Những bài viết của LS Trần Vũ Hải nhân Kỳ họp 6 Quốc hội Khóa 13 (Bài 3)

Bình luận tiếp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau đúng một năm tiếp thu, chỉnh lý (từ chương III đến hết Dự thảo)

Kết quả của một năm rầm rộ góp ý, chỉnh lý của Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992 với chi phí chi phí ít nhất lên đến nhiều trăm tỷ đồng (đã có hàng chục triệu bản Dự thảo Hiến pháp được in để chuyển đến các hộ dân và có hàng trăm nghìn cuộc họp góp ý) là một bản Dự thảo 4 được trình ra Quốc hội với nội dung cơ bản như Dự thảo

1.

I/. Chương III (Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường)

1, Chương III của Dự thảo 1 đề ngày 18/10/2012 (“DT1”) có 16 điều từ điều 54 đến điều 69. Chương III của Dự thảo 4 đề ngày 17/10/2013 (“DT4”) có 14 điều từ điều 50 đến điều 63, rút ngắn 02 điều so với DT1. Sự khác biệt giữa hai Dự thảo này ở chương III chủ yếu do sự sắp xếp lại một số quy định của DT1 ở chương II vào chương III của DT4 và ngược lại. Tuy nhiên, liên quan đến chương III có một số điều chỉnh đáng kể được liệt kê dưới đây.

2, Điều 55 DT1 bê gần nguyên si một số nội dung của Cương lĩnh 2011 của Đảng cộng sản Việt Nam, có liệt kê những thành phần kinh tế. Trong khi điều 51 DT4 (tương ứng với điều 55 DT1) không liệt kê những thành phần kinh tế, nhưng vẫn xác định (như DT1) nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo… Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…

 

Bình luận: Điều khoản này chứa đựng những nội dung mâu thuẫn và không rõ về pháp lý. Cụ thể không rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Và kinh tế nhà nước bao gồm những gì? Kinh tế nhà nước là thành phần chủ đạo, vậy làm thế nào để bình đẳng với các thành phần kinh tế khác?

3,  Khoản 2 điều 57 DT1 “Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh” đã bị loại bỏ khỏi chương III DT4.

Bình luậnKhông rõ Nhà nước Việt Nam định gửi thông điệp gì cho nhân dân và các nhà đầu tư thông qua việc loại bỏ nội dung quan trọng này.

4, Việc thu hồi đất theo khoản 3 điều 59 DT1 có các trường hợp: vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, khoản 3 điều 54 DT4 bổ sung thêm các trường hợp: vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế – xã hội. So với DT1, DT4 bổ sung thêm trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định.

 

Bình luận: Bộ luật Dân sự Việt Nam đã thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại tài sản – quyền tài sản (nhưng Bộ luật này xác định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, không ghi là sở hữu toàn dân như Hiến pháp 1992). Hiến pháp 1992 không quy định về thu hồi đất. Với việc ghi và điều chỉnh như trên trong DT4, không rõ quyền sử dụng đất có còn được coi là một loại tài sản hay không? Rõ ràng, so với DT1, DT4 là một bước lùi trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân.

5. DT4 không khắc phục được nhược điểm của chương III DT1, khi có nhiều điều khoản là những nội dung mang văn phong của một văn kiện chính trị, không phải của một văn bản pháp lý quan trọng (nhất), ví dụ như điều 50 DT4 cơ bản giữ nguyên nội dung của điều 54 DT1 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hoặc như điều 60 DT4 (lấy ví dụ khoản 1) ghi  “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

 

Nhận xét chung: Ngoài vài điều chỉnh đáng kể nêu trên, DT4 không thay đổi nhiều so với DT1 liên quan đến chương III. Việc tiếp tục quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo, không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai (ít nhất là đất ở), mở rộng phạm vi thu hồi đất là những nội dung quan trọng của DT4. Nếu tiếp tục thông qua Hiến pháp theo hướng như vậy, tất yếu sẽ khó giải quyết được những vấn đề nổi cộm, bế tắc chưa giải quyết được như hiện nay (gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước và những hậu quả phức tạp của việc thu hồi đất) trong thời gian tới.

 

II/. Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc)

Chương IV DT4 gồm 5 điều từ điều 64 đến điều 68, tương ứng với 5 điều từ điều 70 đến điều 74 DT1. Về cơ bản, chỉ có một số chỉnh sửa câu từ giữa hai Dự thảo. Đáng chú ý có những điểm chỉnh sửa dưới đây:

a, Điều 65 DT4 bổ sung cụm từ “với Đảng và Nhà nước” sau đoạn “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân” (điều 71 DT1 không có cụm từ này).

b, Theo điều 66, quân đội gồm lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên và có thêm dân quân tự vệ (theo DT1 và Hiến pháp 1992, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ có vẻ thuộc một nhóm không đồng nhất với quân đội).

c, Điều 74 DT1 (và Hiến pháp 1992) chỉ nhắc đến công nghiệp quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Điều 68 DT4 đã điều chỉnh, đưa ra những khái niệm mới công nghiệp quốc phòng – an ninh, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.

 

Vấn đề đặt ra: An ninh kết hợp với kinh tế và kinh tế kết hợp với an ninh là như thế nào?

 

III/. Chương V (Quốc hội)

Chương V DT4 (từ điều 69 đến điều 85) về cơ bản không khác chương V DT1(từ điều 75 đến điều 91). Chỉ có vài sự khác biệt như vị trí một số khoản trong một điều được hoán đổi hoặc chỉnh sửa một số câu từ. Ví dụ điều 74 DT4 (tương ứng điều 80 DT1) có khoản 7 quy định về thẩm quyền thành lập, tách, nhập đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trong khi điều 80 DT1 quy định vấn đề này tại khoản 9.

Tuy nhiên, có một sự chỉnh sửa  đáng tiếc ở điều 77 DT4 so với điều tương ứng là điều 83 DT1. Theo điều 83 DT1, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin hoặc giải trình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệmnghiên cứu và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo hoặc giải trình về các vấn đề mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.

Trong khi điều 77 DT4 chỉ quy định Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và viên chức nhà nước hữu quan khác báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị, yêu cầu của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Có vẻ DT4 đã ghi không chính xác cụm từ viên chức nhà nước hữu quan khác trong điều 77 DT4 (thay từ viên chức có thể là cán bộ, công chức hoặcngười đứng đầu cơ quan nhà nước hữu quan khác).

Theo chúng tôi, ghi theo điều 83 DT1 sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của các Ủy ban (như nhiều Ủy ban của Quốc hội các nước khác). Ví dụ, Ủy ban về Môi trường của Quốc hội có quyền yêu cầu một doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về môi trường  đến phiên họp công khai của Ủy ban báo cáo, giải trình về vụ vi phạm (như vụ Nicotex Thanh Hóa), mời các chuyên gia về pháp luật, môi trường nghiên cứu và trả lời về xử lý vụ vi phạm. Nếu có thẩm quyền như vậy, nhiều vụ việc gây bức xúc cho dư luận, nhân dân sẽ được kịp thời mổ xẻ công khai tại các Ủy ban của Quốc hội.

 

IV. Chương VI (Chủ tịch nước)

Chương VI DT4 (từ điều 86 đến điều 93) về cơ bản không khác chương VI DT1 (từ điều 92 đến điều 99).

 

V. Chương VII (Chính phủ)

1, Chương VII DT4 (từ điều 94 đến điều 101) về cơ bản không khác nhiều so với chương VII DT1(từ điều 100 đến điều 107), chỉ thay đổi một số câu từ, vị trí khoản và vài điều chỉnh, bổ sung khác (được liệt kê dưới đây).

2, Điều 95 DT4 về thành phần Chính phủ tương ứng với điều 101 DT1 có những điều chỉnh, bổ sung (so với điều 101 DT1) như:

a, Xác định Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao

b, Quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ

c, Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội…

3, Nội dung khoản 1 điều 104 DT1 “lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban dân dân các cấp; định hướng chính sách và điều hành hoạt động của Chính phủ” được điều chỉnh thành nội dung khoản 1 và khoản 2 của điều 98 DT4. Theo đó Định hướng và điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo việc tổ chức thi hành pháp luật(khoản 1); Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia (khoản 2).

4, DT4 bổ sung tại điều 99 khoản 2 trách nhiệm của Bộ trưởng (so với điều 106 DT1) thực hiện chế độ báo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

 

VI. Chương VIII (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân)

Chương VIII DT4 (từ điều 102 đến điều 109) tương ứng với chương VIII DTI (từ điều 108 đến điều 115) về cơ bản giữ nguyên nội dung của DT1. Có vài khoản được rút ngắn nội dung, lược bỏ nội dung đã quy định ở chương khác của DT4, chuyển đổi nội dung từ điều khoản này sang điều khoản khác. Thay đổi đáng kể là lược bỏ quy định tại khoản 3 điều 108 DT1 “trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt”và cụm từ “trừ các Viện kiểm sát quân sự” tại điều 115 DT1.

VII. Chương IX (Chính quyền địa phương)

1, Chương IX DT4 (từ điều 110 đến điều 116) tương ứng với chương IX DT1 (từ điều 116 đến điều 120), so với DT1, là phần được thay đổi, điều chỉnh nhiều nhất của DT4. Số điều của chương này được tăng lên từ 05 điều của DT1 lên 07 điều của DT4.

2, Có những thay đổi, điều chỉnh đáng chú ý sau:

a,  Với quy định tại khoản 1 điều 111 DT4 “Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”, mở khả năng cho phép tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị khác ở nông thôn.

b, Với quy định tại khoản 1 điều 114 DT4 “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp”, cho phép khả năng không nhất thiết hình thành Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân song hành ở mọi cấp hành chính (Hội đồng nhân dân không nhất thiết hình thành ở mọi cấp hành chính).

c, Theo khoản 2 điều 114 DT4, Ủy ban nhân dân ngoài chức năng cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được giao tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.

3, Ngoài những thay đổi, điều chỉnh nêu trên,  những sửa đổi, điều chỉnh khác của chương IX DT4 so với DT1 không đáng kể, chủ yếu thay đổi vị trí điều khoản, ngôn từ.

 

VIII. Chương X ( Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán Nhà nước).

Chương X DT4 gồm 2 điều 117 và 118 tương ứng với chương X DT1 (từ điều 121 đến điều 124). Chương này của DT4 không thay đổi nội dung gì so với DT1, ngoài việc rút gọn từ 4 điều trong DT1 xuống 2 điều.

 

IX. Chương XI (Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp)

Chương XI DT4 gồm 2 điều 119 và 120 tương ứng với các điều 125 và 126 chương XI DT1. Ngoài bổ sung thêm đoạn “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”  một vài điều chỉnh lặt vặt về câu từ, chương này không thay đổi so với DT1.

 

Bình luận: Quy định bổ sung trên khá quan trọng, nhưng không có cơ chế giải quyết, phán quyết khi DT4 đã loại bỏ cơ chế bảo hiến ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội (sau khi đã được nhắc trong các Dự thảo 2 và Dự thảo 3 của Dự án sửa đổi Hiến pháp).

 

X. Nhận xét chung về những chỉnh lý, tiếp thu của DT4 so với DT1 sau một năm lấy ý kiến các cơ quan Nhà nước và nhân dân:

1, DT4 không có thay đổi, điều chỉnh đột phá nào so với DT1.

2, Có vài thay đổi, điều chỉnh đáng kể (về chính quyền địa phương, mở rộng phạm vi thu hồi đất…) và một số thay đổi, điều chỉnh không đáng kể. Nhìn chung, trừ thay đổi, điều chỉnh về chính quyền địa phương (nhưng chưa rõ nét), những thay đổi, điều chỉnh trong DT4 so với DT1 không theo chiều hướng tốt hơn đối với quyền con người, quyền công dân, thể chế kinh tế, thể chế chính trị.

3, Một số góp ý quan trọng cho Dự án sửa đổi Hiến pháp đã từng được ghi nhận trong DT2, DT3 và một Dự thảo khác (đã được hình thành nhưng chưa thấy công bố công khai) đã không thấy xuất hiện trong DT4 (đặc biệt cơ chế bảo hiến).

4, Nhiều nội dung góp ý tích cực, đột phá không chỉ từ nhóm Kiến nghị 72 (và một số nhóm công dân khác), mà còn từ một số cơ quan, tổ chức như Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc… đã không được ghi nhận trong DT4 (chúng tôi sẽ trở lại về nội dung này cũng như so sánh giữa Hiến pháp hiện hành và DT4 trong những bài viết sau).

5, Kết quả của một năm rầm rộ góp ý, chỉnh lý của Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992 với chi phí ít nhất lên đến nhiều trăm tỷ đồng (đã có hàng chục triệu bản Dự thảo Hiến pháp được in để chuyển đến các hộ dân và có hàng trăm nghìn cuộc họp góp ý) là một bản Dự thảo 4 được trình ra Quốc hội với nội dung cơ bản như DT1.

Hà Nội, ngày 25/10/2013.

T.V.H.

Nguồn: diendanxahoidansu.wordpress.com

This entry was posted in Hiến Pháp. Bookmark the permalink.