Mỗi nền giáo dục dựa trên một hệ triết lý giáo dục có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung, phương pháp dạy và học. Giáo dục Mỹ có những triết lý giáo dục rõ ràng, thuyết phục, nhờ thế mà có chất lượng tốt bậc nhất thế giới.
Sự phát triển của xã hội Mỹ và vị thế cường quốc của Mỹ trên nhiều phương diện là kết quả trực tiếp của nền giáo dục siêu đẳng về tính khoa học và hiệu quả.
Các triết lý giáo dục cốt lõi của Mỹ bao gồm: Thuyết bản chất (Essentialism), thuyết trường tồn (Perennialism), thuyết tiến bộ (Progressivism), thuyết cải tạo xã hội (Social reconstructionism), thuyết hiện sinh (Existentialism).
Theo tổ chức xuất bản sách giáo dục McGraw Hill Education (Mỹ), thuyết bản chất đề cao việc dạy các nội dung mang tính bản chất thuộc các kiến thức kinh điển và đạo đức, khuyến khích nhà trường trở về với các vấn đề căn bản, dựa trên chương trình giáo dục cốt lõi mạnh và các tiêu chuẩn kinh điển cao.
Thuyết trường tồn chú trọng các chân lý phổ quát được kiểm nghiệm qua thời gian, khuyến khích học sinh đọc “Những cuốn sách vĩ đại” (“The Great Books”) để phát triển nhận thức các quan điểm triết học tạo nền tảng cho kiến thức nhân loại. (Mỹ rất chú trọng việc học sinh đọc những sách kinh điển trong danh sách nhà trường lựa chọn cho từng cấp học, giao động từ một vài trăm đến một vài nghìn cuốn để giáo viên chọn cho học sinh của mình đọc, thảo luận nhóm và viết thu hoạch).
Thuyết tiến bộ đòi hỏi nội dung các bài giảng ở trường phải có sự liên quan đến học sinh để các em mong muốn học. Chương trình giảng dạy của nhà trường theo triết lý giáo dục này được xây dựng xoay quanh các trải nghiệm, lợi ích, nhu cầu cá nhân của học sinh và tạo hứng thú, đam mê học tập.
Thuyết cải tạo xã hội như triết lý giáo dục đòi hỏi sự chú tâm trực tiếp và kịp thời đến tệ nạn, thói hư tật xấu trong xã hội, đề cao sự kết hợp học với hành, dựa trên niềm tin rằng giáo dục có thể và cần phải cải thiện, giải quyết các vấn đề xã hội.
Thuyết hiện sinh xuất phát từ quan điểm về tự do ý thức của mỗi con người và nhu cầu để mỗi người tự tạo dựng tương lai cho bản thân. Trong một nhà trường, các học sinh được khuyến khích hiểu và đề cao tính độc nhất vô nhị của bản thân và chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
Thật khó hình dung một nền giáo dục mà thiếu triết lý giáo dục. Nếu nói là giáo dục Việt Nam chưa có triết lý giáo dục thì điều này thật khó chấp nhận. Nhưng nếu giáo dục Việt Nam đã có triết lý giáo dục, thì triết lý đó như thế nào, bao gồm những nội dung gì?
Nếu tập hợp đại diện cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, người dân vào cùng một phòng thi với yêu cầu trình bày về hệ triết lý giáo dục Việt Nam, tôi e rằng sẽ thu được những bài thi rất khác nhau. Một số người có thể viết ra được một số nội dung nào đó. Một số người có lẽ sẽ nộp lại tờ giấy trắng.
Vì cho đến gần đây, vẫn còn các bài nghiên cứu kiểu “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?”, “Hành trình đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại”.
Nếu nó đã có và đủ rõ ràng, nhất quán, thuyết phục thì cần gì đi tìm nó nữa? Nó đã phải được in ấn ở trong cuốn sách, tài liệu nào đó rồi. Vậy chỉ có thể là nó chưa có, hoặc đã có nhưng chưa đủ rõ ràng, nhất quán, thuyết phục để trở thành một hệ thống mang tính nền tảng cho nền giáo dục.
Những người cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục thường minh họa bằng các ví dụ như sau: “Tiên học Lễ. Hậu học Văn”, “Học đi đôi với Hành”, “Không thày đố mày làm nên”, “Muốn sang thời bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Trong các câu trên, một số có thể được coi là triết lý giáo dục, ví dụ: “Tiên học Lễ. Hậu học Văn”, “Học đi đôi với Hành”. Một số câu khác thật ra không phải là triết lý giáo dục, mà là về thái độ đối với nghề giáo, thầy giáo, tầm quan trọng của giáo dục và người thầy.
Trong những câu có thể được coi là triết lý giáo dục, có những câu đã tồn tại hàng trăm năm nay và chưa được thẩm định, khẳng định liệu chúng có còn phù hợp với nền giáo dục thời đại mới nữa hay không?
“Tiên học Lễ. Hậu học Văn” là tư tưởng giáo dục Khổng giáo, đề cao tính ưu tiên và tầm quan trọng của việc dạy đạo đức so với việc dạy kiến thức, kỹ năng. Liệu tư tưởng này có còn phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời? Liệu nó có phù hợp với các mục tiêu học tập “Học để Biết. Học để Làm. Học để Chung sống. Học để Tự lập” của UNESCO mà chúng ta cũng đã chọn theo?
Phải chăng, chuẩn bị bước vào một “trận đánh lớn” trên mặt trận giáo dục như Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo tuyên bố, cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi về hệ triết lý giáo dục Việt Nam và tìm câu trả lời nhất quán, thuyết phục cho nó? Triết lý giáo dục với một nền giáo dục quan trọng y như hiến pháp đối với một quốc gia vậy.
Thật ra, một nền giáo dục chú trọng tính bản chất và tính trường tồn như giáo dục Mỹ được xây dựng trên nền tảng các quan điểm triết học lâu đời hơn rất nhiều so với các nền giáo dục có thiên hướng thay đổi theo tính chính trị của thời đại.
Tất cả những gì nước Mỹ coi là triết lý giáo dục đều có thể tìm được nguồn gốc ở triết học Hy Lạp cổ đại của các nhà triết học – nhà giáo Socrates, Plato, Aristotle… Điều ngạc nhiên là sự trung thành với các quan điểm triết học cổ đại, kể cả về triết lý giáo dục, lại mang lại cho nước Mỹ một khả năng thay đổi và phát triển mạnh mẽ trong mọi thời đại, không bao giờ là nạn nhân của chủ nghĩa giáo điều.
L.H.N
Nguồn:
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/triet-ly-giao-duc-viet-nam-la-gi-2984150.html