Dân tộc Ucraine và tương lai

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến của về Ucraine, cũng muốn nói lên ý kiến của mình nhưng quả thật thời gian này có ít thời gian quá. Tôi là người làm ăn, với tình hình Ucraine như thế này phải lo lắng cho tương lai nhiều thứ, phải nghĩ đến chuyển đổi, cơ cấu lại công việc, lo lắng chuyện học hành của con cái đầu tiên đã. Sống ở giữa trung tâm châu Âu vào thế kỷ 21, tôi cũng như nhiều người khác không thể ngờ rằng một ngày mảnh đất tôi đang sống lại cận kề chiến tranh đến vậy.

Hôm nay tôi có thời gian để viết tiếp về cái nhìn của tôi về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ucraine. Tôi vẫn luôn cho rằng: sự khẳng định chắc chắn mọi sự việc chỉ là thói quen của những kẻ hồ đồ mà thôi. Ở đây tôi chỉ nói lên quan điểm của mình. Tôi là một người yêu thích và nghiên cứu về Triết học và Lịch sử, vì vậy những quan điểm, suy nghĩ của tôi về những sự kiện chính trị đôi lúc thiên về tính triết học, có thể không “chính trị” lắm. Cũng chính vì vậy tôi không quan tâm lắm đến sự chính xác tuyệt đối của tin tức, số liệu… Chúng ta đều biết tin tức nhiều khi do các phương tiện khác nhau đưa ra, nhiều khi với những ý đồ rất khác nhau. Tôi cho rằng quan trọng của một bài viết không phải là những thông tin cụ thể hay số liệu nào, quan trọng là những thông điệp trong đó, ý nghĩ trong đó, quan trọng là sau khi đọc xong bạn cảm thấy như thế nào. Có thể những suy nghĩ của tôi không giống những điều nguời ta viết, nhưng các bạn hãy tin rằng đó là một cách nhìn của một người đã đọc và suy nghĩ rất kỹ.

1. Vấn đề Putin và nước Nga

Có thể ai đó cho rằng trong vấn đề xung đột giữa Nga và Ucraine tôi đã đi vào vấn đề cá nhân Putin. Tôi thì suy nghĩ như thế này: ở những nước văn minh, vai trò của cá nhân (kể cả nguyên thủ) không lớn. Họ thường đại diện cho đa số dân chúng và dân tộc đó. Vì vậy một hành động của đất nước được coi là hành động của cả nước, những thông điệp từ nước đó là thông điệp của cả nước. Ở những nước độc tài, vai trò của cá nhân (đặc biệt là nguyên thủ Quốc gia) nhiều khi đóng vai trò then chốt, vì vậy nếu nói về chính sách của nước Nga, chúng ta phải nói về Putin.

Tôi rất tiếc nếu có làm hỏng hình tượng Putin trong ai đó, nhưng tôi luôn nghĩ rằng: mẫu hình lãnh đạo như Putin chỉ hợp với thế kỷ 19 mà thôi, bây giờ chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 rồi. Ở phương diện một người đàn ông, Putin có thể là một người đàn ông Nga tốt điển hình, nam tính, dũng cảm, giàu có… nhưng lãnh tụ một nước lớn như nước Nga thì nguy hiểm. Tôi vẫn luôn cho rằng ở thế kỷ 21 này nước Nga với Putin và Trung Quốc là hai hiểm họa nếu thế giới không có biện pháp gì.

Nếu nói nước Nga độc tài sẽ có ý kiến cho rằng nước Nga tư bản, đa nguyên… tại sao lại gọi là chế độ độc tài? Tôi nghĩ rằng chế độ độc tài bây giờ khác xa ngày xưa rồi. Bây giờ nó mang một khuôn mặt khác. Tôi thì tôi cho rằng nước Nga thời Putin và Ucraine thời Yanukovich là điển hình của những chế độ độc tài thời mới. Một chế độ độc tài của châu Âu nó sẽ mang màu sắc châu Âu, trông thì có vẻ văn minh nhưng bản chất thì không khác gì những chế độ độc tài ở những châu lục kém phát triển hơn.

Người ta nói nước Nga có những đảng phái chính trị khác nhau. Vấn đề là những đảng nào thực sự có cạnh tranh sẽ bị tìm cách đàn áp, thủ lĩnh của họ bị bắt giữ và sẽ bị gán cho những tội danh để vào tù mà suy nghĩ. Để cho vườn hoa chính trị thêm đẹp, tiền sẽ được chi ra để dựng nên những đảng nghe có vẻ đối lập, thỉnh thoảng phê phán chính quyền nhưng thực sự là con rối kiểu như đảng của Zirinovski.

Truyền thông tự do ư? Rất đơn giản chủ sở hữu một số kênh truyền hình sẽ bị ép phải bán cho nhà nước, một số kênh sẽ do vài chủ sử hữu “con rối” mua, thỉnh thoảng phải có “phê phán chính quyền dưới sự kiểm duyệt”.

Để có thể độc quyền về chính trị cần có tiền. Những tài phiệt nào ngoan ngoãn đóng góp sẽ được yên ổn làm ăn, những tài phiệt nào chống đối sẽ bị trừng phạt, tù đầy thông qua hệ thống luật pháp bị thao túng và giật dây. Khodorkovski là một thí dụ điển hình. Đã từng là người giàu nhất nước Nga, ông ta lúc đó ngây thơ nghĩ rằng nước Nga đã thay đổi, vì vậy cố gắng xây dựng một công ty được đánh giá là “sạch” nhất nước Nga, thuê các chuyên gia kinh tế nước ngoài hàng đầu, trong đó có cả các quan chức cao cấp của tây Âu về làm việc. . . để rồi cuối cùng bị đem ra xử hết tội này đến tội khác. . . ngồi tù bao năm trời, và có lẽ sẽ ngồi mãi mãi nếu không “cúi đầu” làm đơn xin ân xá vừa rồi. Ở những đất nước như thế này, những người dân bình thường không khác gì nô lệ. Vì cả xã hội là tham nhũng và vi phạm pháp luật. Nên nếu muốn làm được việc hay thành công trong cuộc sống anh sẽ buộc phải vi phạm luật pháp. Anh càng giỏi thì sự vi phạm của anh càng ở mức độ lớn. Chính quyền khi cần có thể xử anh theo phương thức lựa chọn, và cả cuộc đời anh sẽ hỏng. Nếu không có hệ thống tham nhũng và chính quyền như vậy, anh có thể dùng khả năng của anh để làm mọi thứ mà không cần vi phạm pháp luật. Đấy là cả một cái lưới lớn bùng nhùng mà những người dân bình thường giãy dụa không có đường ra.

Cũng phải nói thêm rằng nước Nga là một nước rất đặc biệt. Chế độ nông nô Nga (một hình thức chiếm hữu nô lệ) tồn tại rất lâu và chỉ mới được xoá vào thế kỷ 19. Vào thế kỷ 17 nô lệ (những nông nô Nga) còn bị bán khắp nơi, ở các thời khác nhau có từ 50% đến 75% người Nga là nông nô (nô lệ). Không giống như hình thức chiếm hữu nô lệ thời cổ đại cũng như các hình thức chiếm hữu nô lệ ở các nơi khác trên thế giới, những người nông nô Nga được sử dụng như nô lệ, có luật lệ rõ ràng hạn chế những quyền cơ bản của con người, nhưng trong các giấy tờ nhà nước thì vẫn gọi họ là các Công Dân. Nông nô Nga không phải là tù binh, không phải là những người bị mua ở đâu về, mà chính là những con người cùng chủng tộc với giới quí tộc, vua chúa Nga. Họ là những người lao động chính của xã hội, những người lính chiến đấu vì Tổ Quốc, nhưng quyền của họ thì như nô lệ. Năm 1861 Sa Hoàng Alekcandr 3 ký lệnh giải phóng nông nô, những kẻ không hài lòng đã ám sát ông ta bằng bom. Ở nước Nga chuyên chế thời kỳ nào cũng vậy không có hành động tốt đẹp nào mà không bị trừng phạt thích đáng!

Các bạn có liên hệ gì giữa một nước Nga thời thế kỷ 19 và bây giờ không? Tôi thì thấy không khác gì mấy: cũng những mỹ từ tốt đẹp văn minh, dân chủ cho toàn dân nhưng thực chất cuộc sống nghèo đói, bóp nghẹt về tư tưởng. Có phải Chủ Nô không khi Tổng Thống và tầng lớp thống trị (các quan chức chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã…, các quan chức đại diện cho luật pháp, chính quyền khắp các cấp, khắp mọi nơi) tự cho mình quyền sinh, quyền sát và tham nhũng vô độ, sống vương giả không khác gì quí tộc thời xưa? Có phải Nô Lệ không khi cuộc sống đói nghèo, chỉ được nghe những gì chính quyền nói và nói những gì chính quyền muốn nghe? Có phải Chủ Nô không khi nắm hoàn toàn hệ thống pháp luật và tự quyết định ai phải sống trong tù? Có phải Chủ Nô không khi bộ máy cầm quyền chỉ gồm con cháu mình hoặc người thân cận của mình?

Người dân Nga bao năm dưới chế độ nông nô, đối với họ Tự Do và Phẩm Giá con người có thể vẫn là khái niệm còn chưa rõ ràng lắm, người dân miền Đông Ucraine cũng vậy. Người dân miền Tây và miền Trung Tâm Ucraine đã đấu tranh cho tự do và phẩm giá con người từ rất lâu, có lẽ họ hiểu thế nào là dư vị của những khái niệm đó. Nhiều trí thức Nga hôm nay thốt lên rằng: Chúng tôi ghen tỵ với những người bạn Ucraine! Cũng cần nói thêm rằng theo thống kê của OOH nước Nga chiếm vị trí thứ nhất thế giới về tài nguyên thiên nhiên, trong đó chiếm vị trí đầu bảng về trữ lượng và xuất khẩu những tài nguyên như: gas tự nhiên, vàng, kim cương, platinum, bạc, than, tài nguyên rừng… nhưng lại đứng thứ nhất về dùng ma tuý, đứng thứ 67 về mức sống, thứ 127 về sức khoẻ cộng đồng, thứ 159 về quyền chính trị và tự do. Một câu hỏi: TIỀN ĐI ĐÂU? Một đất nước như vậy có xứng đáng là cường quốc, thành một hình mẫu cho một số nước (dù là nhỏ) hướng tới không?

2. Thế giới và các cuộc Cách Mạng vì quyền Công Dân

Tôi không cho rằng các hệ tư tưởng là hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, nhưng tôi có một niềm tin rằng thế giới càng ngày càng phải vươn lên để có các thể chế chính quyền tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, văn minh hơn cho người dân của mình. Quan trọng là xu hướng thôi. Các nước Tư Bản đã thay đổi rất nhiều (theo hướng tốt) khi xuất hiện các nước xã hội chủ nghĩa. Ở phương Tây bây giờ người ta rất chuộng “Tư Bản Luận” của Karl Marx, những tư tưởng của Khổng Tử được người ta nghiên cứu để áp dụng. Thế giới muốn hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn, hướng đến một thể chế quản lý nhà nước công minh, hoàn hảo hơn. Đối với tôi không quan trọng là thể chế đó, chế độ đó mang màu sắc gì, quan trọng là một chế độ vì quyền lợi Công Dân.

Nhiều người cho rằng xung đột ở Ucraine sẽ làm cho thế giới quay lại cuộc chiến tranh lạnh. Tôi thì nghĩ rằng sẽ không bao giờ có điều đó. Không còn hai phe với hai ý thức hệ và hệ tư tưởng khác nhau nữa. Dường như giá trị của các quốc gia giống nhau: dân chủ, bình đẳng, cuộc sống hạnh phúc về vật chất và tinh thần cho mọi người dân (ít nhất các chính phủ đều tuyên bố như vậy).

Nhưng tôi cho rằng thế giới hiện nay vẫn phân ra làm hai nhóm nước khác nhau. Một bên là các nước tiên tiến, văn minh, trong thể chế chính quyền của họ cũng còn rất nhiều những điều chưa hợp lý, chưa công bằng nhưng chính phủ của họ hướng đến và thực sự muốn làm cho cuộc sống ở các Quốc gia đó văn minh, dân chủ… Một bên là những nước cũng giương ra những khẩu hiệu dân chủ, công bằng… nhưng thực chất duy trì chế độ độc tài để dễ bề lũng đoạn xã hội, tham nhũng… Thực ra điều quan tâm lớn nhất của lãnh đạo những nước nhóm này là giữ được quyền lực và cùng với nó là rất nhiều đặc quyền, đặc lợi cho họ và nhóm của họ mà thôi.

Đặc điểm của những nước nhóm 1 là: đất nước vững mạnh trên mọi phương diện, thu nhập của dân cao, xã hội dân chủ, văn minh thật sự, hệ thống luật pháp độc lập, các vị trí lãnh đạo trong xã hội đều mở cho bất kỳ ai có khả năng. Tổng Thống, Thủ Tướng và các quan chức cao cấp hưởng theo qui định, khi nghỉ hưu thường đi giảng bài trong các trường đại học hoặc viết sách.

Đặc điểm của những nước nhóm 2 là: đất nước lạc hậu, đời sống người dân thấp, không có dân chủ, hệ thống luật pháp do tầng lớp cầm quyền nắm, các vị trí lãnh đạo trong xã hội chỉ giành cho con em hoặc những người của mình. Tổng thống, thủ tướng và các quan chức cao cấp lương thấp nhưng giầu có vô cùng (tài sản của Putin khoảng 120 tỷ $, Yanukovich trong mấy năm cũng bòn rút của dân Ucraine hơn 10 tỷ $…), khi nghỉ hưu thì không ai thuê họ giảng bài cả vì ít ai cần học kỹ nghệ tham nhũng, hơn nữa họ cần gì tiền vì đã quá giàu. (Câu chuyện cuộc đời mục đích có phải vì tiền không, và nói chung là ý nghĩa cuộc sống thì tôi sẽ xin được nói ở bài khác).

Nhân dân của các nước nhóm 2 khi đã đủ ý thức tự do, đủ bản lĩnh chính trị thì đương nhiên sẽ hướng đến nhóm 1. Tầng lớp lãnh đạo thối nát thì tìm mọi cách để cản trở quá trình này. Họ kết thân với những nước giống họ. Yanukovich tại sao không muốn ký thoả thuận với châu Âu? Đơn giản vì lúc đó ai cho ông ta và tầng lớp như ông ta ăn cắp vô độ, châu Âu sẽ không để ông ta biến hệ thống toà án, pháp luật thành bù nhìn, biến đất nước thành công ty nhà mình, ông ta sẽ không thể gian lận phiếu khi bầu cử.

Đã qua rồi thời kỳ người dân làm cách mạng vì miếng cơm, manh áo, thời kỳ bây giờ người ta làm cách mạng vì phẩm giá con người, vì những giá trị công dân. “Cách mạng hoa hồng”, “cách mạng Cam”, “Mùa xuân Ả Rập”…, cái tên người ta đặt cho có thể khác nhau, nhưng tôi gọi chung là: Cách mạng vì quyền công dân. Khi tự do, dân chủ, những giá trị tinh thần cao cả bị chà đạp, khi chính quyền coi dân như cỏ rác, khi nham nhũng tràn lan… thì người dân (không quan trọng là nước đó thuộc thể chế nào) sẽ đứng lên đòi quyền Công Dân của mình. Người ta phân tích, mổ xẻ xem đứng đằng sau các cuộc Cách Mạng, sau những người biểu tình là ai, là thế lực nào. Đúng, phải có những thế lực giúp đỡ hoặc đứng đằng sau họ. Suy cho cùng thì bất kỳ hành vi nào, của bất kỳ ai cũng vì một cái gì đó. Vì vậy, các quốc gia, các tổ chức đương nhiên phải có mục đích của mình. Nhưng động lực lớn nhất của các cuộc cách mạng vẫn là nhân dân của nước đó với số lượng đủ lớn cảm thấy không thể chịu nổi phải đứng lên. Nếu chỉ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài thì có lẽ chế độ Triều Tiên đã bị hất bay từ lâu rồi, quan trọng là thái độ của dân Triều Tiên với chế độ đó. Xưa kia người ta làm cách mạng vì không có gì để mất, ngày nay những người làm cách mạng không phải là tầng lớp nghèo đói, mà là tầng lớp trung lưu có tri thức, họ có nhiều thứ để mất nhưng họ vẫn làm vì những giá trị tinh thần cao cả và vì tương lai của con cháu họ. Một điểm khác của cuộc cách mạng ngày hôm nay là vai trò vô cùng quan trọng của internet, của các mạng xã hội. Cuộc cách mạng ở Maidan vừa rồi cũng như vậy, nhân dân đứng lên không phải vì một đảng phái chính trị nào. Khi bà Timosenko, lãnh đạo của Đảng đối lập lớn nhất bị bắt, chỉ có vài trăm người xuống đường. Khi chính quyền tham nhũng vô độ, bóp nghẹt người dân, lừa dối nhân dân, độc quyền về các vị trí lãnh đạo, cướp bóc tài sản của các doanh nghiệp, không tính đến tiếng nói của dân… mà giọt nước tràn ly là dùng cảnh sát vũ trang đàn áp những sinh viên biểu tình hòa bình ngày 30-11-2013 thì hàng triệu người đã ra Quảng trường.

Đôi khi những chiêu bài như thế giới cần đa cực… cũng chỉ để che giấu ý định cản trở sự tiến bộ của nhân loại về thể chế nhà nước. Vì còn nhiều người tin vào điều đó nên vào thế kỷ 21 vẫn tồn tại những thể chế chính trị lạc hậu và tham nhũng. Tôi không thích nước Nga của Putin không phải vì nước Nga đem quân xâm chiếm mảnh đất nơi tôi đang sinh sống. Vấn đề là ở chỗ lịch sử nhân loại hàng nghìn năm nay là cuộc đấu tranh không nghỉ để hướng tới một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn, một thể chế chính trị để bảo đảm quyền cơ bản của người dân. Hôm nay nước Nga với Putin chính là sự cản trở lớn nhất. Cuộc đấu tranh này không phải để loại bỏ một thể chế, loại hình chính trị, mà là một cuộc đấu tranh về mô hình quản lý nhà nước tốt đẹp (kể cả mô hình của những nước được coi là văn minh nếu không công bằng… thì dân chúng cũng phải đấu tranh).

Nga xâm lược Ucraine vì muốn lấy lại Crimea chăng? Vì muốn lập một liên minh Á-Âu lấy Ucraine là hạt nhân chăng? Vì muốn cản trở phương Tây và NATO Đông tiến chăng? Vì muốn chứng tỏ vị trí cường quốc của mình trên thế giới và muốn chứng tỏ ai là chủ nhà ở vùng Liên Xô cũ chăng?… Đúng và có thể vì nhiều lý do khác nữa. Nhưng tôi cho rằng lý do lớn nhất là do Putin sợ mất quyền lực độc tài. Hôm nay nếu cuộc cách mạng ở Ucraine thành công, ngày mai có thể sẽ là Uzbekistan, Kazakhstan, Belarussia… và rồi một ngày người dân Nga cũng sẽ cảm thấy âm hưởng của ngọn gió Tự Do, lửa sẽ cháy ngay dưới chân tầng lớp lãnh đạo chà đạp chính dân tộc của mình.

3. Tương lai nào cho Ucraine 

Sự thành bại của cuộc Cách Mạng ở Ucraine vì vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính quyền. Ở đây không chỉ quyết định số phận của người Ucraine nữa.

Năm 2004 ở Ucraine đã có cuộc cách mạng Cam xảy ra. Dưới sự ủng hộ của Maidan với hàng triệu người tham gia ông Yusenco đã trở thành tổng thống. Biết bao mong chờ và hy vọng để rồi kết thúc bằng việc chính quyền thân Nga, tham nhũng của Yanukovich lại lên nắm quyền. Người ta nói ông Yusenco không đủ cứng rắn và không đủ bản lĩnh chính trị.

Tôi là một trong số ít người đến hôm nay vẫn cho rằng Yusenco có thể là lãnh tụ tốt nhất với dân tộc Ucraine, nhưng ông ta đã không gặp thời. Yusenco là người thực sự vì dân tộc, yêu nước, có đường lối chiến lược rất xa. Khi trở thành Tổng Thống ông ta đã đưa ra 4 chiến lược rõ ràng: vào NATO để chống sự xâm lược của Nga, con đường ký hiệp ước với châu Âu, ký hợp đồng khai thác khí gas ở biển Đen (theo tính toán trong vòng 4 năm Ucraine có thể đảm bảo 40 % nhu cầu gas, lúc đó sẽ ít phụ thuộc vào Nga), tạo các giá trị để đoàn kết dân tộc (đó là lý do chính chính quyền Yusenco không đi sâu vào chuyện trả thù những kẻ thù chính trị, ngay cả việc chính ông ta bị đầu độc diosin ông ta cũng sẵn sàng bỏ qua). Ngày hôm nay nhìn lại mới cay đắng thấy ông ta có một tấm lòng và một chiến lược xa như thế nào.

Tất cả các tính toán của Tổng thống Yusenko đã bị phá bởi nhiều yếu tố, nhưng yếu tố chính là Timosenko. Năm 2004 Tổng thống Kuchma trước khi về hưu để bảo vệ quyền lợi cho mình và gia đình mình đã thay đổi Hiến Pháp. Timosenko đã dùng chính điều này để phủ quyết mọi chính sách của Tổng thống. Tôi luôn tin tưởng rằng một người đứng đầu một nhà nước có thể không cần tài năng lắm nhưng điều tiên quyết phải là người yêu nước đó, người vì dân tộc của nước đó. Timosenko là một con buôn chính trị. Đứng về phương diện con người bà ta là một phụ nữ có tài và sức làm việc phi thường, nhưng con buôn chính trị luôn đặt lợi ích của bản thân và của những người thân cận của mình trên cả lợi ích của dân tộc, đất nước. Timosenko sẽ là cản trở lớn của công cuộc tái thiết đất nước (trừ trường hợp bà ta đã thay đổi trong thời gian ở tù).

Chính quyền mới lên với bao khó khăn chồng chất, với rất nhiều con người thuộc đảng của Timosenko, không có gì bảo đảm rằng họ sẽ thành công. Chính quyền mới đã kịp làm nhiều sai lầm, nhất là những việc liên quan đến trả thù cá nhân, nhưng có nhiều việc họ làm đáng để nhân dân hy vọng. Đôi khi đối với người dân Ucraine sau một chính quyền như chính quyền Yanukovich chỉ cần chính quyền mới không ăn cắp và tham nhũng đó đã là sự tiến bộ lớn rồi. Tôi tin rằng khi nhân dân thay đổi các chính trị gia cũng thay đổi, hơn nữa ở Ucraine bây giờ có lẽ đã hình thành một cơ chế kiểm tra của Nhân Dân, tôi gọi nó là “cơ chế Maidan” (nếu anh làm không đúng lòng dân thì Maidan sẽ lại cho anh xuống).

Nhân dân Ucraine đứng lên đấu tranh lật đổ một chế độ tham nhũng thối nát, hướng đến một chính quyền tự do hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn. Cái giá phải trả có thể rất lớn, nhất là khi chống lại họ là một nhóm nước với những nhà lãnh đạo kiểu độc tài đứng đầu là nước Nga và những phần tử muốn duy trì chế độ cũ trong chính nước Ucraine. Máu đã đổ, Crimea có thể sẽ mất, các vùng miền Đông và Nam cũng gặp nguy hiểm, khi kẻ xâm lược Ucraine có vũ khí hạt nhân không biết điều gì sẽ xảy ra, cuộc sống có thể khó khăn hơn… nhưng con đường đã chọn không thể khác được. Năm 1956 tại Hungary, Nhân Dân đã thua, năm 1968 tại Tiệp Khắc Nhân Dân đã thất bại, năm 1982 Nhân Dân Ba Lan đã bị đàn áp, nhưng năm 1989 Ba Lan đã chiến thắng, đưa đất nước vào những năm 90 tổng thu nhập quốc dân bằng Ucraine nhưng nay đã gấp ba lần, tấm gương của Gruzia đưa một đất nước từ tham nhũng và lạc hậu thời Liên Xô thành một nước phát triển đến không ngờ còn đó. Thể chế chính quyền không thể đi ngược lịch sử. Dân tộc Ucraine như tái sinh, những ngày qua đã thấy rõ sức mạnh của tinh thần Ucraine. Nhiều người trên thế giới thông cảm với người Ucraine, rất nhiều người ở các quốc gia thuộc nhóm thứ 2 thương cảm cho họ, thương cảm cho cuộc sống yên lành bị phá vỡ… Không, người dân Ucraine không cần thương hại đâu, chính những người thương hại họ mới đáng thương! Hy vọng rằng những giọt máu đã đổ trên Maidan như những tia lửa sẽ làm bùng lên lòng yêu nước của người dân Ucraine bao gồm cả những chính trị gia, và bao trái tim quả cảm sẽ rực cháy vì khát vọng cuồng nhiệt vươn tới tự do, phẩm giá và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một dân tộc muốn đạt được tự do, công bằng, hạnh phúc phải vượt qua những trận bão táp!

Và biết đâu cuộc cách mạng tại Ucraine sẽ tạo ra những cơn bão ở những nơi mà tối tăm, tham nhũng,… nơi bóng đêm của cuộc đời còn ngự trị. Tôi muốn trích mấy câu thơ của Maxim Gorki (một nhà văn, nhà thơ Nga cách mạng) trong “Bài ca chim báo bão” để tặng những người đã hy sinh tại Maidan và tất cả các bạn:

Trận bão sắp nổi lên rồi!

  Ấy là chim báo bão ngang tàng

  Đang kiêu hãnh bay lượn

  Giữa các ánh chớp của mặt biển đang réo lên giận dữ…

  Ấy là tiếng reo hò của sứ giả chiến thắng

  Dữ dội hơn nữa…

  Bão táp

     hãy nổi lên!

P/s. Truyền thông Nga thường gọi người biểu tình tại Maidan là những kẻ khủng bố, phát xít. Truyền thông Nga cũng thường đưa tin (Putin cũng nói nhiều) về những người Nga là nạn nhân của các nhóm phát xít tại Ucraine.

Trong bài trước tôi đã đưa một đường link trong đó các bạn có thể nhìn thấy danh sách 100 người chết tại Maidan (hôm nay là 102 người), các bạn có thể thấy ảnh của từng người, tên họ, ngày tháng năm sinh, ở đâu, làm gì, tình trạng gia đình, hy sinh ở đâu. Các bạn xem họ có giống phát xít không? Còn ở đâu có thể tìm thấy danh sách cụ thể về những người Nga nạn nhân???? (Không một nguồn nào đưa được thông tin cụ thể).

Thông tin rất nhiều nhưng quan trọng tôi nghĩ chúng ta tiếp nhận và phân tích theo logic của mình thôi thì mọi sự sẽ rõ ràng. 

N. V. T.

Nguồn: FB Nguyễn Việt Trung

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.