giáo khoa tức là con đường đi và cách thức tiến hành để đạt mục tiêu đào tạo. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo và cách thức đào tạo phải gắn bó với nhau trong cái chuyện đang bàn về chương trình và sách giáo khoa. Ai đề ra mục tiêu đào tạo thế nào thì phải đề ra tiếp nội dung và cách thức thực hiện tương ứng. Rồi đến lúc những gợi ý lẻ tẻ sẽ vừa đủ để cùng nhau hoàn tất thành bộ KHUNG ít ra cũng đẹp như bộ mục tiêu và chương trình khung đương thời của Giáo dục California chẳng hạn. Xã hội nói chung như thế nào thì tôi chưa biết, nhưng tôi không tin là một mình Bộ GD lại có thể ôm toàn bộ việc soạn ra cả chương trình khung và sách giáo khoa như những lần làm sách trước đây.
HH: Lại còn chuyện này nữa, như GS Toán Ngô Bảo Châu khẳng định: SGK các môn tự nhiên của ta không khác mấy các nước, nhưng SGK các môn xã hội-nhân văn thì khác xa. Vậy trọng tâm cải cách lần này phải dồn cho SGK các môn XH-NV? Được biết Cánh Buồm chỉ soạn sách cấp Tiểu học về tiếng Việt, Văn, Lối sống, Sử. Tức là quan niệm giống như GS Châu? Trong phạm vi này, nội dung chương trình dạy học của CB đã có những điểm khác với chương trình của BGD?
PT: Cuộc cải cách (hoặc thay sách) năm 1955 chuyển từ chương trình 9 năm sang chương trình 10 năm “hồi xưa” cũng chủ yếu là dịch sách Toán và khoa học tự nhiên của Liên Xô. Ban Tu thư hồi đó ngồi chưa kín ngôi nhà số 6 Lê Thánh Tông ở Hà Nội, và tiếng Nga khi đó là “mốt”. Ông Nguyễn Kỳ, sau làm thứ trưởng, giới thiệu sách Khoa học mới cho bậc Tiểu học rất thích thú cách học của Liên Xô theo lối kể chuyện con dơi đi dự “hội nghị loài vật” đã tham gia cả vào panel Chuột vì có nghiệp vụ gậm nhấm và tham gia panel Dơi vì có phương tiện hoạt động là đôi cánh bay. Cuộc sống tinh thần thời đó còn quá đơn giản, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, bởi vì trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ… Nhà thơ trẻ U90 Việt Phương khai báo như thế, tôi không bịa đâu đấy. Ngay môn Toán cũng không chú ý lắm đến nội dung thực sự là quan hệ của số hoặc lô gich của lập luận, mà chỉ cần lò gạch của tư nhân sản xuất a viên, lò của tổ đổi công sản xuất b viên, với b nhiều hơn a bao nhiêu viên, hỏi lối làm ăn nào tiến bộ hơn, thế là đủ “tính tư tưởng toán học” rồi mà. Tôi biết một chuyện vui thế này do một giáo sư Vật lý kể cho nghe.Năm 1961, khi anh còn trẻ măng, qua Liên Xô làm nghiên cứu sinh bậc Phó tiến sĩ, anh đã có bài báo rất quan trọng về Resonance Scattering … nhờ đó được các thầy “đặt hàng” giải quyết những vấn đề phức tạp… Anh cũng đã được chuẩn bị kết nạp Đảng và sẽ được học tiếp bậc tiến sĩ… Thế rồi sang năm 1962 đã nổ ra vụ Liên Xô định đưa tên lửa vào Cuba, sau rồi lại quay lui kéo tên lửa về nước. “Bên nhà” yêu cầu sinh viên và nghiên cứu sinh phản đối. Anh bạn nghiên cứu sinh rồi sau này sẽ thành giáo sư Vật lý kia đã không phản đối thì chớ, lại buột mồm “nói nhịu” rằng Không rút thì đánh nhau à!? Và thế là anh được bảo vệ Phó tiến sĩ sớm và về nước thẳng! Việc đào tạo chuyên gia được quyết định đơn giản như thế đấy! Khoa học tự nhiên mà thế, thì nội dung và cách học các môn khoa học xã hội và nhân văn sẽ còn “tiên tiến” ở “hàng đầu” đến đâu! Một sự tiên tiến chỉ có ông Bút Tre định nghĩa nổi: hàng đầu thì tiến đi đâu? Hàng đầu là tiến lên đầu chứ sao!?
HH: Xin nhắc lại câu hỏi: nhóm Cánh Buồm chỉ soạn sách cấp Tiểu học về tiếng Việt, Văn, Lối sống, Sử. Anh có thể nói rõ hơn vì sao nhóm chọn cách làm đó?
PT: Nhóm Cánh Buồm sức mỏng lực cạn nên rất cần phải có ý thức về cách làm ăn của mình, đó là trình ra những sản phẩm cụ thể để làm những “thí dụ” cho xã hội thảo luận. Chúng tôi gọi nôm là làm mẫu. Có mấy điều trình ra như sau.
Một là, phải xác định nền GD mình đang xây lại phải là nền giáo dục hiện đại. Tính hiện đại không nằm ở những thiết bị đắt tiền hoặc những mục tiêu xa lạ, mà nằm trong cách học của người học. Đã là học sinh hiện đại thì phải biết tự học, coi tự học-tự giáo dục như một phẩm tính cốt lõi của đời học trò. Chỉ có một mục tiêu đơn giản vậy thôi.
Hai là, nhà sư phạm của nền GD hiện đại phải tìm ra được những thao tác tự học để huấn luyện học sinh ngay từ tiết học đầu tiên của lớp học đầu tiên.Phải dồn sức nghiên cứu để bậc tiểu học thành bậc EM BIẾT CÁCH HỌC. Như vậy, nội dung của khái niệm phương phápsẽ không còn là “nghệ thuật” dạy học của từng cá nhân nhà giáo, mà thành phương pháp tổ chức cách học của con em. Các cuốn sách giáo khoa Cánh Buồm cố gắng thể hiện tinh thần đó. Các sinh hoạt sư phạm Cánh Buồm và trang canhbuom.edu.vncố gắng làm sáng rõ thêm tinh thần đó.
Ba là, nhóm Cánh Buồm xác định lại mục tiêu của từng môn học cho tương thích với yêu cầu tự học-tự giáo dục, với yêu cầu xây dựng bậc tiểu học thành bậc học phương pháp học.
HH: Thú vị đấy! Là nói cái điều thứ ba vừa rồi ấy. Có nghĩa là cách tổ chức việc học các bộ môn của nhóm Cánh Buồm sẽ khác với “sách của Bộ”. Có khác không?
PT: Khác chứ! Vẫn đề sách Văn đấy, nhưng đó là sách dung vật liệu văn thơ để giáo dục năng lực nghệ thuật nói chung cho học sinh. Vẫn đề sách Tiếng Việt đấy, nhưng là giáo dục khoa học về ngôn ngữ với tiếng Việt là vật liệu, để học sinh giỏi tiếng Việt nhờ có ý thức ngôn ngữ học. Sách của Bộ nhập hai môn học này thành môn Ngữ Văn, đến lớp 5 vẫn học cách chữa lỗi chính tả, suốt 5 năm học cứ ngày ngày tập đọc rồi giảng vài ba từ, rồi đủ thứ quy tắc để ghi nhớ, một cách học theo sách soạn từ thời Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Huy Lục và Đỗ Thận của Nha Học chính Đông Pháp…
Điều rất khác của nhóm Cánh Buồm là không soạn sách gọi bằng Đạo đức, hoặc Luân lý, hoặc Công dân Giáo dục. Chúng tôi cũng không soạn sách “mới” gọi bằng “Kỹ năng sống” đang thịnh hành. Ký năng sống thì ai cũng cần, nhưng còn phải có cái nguyên lý gì đó cao hơn của con người hiện đại chi phối những kỹ năng ấy. Chúng tôi soạn sách Lối sống theo những gợi ý nghiên cứu từ Trung tâm Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại. Nhưng chúng tôi không dừng lại ở “lối sống” của anh nhà quê ra tỉnh, cách gõ cửa, cách cám ơn, cách xin lỗi, cách hôn gió … Cần một nguyên lý chung chi phối lối sống, và đó phải là nguyên lý gì? Cái nguyên lý khiến môn Lối sống giống mà không giống với môn Đạo đức, càng không phải môn Công dân giáo dục. Cái nguyên lýkhiến cho môn Lối sống thành bao trùm hơn, thực chất hơn và liên quan đến phẩm chất căn bản nhất, cần được sống thực để được thấm sâu từ nền tảng GD là cấp cơ sở.Cái nguyên lý chung nhất cần phải có giữa ông Tổng thư ký LHQ với một em học sinh lớpMột VN.Đó là nguyên lý sống đồng thuận.
Năng lực sống đồng thuận thể hiện ở ba nội dung chính:
1./ Cùng lao động. Ai, ở cượng vị nào làm việc của mình, mỗi người đều làm tốt việc của mình.
2./Cùng chia sẻ những giá trị tinh thần, không kỳ thị nhau (kỳ thị tôn giáo, giới tính, lứa tuổi…).
3./ Học cách tháo ngòi xung đột, không để dẫn đến bạo lực. Học được cách tháo ngòi xung đột từ chỗ tranh nhau một trái banh lúc ra chơi ở sân trường thì sau này sẽ không có cảnh chính quyền đem hằng ngàn cảnh sát đến đánh dân, và đẩy dân đến chỗ phải chế bom mìn giết người của chính quyền.
Nguyên lý đồng thuận trong lối sống đó là lòng nhân đạo từ trong trứng, không phải nhân đạo theo nghĩa của tôn giáo. Đó cũng là lối sống thực hiện hằng ngày ngay từlớp 1, sống trên lớp, trong ga đình, rồi ra xã hội.
HH: Còn môn Lịch sử?
PT: Với chương trình và sách Lịch sử, nhóm CB đang soạn và dạy thử sách Lịch sử ở bậc Tiểu học, dự kiến dạy từ lớp 3 đén lớp 5. Chỗ khác nhau cần nói nhất của chúng tôi về môn học này là như sau. Xưa nay, các sách Lịch sử đều chỉ có sử liệu. Không có sách nào chỉ ra cách học của học sinh. Bây giờ sách Lịch sử của Cánh Buồm soạn sẵn thành bốn mục tức là bốn việc làm của học sinh. Đó là:
(Việc 1) Tiếp nhận sử liệu (thái độ còn có thể dửng dưng);
(Việc 2) Nhập thân vào sử liệu (qua kịch, qua tranh biện, để biến cái Sử-liệu-tự-nó thành cái Sử-liệu-cho-ta;
(Việc 3) Tự rút ra bài học lịch sử (đây là vài thí dụ ở lớp Bốn và Năm: “Em đi đền thờ Hai Bà Trưng, em khấn điều gì đó, em hãy ghi lại”; “Em đi ngang gò Đống Đa, em nói một điều gì đó với Sầm Nghi Đống, hãy ghi lại”; “Em đi ngang sông Hồng, hãy tưởngtượng như bài em vừa hát – xác quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông – em viết mấy lời gửi Tôn Sĩ Nghị hoặc Lê Chiêu Thống…” ;
(Việc 4) Góc sưu tầm của em (thí dụ tranh làng Hồ vẽ hai Bà Trưng, tượng chùa Bộc cho là tạc Vua Quang Trung, những văn bản Lịch sử tham khảo các loại khác…).
HH: Ta cùng trở về cái quyết định đầu tiên của việc cải cách chương trình, SGK. Từ lâu, các chuyên gia GD, các trí thứctầm cỡ đều nói đến sự lúng túng về mục tiêu GD của VN. Bây giờ, Nghị quyết của cấp lãnh đạo tối cao đã tuyên bố về MTGD rồi. Nhưng thú thật, đọc lên ù cả tai, vì nó là cả một đoạn văn dài bao gồm rất nhiều câu, nhiều ý, nhiều vế, đủ hết không thiếu gì cả nhưng lại… thiếu một cái tinh thần cốt lõi có thể diễn đạt trong một câu đơn giản. Bộ SGK Tiểu học Cánh Buồm có nêu được một cách gọn gàng mục tiêu GD mà nhóm chủ trương?
PT: Có chứ. Năm 2009 chúng tôi đã có văn bản trình lên cấp có trách nhiệm cao về MTGD mà CB đề xướng. Con người “nên người” theo quan niệm của chúng tôi là “con người tự chủ, có trách nhiệm, và có tâm hồn phong phú”. Đó là câu trả lời rất đơn giản trả lời một cách khái quát và thực chất cho câu hỏi: “Học để làm gì?” Xét cho cùng, học là để xây dựng được sự cân bằng bền vững giữa cá nhân, “cái tôi” và môi trường khách quan bên ngoài “cái tôi”, trước nhất là cộng đồng xã hội. Các em phải trở thành con người không lệ thuộc vào các áp lực bên ngoài để bảo vệ cái riêng biệt của mình vì đó chính là lý do tồn tại của mỗi con người; nhưng tự nguyện tự giác sống trong những mối quan hệ phức tạp giữa người và người, và có tâm hồn phong phú tức là biết vui với cái vui của người khác, chia sẻ nỗi buồn nỗi đau của người khác, đó là điều kiện để đi đến sự hoà hợp riêng–chung, niềm hy vọng ngàn đời của biết bao ông hiền!
HH: Để kết thúc buổi trao đổi này, xin trở lại một thông tin khiến công luận phản ứng với đề án SGK mới của BGD. Đó là con số dự toán, từ 70.000 tỷ đồng, rút xuống 34.000 tỷ cho cả dự án, rồi cuối cùng được giải thích là khoảng 5.000 tỷ cho riêng việc soạn SGK. Giả dụ nhóm CB được BGD ưu ái giao “thầu” soạn bộ SGK về mấy môn tiếng Việt, Văn, Lối sống, Sử cấp Tiểu học, thì nhóm sẽ xin ngân sách bao nhiêu?
PT: Chúng tôi không quan tâm chuyện tiền nong, đó không nên là mối quan tâm hàng đầu của chuyên gia Giáo dục.Nhà giáo chân chính hãy chiến đấu cho một nhà trường (chí ít là bậc tiểu học đã) BA KHÔNG: KHÔNG HỘ KHẨU, KHÔNG HỌC PHÍ, KHÔNG BẮT NẠT. Hai cái “không” đầu thì dễ hiểu. Nếu còn dùng hộ khẩu và học phí để làm khổ trẻ em thì đó là tội ác không biện bạch được. Cái “không” thứ ba, không bắt nạt có nội dung: không thi cử, không cho điểm, không dọa xếp hạng, không dọa đuổi học, không làm khổ phụ huynh vì những khen chế chì chiết – cần có một nhà trường (chí ít là bậc tiểu học) học sinh thành công ngay từ tiết học đầu tiên ở trường.Sách giáo khoa Cánh Buồm và chương trìnhkhung của Cánh Buồm trao cho giáo viên kỹ thuật tổ chức sự thành công của con em ngay từ tiết thứ nhất cuộc đời học đường. Cứ thử dùng sách của chúng tôi đi, và chư vị sẽ học được cách làm chương trình và sách vừa mới, vừa đẹp, vừa không tốn tiền.
HH: Lại nói chuyện tiền … Thế trương mục Tài Chính của nhóm CB ra sao?
PT: Trong mấy năm qua, chúng tôi được bạn bè, thân hữu trong nước, và một số trí thức người Việt ở nước ngoài, giúp CB có được bốn năm trăm triệu đồng. Với số tiền ấy chúng tôi đã in được bộ SGK đầu tiên và bộ hướng dẫn sử dụng, đang tiếp tục hoàn thiện để tái bản bộ sách, cố gắng hoàn tất trong năm 2014 và đầu năm 2015. Tôi rất cảm động khi giáo sư Hoàng Tụy bảo tôi cử một em đến gặp, giáo sư trao cho em một phong bì, nói “đem về mua mực in”… Bà Nguyễn Thị Bình thì gọi tôi đến, “… chị in sách, trừ 20 phần trăm thuế, còn mấy chục triệu, gửi em cho nhóm…”. Vợ nhà thơ Hoàng Hưng (anh biết ai chứ?) cho nhóm hẳn năm chục triệu. Vợ chồng con út tướng Trần Độ mang 55 triệu tiền bán Hồi Kýcho nhóm CB. Anh An Kiều, con trai thứ sáu họa sĩ Nam Sơn, người cùng Tardieu mở trường Mỹ thuật Đông Dương, nhẹ nhàng rút túi cho chúng tôi năm chục triệu. Các nhà văn nhà thơ Giáng Vân, Phạm Lưu Vũ, nhiều bạn khác nữa, cũng tỏ tình mến mộ công việc của chúng tôi theo cách “cụ thể” như vậy… Nhuận bút dịch sách Piaget, Hoàng Hưng và Nguyễn Xuân Khánh đều không nhận mà trao hết cho Nhóm Cánh Buồm… Quỹ của nhóm bây giờ vẫn hòm hòm chừng hơn ba trăm triệu, tiêu ít nhưng có chết đâu?Mà sản phẩm trình ra xã hội vẫn “chơi được” đấy chứ? Những ai tiêu tỉ nọ tỉ kia hãy vượt chúng tôi đi!
H.H. – P.T.