Sử dụng Cơ chế nhân quyền nào của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ cho Bùi Hằng?

Qua trang blog Dân làm báo, được biết gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng đã gửi đơn tới Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để khiếu nại chính phủ Việt Nam đã có hành động vi phạm “Hiệp Ước Quốc Tế Về Việc Chống Cưỡng Chế Mất Tích” khi bắt giam bà Hằng.

Sau khi xem qua nội dung này, tôi xin có vài ý với gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng như sau:

1. Bất kỳ một cá nhân nào cũng đều có thể sử dụng đến cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ nhân quyền, bao gồm: Cơ chế dựa trên Hiến chương (là cơ cấu tổ chức và thủ tục hoạt động của các cơ quan chính của Liên hợp Quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền), và Cơ chế dựa trên Công ước (là cơ cấu tổ chức và thủ tục hoạt động của các Ủy ban giám sát Công ước thực hiện một số công ước quốc tế về bảo vệ nhân quyền). Tùy vào vụ việc vi phạm nhân quyền và sự tham gia của các quốc gia mà mỗi công dân bị phạm nhân quyền ở quốc gia đó lựa chọn cho mình cơ chế bảo vệ nhân quyền sao cho phù hợp.

Qua nội dung được cung cấp từ gia đình bà Bùi Thị Minh Hằng, cho rằng bà Hằng bị “mất tích”, rồi gửi khiếu nại cho Cao ủy nhân quyền,  và ủy thác cho Ủy ban chống cưỡng bức mất tích xem xét cho trường hợp của của Hằng, bằng cách nêu lên “Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích” (The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance, ICCPED), và cáo buộc chính phủ Việt nam vi phạm Công ước này ra trước Liên Hiệp Quốc.

Trước tiên, cần xác nhận lại rằng Việt Nam chưa tham gia Công ước ICCPED, nên việc gia đình bà Hằng sử dụng đến Công ước ICCPED để khiếu tố nhà nước Việt Nam vi phạm Công ước này là không phù hợp.

Giả sử trong tương lai Việt Nam có là thành viên của Công ước ICCPED thì vẫn chưa đủ cơ sở để Ủy ban chống cưỡng bức mất tích xem xét và giải quyết khiếu tố của cá nhân. Để được Ủy ban giám sát Công ước tiếp nhận khiếu tố cá nhân thì phải có 2 điều kiện là: quốc gia đó phải là thành viên của Công ước, và quốc gia đó đã công nhận thẩm quyền Ủy ban giám sát công ước trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu tố cá nhân.

Thông thường các quốc gia công nhận thẩm quyền của Ủy ban giám sát Công ước bằng cách Tuyên bố chấp thuận, hoặc gia nhập hay phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (trong đó thừa nhận thẩm quyền giải quyết khiếu tố của Ủy ban giám sát), tùy vào mỗi Công ước khác nhau.

Cần lưu ý rằng, Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 Công ước cơ bản về nhân quyền, nhưng hiện nay Việt Nam chỉ phê chuẩn duy nhất hai Nghị định thư bổ sung cho Công ước Quyền trẻ em (trong đó công nhận thẩm quyền của Ủy ban giám sát Công ước Quyền trẻ em). Cho nên, đối với công dân Việt Nam, hiện nay chỉ có thể khiếu tố các vi phạm nhân quyền liên quan đến trẻ em lên Ủy ban giám sát Công ước Quyền trẻ em, ngoài ra không thể khiếu tố lên các Ủy ban giám sát Công ước khác mà Việt Nam đã là thành viên, theo Cơ chế bảo vệ nhân quyền dựa trên Công ước.

Qua đây cũng xin bổ sung thêm tình hình công nhận thẩm quyền của các Ủy ban giám sát Công ước. Qua hai lần Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền, rất nhiều quốc gia khuyến nghị Việt Nam cần tham gia Nghị định thư bổ sung thứ nhất của Công ước về các quyền Dân sự và chính trị (ICCPR), để qua đó Công nhận thẩm quyền cho Ủy ban giám sát ICCPR (được gọi là Ủy ban Nhân quyền), để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khiếu tố lên Ủy ban này khi bị vi phạm về các quyền dân sự và chính trị. Nhưng nhà nước Việt Nam luôn bác bỏ khuyến nghị này, với lý do được đưa ra là công dân Việt Nam có thể áp dụng đến “quyền tài phán quốc gia”, tức là công dân Việt Nam khi bị vi phạm nhân quyền có thể gửi đơn khiếu tố đến các cơ quan hành chính và tư pháp ở Việt Nam để xem xét và giải quyết vụ việc.

Về nguyên tắc, quyền tài phán có thể áp dụng hiệu quả ở các quốc gia có hệ thống tư pháp độc lập. Nhưng ở Việt Nam, với nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu vắng nền tư pháp độc lập thì công dân Việt Nam không thể sử dụng đến cơ chế pháp luật quốc gia để bảo vệ hữu hiệu nhân quyền của mình khi bị vi phạm.

2. Qua đó cho thấy, không chỉ riêng trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng, mà là công dân Việt Nam khi muốn được vụ việc bị xâm phạm nhân quyền của mình ra trước Liên Hiệp Quốc thì ít khi áp dụng được Cơ chế bảo vệ nhân quyền dựa trên Công ước. Nhưng bù lại, có thể sử dụng hiệu quả Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc để bảo vệ nhân quyền khi bị xâm hại.

Đối với Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì bất kỳ ai cũng có thể gửi các khiếu tố về vi phạm nhân quyền theo “thủ tục đặc biệt” (là các chuyên gia có nhiệm vụ theo dõi, nhận và xem xét các khiếu tố nhân quyền, đưa ra ý kiến tư vấn, báo cáo công khai về tình hình nhân quyền trong từng lãnh vực, hoặc tại một số nước cụ thể). Đây là cách thức nhanh chóng cho việc nộp các khiếu tố cá nhân bị vi phạm nhân quyền,  phương thức này khá hữu hiệu để có được sự can thiệp trực tiếp của Liên Hiệp Quốc vào các vụ việc đơn lẻ.

Đơn khiếu tố theo Thủ tục đặc biệt này có thể gửi đến Nhóm công tác (working group) hoặc Báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay Chuyên gia độc lập (independent expert), tùy vào nhân quyền bị vi phạm.

Trong trường hợp cụ thể của bà Bùi Thị Minh Hằng, thì gia đình bà gửi đơn khiếu nại đến Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là chưa chính xác, mà gia đình bà Hằng cần gửi đến Nhóm Công tác hoặc Báo Cáo viên đặc biệt thuộc Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Cũng cần nói thêm là đối với trường hợp của bà Hằng thì không được xem là “cưỡng bức mất tích”, nên không thể gửi đơn khiếu tố đến “Nhóm Công tác về Cưỡng bức mất tích” được. Vì theo như Điều 2 của Công ước ICCPED thì “cưỡng bức mất tích” được coi là việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc bất cứ hình thức tước đoạt quyền tự do được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước hoặc của người hoặc nhóm người được ủy quyền, hỗ trợ hoặc hẫu thuẫn của Nhà nước, được đi cùng với một sự khước từ nhận biết về việc tước đoạt tự do hoặc bởi việc che giấu số phận hoặc nơi cư trú của người mất tích, ở nơi như vậy một người nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật.”

Như vậy để được xem là “cưỡng mất mất tích” thì phải có hai yếu tố: thứ nhất việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc bất cứ hình thức tước đoạt quyền tự do được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, hoặc của người hoặc nhóm người được ủy quyền, hỗ trợ hoặc hậu thuẫn của Nhà nước và thứ hai là cơ quan nhà nước chối bỏ, khước từ nhận biết vụ việc, hoặc che giấu cho việc bắt giữ, tạm giam, bắt cóc hoặc tước đoạt tự do này.

Vụ việc bắt giữ và tạm giam bà Hằng đã được Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Lấp Vò xác nhận bằng Thông báo bắt giữ và lệnh tạm giam, và được giám đốc Công an Đồng Tháp thừa nhận trên truyền hình. Họ đã không che giấu hay chối bỏ cho việc đã bắt giam bà Hằng, mà họ đã nhận lãnh trách nhiệm cho vụ bắt giam này. Trong trường hợp công an Đồng Tháp không Thông báo cho gia đình biết về nơi giam giữ, dù đã quá thời hạn giam giữ, nhưng bà Hằng vẫn chưa được thả, cũng như chưa có quyết định truy tố… thì họ đã vi phạm về việc giam giữ tùy tiện.

3. Nhóm Công tác về Giam giữ tùy tiện (Working Group on Arbitrary Detention, cơ quan được thiết lập theo nghị quyết 1991/42 của Hội đồng Nhân quyền), có thể nhận khiếu nại từ gia đình của bà Hằng. Tuy nhiên, vì bà Hằng chưa được tòa án xét xử và chưa bị nhận bản án tù, nên trường hợp của bà sẽ không gây chú ý nhiều cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện.

Để trường hợp bà Hằng được giải quyết kịp thời, và quan tâm đặc biệt thì gia đình bà Hằng chỉ cần gửi gửi khiếu tố đến “Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền”, vì bà Hằng là người được biết đến với nhiều hoạt động đấu tranh và phổ biến cho nhân quyền, và bà đang bị “hình sự hóa” cho các hoạt động nhân quyền của mình. “Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền” sau khi nhận đơn sẽ xem xét, kiểm tra thông tin cung cấp, khi biết bà Hằng là Phụ nữ, bị tra tấn, tình trạng giam giữ tồi tệ, đang trong tình trạng tuyệt thực… thì vị Báo cáo viên này sẽ nhanh chóng tiến hành xử lý khiếu tố bằng cách phối hợp cùng các Báo cáo viên và Nhóm Công tác khác như có liên quan về phụ nữ, về tra tấn, giam giữ tùy tiện… và sẽ tập trung vào cuộc với “sự ưu tiên” dành cho những người tuyến đầu đang bảo vệ nhân quyền, và đang trong tình trạng nguy hiểm.

Một lợi thế cho bà Hằng, khi Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của Người bảo vệ nhân quyền đương nhiệm hiện nay cũng là phụ nữ, bà là Margaret Sekaggya người Uganda. Để liên lạc riêng tư với Bà: số điện thoại di động: 256-772-788821. E-mail cá nhân: msekaggya@yahoo.com hoặc msekaggya@uhrc.ug.

4. Nội dung đơn khiếu tố cần có thông tin cá nhân về bà Hằng; các hoạt động nhân quyền; thông tin vụ việc bà bị đánh đập, bắt giữ và tình trạng giam giữ hiện nay; người đã vi phạm nhân quyền đối với bà (nếu không xác định được danh tính cá nhân, thì cần nêu tên cơ quan và người đứng đầu cơ quan đó); mối liên hệ giữ việc bắt giữ này với các hoạt động nhân quyền của bà Hằng; và cuối cùng là thông tin người gửi đơn.

Đối với trường hợp bà Hằng thì trong tiêu đề của đơn cần thêm vào chữ “cần hành động khẩn cấp” (for urgent action). Sau đó gửi tới e-mail urgent-action@ohchr.orgdefenders@ohchr.org.

Cần lưu ý là gia đình bà Hằng khi làm đơn không cần phải phân tích luật pháp quốc gia hay luật nhân quyền quốc tế  để cáo buộc cho các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền. Trong đơn chỉ cần miêu tả lại chi tiết một cách rõ ràng về những gì đã xảy ra, chằng hạn như đánh đập ra sao, vào ngày giờ nào, ở đâu, có ai làm chứng, sau đó bị bắt giam như thế nào, ai ký lệnh bắt giữ, cấp bậc chức vụ của người ký lệnh bắt… Và cô đọng nó trong tối đa 2 trang A4. Đơn phải được viết bằng Anh ngữ.

Ngoài ra, gia đình bà Hằng nên phối hợp với gia đình của hai người bị bắt chung với bà Hằng là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, để cùng nhau gửi đơn khiếu tố cho vụ việc này. Và để có được hiệu quả cao, gia đình nên vận động và kết nối với các tổ chức Phi chính phủ quốc tế cùng tham gia đứng tên trong Đơn khiếu tố về trường hợp này.

C. C.

Nguồn: Blog Cùi Các

This entry was posted in Blog, Nhân Quyền. Bookmark the permalink.