Tạp luận: Nỗi khổ của trí thức Việt

Không phải cho đến bây giờ người ta mới lên tiếng cảnh báo khẩn thiết về nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam. Từ nhiều năm trở lại đây, các bậc thức giả, nhiều nhà khoa học đầu ngành khả kính cao tuổi đã thiết tha đặt vấn đề làm cách nào giữ chân được những người “tuổi trẻ tài cao” thành đạt trên con đường học vấn trong và ngoài nước. Đáng tiếc thay lời cảnh báo chảy máu chất xám, hiểu nôm na là hầu hết những người rất cần cho sự nghiệp kiến quốc “không có chỗ đứng chân, không biết làm gì cho quốc kế dân sinh” trong thời đại hội nhập toàn cầu, rất cần cho nền kinh tế trí thức nên họ cứ lần lượt theo chân nhau ra đi không hẹn ngày về.

Họ làm công tác giảng dậy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao ở các trung tâm khoa học hàng đầu trên thế giới và các ngành khoa học cơ bản ở các viện nghiên cứu, các trường đại học danh tiếng ở Mỹ và phương Tây. Vì sao những người tuổi trẻ thực học, thực tài, thực tâm không sao mặn mà được với lời mời chào quốc nội? 

Theo lời một vị giáo sư đại học một trường có đến quá bán số cán bộ từng là thủ khoa, á khoa các trường đại học trong nước và có tới 2/3 trong số họ đã tốt nghiệp sau đại học từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới, một người “bằng cấp ngoại” đầy mình chưa chắc chen được chân phụ giảng, thì đây quả là hòn nam châm thu hút hiền tài chăng? Ấy thế nhưng mới đây một học trò yêu của vị giáo sư nọ cũng đành ngậm ngùi chia tay với thầy vì đồng lương và phụ cấp quá eo hẹp, không tài nào đắp đổi được đời sống trí thức tối thiểu. Thuê một chỗ ở thành phố gọi là tàm tạm cũng mất 5 triệu đồng một tháng cho hai vợ chồng son, ngày một ngày hai sẽ có thêm con trẻ và người giúp việc. Nhưng cụ thể 2 tháng thử việc mỗi tháng được nhận 2.535.110 ngàn đồng (hai triệu năm trăm ba mươi nhăm ngàn một trăm mười ngàn đồng), một năm tạm tuyển tiếp theo, lương khởi điểm 85 % cụ thể chi li 2.987.067 đồng một tháng (không muốn viết thành chữ nữa!). Nếu qua cầu một năm thử thách tạm tuyển, thì lương người mang học vị thạc sĩ giảng viên đại học sẽ là 3.967.167 đồng tiền nội tệ! So với một ông đại tá sống lâu lên lão làng ở bất cứ xóm thôn hẻo lánh nào thì lương của vị thạc sĩ đó cũng chỉ tương đương 1/3, đại khái thế, so với mức lương các công ty tư nhân bên ngoài biết tài của họ cũng chỉ bằng khoảng  1/5. Điều đáng nói đương nhiên không phải là sự so sánh khập khiễng giữa người này người nọ, giới này giới nọ, người ta chỉ biết rõ một thực tại đáng buồn là lương cho người có học, thậm chí có tài, có tri thức cao, không thể đủ trang trải cho mức sống tối thiểu, thế thôi. Cụ thể lương không đủ thuê nhà ở thì hoạt động trí tuệ, nghiên cứu và giảng dậy khoa học làm sao? Nhìn những con số lẻ trong bảng lương mà buồn! Đồng tiền mất giá thế này, vật giá leo thang thế này mà tính chi li đến đồng tiền lẻ nhỏ nhất “cho trẻ trẻ không thèm cầm”, cho dù người ta có viện đến chế độ chính sách tài chính lương bổng gì gì đi nữa cũng thấy khôi hài quá lắm! Tự nhiên người ta liên tưởng đến “lương bổng khủng long thời tiền sử” của hai vị giám đốc giám đếch nào đó trên dưới 1 tỷ một tháng khiến công luận một dạo xôn xao bến nước truyền thông. Ngẫm đồng tiền lẻ lương tháng cán bộ đại học “đủ gửi xe máy đi chợ” với đủ loại “lương bổng khủng long tiền sử” tồn tại công nhiên trong xã hội “người tiêu chẳng hết người lần chẳng ra” lại càng nhận ra một sự thật chua xót: chất xám đã và đang rẻ mạt đến như thế nào; người lao động trí óc không chốt chặt trong guồng máy quản lý lãnh đạo lao đao thế nào giữa cơ chế thị trường nửa vời, đồng tiền lên ngôi thượng đẳng, vật giá co cẳng leo thang. 

Về phương diện lý thuyết tuyên truyền, hết thời chiến tranh và kinh tế bao cấp song hành với công nông liên minh thì ở thời đại a-còng này, một trong những người được tôn vinh nhiều hơn cả là trí thức, là người có học có tài, là người cầm chìa khóa giáo dục phát triển, là nguyên khí quốc gia vân vân và vân vân. Nhưng có một thực tế không sao khỏa lấp được là chảy máu chất xám đã lâu năm và mỗi ngày dường như thêm trầm trọng. Chỉ vì một lẽ giản đơn hiển hiện nhãn tiền: có nhiều người có học có tài có cơ may tìm được đất dung thân, dụng võ song cũng không ít người vì sinh kế trước mắt đành phải tự cứu mình, tạm xa môi trường trí thức và hoạt động trí tuệ khoa học đúng nghĩa, trực tiếp vì sự hưng thịnh của đất nước. Bao giờ chất xám ngừng chảy máu, bao giờ máu quay trở về tim? Hỏi ai, ai đáp lời bây giờ!

Đ.D.T.

Nguồn: badamxoevietnam2.wordpress.com

 

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.