Đó là một trang web mới, nơi đăng các bài viết của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận, nhà nghiên cứu độc lập.
Họ cầm bút một cách tự do và độc lập. Không ai ép buộc họ phải viết thế này hay thế kia. Một thời đất nước mình các nhà văn phải viết theo chỉ thị, một kiểu rất mực xã hội xã hội chủ nghĩa, và bây giờ tuy chế độ đã vào nền kinh tế thị trường, nhưng văn học vẫn hiện thân giữa các rào cản mới, có khi tinh vi hơn và có khi thô bạo hơn.
Trang web mới có tên là Văn Việt, địa chỉ ở:
Trong bài đầu tiên, bài có tựa đề “Lời chào Văn Việt,” nhóm các nhà văn độc lập này tự giới thiệu:
“Bạn đọc, bạn viết thân mến!
Thế là Văn Việt, trang web văn chương của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã chào đời.
Như tuyên bố của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Văn Việt ra đời “với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.” Slogan Văn Việt đã chỉ rõ: Vì một nền văn học Việt Nam đích thực, đó là mục tiêu của Văn Việt, ngoài ra không có mục tiêu nào khác. Năm 1987 trên báo Tuổi trẻ nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: “Văn hóa cao và rộng hơn chính trị. Văn học không phải là cái đuôi chính trị, nhà văn không phải là cái đuôi của nhà chính trị. Nếu văn học là cái đuôi của chính trị thì ở thái cực nào cũng tầm thường như nhau.” Nhà văn luôn cần có trách nhiệm cao đối với mọi vấn đề của cuộc sống, không có bất cứ điều gì liên quan đến con người là xa lạ đối với chúng ta, nhưng chúng ta không dùng văn chương để hoạt động chính trị, không biến văn chương thành công cụ của chính trị, “dù ở thái cực nào”. Văn Việt quyết mãi đi theo ý hướng đó.
Kể từ đây Văn Việt xin được làm bạn đường với bạn đọc, bạn viết tiếng Việt cả trong và ngoài nước. Văn Việt sẵn sàng đón nhận tác phẩm của tất cả mọi người với tiêu chí trước tiên và trên hết: văn chương phải hay. Nếu như trên Văn Việt còn có những trang văn không hay, đó là do Văn Việt còn yếu kém chứ không phải tiêu chí văn chương của Văn Việt thay đổi.
Dẫu còn rất lâu chúng ta mới vươn tới tầm cao của văn chương nhân loại, nhưng văn chương Việt Nam là một bộ phận không rời của văn chương nhân loại, vì thế chúng ta không thể đi chệch hoặc đi ngược với văn chương nhân loại: văn học vì con người.
Đường còn rất xa, còn lắm chông gai, nhưng Văn Việt quyết đi tới. Rất mong bạn đọc, bạn viết sát cánh bên Văn Việt để hướng đến một nền văn học Việt Nam đích thực, ước mong chung của chúng ta.
Văn Việt.” (hết trích)
Nhưng các nhà văn này là ai?
Họ là Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Trên trang web, có ghi danh sách Ban đại diện VĐĐLVN:
“Nhà văn Nguyên Ngọc, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Nhà văn Võ Thị Hảo, Nhà văn Trang Hạ, Nhà văn Trần Thùy Mai, Nhà thơ Ý Nhi, Nhà ngôn ngữ Hoàng Dũng, Nhà thơ Bùi Chát.”
Có vẻ như trong này, đa số là các nhà văn không được chính phủ ưa thích.
Có những người trong đó không còn được chính thức in hay xuất bản sách trong nước nữa – thí dụ, nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn tại Việt Nam, được Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản 2011. Giải này được trao tại Buenos Aires, trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 diễn ra tại thành phố này. Giải Tự do Xuất bản? Hẳn là những gì chính phủ không ưa thích, vì hễ vi phạm luật xuất bản VN là bị quy chụp liền tội “lợi dụng dân chủ.”
Trong khi Bùi Chát sinh năm 1979, một hình ảnh của thế hệ trẻ (nên hiểu là tương đối trẻ, vì chính phủ không cho giới cầm bút trưởng thành sớm, nên tuổi nào cũng có thể gọi là trẻ hay chưa già lắm), nhà văn Nguyên Ngọc là một cây bút kỳ cựu, sinh năm 1932, mang hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng nhiều lần tham dự biểu tình để phản đối việc Trung quốc gây hấn và lấn chiếm Biển Đông. Nhưng có lẽ, một trong những diều chính phủ không hài lòng là xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011.
Nhiều người cầm bút khác cũng đã có những suy nghĩ độc lập và và phong thái viết độc lập từ lâu.
Nhưng không phải ai cũng thuộc nhóm các nhà văn bị chính phủ đẩy qua bên lề: trong nhóm vẫn có những người được các cơ quan truyền thông của chính phủ ưa chuộng.
Nhìn toàn cảnh, họ không có gì giống nhau cả, vì họ không mặc đồng phục, và họ không vâng phục những cú điện thoạị từ anh Ba hay chú Tư nào cả. Và hẳn là, họ cũng bất đồng với nhau trong nhiều suy nghĩ, nhiều việc làm. Nhưng tất cả đều muốn có một trang web, nơi các tiếng nói bất đồng đều được trình bày — họ sẽ không bịt miệng nhau, họ đều muốn mọi nhà văn đều có quyền tự do sáng tác, và mỗi người đều nên là các ngòi bút tiền phong trong cách riêng.
Trong những bài đầu tiên trên trang Văn Việt, người ta thấy có truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, thơ Nguyễn Quốc Thái.
Nhưng rồi bài viết tưạ đề “8 câu hỏi về vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên” cho thấy một hình ảnh văn chương bị chính phủ vùi dập, nơi đó Thạc sĩ văn chương Nhã Thuyên bị tước văn bằng và vị Giáo sư bảo trợ cho Nhà Thuyên bị cho về hưu sớm mấy năm.
Hóa ra, nhiều người sẽ thắc mắc, sao thời này vẫn còn những “vụ án văn tự” như thế.
Nói ngắn gọn, vì các nhà văn trên Văn Việt không mặc đồng phục và vì mỗi người chấp nhận các dị biệt của nhau, chúng ta sẽ không thể nào nói đầy đủ về họ.
Cách đơn giản nhất, là xin mời nhau vào trang http://vanviet.info/ để đọc những sáng tác tự do và độc lập của họ, để hiêủ những cách họ tiếp cận văn học và sáng tác dị biệt, để chung sức và cùng mơ ước với họ để xây dựng một nền văn học xa lìa mọi gông cùm xiềng xích.
Ngắn gọn, các nhà văn trên Văn Việt sẽ là những cánh chim bay cao, đang bay tới những chân trời sáng tạo mới – và không chấp nhận các ràng buộc, kể cả những lồng son có thếp vàng.
T.K.
Nguồn: http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/03/23/mot-trang-nhieu-tieng-noi/