Đã mấy hôm nay, Huệ Chi bàn với tôi đi viếng Đại tướng, mà chưa thu xếp được thời giờ. Tôi đã bàn lùi: xếp hàng có tới hơn cây số dài dằng dặc tới tận quá cửa Bộ Ngoại giao vòng sang cả bên đường Đài tưởng niệm liệt sĩ, mình lấy đâu sức khỏe và thì giờ? Thôi, ông ạ, đành “lễ xa bằng ba lễ gần” vậy!
Để tưởng nhớ Đại tướng, tôi gắp lên treo trên màn hình tấm ảnh Nguyễn Đình Toán chụp Đại tướng bên cạnh Văn Cao năm 1992 nhân ngày sinh nhật người nghệ sĩ lớn này. Hôm đó, Nguyễn Đình Toán đến nhà Văn Cao, chụp được 9 tấm thì Đại tướng chợt đến. Kiểu ảnh thứ 10 tiếp theo trong cuộn phim chụp dở không ngờ lại là lúc bắt chợt được một phút hai người nghệ sĩ tư lự bên nhau, không một giọt rượu, không một làn khói thuốc, không một lời, không gian lặng tờ, rõ ràng là không buồn, cũng không vui, nhưng rành rành là một vẻ tư lự trong một nỗi lo âu… Nỗi lo âu Đời, nỗi lo âu công dân, và nỗi lo âu nghệ sĩ…
Tiếc thương như cũng nhẹ đi. Thế rồi, sáu giờ chiều mồng Chín tháng Mười, hôm qua, Huệ Chi và tôi được vào viếng Đại tướng. Buổi sáng tôi bận đi giúp một trường tuyển giáo viên. Gần trưa, Huệ Chi gọi điện, “Đúng 6 giờ chiều anh có mặt ở cửa nhà số 30, có người đón anh và tôi vào viếng Đại tướng”.
Tôi đến từ lúc 5 giờ. Vì tôi hình dung đường sẽ bị chặn, phải đi sớm để vào cho trót lọt. Hóa ra sớm quá.
Tôi ngồi chờ bên cạnh Đài Độc lập. Nhiều tốp người cũng chờ đó, ngồi trên bức tường xây thấp sát nhà Đại tướng. Thói quen tò mò đẩy tôi đến với một bà to lớn mặc áo đen chừng trên dưới năm mươi tuổi. Chiếc huy hiệu Hồ Chủ tịch hiện rõ trên ngực áo. Phải là người có thành tích rồi! Hỏi, hóa ra là người trên Thái Nguyên về viếng, ba đoàn nhỏ đang chờ nhau họp thành đoàn lớn.
Nói đến đất Thái Nguyên, tôi như hổ được về rừng. Thái Nguyên là bài học lớn cho cuộc trưởng thành trên đường đời của tôi. Từ Hà Nội rút ra, đi bộ qua Sơn Tây, qua Phú Thọ, nhận giấy giới thiệu về Khu I, và tháng Tư năm 1947 se se lạnh tôi đến cơ quan đóng ở Mỏ Bạch nhận việc. Thái Nguyên từ đó thành ra như một quê thứ hai. Hơn ba chục phút chờ Huệ Chi dã khiến tôi làm thân được với bà áo đen đeo huy hiệu cao quý.
Áng chừng Huệ Chi sắp tới, tôi bỗ bã hỏi bà áo đen:
– Hỏi thật chị nhé: Trên chị có tham nhũng không?
– Cũng có chứ!
– Sao lại “cũng có”?
– À, là vì cũng như chỗ khác thôi.
– Theo chị bao giờ thì hết tham nhũng?
Đôi mắt chị nhao nhác như đứng trước một hoạn nạn chứ không phải trước một câu hỏi. May quá đúng lúc ấy chuông điện thoại reo và Huệ Chi nói như quát trong máy “Anh đâu rồi? Bảo chờ ở cửa số 30 lại lang thang ở mãi đâu?…”. Quả thật trước mặt tôi là cả một biển người nhấp nhô trong bóng tối nhá nhém..
Tôi đi vội đến chỗ Huệ Chi, vẫn không quên nét mặt phúc hậu (và ngơ ngác) của chị bạn mới gặp người Thái Nguyên, có chồng bộ đội nghỉ hưu lương mỗi tháng năm triệu, có năm con đều làm ăn tốt, mua được cho bố chiếc xe bảy chỗ, nhờ đó hôm nay cùng hai chiếc nữa, cả đoàn ba xe về viếng Đại tướng.
Chúng tôi được mấy bạn nữa nhập vào: Phạm Xuân Nguyên, ba anh bạn nữa người Hà Tĩnh, trong đó có một bạn cùng học trường Trỗi với con trai Đại tướng.
Đoàn Bauxite Việt Nam có mấy bạn tháp tùng
Rất là chu đáo, Huệ Chi đưa cho tôi một bông hồng anh chuẩn bị sẵn. Vào đến sân trong, được lệnh đặt hoa bên vệ cỏ. Tôi đặt hoa xuống, vái vái mấy cái, giật mình thấy cổ họng sao lại như là nghẹn ngào và mắt thì rơm rớm.
Đến chỗ dừng để bỏ hoa xuống vệ cỏ đã chất cao như rừng.
Cảm giác đó được nhắc lại khi tôi vào nhà rồi dừng trước bàn thờ Đại tướng, nhưng cái nghẹn ngào lúc này hình như nhẹ nhàng hơn. Có thể có sự phân biệt tinh tế giữa lúc tự mình đặt bông hoa cho trả về với bãi cỏ và ở đây là mình đứng nhìn những bông hoa trong lọ giữa quấn quít khói trầm.
Viết vào sổ tang sau khi trở ra đến vườn.
Vĩnh biệt Đại tướng, ra khỏi cổng số 30, chúng tôi tìm cách qua đường để lấy xe. Người bạn dẫn chúng tôi đi “chen hàng” vào viếng Đại tướng nhận được chuông báo có tin nhắn. Anh mở ra đọc. Con trai Đại tướng nhắn cho bạn và trách yêu “Mày không bắt tay tao à?”. Thế đấy, cuộc đời thực vẫn cuồn cuộn chảy. Con người phải vui để mà sống, nói cho có vẻ công thức, để tiếp tục cuộc chiến đấu Đại tướng ra đi vẫn còn trao lại cho thế hệ sau.
Lời viếng của Đoàn Bauxite Việt Nam
Vui thì vẫn cứ vui, nhưng nghĩ đến chị bạn mới gặp người Thái Nguyên, nghĩ tới việc chính mình cũng chen hàng vào viếng Đại tướng, không thể không nghĩ thầm “Đại tướng ơi, nhà chúng ta đang ngập những rác, sao thầy vội đi?”.
Một người bạn chúng tôi đang đi bỗng nói bâng quơ: “Hè hè, bây giờ chắc là Trung ương đang mệt vì duyệt điếu văn đây…”.
Đó cũng là một nét ngồ ngộ vui vui trong những ngày tang tóc.
Hà Nội, 11 tháng 10 năm 2013
P. T.