Nhân đọc phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, được trích đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25.10.2013
Quả thật đã khá lâu trên mặt báo “chính thống” mới thấy xuất hiện những ý kiến thật lòng từ một người giữ trọng trách trong bộ máy cầm quyền nói về lòng dân đúng với nghĩa như nó vốn có. Chính vì thật lòng nên mới đặt ra được câu hỏi khá thiết thực ”làm cách gì để đo được lòng dân?”. Cũng vì thật lòng mà dám quyết liệt phê phán sự bằng lòng với kiểu đánh giá “trong nước kinh tế – xã hội ổn định, đó là một đánh giá đúng” nhưng xem ra đó lại là lẩn tránh sự thật, vì “không thấy được những yếu tố bất ổn ở trong lòng sự ổn định đó thì chúng ta sẽ giống như ngủ mê“. Người đánh thức sự “ngủ mê” ấy lại là bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội.
Không thể “ngủ mê” khi mà nền kinh tế của ta có nguy cơ tụt hậu so với cả Campuchia và Lào nếu không đổi mới quyết liệt như cảnh báo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi tốc độ tăng trưởng của ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt, Mianma là ví dụ nổi bật: tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012. Ngủ mê sao được khi nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và rồi triển vọng trung hạn 2013-2015 cũng không mấy sáng sủa. Làm sao còn “mê ngủ” khi mà kinh tế của ta đang “mò đáy” và tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011. Nạn thất nghiệp gia tăng vũ bão (tỷ lệ thất nghiệp được một số giới cho là trên 10% thay vì con số chính thức là 2%) gây ra các tệ nạn xã hội đáng báo động… Đó là những điều đã đặt ra tại hội thảo mùa Thu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (26-27/9/2013) ở Huế.
Rõ ràng không thể ngủ mê trước quy luật nghiệt ngã của kinh tế, gắn liền với sự tụt hậu là miếng bánh nhận được chia sẻ ít hơn trong thế giới hội nhập và theo sau nó là vấn nạn về việc làm và an sinh xã hội. Chẳng những thế, sẽ không đủ nội lực để bảo vệ Tổ quốc mà mỗi thước núi, tấc sông đều thấm đẫm máu của bao thế hệ Việt Nam, trong khi kẻ thù đang trăm phương nghìn kế nhằm nuốt trọn Biển Đông, đè bẹp ý chí của một dân tộc từng là sức cản ngăn chặn không cho chúng bành trướng thế lực xuống vùng Đông Nam Á.
Để “đánh thức” đừng “ngủ mê” nữa, bà nghị sĩ đòi hỏi “sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm” , một vấn đề mang tính “kinh điển” khi bàn về đạo lý và quyền lực. Một vấn đề thật là hóc búa và e là điều không tưởng đối với “một bộ phận không nhỏ” đang ngày càng phình to ra tỷ lệ thuận với quá trình đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Mà thật ra, điều này chẳng có gì khó hiểu, từ thế kỷ 19, người ta đã đúc kết thành quy luật rồi: quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối [power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely “Lord Acton”]. Corrupt trong tiếng Anh còn có nghĩa là tha hóa. Ông Tổng bí thư thì diễn đạt điều này một cách nôm na trong tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 là: “Tham nhũng lớn có, tham nhũng vặt cũng nhiều. Chỉ ra khỏi nhà đã thấy cái gì cũng cần tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt”.
Sự “khó chịu, ngột ngạt” mà ông Tổng Bí thư nói chính là điều bà Chủ tịch HĐND-TPHCM băn khoăn đặt ra câu hỏi: “chúng ta đang ngày càng vùng vẫy trong những khó khăn đến mức nghẹt thở như vậy? Báo cáo cứ nhận khuyết điểm, nghe có vẻ như thành thật lắm nhưng có lẽ chưa có sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm nên chưa có được giải pháp hiệu quả để xoay chuyển tình thế chăng? “Báo cáo” nói ở đây là “Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội”.
Thế nhưng chuyện “nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm” để “xoay chuyển tình thế” chắc nhà chính khách hôm nay không chỉ đặt ra cho riêng Chính phủ! Thì chẳng phải là chuyện “không có một cơ chế nào để đo lòng dân trước và sau khi đưa ra một chính sách có liên quan đến các tầng lớp nhân dân”, thì cơ chế đó phải được quyết định từ đâu nếu không từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà thực chất là từ Bộ Chính trị BCHTƯĐCSVN? Đừng quên rằng, trước khi Quốc hội họp, mọi việc đã được quyết định từ Hội nghị BCHTƯ lần thứ 8 vừa bế mạc. Cái “cơ chế” mà bà đại biểu QH đặt ra, trước hết cần nói đến cái “cơ chế” sinh ra từ cái quy trình này. Cái mà nhà sử học người Anh thế kỷ 19 đúc kết “quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng [tha hóa] cũng tuyệt đối” chính là cái “cơ chế” nảy sinh từ cái “quy trình” này đây! Quy trình của một chế độ toàn trị.
Hãy bắt đầu từ cái lớn nhất là Hiến Pháp, cho dù ngài Tổng Bí thư đã tuyên bố cái còn lớn hơn là “Cương lĩnh”của Đảng, thì trên nguyên lý được Tuyên bố trước quốc dân đồng bào và trước cả thế giới sự khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945,”nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á” như vẫn được rao giảng, vẫn khẳng định đó là “cơ quan có quyền cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. [Chương III, Điều thứ 22, Hiến pháp 1946]. Thế rồi hôm nay, khi bản Hiến pháp sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua, bản Hiến pháp mà Ông Tổng Bí thư cho rằng “nội dung dự thảo về cơ bản đã rất tốt”, “…sửa những cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh và tạo được thống nhất cao còn cái còn ý kiến khác nhau thì chưa nên sửa… Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó. Tôi tán thành”. Cụ thể hóa chỉ dẫn của ông TBT, ông trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nêu rõ Bản dự thảo Hiến pháp trình QH đã “phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát cương lĩnh của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị”.
Thế nhưng, hôm thứ tư, 23.10.2013, báo DÂN TRÍ, Diễn đàn dân trí Việt Nam thì lại chạy một cái tít rất đậm: “Hiến pháp chung chung, dễ bị lạm dụng, dân còn bất an”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa sau khi thiết tha đề nghị: “Quốc hội sẽ ghi nhận những đóng góp của nhân dân đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” thì vạch rõ: “Bởi nếu những kiến nghị và đóng góp này không được tiếp thu thì đó là một lãng phí rất lớn đối với tinh hoa và trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đã gửi gắm vào Quốc hội. Điều đó cũng thể hiện việc chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội để đẩy đất nước lên một tầm phát triển cao hơn, thông qua việc đổi mới về hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế…”
Đại biểu Nghĩa nêu cụ thể những bất cập của Hiến pháp vừa được trình QH: “Trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có một số câu chữ bị sửa đi so với Hiến pháp năm 1992. Theo nhận định của tôi, việc sửa chữa này đã làm giảm bớt đi sự bảo vệ của quyền tự do dân chủ chứ không phát huy hơn... các quyền con người thì không có thể nói rằng là phải theo khuôn khổ luật pháp, bởi để đảm bảo quyền con người chúng ta sẽ ban hành một số đạo luật, nhưng vì gắn vào cái đuôi “theo quy định của pháp luật” thì Hiến pháp đã bị hạn chế bởi một cơ sở pháp lý thấp hơn… Có những chỗ sửa chữa nhìn vào có vẻ vô hại nhưng sau này áp dụng thì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng để hạn chế quyền tự do dân chủ của nhân dân… Hiến pháp không nên đặt vấn đề thành phần kinh tế nào là chủ đạo, bởi như vậy là đã hiến định việc phân biệt đối xử. 20 năm qua, việc hiến định phân biệt đối xử này đã mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.
Tiếp theo vấn đề được cho là “lớn nhất” ấy, vấn đề “Luật đất đai”, một vấn đề đang bức xúc trong tâm trạng quần chúng nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, tạo nên sự bất ổn xã hội kéo dài, cũng sẽ được đưa ra QH biểu quyết thông qua trong kỳ họp này. Nỗi ám ảnh khiếu kiện về việc nhà nước thu hồi đất vẫn phủ bóng lên đời sống xã hội và lan tỏa trên diễn đàn và trong các buổi thảo luận của các đoàn đại biểu QH. “Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” như điều 54 trong Dự thảo gây lo ngại sẽ tiếp tục đẩy tới khiếu kiện. Sự cần thiết bỏ cái đuôi “do luật định” theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm “là vì trên thực tế có thể có văn bản pháp luật dễ làm cho người thi hành lạm dụng, lợi dụng làm giàu bất chính, và điều đó làm cho dân bất an”.
Làm sao mà “an” được khi “trong cả thế giới chỉ có mỗi Việt Nam là dùng khái niệm “thu hồi đất” như TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu lên trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Cơ chế thu hồi và định giá đất” ngày 18/10 do VnEconomy tổ chức. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì nói rõ: “Với tư cách của một chuyên gia, bản thân tôi mong muốnLuật Đất đai sắp tới cũng như các luật khác phải có quy định quy hoạch chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi có đất. Đây cũng là một quy định được thấy trong hệ thống luật pháp của hầu hết các nước công nghiệp phát triển”. Ông khẳng định: “Trong Luật Đất đai sắp tới, tôi cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm được cơ chế xác định thật khách quan giá đất phù hợp thị trường để tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Nếu không làm được việc này, thì chắc chắn, khó giảm được lượng khiếu kiện của dân”.
Rõ ràng là, chênh lợi ích giữa thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận bồi thường với doanh nghiệp, người dân sẽ lại khiếu kiện. Nhưng thu hồi đất không nêu rõ trong Hiến pháp, để luật định cũng dễ bị lạm dụng, người dân lại bất an… Đó là một trong những vấn đề được đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, diễn ra ngày 23.10.2013 như báo Dân Trí phản ánh. Vậy thì tại sao cả “đại vấn đề” như vậy chưa lý giải được mà người ta vẫn kiên quyết cho là “tốt rồi”?
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia của Liên Hiệp quốc, từng tham gia Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt trước đây đặt thẳng vấn đề: “Dùng chữ “quyền sử dụng” thay cho “quyền sở hữu” và hy vọng người ta hiểu khác đi cho dân nhờ. Quyền sử dụng là gì và khác với quyền sở hữu ở chỗ nào thì không thấy… đả động tới. Nhưng tôi nghĩ là không bây giờ thì mai sau việc chấp nhận đa sở hữu về đất trong đó có sở hữu tư nhân là chuyện đương nhiên. Nếu làm sớm thì dân đỡ khổ và nhà nước và đảng đỡ bị khinh ghét. Thực chất trong lịch sử ngoài đất thuộc nhà nước/vua chúa, đất đai hầu hết là thuộc tư nhân (tư nhân hay tập thể) nhưng bị nhà nước cưỡng đoạt sau cách mạng. Ngoài ra, tôi cũng không thể hiểu được tại sao nhà nước này chấp nhận sở hữu tư nhân về mọi phương tiện sản xuất có lợi cho người giầu nhưng lại chống việc giao sở hữu tư nhân lại cho dân chúng, phần lớn thuộc nông dân nghèo, là người chủ thực sự của chúng.
Tiến sĩ Việt phân tích tiếp: khi Hiến pháp viết đất là sở hữu toàn dân thì đó là phiếm chỉ vì đó chỉ là sở hữu của nhà nước, không có sự có mặt của toàn dân về mặt pháp lý ở đây, chỉ có nhà nước làm quyết định (mà toàn dân chẳng có quyền gì). Cơ bản nếu hiểu đúng, thì “quyền sử dụng” đất chỉ là hợp đồng nhà nước cho dân thuê đất, và trong thời gian hợp đồng (dù 10,20,50,100 năm) người dân có quyền sử dụng theo hợp đồng, sau đó phải trả lại.
Quyền sở hữu như thế rất khác quyền sử dụng. Quyền sở hữu có một số quyền sau: Quyền kiểm soát (control) việc sử dụng, quyền cấm người khác xâm phạm, quyền được hưởng mọi lợi ích kinh tế và phi kinh tế mà nó mang lại, quyền chuyển sở hữu (bán, cho không) cho người khác. Các quyền này ở bất cứ nước nào cũng bị hạn chế bởi luật pháp quy hoạch (đất nông nghiệp không được đem xây nhà cho thuê chẳng hạn), lợi ích công, v.v…
Nếu muốn tránh việc nhà nước tùy tiện lấy lại hợp đồng thì dân chúng phải có quyền sở hữu tư nhân. Nhà nước hoàn toàn có quyền lấy đất vì lợi ích chung theo luật được gọi ở nhiều nước là “eminent domain”. Đối với đất tư nhân, luật các nước đều cho phép nhà nước có quyền trưng dụng vì mục đích công ích, kể cả nhằm mục đích phát triển kinh tế chung. Luật này được gọi là eminent domain. Giá mua là do nhà nước và người bị thu hồi đồng ý với nhau. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì nhà nước vẫn có quyền mua, nhưng cá nhân được quyền đưa vấn đề ra tòa án để yêu cầu xử lý dựa trên hai điểm: a) có thực sự là vì lợi ích chung không và b) giá đền bù có hợp lý không, dựa vào đánh giá của chuyên gia đã có quá trình và kinh nghiệm đánh giá tài sản mà hai bên đưa ra. Quan tòa sẽ là người quyết định cuối cùng. Do đó cần có luật về eminent domain.
Tuy nhiên cái khó ở VN là dù có luật, cũng không thể có công lý nếu tòa án không độc lập. Dù sao nếu quá trình này được chấp nhận thì vẫn là bước tiến so với tình hình hiện nay… Cho nên việc chấp nhận sở hữu tư nhân không cản trở mục đích phát triển kinh tế nói chung như nhiều nhà lý luận ở Việt Nam đang dùng để chống việc chấp nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai.
Quả là xót xa khi một nhà bình luận nước ngoài, ông Jonathan London viết: “Kết quả không bất ngờ của quá trình này là Quốc hội CHXHCNVN đã quyết định tiếp tục không nghe gì ngoài những tiếng dội từ quá khứ. Thay vì thực sự xem xét lại những hạn chế của mô hình cũ, QH sắp phê duyệt một hiến pháp “sửa đổi” mà không có một sự thay đổi cơ bản nào.
Từ những dẫn giải và phân tích hai vấn đề về Hiến pháp và Luật đất đai nói trên, nếu nói là lòng dân bất an thì phải chăng đây là một trong những “bất an” lớn nhất hiện nay? Nỗi day dứt thật lòng của đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm “Lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm. Những cái không công bằng, những cái không minh bạch trong chính sách làm người dân không tin tưởng. Phải có giải pháp, mà quan trọng nhất là phải có cơ chế để đo được lòng dân. Vì nói cho cùng, lòng dân là một trong ba yếu tố đảm bảo ổn định chính trị xã hội – đó là sự đồng thuận xã hội ” cần phải được đặt vào trong tổng thể nói trên.
Làm sao có “đồng thuận xã hội” khi mà hơn 77% vụ khiếu kiện liên quan đến quyền sở hữu đất đai mà đạo luật cao nhất, cơ bản nhất lại không tường minh về chuyện này? Liệu có phải không thể tường minh vì vướng vào một trong những vấn đề then chốt nhất của ý thức hệ, điểm tựa “bất di bất dịch” của thể chế hiện hành. Nếu để mất cái này cũng có nghĩa là mất “chủ nghĩa xã hội”, một ảo ảnh đang cố tạo dựng thành một hiện hữu như kiểu gợi hình ảnh giếng nước ảo trong sa mạc nhằm làm dịu cơn khát đang đốt cháy sức lực khách lữ hành.
Thật ra thì chuyện sở hữu được xem là nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản được “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph Angghen soạn thảo từng tuyên bố rành rọt “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu” đã phá sản từ lâu rồi. Chính tác giả của bản Tuyên ngôn đã từng nhiều lần khuyến cáo việc “về nhiều mặt phải viết khác đi”, “việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đó không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”*[tức là chương đưa ra “công thức duy nhất” dẫn ra ở trên. TL] . Những câu này viết năm 1872, đến năm 1888 được nhắc lại và nhấn mạnh rằng “vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi và sự tiến triển lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó. Tuy nhiên, “Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa.”*
“Tài liệu lịch sử” ra đời cách nay đã 165 năm [tính từ 1848], thế giới đã trải qua bao biến động dữ dội thế mà cứ khư khư bám lấy nó, biến nó thành giáo điều phải học thuộc lòng thì không trì trệ và “ngột ngạt” mới lạ! Chính Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1924 đã thẳng thừng tuyên bố: “không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” **. Vì thế Nguyễn đòi hỏi “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”**.
May thay, từ Đổi Mới với Đại hội VI chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó sở hữu tư nhân, trao quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh về cho hộ kinh tế gia đình nông nghiệp, tạo nên cục diện mới, vượt qua bờ vực của sự sụp đổ. Vậy là, bằng hành động thực tế, người cộng sản Việt Nam đã từ bỏ “công thức duy nhất” vốn là nguyên lý cơ bản nhất của ý thức hệ XHCN! Nhưng cũng chính ở đây lại nổi rõ lên cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cũ và mới, giữa bảo thủ, giáo điều với tiến bộ và sáng tạo. Chưa lúc nào mà mệnh đề về phép biện chứng được Hégel nêu ra “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá” lại được thể hiện sinh động đến thế trong đời sống của xã hội ta! Cái “trạng thái cũ đang suy đồi” hiện lên bằng xương, bằng thịt, đi lại nói cười, rao giảng, thuyết lý, lừa mị, trấn áp… thôi thì thiên hình van trạng. Mà cái “trạng thái” ấy duy trì được là do “được tập quán thần thánh hoá”!
Khi bà đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận ra rằng “chúng ta đang ngày càng vùng vẫy trong những khó khăn đến mức nghẹt thở như vậy” thì phải cố tìm cho ra cội nguồn của sự “nghẹt thở” ấy trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” mà Hồ Chí Minh nêu trong di chúc: “chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi“, khi mà cái “cũ kỹ, hư hỏng” vẫn đang ngự trị trong đời sống, đang tác oai tác quái nhằm duy trì được ngày nào hay ngày ấy cái “trạng thái cũ” được khoác cái áo kiên định đi theo con đường Bác đã chọn mà thực chất là phản lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Không chống lại được trạng thái cũ đang suy đồi vì người ta không thể và cũng không dám “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” để “giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này”** như Hồ Chí Minh đã căn dặn. Không thể và không dám làm như vậy, điều ấy thật dễ hiểu.
Một chế độ toàn trị chỉ có thể duy trì sự tồn tại của nó bằng sự quay lưng lại với đòi hỏi dân chủ và quyền con người, quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền đích thực. Dứt khoát không chấp nhận tam quyền phân lập, dứt khoát không lập tòa án hiến pháp, kiên quyết duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, duy trì điều 4 của Hiến pháp v.v… là diễn biến logic của việc quyết bảo vệ chế độ toàn trị cho dù biết rằng, sớm muộn thì sự sụp đổ là không thể tránh khỏi khi đi ngược lại với quy luật phát triển của cuộc sống.
Chính ở đây thể hiện quá rõ một cuộc khủng hoảng lý luận triền miên tiếp theo sự sụp đổ của hệ thống XHCN! Và rồi chỉ còn lại “thành trì ” gồm Bắc Triều Tiên [với cha con cháu chắt nhà họ Kim], Cuba [với anh em ông Phiđen], Trung Quốc [với Mao “nghìn năm công tội” của những cuộc thanh trừng đẫm máu chưa bao giờ dứt trong bộ máy cầm quyền mà vụ Bạc Hy Lai đang nóng hổi chắc chắn chưa là vụ cuối cùng của cuộc tranh bá đồ vương], Lào và Việt Nam. Điều mà bà đại biểu “nghe có vẻ như thành thật lắm nhưng có lẽ chưa có sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm” cần phải truy tìm nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng lý luận triền miên này. Vậy mà chưa bao giờ những người giữ trọng trách “cầm cân nảy mực” công khai và minh bạch thừa nhận để huy động trí tuệ của dân tộc cùng góp sức vượt qua.
Chỉ xin gợi ra đây một chuyện vừa trớ trêu vừa bi hài minh họa cho sự khủng hoảng đó: trong khi “kiên định lập trường theo con đường đã chọn” thì những nhà chiến lược, nhà ngoại giao, nhà kinh tế của ta lại đang ra sức thuyết phục và tìm mọi cách để các nước tư bản công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường đích thực mặc dầu trên văn bản chính thống thì luôn có cái đuôi “định hướng XHCN” đi kèm! Liệu có phải ai đó đang lâm vào cảnh: “Cờ đang dở cuộc, không còn nước/ Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng”? Vậy thì có cần “tự vấn lương tâm” ở đây không nhỉ khi “lương tâm là yếu tố cốt yếu của lý trí thực hành” mà Aristot, nhà hiền triết cổ đại và Kant, nhà triết học lớn nhất của thời cận đại đều khẳng định.
Vậy là cái “cơ chế để đo được lòng dân” khi mà “lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm” mà nữ chính khách bức xúc nêu lên rút cục lại phải bắt đầu từ đâu?
Liệu có phải từ sự khủng hoảng về lý luận dẫn đến sự rối loạn trong hoạt động thực tiễn khi mà đã có cả rừng luật và văn bản dưới luật nhưng luật rừng lại đang được thực hiện phổ biến? Rồi chuyện dân tự xử vì không còn tin ở luật pháp như việc đập chết người ăn trộm chó [mà riêng năm nay đã có 10 người trộm chó bị dân đập chết] cho đến chuyện công an cùng với chủ đầu tư sử dụng côn đồ để trấn áp người dân biểu tình khiếu kiện giữ đất đang có xu hướng ngày càng bạo liệt. Không thể nào liệt kê ra đây “những bất ổn trên nhiều góc độ” nên chỉ giới hạn ở hai vấn đề Hiến pháp và Luật đất đai, những “vấn đề của vấn đề” đang tích tụ hàm lượng lý luận và thực tiễn cần phải được tập trung giải quyết. Đó cũng là hai vấn đề mà Quốc hội sẽ biểu quyêt thông qua trong kỳ họp này. Lòng dân “an” hay “bất an” tùy thuộc vào chuyện lớn này.
Đó chính là lý do để người viết bài này trân trọng ghi nhận những ý kiến sâu sắc và mạnh mẽ của người nữ đại biểu Quốc hội về nỗi bất an của lòng dân.
Sự sâu sắc và mạnh mẽ của một nữ chính khách bỗng ngẫu nhiên gợi lên liên tưởng về cung cách ứng xử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với đám trí thức rởm mà bà chúa thơ Nôm ấy réo gọi là “lũ ngẩn ngơ” chỉ quen “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa, Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” thì hãy “lại đây cho chị dạy làm thơ” [hay làm chính khách]. Người kỳ nữ ấy cũng chỉ mặt bọn chỉ quen ăn theo nói leo không được một tích sự gì: “Mộtđàn thằng ngọng đứng xem chuông, Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông!”
Rồi đây các đại biểu QH sẽ bấm nút biểu quyêt thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai, những vân đề liên quan mật thiết đến chuyện an dân, liệu có nên bắt chước bản lĩnh của thiên tài kỳ nữ Xuân Hương mà cảnh báo chuyện phải cực kỳ thận trọng việc thò tay bấm nút rằng :
“Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay“!
Ngày 26.10.2013
T.L.
__________________
* C.Mác và Ph. Angghen toàn tập. Tập 18. NXBCTQG. Hà Nội, 1995, tr.128 và Tập 21, tr.524.
**. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXBCTQG. Hà Nội, 1995, tr.465, tập 12, tr.505
—————————
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM):
Lòng dân chưa an
25/10/2013 06:57 (GMT + 7)
TT – Đọc báo cáo của Chính phủ, tôi tự hỏi ta có lạc quan quá không? Tại sao cũng là suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một số nước quanh khu vực lại thoát ra nhanh hơn, lại có nhiều giải pháp khả thi để đương đầu với thách thức hơn ta?
Trong khi đó, chúng ta đang ngày càng vùng vẫy trong những khó khăn đến mức nghẹt thở như vậy? Báo cáo cứ nhận khuyết điểm, nghe có vẻ như thành thật lắm nhưng có lẽ chưa có sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm nên chưa có được giải pháp hiệu quả để xoay chuyển tình thế chăng?
Ta đánh giá trong nước kinh tế – xã hội ổn định, đó là một đánh giá đúng và cũng là nỗ lực của toàn hệ thống. Nhưng nếu không thấy được những yếu tố bất ổn ở trong lòng sự ổn định đó thì chúng ta sẽ giống như ngủ mê. Bây giờ làm sao đo lường được những bất bình của nhân dân đối với chính sách? Bao nhiêu chính sách ra mà người dân không ủng hộ – có đếm được không? Thật sự mà nói, có những chính sách đưa ra ai phản ứng trước tiên mình cũng không biết được. Chúng ta chỉ biết người dân phản ứng thông qua các cơ quan báo chí. Còn trong nội bộ của chúng ta có phản ứng không thì không biết.
Dân chủ, công khai, minh bạch còn nhiều vấn đề phải bàn lắm. Làm cách gì để đo được lòng dân? Nếu không qua báo chí thì cũng chưa chắc gì ta hiểu được người dân phản ứng tới mức độ nào. Trong khi đó ta có mặt trận, có các cơ quan đại diện, có cả một hệ thống hội đồng nhân dân nhưng không có một cơ chế nào để đo lòng dân trước và sau khi đưa ra một chính sách có liên quan đến các tầng lớp nhân dân. Có chăng, ta chỉ là đưa lên mạng và cho rằng như vậy là đã công khai minh bạch rồi. Chuyện này, nội bộ chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, bình tĩnh nhưng nhất định không được mơ hồ.
Lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm. Những cái không công bằng, những cái không minh bạch trong chính sách làm người dân không tin tưởng. Phải có giải pháp, mà quan trọng nhất là phải có cơ chế để đo được lòng dân. Vì nói cho cùng, lòng dân là một trong ba yếu tố đảm bảo ổn định chính trị xã hội – đó là sự đồng thuận xã hội. Tôi mong chúng ta hãy quan tâm vấn đề này nhiều hơn nữa. Đừng bất chấp, đừng phớt lờ dư luận, đặc biệt là dư luận từ nhân dân.
(trích phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10)
MAI HƯƠNG ghi
Nguồn: http://diendanxahoidansu.