Trong bài trước đăng trên BVN và DL ngày 15/01/2014, chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn chung về cách sử dụng và khai thác Google Earth (GE) để tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến kiến thức về biển đảo nói chung và cung cấp file kmz dành riêng cho quần đảo Hoàng Sa. Với bài này chúng tôi chỉ nêu những nét cụ thể về hai file kmz dành cho Trường Sa và Biển Đông (bạn đọc nào chưa quen sử dụng GE thì cần dành thời giờ đọc qua bài trước). Bạn đọc có thể tải về máy cá nhân hai file này theo địa chỉ sau:
– Qđ Trường Sa_V1.kmz: https://www.dropbox.com/s/mb8mlenlptaq6sd/Q%C4%91%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Sa_V1.kmz (35 KB).
– Biển Đông_V1.kmz: https://www.dropbox.com/s/2mh2e0ocnomkzzk/Bi%E1%BB%83n%20%C4%90%C3%B4ng_V1.kmz (43 KB).
1. Về file Qđ Trường Sa_V1.kmz
So với quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Sa) thì quần đảo Trường Sa (Trường Sa) phức tạp hơn. Trước nhất, hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất về phạm vi quần đảo này, tuy nhiên dù theo cách hiểu nào số thể địa lí (đảo, đảo đá, cồn, bãi…) cũng đều khá lớn, lên tới hơn 100 (theo thông tin có trong bảng liệt kê các đảo trên trang của Đại học Quốc gia Singapore – NUS thì con số này lên tới 165). Thứ hai, việc tranh chấp chủ quyền không chỉ xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc (tính luôn Đài Loan) mà còn có thêm Philippines, Malaysia và Brunei nữa. Theo đó, các thể địa lí có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Thứ ba, trừ Brunei ra các bên tranh chấp đều có quân đội chiếm đóng các thể địa lí ở Trường Sa. Để có thể phản ánh tương đối đầy đủ sự phức tạp đó và cũng để dễ theo dõi chúng tôi sắp xếp thư mục bản đồ Trường Sa theo lối phân cấp thành hai mục chính: ‘Yêu sách’ (các yêu sách ) và Chiếm đóng (hiện trạng chiếm đóng). Hai mục chính này lại phân cấp tiếp như sau:
- Mục ‘Yêu sách’: gồm có các đường yêu sách chính thức/không chính thức của các nước Brunei, TQ (CHN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL) và Việt Nam (VNM). Đối với TQ, đường yêu sách không chính thức là đường lưỡi bò (ĐLB) gồm chín vạch rời nên chúng tôi có vẽ thêm một đường liền cho dễ nhìn và một đường có tô kín với màu trắng nhạt để dễ ước lượng.
- Mục ‘Chiếm đóng’: được phân thành 6 tiểu mục dành cho năm bên có chiếm đóng các thể địa lí ở Trường Sa [TQ (CHN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL), Đài Loan (TWN), Việt Nam (VNM)] và một tiểu mục đặc biệt (‘Khác’) dành cho các thể địa lí chưa có nước nào chiếm đóng. Trong từng tiểu mục này các thể địa lí được sắp xếp theo thứ tự A→Z để dễ truy tìm.
Hình 1: File Trường Sa.kmz mở (một phần) trên GE (để mở trọn vẹn phải nhấp chuột vào các ô vuông rỗng (check) trước các tiểu mục của mục ‘Chiếm đóng’) cho thấy các đường yêu sách của các nước và năm đảo/đá mà năm bên khác nhau đã chiếm đóng (thể hiện bằng các icon màu khác nhau) và một rạn đá chưa bị chiếm đóng (icon màu vàng).
Phần Sidebar cho thấy thư mục của file này chỉ mở tới cấp thứ hai (muốn mở hết ra phải nhấp chuột vào các tam giác rỗng nhỏ trước mỗi tiểu mục của hai mục chính),
2. Về file Biển Đông_V1.kmz
Có tất cả tám nước tiếp giáp biển Đông (kể luôn vịnh Thái Lan): Brunei (BRN), Campuchia (KHM), China (CHN), Indonesia (IDN), Malaysia (MYS), Philippines (PHL), Thái Lan (THA) và Việt Nam (VNM). Do đó, để thuận tiện khi sử dụng, chúng tôi phân thư mục bản đồ thành 9 mục chính cho 8 nước này và một mục đặc biệt: (‘Giả định’).
Một mục chính đầy đủ có sẽ các tiểu mục: đường cơ sở, đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ – 200 M) và thềm lục địa (350 M), đường phân giới biển, vùng nước/vịnh lịch sử, khu vực khai thác chung (JDA) và có thể có thêm tiểu mục riêng cho từng nước (chẳng hạn với Trung Quốc có thêm các đảo/ bãi đáng chú ý như bãi ngầm James [Tăng Mẫu], đảo Pratas [Đông Sa], bãi ngầm Maclesfield [Trung Sa], đường giới hạn khu vực đánh cá do tỉnh Hải Nam mới quy định và ĐLB 11 vạch năm 1947). Để tránh trùng lặp những thứ mà hai hay nhiều bên có chung (như đường phân giới biển, khu phát triển chung…) chúng tôi chỉ đặt chúng ở mục của bên mà chúng tôi thấy thuận tiện hơn khi sử dụng.
Riêng mục đặc biệt (‘Giả định’) là để cung cấp thông tin tham khảo về cách giải quyết cực đoan tình trạng chưa ngã ngũ về tranh chấp của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mục này chứa các đường phân giới là trung tuyến của các nước liên quan với giả định Hoàng Sa, Trường Sa cũng có EEZ và được hưởng 100% hiệu lực; và cũng chứa thêm đường giới hạn 200 M của Hải Nam và Pratas không tính sự có mặt của Hoàng Sa và giả định Pratas là đảo theo định nghĩa của UNCLOS và được hưởng 100% hiệu lực. Nội dung chính của mục này được tạo từ các file (có điều chỉnh đôi chút) của Viện Nghiên cứu biển Flanders (Vlaams Instituut voor de Zee, VLIZ [tiếng Hà Lan] hay Flanders Marine Institute [tiếng Anh]) tải được từ trang web MarineRegion.org của họ.
Hình 2: File Biển Đông_V1.kmz mở gần trọn vẹn trên GE với mục ‘China’ chưa mở hoàn toàn (cho thấy đường cơ sở, ĐLB [9 vạch và phần LB phi pháp] nhưng chưa cho thấy khu vực Hải Nam đòi quản lí và ĐLB 1947)
Cũng giống như bản đồ Hoàng Sa, khi bạn đọc nhấp chuột vào từng đường/ hình/ icon trên bản đồ hay vào tên các mục/ tiểu mục (với chữ xanh) bên Sidebar thì thông tin cơ bản tương ứng sẽ hiện ra. Trong các thông tin này có thể có cả đường dẫn tới những tài liệu mà chúng tôi căn cứ để vẽ và những thông tin/ hình ảnh/ đường dẫn liên quan tới thể địa lí hoặc đường/ hình đó.
Hình 3: Nhấp chuột vào icon đá Gạc Ma sẽ hiện lên thông tin/ảnh liên quan tới đá này, trong đó có đường dẫn (chữ xanh) mà khi nhấp chuột lên sẽ mở clip youtube Trung Quốc đánh chiếm đá này ngày 14/3/1988.
Đặc biệt, khi nhấp vào tên hồ sơ ‘Trường Sa’ bên Sidebar bạn đọc sẽ thấy hiện ra các thông tin giới thiệu chung về quần đảo này (có thể hiện ra hơi chậm ở một số máy vì nội dung khá dài).
Hình 4: Nhấp chuột vào tên file Trường Sa (ở Sidebar) sẽ hiện ra thông tin giới thiệu chung về quần đảo Trường Sa
Bạn đọc cũng có thể tắt/mở từng mục/tiểu mục để chỉ chừa lại trên GE những nội dung mình quan tâm bằng cách nhấp chuột vào ô vuông trước tên chúng để xoá/thêm (uncheck/check) dấu ✓ trong đó. Do thư mục được sắp xếp theo hệ thống phân cấp như đã nêu nên trước khi thực hiện việc này, bạn đọc phải mở bung folder/tài liệu ra tới tiểu mục đó bằng cách nhấp chuột vào tam giác rỗng nhỏ trước tên folder/tài liệu liên quan. Ví dụ, bạn đọc chỉ quan tâm tới các đòi hỏi của Trung Quốc thì có thể tắt hết những thứ khác chỉ mở gần trọn mục ‘China’ (chừa ra tiểu mục ‘LB tô’) thì được bản đồ sau:
Hình 5: Bản đồ cho thấy 4 “Sa” + chỗ cực Nam (bãi ngầm James) mà Trung Quốc đòi chủ quyền, sư sai khác/tuỳ tiện của bản đồ 9 vạch /11 vạch /vùng Hải Nam đòi kiểm soát. Chẳng hạn, trong 9 vạch của LB 2009 thì 8 vạch phình ra so với LB 1947 lấn thêm vào vùng biển của các nước, nhất là ở phía Việt Nam. Đặc biệt, vạch ở đầu LB 1947, ngăn cách với quần đảo Natuna của Indonesia, vốn đã ăn vào EEZ của Natuna, được dời về phía Việt Nam trong LB 2009, tạo một khoảng cách lớn nên không biết LB 2009 sẽ liếm EEZ của Natuna mức độ nào khi nối liền các vạch (mập mờ cố ý?). Bạn đọc có thể tự rút ra nhiều nhận xét khác qua bản đồ này.
Lưu ý rằng tất cả những đường / hình chúng tôi vẽ thêm vào GE đều dựa trên các văn bản chính thức của các nước liên quan hay các tài liệu đáng tin cậy mà chúng tôi đều có nêu đường dẫn trong thông tin cơ bản về đường/hình đó (hiện ra khi nhấp chuột vào như đã nêu). Phần lớn đều vẽ theo toạ độ ghi trong các văn bản chính thức đó. Những trường hợp không có toạ độ, chúng tôi phải tạm dùng cách chồng bản đồ (overlay) để vẽ lên GE và chúng tôi có ghi rõ trong phần thông tin cơ bản vừa nói.
Với hai file mới này cùng với file Qđ Hoàng Sa_V1.kmz trong bài trước, khi mở đồng thời trên GE chúng ta sẽ có một bức tranh khá trọn vẹn những điều cơ bản về Biển Đông. Nếu kết hợp thêm với file Biên giới V-T.kmz mà chúng tôi đã cung cấp trong bài ‘Khảo sát biên giới Việt-Trung bằng Google Maps và Google Earth’ ở đây hoặc ở đây, thì chúng ta sẽ có được một công cụ mạnh mẽ để tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến các hiểu biết về biên giới trên đất liền lẫn trên biển của Việt Nam. Đó cũng là một phương tiện tra cứu tiện dụng và có hiệu quả những thông tin cơ bản về biển, đảo và biên giới. Ví dụ, bạn đọc có thể đã biết có Hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ nhưng không rõ kí kết ngày nào và cũng có thấy bản đồ đường phân giới biển vùng biển này nhưng với tỉ lệ nhỏ. Chỉ cần nhấp chuột lên đường phân giới này trên bản đồ GE thì bạn đọc có ngay ngày kí. Nhấp tiếp vào đường dẫn hiện ra cùng thông tin đó, bạn có toàn bộ văn bản của Hiệp định này. Và khi thực hiện thêm vài động tác với chuột hay bàn phím bạn có thể phóng to bản đồ ở tỉ lệ cao để xem tường tận từng đoạn nhỏ của đường phân giới này. Bạn đọc cũng có thể dùng công cụ ‘Ruler’ để kiểm tra chẳng hạn, xem đảo Bạch Long Vĩ có hưởng đúng 25% hiệu lực về EEZ như báo chí đã nêu hay không…. (Lưu ý khi mở các file kmz này đồng thời nên uncheck các mục trùng lặp để đỡ rườm rà).
Nhân đây chúng tôi xin cung cấp lại file kmz về Hoàng Sa phiên bản mới (có chỉnh sửa đôi chút cho tương đối nhất quán với file Trường Sa) cho các bạn đọc có quan tâm. File có thể tải về từ địa chỉ sau:
https://www.dropbox.com/s/yxlsd2f9w2phk8c/Q%C4%91%20Ho%C3%A0ng%20Sa_V2.kmz (12 KB).
(Bài được sự đóng góp ý kiến của Dương Danh Huy, QNCBĐ)
P. V. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.